24.11.2008
.
LƯỢC SỬ
GIÁO PHẬN VINH
Tin Mừng đến đất Việt
Giáo hội Việt Nam lấy thời điểm năm 1533 như là mốc đầu tiên Tin Mừng đến trên quê hương Việt Nam, dựa theo sử liệu của nhà Nguyễn được viết trong sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục. Tuy nhiên, hoạt động truyền giáo đúng nghĩa chỉ được thực sự khởi đầu ở Việt Nam năm 1615 tại Đàng Trong, năm 1627 tại Đàng Ngoài, và riêng tại giáo phận Vinh, từ năm 1629.
Địa lý hành chính Giáo phận Vinh
Giáo phận Vinh nằm trên khu vực địa lý hầu như không thay đổi từ ngày thành lập đến nay, bao gồm tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và phía Bắc của tỉnh Quảng Bình, với tổng diện tích 30.783 km2. (hiện nay giáo phận Vinh thuộc trọn ba tỉnh: Nghệ-Tĩnh-Bình). Tên gọi giáo phận Vinh mới chính thức có từ năm 1924. Trước đó, từ khi thành lập, được mang danh là địa phận Nam Đàng Ngoài. Còn trước đó nữa là một phần của địa phận Tây Đàng Ngoài và là phần cực Nam của Miền Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài.
Có thể chia lịch sử hình thành và phát triển của Giáo phận Vinh thành những thời kỳ như sau :
- Thời kỳ khai phá của các thừa sai Dòng Tên (1629 - 1663)
- Thời kỳ hình thành các Đại diện Tông tòa (1663 - 1846)
- Thời kỳ thử thách (1846 - 1885)
- Thời kỳ phát triển (1885 - 1945)
- Thời kỳ cận đại (1945 đến nay).
I. THỜI KỲ KHAI PHÁ
DO CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN
(1629-1663)
DO CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN
(1629-1663)
Khai sinh giáo đoàn Đàng Ngoài
Tháng 2-1629, linh mục Julien Baldinotti cùng với một trợ sĩ người Nhật lên tàu buôn tại Macao trực chỉ Đàng Ngoài. Sau 36 ngày lênh đênh trên biển, các vị đến Thăng Long và được nhà cầm quyền đón tiếp. Nhưng vì không biết tiếng địa phương nên cha Baldinotti phải từ chối và theo tàu về lại Macao tháng 8 năm đó.
Nhận thấy những triển vọng tốt đẹp cho công cuộc truyền giáo ở vùng đất này, cha Baldinotti liền thúc dục Bề trên Dòng Tên tại Macao gửi thừa sai đến Đàng Ngoài. Nhờ được một thương gia giúp đỡ, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) và cha Pedro Marquez lên tàu từ Macao ngày 12-3-1627 và đúng ngày lễ Thánh Giuse, ngày 19-3-1627, hai vị đặt chân lên Cửa Bạng, Thanh Hóa. Vì cả hai thừa sai này, đặc biệt cha Đắc Lộ, đã từng họat động ở Đàng Trong, khá am hiểu phong tục và tiếng Việt nên ngay khi mới đặt chân lên bờ, cha Đắc Lộ đã bắt đầu rao giảng “Đạo Chúa Trời đất” và “có hai người rất thông minh nhất quyết xin chịu phép rửa tội. Tôi đã rửa tội cho họ sau đó ít lâu cùng tất cả gia đình”. Như vậy, giáo đoàn Đàng Ngoài chính thức được khai sinh.
Những hoa quả đầu tiên tại Giáo phận Vinh
Trong hai năm đầu, cha Đắc Lộ và cha Marquez hoạt động ở Thanh Hóa, Ninh Bình và Thăng Long. Cuối tháng 3-1629, khi bị chúa Trịnh Tráng trục xuất, hai vị bị dẫn độ theo đường bộ vào Quảng Bình để tống xuất vào Đàng Trong, họ mới có cơ hội giảng đạo trên phần đất giáo phận Vinh ngày nay. Nhờ có tài thuyết phục, hai vị không bị tống xuất vào Đàng Trong mà được phép ở lại để tự tìm phương tiện trở lại Macao. Với thời gian chưa đầy bảy tháng, khi ở trên bộ, lúc ở trên thuyền, trên đường từ Nghệ An, qua Hà Tĩnh, vào Bố Chính, hoặc ngược lại, từ Bố Chính quay lại Nghệ An, cha Đắc Lộ đã tận dụng mọi cơ hội để rao truyền Đạo Chúa và rửa tội cho lương dân. Trước hết là 24 thủy thủ, kể cả thuyền trưởng (trên tổng số 36 người áp giải hai vị thừa sai). Kế đó là 25 người tại Bố Chính, trong đó có một ông Cử rất thông Hán học. Rồi tại quê nhà của “hai giáo dân sốt sắng là Phêrô và Anrê” (cha Đắc Lộ không nói rõ là đâu nhưng có thể là tại Cửa Lò hay Cửa Sót) với 112 tân tòng. Và cuối cùng là mẻ cá lớn với 600 tín hữu tại vùng “Cửa Rum” (có thể là tại Cửa Hội, thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc ngày nay ?). Tất cả những hạt giống đức tin này, tuy được gieo vãi trong vội vàng, nhưng đã nhanh chóng lớn mạnh và trở thành nòng cốt cho Giáo hội tại miền Nghệ-Tĩnh-Bình sau này.
