08.05.2008
.
1902. Thành lập giáo phận Xứ Thanh (gồm Phát Diệm và Thanh Hoá từ giáo phận Tây Đàng Ngoài).
1909. (12-6) Ba linh mục của giáo phận Vinh bị mật thám Pháp bắt, đày đi Côn Đảo vì tham gia chống Pháp: Đậu Quang Lĩnh, Thư ký toà giám mục; Nguyễn Thần Đồng, quản xứ nhà thờ chính toà Vinh; Nguyễn Văn Tường, quản lý nhà chung Xã Đoài.
1913. (31-12) Thành lập Phủ doãn Tông toà Lạng Sơn, Cao Bằng; năm 1939 được nâng lên thành giáo phận Lạng Sơn.
1924. Từ ngày 3-12: tên gọi mới cho các giáo phận là tên của nơi đặt toà giám mục như giáo phận Hưng Hoá (thay vì Xứ Đoài), Phát Diệm (thay vì Xứ Thanh).
1925. (20-5) Lập toà Khâm sứ Toà Thánh tại Việt Nam (gồm cả Thái Lan, Cam Bốt và Ai Lao); trụ sở trước hết đặt tại Huế, (1951) dời ra Hà Nội và (1959) chuyển vào Sài Gòn.
1932. (18-1) Thành lập giáo phận Kontum.
(7-5) Thành lập giáo phận Thanh Hoá, tách từ giáo phận Phát Diệm.
1933. (11-6) Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, giám mục tiên khởi Việt Nam, được Đức Thánh Cha Pius XI tấn phong tại Đền thờ Thánh Phêrô, Vatican.
1934. Công đồng Đông Dương tiên khởi tại Hà Nội.
1935. (29-6) Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn, giám mục thứ hai của Việt Nam, được tấn phong.
1936. (9-3) Thành lập giáo phận Thái Bình.
1938. (8-1) Thành lập giáo phận Vĩnh Long do Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục đảm nhận.
1945. (19-8) Cách mạng Tháng Tám thành công.
(2-9) Tuyên ngôn độc lập và thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
(23-9) Nam Bộ kháng chiến.
1954. (21-7) Hiệp định đình chiến tại Genève chia đôi nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17; cuộc di cư của gần 1 triệu người miền Bắc vào miền Nam; các giáo phận miền Nam phát triển nhanh chóng.
1955. (20-9) Thành lập giáo phận Cần Thơ.
1957. (5-7) Thành lập giáo phận Nha Trang.
1959. (25-1) Đức Thánh Cha Gioan XXIII loan báo sẽ triệu tập Công đồng Vatican II.
1960. (24-11) Thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam; các giáo phận hiệu toà trở thành chính toà với 3 toà Tổng giám mục ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Thành lập các giáo phận Đà Lạt, Mỹ Tho và Long Xuyên.
1963. (18-1) Thành lập giáo phận Đà Nẵng.
1965. (14-10) Thành lập các giáo phận Phú Cường và Xuân Lộc.
1967. (22-6) Thành lập giáo phận Ban Mê Thuột.
1974. Tháng 10, Tgm phó Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn lần đầu tiên tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Truyền giáo và có dịp gặp các giám mục miền Nam Việt Nam.
1975. (31-1) Thành lập giáo phận Phan Thiết; miền Nam có tất cả 15 giáo phận.
(25-4) Toà Thánh bổ nhiệm Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận làm Tổng giám mục phó giáo phận Sài Gòn.
(30-4) Kết thúc chiến tranh, đi đến thống nhất đất nước.
(10-7) Báo Công giáo và Dân tộc ra mắt bạn đọc.
(27-7) Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 8, Đức Khâm sứ Toà Thánh Henri Lemaỵtre rời khỏi Việt Nam.
(15-11) Thống nhất đất nước: Từ 15 đến 21-11, Hội nghị Hiệp thương Thống nhất Tổ Quốc họp tại Dinh Độc Lập Sài Gòn.
(15-12) Hội đồng Giám mục miền Nam họp tại Trung tâm Công giáo.
