Lời nhắn nhủ từ Linh địa Trại Gáo: Hãy mang ánh sáng cứu độ đến với mọi người

GPVO (22.12.2011) - Hàng ngàn cánh tay đung đưa theo điệu nhạc, ca từ của nhạc phẩm Đêm thánh vô cùng, Kinh cầu Giáng Sinh… Khung trời Linh địa Trại Gáo đêm nay rực cháy ánh áng những cây pháo bông khi bản hợp xướng "Đêm ánh sáng" cất lên, nhạc phẩm khép lại Đêm Diễn Nguyện mừng Chúa Giáng Sinh do quý Thầy thuộc Tiền Chủng viện Xã Đoài, Hội Sinh viên Công giáo đang học tập tại Vinh, và giới trẻ giáo xứ Mỹ Yên đồng tổ chức.
Hơn 1.000 sinh viên đang học tập trên địa bàn thành phố Vinh đã tập trung về Linh địa Trại Gáo từ chiều ngày 22/12, cùng với quý thầy Tiền chủng viện Xã Đoài, để hoàn tất những công đoạn sau cùng nhằm chuẩn bị cho đêm diễn nguyện được tốt hơn.
Đúng 19 giờ, Đêm Diễn Nguyện được bắt đầu với nhạc phẩm Đêm thánh vô cùng do các bạn SVCG Vinh thể hiện, như đang nói với mỗi chúng ta về một “đêm khai mở và dẫn đưa nhân loại vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên ánh sáng và hy vọng, kỷ nguyên sự sống và tình thương - kỷ nguyên cứu độ”. Nhạc phẩm Đêm thánh vô cùng cất lên với điệu vũ phụ họa như đang dìu hồn người vào những phút giây lắng đọng để tâm trí chuồi theo những xúc cảm miên man thắm đượm và lần tìm trở về với nguồn cội của sự kiện độc sáng, vô tiền khoáng hậu, độc nhất vô nhị - biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Đây là đêm của Trời - Đất giao hòa, đêm của Công Lý - Hòa Bình giao duyên, đêm của Tín Nghĩa - Ân Tình hội ngộ, đêm Thiên Chúa viếng thăm con người, như bức thông điệp chan chứa niềm hy vọng của tiên tri Isaia: ‘Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta và một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta’ (Is 9,5)”.
Đêm Diễn Nguyện được tiếp nối với hoạt cảnh Lịch sử và Tình yêu do quý Soeur đến từ Dòng Mến Thánh Giá Vinh thể hiện, cho chúng ta đi lại chặng đường lịch sử Cứu độ từ thuở hồng hoang ban sơ của bình minh nhân loại đến điểm mốc của Kỷ Nguyên Cứu Độ; màn vũ diễn nghĩa Đứa bé do các em khiếm thính của Cộng đoàn Mến Thánh Giá Trang Nứa thể hiện là tiết mục để lại nhiều ấn tượng khó quên: Em là ai, Giêsu nơi kẻ chợ? / Hang đá xưa với hẻm phố bây giờ / Hạt cơm rơi buốt lòng đêm mắt đỏ / Ánh mắt nào đẫm ướt một tuổi thơ; / Trái tim oằn đêm Giáng sinh phấp phỏng / Chuông giáo đường trầm mặc giữa thinh không / Như khúc ru những giấc mơ bé bỏng / Những bàn chân run rẩy giữa đêm đông”. Ngàn năm thứ ba, khi mà tốc độ phát triển về mọi mặt của nhân loại đã đến đỉnh cao, nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn còn đó, vẫn tồn tại như một nguyên lý của “biện chứng tự nhiên” mà con người mang vào các quan hệ xã hội để cuối cùng chỉ buông một lời rất vô cảm “đó là quy lật ngàn đời của kiếp nhân sinh” và người ta dửng dưng với những mảnh đời bất hạnh, để đâu đó vẫn còn nghe: “văng vẳng những tiếng khóc của trẻ thơ thiếu nguồn sữa tình thương của cha mẹ, vẫn còn đó những mảnh đời bơ vơ, bất hạnh. Và nhân loại luôn trăn trở với tiếng vọng của một khúc du ca tình yêu, đang tìm kiếm một điểm tựa an bình và những bến bờ hạnh phúc”. Những nhạc phẩm Bài thánh ca buồn, Ngôi Lời đã làm người, Tình ca đêm Noel, Kinh cầu Giáng sinh, Hai mùa Noel… do các ca sĩ Xuân Huyền, Hồng Nhung đến từ Đoàn văn hóa nghệ thuật QK IV và những giọng ca của ca đoàn Mỹ Yên, quý thầy Tiền chủng viện Xã Đoài, các bạn sinh viên Công giáo Vinh thể hiện. Tất cả đều xoay quanh chủ đề Giáng Sinh: “Một chút hoài niệm về những kỷ niệm buồn đong đầy niềm thương nỗi nhớ với những ca từ, giai điệu là tiếng lòng thổn thức, chở nặng những giọt buồn thế thái như đưa lòng người ngược về miền ký ức tím ngát, nơi ghi dấu một mối tình tan vỡ, lời nguyện ước không thành”, “Nỗi day dứt khôn nguôi về cái ranh giới thẳm sâu và nghiệt ngã của hạnh phúc và đắng cay, của niềm vui và nỗi buồn nơi những phiên chợ đời với dòng người ngược xuôi bôn tẩu, khắc khoải kiếm tìm một chốn neo đậu cho con thuyền đời giữa cảnh ba đào”. Nhưng những ray rứt dằn vặt đó đã được hóa giải qua sự kiện Đấng Messia ngự đến. Và những “Lời cầu vang lên trong đêm tối, khỏa lấp những âu lo sợ hãi của kiếp người dương thế, tấu lên nhạc khúc của niềm hy vọng trong Hài Nhi Chí Thánh, khơi nguồn an bình cho muôn dân”…