Các thừa sai Dòng Tên tiếp nối
Ngày 27-10-1629, cha Đắc Lộ và cha Marquez lên tàu Bồ Đào Nha tại “Cửa Chúa” (tức Cửa Quèn hay Cửa Cờn ?) về lại Thăng Long và bị chúa Trịnh trục xuất phải rời Đàng Ngoài tháng 5-1630. Tháng 3-1631, ba thừa sai Dòng Tên tới Thăng Long. Đến tháng 10, thêm hai vị khác đến, trong đó có cha Jerome Majorica được cử đi Nghệ An. Đây là vị thừa sai có đóng góp lớn vào văn hóa Việt Nam qua việc biên sọan 48 cuốn sách đủ loại. Ngài cũng là vị thừa sai ở Nghệ An lâu nhất, từ đầu năm 1632 đến khi qua đời tại Thăng Long ngày 27-1-1656 và là người có công lớn trong việc gầy dựng Giáo hội tại đây. Tuy có các lệnh cấm đạo cuối năm 1632, năm 1643 và năm 1649 của chúa Trịnh, nhưng họat động truyền giáo tại Nghệ An vẫn tiến triển tốt đẹp: năm 1639, tại Nghệ An đã có 70 làng đón nhận đức tin; còn theo phúc trình ngày13-10-1647 sau cuộc kinh lý tại vùng này, linh mục Jean Cabral ghi nhận rằng: “Ở Nghệ An, có 53 nhà thờ, không kể các nhà nguyện tư là nơi giáo hữu tới cầu nguyện”. Một tài liệu khác cho hay năm 1653, Nghệ An có 70 nhà thờ với 40.000 giáo dân.
II. THỜI KỲ HÌNH THÀNH
CÁC ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA
CÁC ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA
Ngày 9-9-1659, Đức giáo hoàng Alexandre VII thiết lập hai miền Đại diện Tông tòa là Đàng Ngoài, giao cho Đức cha Francois Pallu, và Đàng Trong, giao cho Đức cha Lambert de la Motte. Cả hai vị đều thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) và mới được bổ nhiệm Giám mục trước đó, (ngày 29-7-1658). Đức Cha Pallu đã không thể tới nhiệm sở của mình. Vị Tổng Đại diện của ngài, linh mục Francois Deydier tới Đàng Ngoài cuối tháng 8-1666. Vào cuối năm 1669, Đức Cha Lambert de la Motte đã tới Đàng Ngoài và đầu năm 1670, ngài đã phong chức linh mục cho 7 thầy giảng, trong đó, Cha Mactinô Mật và Lêô Trông được cử vào phụ trách miền Nghệ-Tĩnh-Bình.
Năm 1678, Tòa Thánh phân chia Đàng Ngoài thành hai địa phận : Đông Đàng Ngoài và Tây Đàng Ngoài. Vinh thuộc Tây Đàng Ngoài.
Nghệ-Tĩnh-Bình là một vùng truyền giáo quan trọng và được chọn làm những nơi cư trú của Đại diện Tông tòa. Năm 1682, thừa sai đầu tiên của Hội Truyền giáo Paris là linh mục Jean Louis Sarrante tới họat động ở Nghệ An và từ thời điểm đó cho tới khi thành lập giáo phận Vinh (1846), trừ một vài ngắt quãng ngắn, luôn có sự hiện diện của các thừa sai Pháp, gồm 13 vị, trong đó, có 5 vị là Giám mục Đại Diện Tông Toà hay Giám mục phó, như Đức Cha Bélot (1713 - 1717, mất tại Tràng Đen); Đức Cha Guisain (1718 -1723, qua đời tại Tràng Đen); Đức Cha Phó Deveaux (1752 - 1756, mất tại Thọ Kỳ); Đức Cha Phó Charles de La Mothe (tên Việt là Hậu), thụ phong Giám mục năm 1796, dời Tòa Giám mục từ Tràng Đen về Thọ Kỳ, qua đời tại Kẻ Trầu (Lưu Mỹ) năm 1816 và được an táng trong nhà thờ Thọ Kỳ; Đức Cha Phó Jean Jacques Guerard (tên việt là Đoan), từ năm 1816 đến 1823, qua đời và được an táng trong nhà thờ Thọ Kỳ.
