VẺ ĐẸP KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO

Anh chị em thân mến

Bài Tin mừng chúa nhật hôm nay trưng bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đang hồi tâm cầu nguyện, hơi xa cách các môn đệ. Khi Người đã cầu nguyện xong, một môn đệ liền đến thưa: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1). Chúa Giêsu không đặt vấn nạn, cũng không phát biểu những công thức cao siêu huyền bí, nhưng Người đã nói cách đơn sơ: “Cha ơi …” và tiếp đó Người dạy kinh Lạy Cha (xc. Lc 11,2-4), kể lại từ lời nguyện mà Người hướng lên Thiên Chúa là thân phụ Người. Thánh Luca đã để lại cho chúng ta bản kinh Lạy Cha ngắn hơn bản kinh theo thánh Matthêu được du nhập vào truyền thống. Chúng ta gặp
 thấy những lời đầu tiên của Kinh Thánh mà chúng ta đã học từ hồi niên thiếu. Những lời đó đã in sâu vào ký ức của chúng ta, đã nhào nặn lên cuộc đời chúng ta, tháp tùng chúng ta cho đến hơi thở cuối cùng. Những lời này mặc khải cho chúng ta biết rằng “chúng ta chưa phải là con cái Chúa cách hoàn bị, nhưng chúng ta cần phải luôn cố gắng trở nên con cái Chúa, nhờ sự thông hiệp mỗi ngày một sâu xa hơn với Chúa Giêsu. Trở nên con cái Chúa đồng nghĩa với đi theo Chúa Kitô” (Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Nazareth, Milano 207, trang 168)

Kinh nguyện này cũng thu nhận và bộc lộ những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người: “Xin ban cho chúng con mỗi ngày bánh thường nhật, xin tha cho chúng con những lỗi phạm” (Lc 11,3-4). Chính vì những nhu cầu và những khó khăn hằng ngày mà Chúa Giêsu đã khuyên nhủ chúng ta: “Thầy bảo các con: hãy xin và sẽ được ban cho, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ được mở. Bời vì ai xin thì nhận được, và ai tìm thì sẽ thấy và ai gõ thì sẽ được mở” (Lc 11,9-10). Đây không phải là chuyện xin xỏ để thỏa mãn những ước muốn riêng tư, nhưng là để làm sống động tình thân với Thiên Chúa, Đấng mà theo lời Tin mừng, sẽ ban Thánh Linh cho những ai van nài!” (Lc 11,13). Điều này đã được cảm nghiệm nơi các “sư phụ trên sa mạc” và những nhà chiêm niệm thuộc mọi thời, những kẻ mà nhờ sự cầu nguyện, đã trở thành bạn hữu của Chúa, giống như cụ Abraham, kẻ đã van nài Thiên Chúa hãy ngưng trừng phạt Sođôma nhờ số ít những người công chính (xc St 18,23-32). Thánh Têrêxa đã mời gọi các chị em của mình như thế này: “Chúng ta cần phải van xin Chúa giải thoát chúng ta mãi mãi khỏi hết mọi hiểm nguy và xin cất đi mọi sự dữ. Và cho dù lòng ước ao của chúng ta còn bất toàn đi nữa, chúng ta cũng hãy kiên trì nhắc đi nhắc lại lời van xin đó. Đừng lo sẽ xin xỏ quá đáng, xét vì chúng ta đang ngỏ lời với Đấng Toàn năng mà? (Camino 60). Mỗi khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, thì lời cầu của chúng ta đan quyện với lời cầu của Giáo hội, bởi vì ai cầu nguyện thì không bao giờ đơn độc. “Mỗi tín hữu cần phải truy tầm và trong chân lý và trong kho tàng dồi dào của kinh nguyện Kitô giáo do Giáo hội giảng dạy, họ có thể tìm gặp con đường riêng biệt, cách thức độc đáo để cầu nguyện … vì thế họ hãy để cho Thánh Linh hướng dìu dắt, và nhờ đức Kitô sẽ dẫn đến Chúa Cha (Bộ Giáo lý đức tin, Về vài khía cạnh của việc suy niệm Kitô giáo, 1989, số 29).


Hôm nay là lễ thánh Giacôbê “Cả” (hoặc “Tiền”), kẻ đã từ bỏ thân phụ và nghề đánh cá để đi theo Chúa Giêsu, và là Người tông đồ đầu tiên hãy hiến mạng vì Chúa. Tôi nghĩ đến các khác hành hương đông đảo đang tuốn về đền thánh Giacôbê ở Compostela. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta khám phá vẻ đẹp và nét sâu sắc của kinh nguyện Kitô giáo

Bình Hòa
VẺ ĐẸP KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO VẺ ĐẸP KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO Reviewed by huy dung on 06:37:00 Rating: 5