Đặc biệt, Đêm Diễn Nguyện có sự hiện diện của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Ngài đã trực tiếp trao những phần quà cho các đại diện của các Trung tâm khuyết tật, như một cử chỉ biểu tỏ tâm tình sưởi ấm Chúa Giêsu Hài Đồng khó nghèo trong hang đá bò lừa lạnh lẽo năm xưa mà chính những người có cuộc sống kém may mắn trong xã hội hôm nay phản ảnh một phần đời của Ngài.
Hợp xướng Đêm ánh sáng qua phần thể hiện của các Thầy Tiền Chủng viện Xã Đoài và quý nữ tu đến từ Dòng MTG Vinh đã khép lại Đêm Diễn Nguyện. Khung trời Linh địa Trại Gáo rực cháy ánh áng những cây pháo bông như tỏa ra để soi đường cho những hành trình loan báo Tin Mừng được khai mở từ buổi diễn nguyện mang nhiều ý nghĩa này.
Thánh lễ cầu bình an Giáng sinh và Năm mới được cử hành tại Linh địa Trại Gáo vào sáng ngày 23/12 do Đức cha Phaolô chủ tế, một lần nữa nói lên sự quan tâm đặc biệt của Vị Chủ chăn đối với giới trẻ. Vì giới trẻ là tương lai của Giáo Hội và xã hội. Một thế hệ trẻ với một đời sống lành mạnh xây nền đời mình trên những tảng đá Lời Chúa là dấu chỉ cho thấy một Giáo Hội và xã hội phát triển đúng với đòi hỏi của Tin Mừng, với lòng Chúa muốn.