Hoạt động truyền giáo tại Nghệ-Tĩnh-Bình trong suốt thời gian này còn có sự cộng tác đắc lực của các linh mục người Việt, mà hai vị đầu tiên là Mactin Mật và Lêô Trông (1670). Sau đó có thời gian chỉ có 1 hay 2 vị, cũng có lúc hơn 10 vị như dưới thời thừa sai Savary (1764-1783) hay có lúc khoảng 30 vị như năm 1833. Ngoài ra, từ khi trở lại Việt Nam (1669), các thừa sai Dòng Tên cũng đã hoạt động tại vùng Nghệ-Tĩnh-Bình là những nơi mà các vị thừa sai ban đầu (đặc biệt là Đắc lộ và Majorica) đã khai phá và thiết lập. Tiếc rằng có sự “tranh cãi” giữa các thừa sai Dòng Tên với các thừa sai Hội Truyền Giáo Paris, và các thừa sai Dòng Tên đã bị Tòa Thánh triệu hồi năm 1680, nhưng do nhu cầu mục vụ, được quay lại từ năm 1692.
III. THỜI KỲ THỬ THÁCH
Trong thử thách và cấm cách
Từ lúc khởi đầu đón nhận Tin Mừng (1629) cho đến ngày thành lập (1846), giáo phận Vinh luôn ở trong tình thế khó khăn, cấm cách. Tuy có lệnh của triều đình, nhưng việc cấm cách cũng không đến nỗi gắt gao, chủ yếu là những sách nhiễu của địa phương hơn là những truy nã thực sự theo lệnh trên. Đến thời vua Gia Long (1802-1820) và những năm đầu của vua Minh Mạng (1821-1832), đạo Công giáo được phép hoạt động tự do. Nhưng từ đầu năm 1833, vua Minh Mạng ra sắc chỉ truyền tập trung tất cả các thừa sai nước ngoài về kinh đô và tất cả các linh mục Việt Nam về tỉnh đường; triệt hạ tất cả các nhà thờ, nhà nguyện; triệu tập tất cả tín hữu lên huyện đường bắt khóa quá, bỏ đạo. Thời gian này, giáo phận Vinh đã có nhiều chứng nhân hy sinh, trong đó có 6 Thánh Tử đạo đầu tiên: Linh mục Phêrô Lê Tùy (trảm quyết ngày 11-10-1833), Đức cha Borie (Cao) và hai linh mục Phêrô Vũ Đăng Khoa và Phêrô Nguyễn Thời Điểm bị hành quyết ngày 24-4-1838; Thầy giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự bị xử giảo ngày 10-7-1840. Sau khi vua Minh Mạng mất (21-1-1841), vua Thiệu Trị tiếp tục cấm đạo và giáo phận Vinh có thêm một Thánh Tử đạo là linh mục Phêrô Hoàng Khanh bị xử trảm ngày 12-7-1842.
Tuy bị bách hại nhưng giáo phận Vinh không ngừng phát triển và phát triển tới mức có thể trở thành một giáo phận. Theo báo cáo ngày 27-3-1839 của Giám mục Đại diện Tông toà Retord (Liêu), số tín hữu công giáo Nghệ-Tĩnh-Bình đã lên tới 63.981 người, gồm 45.334 ở Nghệ An và Hà Tĩnh; và 17.617 ở Bắc Quảng Bình.
Giáo phận được thành lập
Với số giáo dân đông đảo như trên, chiếm hơn 1/3 tổng số giáo dân của giáo phận Tây Đàng Ngoài, Đức cha Retord (Liêu), trong phúc trình ngày 8-8-1844, đã xin Tòa Thánh lập một giáo phận mới. “Bởi vì tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh cùng với huyện quen gọi là Bố Chính là nơi có ít nhất 60.000 giáo hữu có thể làm thành một địa phận rất thuận lợi, gọi là địa phận Nam Đàng Ngoài”. Đề nghị này được Tòa thánh chấp thuận và ngày 27-3-1846, Đức Thánh Cha Grêgôriô XVI đã ký sắc lệnh thành lập Địa phận Nam Đàng Ngoài, đồng thời bổ nhiệm Đức giám mục phó Tây Đàng Ngoài là Gauthier (Ngô Gia Hậu) làm Đại Diện Tông Toà địa phận mới.