(31-12) Thủ Tướng Phạm Văn Đồng tiếp phái đoàn Giám mục miền Bắc.
1976. (5-2) Tổng điều tra dân số: cả nước có 47.149.900 người.
(11-7) Thành phố Sài Gòn đổi tên là TP. Hồ Chí Minh. Tổng giáo phận Sài Gòn cũng đổi thành Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh (23-11-1976).
(14-12) Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần IV, đổi tên Đảng thành Đảng Cộng Sản Việt Nam và ông Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư.
1977. (2-5) Các giám mục Thành phố Hồ Chí Minh họp tại Trung tâm Công giáo.
(10-9) Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê và Tgm. Phaolô Nguyễn Văn Bình đi Roma tham dự Hội nghị các Giám mục Thế giới.
(11-11) Nhà nước ban hành Nghị quyết 297 về chính sách tôn giáo.
1979. (13-7) Thư ngỏ của các giám mục thuộc Tổng giáo phận TP. HCM gửi cho các tín hữu Công giáo trên thế giới về vấn đề di tản.
1980. (17-1) Lễ ra mắt Uỷ ban Vận động người Công giáo Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh. Và ngày 26-1 báo Công giáo và Dân tộc được quyết định trở thành cơ quan ngôn luận của Uỷ ban.
(24-4 đến 1-5) Đại Hội đồng Giám mục Việt Nam đầu tiên họp tại thủ đô Hà Nội. Hội đồng đã ra Thư Chung 1980 khẳng định đường hướng mục vụ: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
(17-6) Đoàn giám mục Việt Nam thứ nhất do Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn dẫn đầu đi «ad limina», đoàn thứ nhì do Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình dẫn đầu (9-9).
(18-12) Quốc hội khoá VI, kỳ họp thứ 7, thông qua hiến pháp mới của Việt Nam.
1981. (1-5) Hội đồng Giám mục họp thường niên tại Hà Nội.
1982. (10-5) Tgm. Phaolô Nguyễn Văn Bình và Giám mục Giuse Nguyễn Tùng Cương đi Mockba (Matxcơva) tham dự Hội nghị những nhà tôn giáo bảo vệ sự sống khỏi thảm hoạ hạt nhân, do Giáo hội Chính thống Nga tổ chức. Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã đọc tham luận trong Hội nghị.
1983. Từ ngày 6 đến 11-5. Đại Hội đồng các Giám mục Việt Nam lần II tại Hà Nội: gồm 29 tham dự viên, 1 hồng y, 2 tổng giám mục và 26 giám mục thuộc 24/25 giáo phận trên toàn quốc đến tham dự.
1984. (2-9) Báo Chính Nghĩa, cơ quan của Uỷ ban liên lạc Công giáo toàn quốc được đổi tên thành báo Người Công giáo Việt Nam và là cơ quan của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước Việt Nam, ra số đầu tiên tại Hà Nội ngày 2-9-1984.
1985. (6-3) Uỷ ban Vận động Công giáo TP. HCM đổi thành Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước TP. HCM, do lm. Võ Thành Trinh làm Chủ tịch.
1986. Từ 10 đến 18-5: Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Đại hội lần III tại Hà Nội. 28 giám mục tham dự bầu Ban Thường vụ mới của HĐGM Việt Nam.
(15-12) Đại hội Đảng Cộng sản toàn quốc lần VI tại Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư thay ông Trường Chinh; công cuộc đổi mới ở Việt Nam bắt đầu.
1987. (9-2) Đại chủng viện Thánh Giuse TP. HCM khai giảng trở lại sau 5 năm tạm ngưng.
(24-11) Đoàn đại biểu Giáo hội Chính Thống Nga thăm giáo phận TP. Hồ Chí Minh.
1988. (22-3) Quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm được Bộ Văn hoá công nhận là một công trình kiến trúc văn hoá quốc gia.
(19-6) Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên thánh cho 117 chứng nhân Việt Nam.
1989. (6-1) Đoàn đại diện Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ thăm Hà Nội và TP. HCM.
(27-3) Phó Tgm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đi Roma.