Một đường hướng phát triển con người toàn diện sẽ không thành hiện thực nếu chúng ta không quan tâm đến giáo dục tâm linh cho con người, đặc biệt là người trẻ. Khởi đi tầm quan trọng đó, Đức cha Phaolô đã đặc biệt nhấn mạnh đến công cuộc loan báo Tin Mừng, công cuộc tân Phúc Âm hóa xã hội hôm nay. Một xã hội đã lãng quên Chúa, đang lạc lối trong khu rừng “khủng hoảng phương pháp luận”, đang lần tìm một triết lý giáo dục trước sự đổ vỡ các giá trị mà bấy lâu nay người ta dùng làm “kim chỉ nam cho mọi hành động”.
Để giới trẻ Công giáo, đặc biệt là giới trẻ Công giáo Vinh, tham gia tích cực và hữu hiệu trong công cuộc loan báo Tin mừng, Đức cha Phaolô đã nói đến việc cần thiết phải có thái độ khiêm hạ như Thánh Gioan Tiền Hô. Gioan Tiền Hô xuất hiện trong tư cách một ngôn sứ khi Ngài loan báo về “Đấng phải đến”. Đấng mà theo Ngài là “quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người” (Mt 3, 11) và ông đã chấp nhận “nhỏ lại, và Người phải lớn lên” (Ga 3, 30). Trong tư cách một vị Tiền hô, những lời rao giảng của Gioan đã thu hút được nhiều người đến nghe, nhưng những việc Ngài làm là nhằm để dọn đường cho “Đấng phải đến” và ngài chỉ nhận là “tiếng kêu trong hoang địa”. Chính vì thái độ khiêm nhường đó mà Chúa Giêsu đã đáp lại bằng một lời tôn vinh Gioan: “ …trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan (Lc 7, 28).
Thái độ khiêm hạ đến mức tự hủy hơn cả thân phận nô lệ trước việc loan báo Đấng Messia, là bài học quý giá nhất của Gioan. Một tâm hồn khiêm nhường, tự hạ, quên mình luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện, của nhân đức, thường dễ thấu đạt chân lý và đạt được giải thoát, vì nó không bị ngọn núi của cao ngạo, kiêu căng, tự phụ che khuất tầm nhìn. Tất cả những tài năng, nhân đức dường như không có giá trị tự thân trước mặt Thiên Chúa. Chúng chỉ trở nên có giá trị khi đi chung với sự khiêm nhường, tự hạ. Con người thường tìm thành công trong công việc là để được nổi danh, để thỏa mãn cái tôi vị kỷ của mình. Hiếm người muốn “nhỏ lại” để người khác được lớn lên, nhưng lại thích sống với thứ triết lý người hùng với lập luận “kẻ mạnh là kẻ phải biết dẫm lên vai kẻ khác để vui sống, phải biết đạp trên đầu dư luận để ung dung thanh thản bước đi” và luôn biết tranh thủ những cơ hội có thể để leo thang danh vọng. Đó không phải là thái độ Chúa muốn, cũng không phải là cách để chúng ta chiếm được Nước Trời, vì "Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên" (Lc 14, 11). Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban, mà chỉ những ai tự hạ và ý thức mình là hư vô mới có thể lãnh nhận. Còn kẻ tưởng mình cao trọng, chắc chắn không thể chiếm hữu Nước Thiên Chúa, và Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường. Vậy thì bí quyết để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu là khiêm nhường và tự hạ - khiêm nhường, tự hạ như Gioan Tiền Hô.
Cùng ý nghĩa đó, Đức cha Phaolô nói: “Mỗi chúng ta chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, phải làm sao để ngón tay phương tiện nhỏ lại và thon thả chứ không thể là ngón tay thô ráp, ngón tay lông lá làm che khuất mặt trăng cứu độ”. Lịch sử đã cho chúng ta thấy điều đó: mỗi khi Giáo Hội “lớn mạnh” là khi Chúa “nhỏ lại”. Và đó cũng là những lúc Giáo Hội không còn sống đúng với tinh thần Tám mối phúc. Giáo Hội, thay vì là ngón tay chỉ trăng cho người khác, thì lại là vật cản che khuất ánh trăng cứu độ soi rõ đường đi cho con người đang sờ soạng bước đi trong bóng đêm tội lỗi.


Đăng Trình

Lời nhắn nhủ từ Linh địa Trại Gáo: Hãy mang ánh sáng cứu độ đến với mọi người Rating: 4.5 Diposkan Oleh: huy dung