Đức Cha Hậu sinh năm 1810, thụ phong linh mục năm 1834, được tấn phong giám mục phó Tây Đàng Ngoài ngày 06-2-1842 khi mới 37 tuổi. Ngài đến nhận nhiệm sở Xã Đoài ngày 15-2-1847. Vào thời điểm này, giáo phận Vinh có khoảng 64.000 giáo hữu, 5 thừa sai Pháp và 30 linh mục bản quốc. Dưới thời Đức cha Hậu, giáo phận tiếp tục phát triển. Năm 1853, số “giáo hạt” đã tăng lên con số 21 (so với trước chỉ có 18), khoảng 465 “giáo xứ”, giáo họ với 45 linh mục người Việt. Trong phúc trình năm 1853, Đức Cha Hâu viết: “Hiện có 2 chủng viện để dạy cho 85 thanh niên tiếng La tinh…Tôi cũng đã gửi 20 thanh niên khác sang chủng viện Pulo-Pinang học”. Từ năm 1868-1869, với sự trợ giúp đắc lực của Ông Nguyễn Trường Tộ, Đức Cha xây dựng cơ sở Tòa Giám Mục tại Xã Đoài.
Tiếp nối một thời cấm cách đau thương
Giáo phận mới thành lập, và tình hình chính trị biến động khiến cho người Công giáo lại bị một phen khốn đốn do bị bách hại. Ngày 1-9-1858, quân Pháp bắn phá Đà Nẵng… Thiệu Trị ban hành chỉ dụ chống Công giáo, Đức Cha Hậu phải tạm ngưng các cuộc kinh lý và tìm nơi ẩn trốn. Triều đình ra lệnh cấm cách gắt gao, truy nã các thừa sai và đạo trưởng. Các quan lại và lương dân địa phương nhiệt tình thực hiện các mệnh lệnh, nên trong số 42 linh mục người Việt đang hoạt động, có 20 vị bị bắt và hy sinh (18 vị bị trảm quyết, 2 vị chết trong tù. Tất cả những vị này đều đã được lập hồ sơ xin phong chân phước). Phần giáo hữu cũng không được yên thân: các chức việc trong họ đạo (600 ông Trùm trưởng) và trai tráng bị tập trung, quản chế. Đau thương nhất là tất cả các giáo hữu, bất kể già trẻ, trai gái đều bị “đóng dấu” (thích chữ “tả đạo” vào má trái, còn má phải thì thích tên địa phương họ bị chỉ định cư trú), sau đó đem đi phân tháp: vợ chồng bị chia lìa, con cái tách rời khỏi cha mẹ và được đưa đến cư ngụ trong các làng lương dân. Các làng Công giáo bị triệt hạ nhà cửa; tài sản, ruộng vườn được chia cho các làng lân cận.
Trong một văn bản gửi Trần Tiến Thành và Phạm Phú Thứ, ngày 4-6-1866, Nguyễn Trường Tộ viết: “Hiện nay ở tỉnh Nghệ An, tình hình lương giáo lòng đang sôi sục. Một bên nói không thể nào chung sống, phải giết cho tiệt mới thôi. Một bên nói con thú mà bị khốn quẫn còn cắn càn, huống chi là con người ! Nếu bên kia không để cho cùng sinh cùng dưỡng, thì bên này cũng không để bó tay chịu trói”.
Ngày 07 tháng 6 năm 1868, tình hình xem ra yên ổn một chút, Đức Cha Hậu trở về Nghệ An và cử hành trọng thể lễ phong chức cho Cố Hoà (Croc) làm giám mục phó. Sau khi tham dự Công Đồng Vatican I (1870), Đức Cha Hoà trở về và trấn nhiệm tại Bố Chính.
Trong thư ngày 7-12-1874, Đức Cha Ngô Gia Hậu cho biết ở Nghệ Tĩnh có 23.190 giáo hữu có nhà cửa bị đốt, 2.058 người bị tàn sát và 1.343 người bị chết đói. Vài con số đối chiếu: Đông Thành toàn làng bị đốt (3.500 người bị mất nhà), 622 người bị sát hại và 158 người chết đói. Quỳnh Lưu: 3.000 // 415 // 145, Nam Đường: 2.000 // 189 // 161, Hương Sơn: 2.500 // 215 // 200; ở Thanh Xuyên (Thanh Chương?) có 6.000 người không còn nhà cửa…).