(1-4) Kết quả chính thức cuộc tổng điều tra dân số toàn quốc vào thời điểm 0 giờ ngày 1-4-1989: dân số Việt Nam là 64.318.352 người, trong đó có 31.318.352 nam (48,6%) và 33.093.316 nữ (51,4%); tỷ lệ tăng dân số bình quân 2,13% hằng năm.
(1-7) Hồng y Roger Etchegaray, đại diện Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thăm Việt Nam từ ngày 1 đến 13-7. Đây là lần đầu tiên, kể từ năm 1975, một viên chức cao cấp của Toà Thánh đến viếng thăm Giáo hội Việt Nam.
(6 đến 14-12) Hội đồng Giám mục Việt Nam họp tại Hà Nội; Hội đồng bầu Ban Thường vụ mới.
1990. (16-9) Bảy điểm giữ trẻ thuộc các dòng: MTG Thủ Thiêm, MTG Tân Việt, Phaolô, Bác Ái Vinh Sơn (Bình Thạnh và Quận 3), Đức Bà Truyền Giáo (Thủ Đức) và Nazareth (Phú Nhuận) lần đầu tiên kể từ 1975 được cấp giấy phép hoạt động.
(7-11) Phái đoàn Toà Thánh do Hồng y Etchegaray dẫn đầu gồm Đức ông Claudio Celli, Thứ trưởng Ngoại giao Vatican và Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, thuộc Bộ Truyền giáo, đến Việt Nam làm việc với Chính phủ Việt Nam.
(24-11) Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tiếp đoàn giám mục Việt Nam đi «ad limina» tại Vatican. Dịp này, ĐTC đã ngỏ lời với các thành phần Dân Chúa ở Việt Nam.
1991. (21-3) Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 69/HĐBT về một số chính sách đối với tôn giáo, thay thế Nghị quyết 297/CP.
(18-4) Viện Khoa học TP. HCM tái bản cuốn tự điển Việt Bồ La Annami-ticum Lusitanum-Latinum của Alexandre de Rhodes.
(28-8) Hồng y Bernard Law, Tgm giáo phận Boston, Hoa Kỳ, thăm Việt Nam.
(25-9) Mẹ Têrêxa Calcutta thăm Việt Nam.
(31-12) Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang khai giảng khoá I.
1992. (14-1) Phái đoàn Toà Thánh, do Đức ông Claudio Celli dẫn đầu, đến Hà Nội gặp Chính phủ Việt Nam.
(24-2) Ban Tôn giáo Chính phủ ra Thông tư số 02TT - TGCP để hướng dẫn thực hiện Nghị định 69 - HĐBT.
(15-4) Quốc hội khoá VIII thông qua hiến pháp mới của nước CHXHCN Việt Nam.
(23-6) Phái đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam, do ông Vũ Quang dẫn đầu, đi Roma để trao đổi với phái đoàn Toà Thánh.
1993. (1-2) Phái đoàn Toà Thánh, do Đức ông Claudio Celli dẫn đầu, sang Việt Nam.
(15-7) Thông báo 24/TBTGCP về những quyết định của Chính phủ gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam.
(18-10) Hội nghị Thường niên HĐGM VN họp lần đầu tiên tại TP. HCM.
1994. (1-1) Giáo phận TP. HCM khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 150 năm thành lập.
(27-2) Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói về một số vấn đề của Công giáo ở Việt Nam.
(13-8) Bản dịch Thánh Kinh mới do Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ được ấn hành.
1995. (25-9 đến 1-10) Hội đồng Giám mục Việt Nam họp lần thứ VI. Có 26 giám mục trong cả nước tham dự và bầu Ban Thường vụ mới.
1996. (17 đến 21-1) Phái đoàn Hội đồng Giám mục Pháp, do Tgm Joseph Duval, Chủ tịch, dẫn đầu sang thăm Việt Nam.
(11-4) Khánh thành Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang.
(12-4) Ban Thường vụ HĐGM VN họp ở Hà Nội, bàn về việc chuẩn bị Năm Thánh và phát hành Tập san Hiệp Thông.