Sau khi Đức Cha Hậu qua đời ngày 8-12-1877, Đức Cha Hoà kế nhiệm. Vị tân Đại diện Tông toà đã có 24 năm kinh nghiệm truyền giáo và 10 năm làm giám mục phó nay phải đương đầu với những nạn đói lớn và phong trào Văn Thân. Theo báo cáo của thừa sai Thanh, thì do vụ mùa năm 1877 thất thu, từ đó nạn đói mỗi ngày một gia tăng và số người chết không đếm nổi. Năm 1879 thừa sai Phê viết: “Tại Đông Thành có hơn 500 người chết đói”. Ngày 19-3-1879 Đức Cha Hoà viết: “Trong số 70.000 giáo dân của chúng tôi, có 50.000 ở trong tình trạng thiếu thốn trầm trọng. Hiện nay trong mỗi làng đều có người chết vì đói, và số người chết ngày càng tăng”. Còn thừa sai Bình từ Hướng Phương viết như sau: “…Ngày nay Bình Chính chỉ còn là một ngôi mộ lớn mỗi ngày ngốn hàng chục, hàng trăm nạn nhân. Theo trí nhớ của loài người thì chưa bao giờ có một nạn đói khủng khiếp như thế”.
Năm 1884, Đức Cha Hoà vì kệt sức, phải sang Hồng Kông dưỡng bệnh và ngài đã qua đời tại đó ngày 10.10.1885.
Ngày 5-11-1885 thừa sai Thanh (Frichot) quyền Đại diện Tông Toà ở Xã Đoài viết: “Hiện nay, giáo phận Vinh chúng tôi hoàn toàn nằm trong khói lửa, các Văn Thân từ một tháng nay nổi lên khắp nơi, một số làng công giáo bị hoả thiêu…”. Thống kê thiệt hại của giáo phận Vinh sau những biến cố đau thương của năm 1885-1886 như sau : “Hai trăm sáu mươi bốn, trên tổng số 428 giáo họ bị triệt phá và thiêu huỷ hoàn toàn cùng với 160 nhà thờ. Số giáo hữu bị tàn sát là 4.779 người…”.
Ngày 24-10-1886, thừa sai Trị (Pineau) được tấn phong giám mục và ngài đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
IV. GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
(1886-1945)
Cuối năm 1886 Đức Cha Trị viết: “Máu của các tín hữu chúng ta đổ lan tràn từ một năm nay đã làm cho vùng đất thấm máu này trở nên trù phú. Hai làng ngoại, Hòa Luật và Đông Di, lúc xáo trộn, đã cắt cổ ít nhất 1.100 giáo hữu, hôm nay xin chịu phép rửa”. Hàng năm, có hơn 1.000 người lớn theo đạo, có những năm hơn 5.000 người. Từ năm 1886 cho đến năm 1899, số giáo hữu đã tăng từ 68.000 người lên 116.171 người. Số nhà thờ từ 140 tăng lên 390. Từ năm 1900, số người theo đạo có giảm sút. Năm 1902-1903 Đức Cha Trị viết: “Những cuộc trở lại, khốn thay ngày càng khó khăn. Lối sống của Châu Âu càng ngày càng đâm rễ sâu trong xứ này, sự thờ ơ tôn giáo gia tăng…”.
Sau hơn 23 năm làm giám mục Đại diện Tông toà, Đức Cha Trị đã gặp rất nhiều khó khăn gian khổ. Tuy không còn cấm cách bách hại, nhưng phải xây dựng từ điêu tàn do hậu quả của những năm trước, rồi mất mùa, đói kém… 23 năm giám mục của Đức Cha Trị là 23 năm đầu của thời kỳ Pháp thuộc. Đức Cha rất xót xa khi thấy cảnh lầm than của dân chúng do sưu cao thuế nặng. Rồi thời rối rắm lại đến…tháng 6 năm 1909, Đức Cha Trị bị triệu hồi về Pháp và tháng 6 năm 1910, khi tàu vừa tới cảng Marseilles, Đức Cha đã phải ký vào đơn xin từ chức do người ta đã viết sẵn. Dưới thời ngài, số tín hữu đã tăng gấp đôi: đầu năm 1886 là 60.000, cuối năm 1909 tăng lên 142.404.
Sau khi Đức Cha Trị rời giáo phận Vinh, Đức Cha Đông (Gendreau) tại Hà Nội kiêm giám quản tông Toà địa phận Nam. Giữa những phức tạp, rối ren…, ngày 09.2.1911 Toà thánh bổ nhiệm thừa sai Thọ (Belleville), quản hạt Bình Chính làm giám mục địa phận Nam, nhưng mãi tới ngày 24.4.1911 ngài mới trả lời xin nhận nhiệm vụ “vì Đức Cha Đông nài nỉ và theo sự phán đoán của các đồng sự sáng suốt”. Công việc đầu tiên của vị tân giám mục là kêu gọi các linh mục và giáo hữu toàn giáo phận góp tiền của và công sức để xây dựng Đại Chủng Viện. Nhưng chỉ sau hơn 1 năm được tấn phong và sau vài lần đi viếng thăm mục vụ, ngài đột ngột qua đời ngày 7.7.1912.
“Cố Đoài (Abgrall) nắm quyền Đại diện Tông toà và đối với người Pháp, ngài là ứng viên giám mục sáng giá của giáo phận Nam, nhưng ngày 11.12.1912 Toà Thánh bổ nhiệm cố Bắc (Eloy) làm giám mục Đại diện Tông toà của giáo phận”. Đức Cha Bắc, người có quá trình hoạt động lâu dài tại giáo phận Vinh: 18 năm linh mục thừa sai, 35 năm giám mục Đại diện Tông toà. Dưới thời ngài cơ sở vật chất được xây mới rất nhiều. Ngài đã phong chức hơn 200 linh mục, thành lập thêm 65 xứ. Số giáo hữu ngày một đông hơn: năm 1920 là 124.000 người với 492 nhà thờ, nhà nguyện; năm 1940 là 167.469 người với 741 nhà thờ, nhà nguyện.
Về nhân sự truyền giáo và họat động mục vụ trong thời gian này, phía các thừa sai Pháp, con số luôn khá ổn định, từ 1891 đến 1918, luôn có hơn 30 thừa sai Pháp, có lúc tăng đến con số cao nhất là 39 vị năm 1924. Còn sau thời điểm này, hầu như luôn ở mức dưới 30 vị, ít nhất cũng có 23 vị. Phần các linh mục Việt Nam thì ngày càng gia tăng. Năm 1886 có 53 vị, năm 1900 có 68 vị, từ năm 1913 đã vượt ngưỡng con số 100 với 107 vị, năm 1925 có 155 vị và năm 1940 giáo phận Vinh có 186 linh mục Việt Nam.
Riêng nhà thờ Chính tòa được khởi công dưới thời Đức cha Trị và được khánh thành năm 1892, cũng là năm giáo phận Vinh được dâng hiến cho Đức Mẹ và nhận Đức Mẹ Lên Trời làm Bổn mạng.
Về các dòng tu trong giáo phận, ngoài Dòng Mến Thánh Giá đã có từ trước. Từ năm 1930, giáo phận Vinh mới có thêm một dòng tu và là dòng duy nhất và đều thuộc Hội Dòng Phan Sinh là Dòng Phanxicô (các Cha Dòng Nhất), Dòng Thánh Clara (Dòng Nhì , năm 1935) và Dòng Phan Sinh (Dòng Ba, năm 1936). Hơn 100 trường học, phần lớn là sơ cấp và tiểu học, với khoảng 5.000 học sinh. Các trường được xây dựng tại các giáo xứ.
Nhìn chung, giáo phận Vinh đã phát triển khá ổn định và khá vững vàng trong thời kỳ 1885-1945, như các số liệu so sánh sau đây cho thấy :
Năm Giáo hữu Giáo họ Giáo xứ Linh mục
1885 73.483 445 37 59
1945 180.622 545 147 198
Về người dân Nghệ- Tĩnh - Bình, Cố Đoài, sau một thời gian dài truyền giáo tại giáo phận Nam, đã đánh giá: “Những người dân ở đây luôn đi đầu trong nổi loạn và đi sau cùng khi phải đầu hàng”.
V. THỜI KỲ CẬN ĐẠI
Một giai đoạn bất ổn
Cuộc Cách mạng Mùa Thu 1945, rồi 9 năm kháng chiến và với Hiệp định Genève (20-7-1954), người Pháp rút khỏi Đông Dương, đất nước bị chia cắt thành hai miền, giáo phận Vinh thuộc miền Bắc, do những người Cộng sản nắm quyền. Người Công giáo nói chung rơi vào hoàn cảnh bất ổn, một phần vì những khác biệt trong ý thức hệ, phần khác vì những hệ lụy của lịch sử quá khứ để lại. Những đối tượng đầu tiên gánh hậu quả là các thừa sai: cuối tháng 8-1945, tất cả 19 linh mục Pháp và Đức cha Bắc đều bị tập trung về Vinh; sau đó, một số trở về Pháp, số khác vào phía Nam. Riêng Đức cha Bắc, vì tuổi già sức yếu, được ở lại Tòa giám mục Xã Đoài và ngài qua đời tại đây ngày 30-7-1947.