(15 đến 28-4) Hội đồng Giám mục Việt Nam họp thường niên tại Hà Nội.
(14 đến 18-10) Phái đoàn Toà Thánh với Tgm Claudio Celli, Đức ông Celestino Migliore và Đức ông Nguyễn Văn Phương đến Việt Nam làm việc với Chính phủ.
1997. Chuẩn bị Năm Thánh 2000: chủ đề Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
(7 đến 11-10) Hội đồng Giám mục họp hằng năm, có 24 giám mục hiện diện.
1998. Chuẩn bị Năm Thánh 2000: Chúa Thánh Thần đổi mới địa cầu. Khai mạc Năm Toàn xá kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang tại Huế.
(19-4) Khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Á Châu ở Roma. Thượng Hội đồng này ảnh hưởng lớn đến Á Châu và Việt Nam trong nhiều năm tới. Có 8 giám mục Việt Nam tham dự.
(24-6) Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình.
(13 đến 15-8) Đại hội kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang ở Huế, quy tụ khoảng 150.000 người.
(11 đến 17-10) Hội đồng Giám mục họp thường niên, bầu Ban Thường vụ mới, nhiệm kỳ 1998-2001; mỗi tổng giáo phận có 1 linh mục trong Văn phòng Tổng Thư ký.
Tháng 12, Bản Tin Hiệp Thông của HĐGM VN ra số đầu tiên và chỉ phổ biến nội bộ cho các Đức cha và các vị có trách nhiệm.
1999. Chuẩn bị Năm Thánh: Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót.
(15 đến 19-3) Phái đoàn Toà Thánh đến thăm và làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ.
(19-4) Chính phủ ra Nghị định 26 về các hoạt động tôn giáo; nhiều tổ chức tôn giáo đã nêu ý kiến bất đồng.
(6-7 đến 10-8) Tgm Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn cùng 3 linh mục sang thăm Hoa Kỳ.
(13 đến 15-8) Lễ bế mạc Năm Toàn xá 200 năm Đức Mẹ La Vang và Đại hội hành hương lần thứ 25 tại Huế; có khoảng 300.000 người tham dự.
(26-8 đến 2-9) Phái đoàn Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ thăm Việt Nam. Phái đoàn do Đức Tgm J.A. Fiorenza, Chủ tịch, dẫn đầu.
(11 đến 17-10) Hội đồng Giám mục Việt Nam họp thường niên tại Nha Trang.
(26 đến 29-10) Toạ đàm về Chữ Hiếu do toà Tổng giám mục Huế tổ chức.
(25-12) 25 giáo phận cử hành lễ khai mạc Năm Thánh 2000. Mỗi giáo phận đều có các chương trình tổ chức Ngày Năm Thánh cho từng giới, từng thành phần của cộng đoàn Dân Chúa.
2000. Năm Thánh: Tôn vinh Chúa Ba Ngôi và sống Bí tích Thánh Thể.
Giáo hội Việt Nam hoà chung niềm vui với Giáo Hội toàn cầu và thế giới vui mừng bước vào năm 2000.
(3 đến 13-1) Đoàn giám mục Việt Nam dự Hội nghị lần VII của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu ở Samphran, Thái Lan.
(5-3) Thầy giảng Anrê Phú Yên, vị chứng nhân tiên khởi của Việt Nam (26-7-1644), được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong Chân phước tại quảng trường Thánh Phêrô, Roma.
(1 đến 2-5) Họp Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam ở Hà Nội.
(27-5) Tgm Jean Louis Tauran, Ngoại trưởng Toà Thánh, làm việc với ông Nguyễn Dy Niên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại Roma, về những vấn đề có liên quan giữa Toà Thánh và Việt Nam.
- Đoàn Giới trẻ Công giáo Việt Nam tham dự Đại hội Quốc tế giới trẻ ở Roma.