Tình hình mới đã buộc hàng giáo sĩ địa phương đứng ra đảm nhận trách vụ điều hành giáo phận. Ngày 31-7-1950, Tòa Thánh đã bổ nhiệm cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức làm Giám quản Tông tòa giáo phận, và ngày 19-8-1951 bổ nhiệm ngài làm Giám mục Đại diện Tông tòa. Vị giám mục người Việt tiên khởi của giáo phận Vinh phải đối mặt với những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua: cấm đoán, bắt bớ, tù đày... Trong bối cảnh đó nhiều người Công giáo Vinh, kể cả linh mục và tu sĩ, đã lên đường di cư vào Nam. Hội Dòng Phanxicô cũng đã lần lượt rời khỏi Vinh.
Nhìn chung, so sánh với các giáo phận khác ở miền Bắc, số người Công giáo Vinh di cư chiếm tỷ lệ không nhiều. Tuy vậy, đó cũng là một cuộc “chảy máu nội lực”. Sau di cư là những căng thẳng do cải cách ruộng đất. Rồi trước thực tế không thể nào khác, người Công giáo phải chấp nhận sống trong tình thế thường được gọi là “Giáo hội thầm lặng”. Một “Giáo hội thầm lặng” nhưng luôn luôn sống dưới sự dẫn dắt của Đức Cha Trần Hữu Đức, vị giám mục mà theo ông Nguyễn Thế Thoại - một nhân sỹ công giáo Huế đã sống gần ngài, đã viết: “Đức tính của ngài hiền từ, khiêm tốn, nhã nhặn…và tất cả những ai tiếp xúc với ngài đều không thể quên được dung mạo, cử chỉ, ngôn ngữ của ngài phát ra những đức tính siêu phàm của Phúc Âm: thật thà mà khôn ngoan, ôn tồn mà cứng rắn, dịu dàng mà can đảm, hiền hậu mà kiên quyết, luôn bình tĩnh trước phong ba và thản nhiên trong đau khổ…”
Năm 1960, khi hàng Giáo phẩm Việt Nam được thành lập, Vinh trở thành giáo phận Chính tòa. Ngày 15.3.1963, cha Phaolô Nguyễn Đình Nhiên được tấn phong giám mục phó và vẫn ở Đại Chủng Viện với nhiệm vụ là giám đốc. Trong trận bom Mỹ ném xuống khu vực Nhà Chung Xã Đoài, Đức Cha Nhiên bị trọng thương và qua đời ngày 24.3.1969. Đức Cha Trần Hữu Đức tiếp tục lèo lái con thuyền giáo phận cho tới ngày Chúa gọi về, ngày 8.1.1971.
Ngày 15.3.1971, cha Phêrô Nguyễn Năng được tấn phong giám mục giáo phận Vinh. Ngài lãnh đạo giáo phận trong thời gian 8 năm. Trước những khó khăn chồng chất, chiến tranh, đổ nát điêu tàn, cấm đoán…Đức Cha chưa thể làm được gì nhiều. Ngài vừa khởi công xây dựng lại nhà thờ Chính toà thì đã phải ra đi đột ngột vào ngày 6.7.1978, hưởng thọ 68 tuổi. Và cha quản lý Phaolô Cao Đình Thuyên tiếp tục công việc này.
Dù giữa muôn vàn khó khăn gian khổ, nhưng Giáo phận vẫn luôn phát triển nhờ sự hiện diện của các giám mục kế tiếp nhau và sự cộng tác tích cực của các linh mục. Tiểu chủng viện Xã Đoài vẫn liên tục hoạt động từ năm 1948 đến năm 1968 là năm nhà trường bị bom Mỹ đánh sập. Còn Đại chủng viện Xã Đoài vẫn tiếp tục đào tạo các chủng sinh từ tháng 2-1952 cho tới năm 1981. Từ năm 1954 đến năm 1975, giáo phận Vinh có thêm hơn 50 linh mục và luôn là giáo phận có đội ngũ linh mục đông đảo nhất ở miền Bắc.