(2 đến 7-10) Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Đại hội Thường niên tại Hà Nội. Các giám mục đã gửi thư mục vụ mời gọi toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam tích cực sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng. HĐGMVN quyết định tổ chức lạc quyên trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm để lập quỹ dự phòng cứu trợ thiên tai và dự định mở rộng hoạt động với một số Uỷ ban giám mục mới như: Giáo lý, Bác ái Xã hội, Văn hoá và Phúc Âm hoá.
(23 đến 27-10) Toạ đàm về Một số vấn đề về Văn hoá Công giáo Việt Nam từ khởi thuỷ đến đầu thế kỷ XX do Uỷ ban Giám mục về Giáo dân tổ chức tại toà Tổng giám mục Huế.
2001. (10 đến 12-6) Họp Ban Thường vụ HĐGM VN. Ban Thường vụ làm việc với Phái đoàn Toà Thánh.
(16 đến 22-9) Đại hội lần VIII của HĐGM VN họp tại Hà Nội. Đại hội bầu Ban Thường vụ mới và các Chủ tịch Uỷ ban Giám mục cho nhiệm kỳ 2001-2004.
(25-9) 4 giám mục Việt Nam tham dự Thượng HĐGM Thế giới tại Roma.
(29-12) Các giám mục trong Ban Thường vụ mới và Chủ tịch các Uỷ ban Giám mục họp phiên bất thường và gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ tại Hà Nội.
2002. (14 đến 23-1) Đoàn giám mục Việt Nam đi “ad limina” gồm 28 vị.
(4 đến 11-7) Phái đoàn HĐGM VN thăm hữu nghị HĐGM Philippines. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên một Giáo hội nước ngoài.
(18 đến 28-7) Đoàn Giới trẻ Công giáo Việt Nam tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Toronto, Canada.
(16-9) Đức Hồng y P.X. Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Công lý và Hoà bình, từ trần tại Roma. Thánh lễ an táng do chính Đức Thánh Cha chủ sự.
(7 đến 11-10) HĐGM VN họp Hội nghị Thường niên lần XXIII tại Hà Nội.
2003. (6-1) Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ phong chức giám mục cho Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Tân Sứ thần Toà Thánh tại Togo và Benin (châu Phi). Đây là vị Sứ thần Toà Thánh đầu tiên người Việt Nam.
(22 đến 26-1) Đoàn đại biểu Việt Nam gồm 6 tổng giám mục và giám mục, 3 linh mục và 23 giáo dân tham dự Hội nghị Quốc tế về Gia đình lần IV được tổ chức tại Manila, Philippines.
(11-6) Lễ tấn phong Giám mục Dom. Mai Thanh Lương, giám mục phụ tá giáo phận Orange, California, Hoa Kỳ. Đây là vị giám mục Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ.
(6 đến 11-10) Hội nghị Thường niên lần XXIV của HĐGM VN họp tại Bãi Dâu, Vũng Tàu.
(21-10) Đức Thánh Cha phong Hồng y cho Đức cha G.B. Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục giáo phận TP. HCM.
(7 đến 14-11): Phái đoàn HĐGM VN thăm hữu nghị HĐGM Hoa Kỳ. Đôi bên nâng cao tình hiệp thông và liên đới.
2004. (15-6) Văn phòng Tổng Thư ký HĐGM VN xuất bản cuốn Niên Giám Giáo hội Công giáo Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm gián đoạn, kể từ năm 1964.
(tháng 8) Đoàn đại biểu HĐGM VN tham dự Đại hội Liên Hội đồng Giám mục châu Á lần VIII tại Hàn Quốc, với chủ đề Gia đình châu Á hướng về nền văn hoá sự sống toàn diện. Đây cũng là mục vụ thăng tiến gia đình của HĐGM VN trong 4 năm (2004-2008) để hoà nhập với cộng đồng Giáo hội châu Á.
(27-9 đến 1-10) Đại hội lần IX của HĐGM VN diễn ra tại Hà Nội. Đại hội tổng kết Năm Thánh Truyền giáo và bắt đầu Năm Thánh Thể.
(tháng 10) Dân số Việt Nam đạt mức kỷ lục (82 triệu người) mở ra cho Giáo hội Việt Nam nhiều vấn đề về gia đình.