Ngày 4.3.1979 Cha Phêrô Trần Xuân Hạp, quản hạt Bình Chính được tấn phong giám mục tại Xã Đoài trong một cuộc lễ trang trọng, tưng bừng khó quên, vì dịp này giáo phận khánh thành Nhà thờ Chính toà. Cố gắng đầu tiên của Đức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp là làm cho Đại Chủng Viện được hồi sinh vào năm 1988. Giáo phận Vinh đang nhìn về tương lai đầy hy vọng. Năm 1990 sau khi đi viếng mộ hai thánh Tông đồ tại Rôma, Đức Cha đã xin phép Toà Thánh cho mở năm Thánh kỷ niệm 100 năm dâng hiến giáo phận cho Đức Mẹ và 146 năm thành lập giáo phận. Ngày 19.11.1992 Cha Phaolô Cao Đình Thuyên được tấn phong giám mục phó, cả giáo phận lại hân hoan tràn đầy hy vọng và coi đây như là hoa quả Chúa ban cho giáo phận sau Năm Thánh. Năm 1997 toà nhà mới của Tòa Giám mục được khánh thành…
Trên cương vị lãnh đạo, Đức cha Trần Xuân Hạp “đã tranh thủ mọi cơ hội, phấn đấu vượt mọi khó khăn trở ngại để mở mang sự đạo. Mọi sinh hoạt tôn giáo được phục hồi và đẩy mạnh như tĩnh tâm hằng năm của các linh mục tại trung tâm giáo phận, tĩnh tâm hàng quý ở các giáo hạt, việc kinh lý và ban phép thêm sức, việc chầu lượt đền tạ Thánh Thể ở từng giáo xứ, việc học giáo lý của thanh thiếu niên…” (trích “Kỷ yếu giáo phận Vinh 1992”, trang 13). Từ năm 1991, nhờ sự tài trợ của Toà Thánh và các tổ chức nước ngoài, nhiều nhà thờ được xây mới, trường học giáo lý, các cộng đoàn Dòng Tu cũng được trùng tu lại khang trang hơn. Cũng trong thời gian này, Dòng Thừa Sai Bác Ái được cha Giuse Nguyễn Đăng Điền khai sinh, và được Đức cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp chính thức chấp nhận vào năm 2000.
Cuối năm 2000, Toà Thánh chấp nhận đơn xin từ nhiệm của Đức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp, Đức Cha phó Phaolô Maria Cao Đình Thuyên kế vị.
Là người có kinh nghiệm 40 năm linh mục, và là linh mục có thời gian làm việc lâu nhất tại Xã Đoài, từ quản lý giáo phận trong những năm đầy khó khăn biến động, rồi Tổng đại diện giáo phận và 8 năm trong cương vị giám mục phó, Đức Cha Phaolô rất am hiểu về những khó khăn và thuận lợi, những thách đố và triển vọng của giáo phận xưa cũng như nay, để từ đó giúp cho việc mục vụ của Đức Cha thêm bề thuận lợi và thu nhiều kết quả.
Một điều ai cũng thấy nơi Đức Cha đương nhiệm là luôn quan tâm đến các sinh hoạt tại các cơ sở, giáo xứ, giáo họ. Đức cha đã dành nhiều thời gian để gặp gỡ chia sẻ với con cái, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa.
Những năm qua, giáo phận đã gặp thời thuận lợi để sống và củng cố niềm tin: Năm Thánh Truyền giáo (2004); Năm Thánh Thể (2005) và đặc biệt Năm Giới Trẻ giáo phận (2006) mở ra cơ hội lớn lao để giáo phận, nhất là các bạn trẻ sống niềm tin của mình. Dù cho những thay đổi thăng trầm của lịch sử, nhưng giáo phận Vinh vẫn luôn thể hiện sức sống niềm tin vững vàng và trung kiên.
Những thành quả đạt được, những ấn tượng khó phai sẽ là những động lực nâng đỡ chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin hôm nay và tương lai.
Nhờ sự phát triển không ngừng cả chiều rộng và chiều sâu nơi giáo phận Vinh nên Tòa Thánh có dự định chia tách giáo phận Vinh để thành lập thêm giáo phận mới. Và Đức Cha Phaolô đang chuẩn bị cho sự kiện trọng đại đó. Một trong những gì Đức Cha đang chuẩn bị là xây dựng Nhà thờ Chính toà tương lai tại Văn Hạnh.
Nhìn vào hiện tình của giáo phận và quy chiếu về quá khứ đầy bi hùng, chúng ta có thể vững tin vào tươi lai tươi sáng hơn của giáo phận Vinh thân yêu.
Tài liệu tham khảo :
(1) – “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục”, Nhà xuất bản văn sử địa Hà nội, 1960.
(2) Alexandre de Rhodes : “Hành trình và truyền giáo”. Tủ sách Đại Kết, TP.HCM, 1994.
(3) Lm. Trương Bá Cần : “ Lịch sử giáo phận Vinh. 1846 – 1996”.
(4) Lm Trương Bá Cần : Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo” Thành phố HCM, 2002.
(5) HĐGM Việt Nam : “Giáo hội Công giáo Việt Nam Niên giám 2004”. Hà Nội, NXB Tôn giáo, 2004.
(6) Kỷ Yếu Giáo Phận Vinh 1992.