Lao động như một phần của ơn gọi làm người


Ngoài đề tài ngày tận thế, thư thứ II gửi tín hữu Thêxalônica còn đề cập tới một vấn đề quan trọng khác có tính cách nội bộ: đó là vấn đề lao động. Trong chương 3,6-15 tác giả khuyến khích tín hữu trong cộng đoàn biết chăm lo làm việc để có phương tiện sinh sống, chứ đừng "ăn không ngồi rỗi", bởi vì thái độ sống đó đẩy đưa họ rơi vào cảnh "nhàn cư vi bất thiện". Nó không chỉ biến họ trở thành những người "ngồi lê mách lẻo", gây hoang mang rối loạn trong cộng đoàn, mà còn khiến cho họ trở thành gánh nặng cho các anh chị em khác, vì họ như loài ký sinh trùng, ăn bám người khác, sống trên mồ hôi và công việc lao nhọc của kẻ khác.

Chúng ta không thể giải thích được lý do khiến cho lá thư thứ II sắp kết thúc với các lời chào ở đầu chương ba, lại bắt sang đề tài "nhàn cư vi bất thiện" của một số tín hữu trong cộng đoàn. Có điều chắc chắn đó là văn bản này là văn bản duy nhất trong toàn Tân Ước trình bầy về vấn đề lao động chân tay. Lời khuyên nhủ kitô hữu hãy biết làm việc để mưu sinh mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đặc biệt bởi vì trong bối cảnh xã hội hy lạp-roma thời đó, các công dân tự do khinh rẻ việc lao động nặng nhọc. Người ta quan niệm rằng công việc tay chân là công việc của hàng nô lệ và lớp con ăn đầy tớ. Khi khuyến khích kitô hữu làm việc tay chân, là tác giả cách mạng một tâm thức và quan niệm sai lầm của xã hội thời bấy giờ. Giáo huấn này đi ngược dòng đời và vạch ra một hướng đi nhân chủng mới mẻ. Tâm thức chung của xã hội hy lạp bấy giờ chỉ coi một người là đã hiện thực được cuộc sống của mình, khi họ bước vào khung cảnh của chiều kích tinh thần. Do đó công việc tay chân, những sinh hoạt liên hệ tới vật chất đâu có gía trị gì đáng kể, đáng cho con người để tâm. Nhưng đây không phải là quan niệm mà Kitô giáo thừa hưởng được từ Do thái giáo.
Trong truyền thống do thái, con người là một sinh vật nhập thể và nhập thế. Trình thuật tạo dựng như ghi trong hai chương đầu sách Sáng Thế cho thấy Thiên Chúa trao cho con người nhiệm vụ giữ vườn Eđen và canh tác đất đai. Như thế lao động, làm việc, canh tác cũng là một phần của ơn gọi làm người. Con người lao động không phải là một con người thấp kém. Trái lại, lao động giúp con người hiện thực trọn vẹn ơn gọi làm người của mình, vì cho phép con người tham dự vào sinh hoạt tạo dựng, sắp đặt và biến đổi thế giới. Lao động giúp con người trở thành giống Thiên Chúa là Đấng luôn luôn làm việc, như Chúa Giêsu khẳng định trong Phúc Âm thánh Gioan. Điều quan trọng, như vậy, là phải giữ gìn làm sao để các tương quan giữa con người và vũ trụ cũng như với các thụ tạo khác không bị tha hóa đi. Vì thế có thấp kém và lệch lạc chăng là kiểu cách làm việc và tổ chức hay dùng công việc làm của con người trong tương quan với tha nhân và trong tương quan giới vũ trụ thiên nhiên. Lao động là vinh quang, vì nó giúp con người hiện thực ơn gọi làm người của mình. Nhưng nó sẽ không còn là vinh quang nữa, khi con người dùng lao động như phương thế để khai thác bóc lột, hành khổ và trừng phạt nhau. Lao động sẽ không là vinh quang nữa, khi nó tha hóa con người, khi nó biến con người trở thành loài trâu ngựa, phục dịch các kẻ cầm quyền gian ác. Nó cũng không là vinh quang nữa, khi nó biến con người trở thành nô lệ cho chính mình và các ham muốn vơ vét chiếm đoạt của cải của mình. Nó không là vinh quang nữa, khi con người coi nó là tất cả mục đích đời mình và chỉ còn cắm đầu cắm cổ hùng hục làm việc như cái máy vô hồn, đến quên mọi nhu cầu tâm linh, đến quên tình quên nghĩa, quên vợ quên cơn, quên bạn bè thân thuộc. Lao động sẽ không là vinh quang nữa, nếu vì lòng tham vô đáy, con người khai thác các tài nguyên thiên nhiên một cách vô chừng mực, bừa bãi, thiếu trách nhiệm, khiến cho môi sinh hư hoại và để lại cho các thế hệ tới sau một môi trường bị ô nhiễm và hủy hoại.
Trên bình diện hình thái văn chương văn bản dùng thể sai khiến: "Hỡi anh chị em, chúng tôi viết cho anh chị em nhân danh Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng ta", "Thật thế, đây là lệnh chúng tôi truyền cho anh chị em", "Chúng tôi truyền cho các người "ăn không ngồi rỗi" ấy và chúng tôi tha thiết van nài họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô". Các kiểu nói này đều diễn tả một lời nói đầy quyền bính, của một người ý thức được rằng mình đang nói lên ý muốn đòi hỏi của Chúa Kitô hiện diện trong Giáo Hội như là Đấng nắm giữ quyền bính tối thượng. Tác giả nói "nhân danh Chúa Giêsu Kitô" và "trong Chúa Giêsu Kitô". Tín hữu trong cộng đoàn, đặc biệt những người sống ươn lười, là những người được khuyến khích.
Tình trạng sống bê bối của các tín hữu này được miêu tả trong câu 11. Có một số kitô hữu sống mà không làm gì cả, trái lại còn xía mũi vào mọi chuyện của người khác. Đã lười biếng không làm việc để tự nuôi thân, họ lại còn hăng hái một cách trống rỗng, vô lối và không đâu, suốt ngày chỉ "ngồi lê mách lẻo", chuyện gì cũng xía vào, cái gì cũng cho là mình thông biết, chuyện gì cũng đòi can thiệp, làm như mình là cái "ông trời con". Và thái độ sống bôn chôn như con lòng tong ấy của họ gây xáo trộn, hoang mang và ảnh hưởng xấu trên các tín hữu cộng đoàn. Do đó tác gỉa yêu cầu họ hãy sống an bình và để cho người khác được an bình. Dĩ nhiên, ở đây phải ghi nhận rằng chính quan niệm và xác tín ngày Chúa Kitô sắp quang lâm và thời tận thế gần kề đã khiến cho các tín hữu nói trên có thái độ sống bôn chôn, đến xáo trộn này, chứ đây không phải chỉ là hiện tượng của một cuộc sống lười biếng thuần túy hay thái độ ký sinh trùng ăn bám cộng đoàn mà thôi. Chính vì xác tín rằng ngày tận thế sắp đến, nên các tín hữu này mới bỏ bê mọi công ăn việc làm, suốt ngày lê la hết nơi này sang nơi khác để bàn tán xôn xao, đưa ra phỏng đoán này, ý nghĩ nọ, khiến cho các tín hữu khác cũng bôn chôn và bầu khí cộng đoàn trở nên sôi động.
Biện pháp đầu tiên được tác gỉa đề nghị với cộng đoàn ở đây là không được thụ động chứng kiến hiện tượng bệnh hoạn này, trái lại phải nắm vai chủ động, bằng cách cô lập hóa các tín hữu kể trên, xa lánh họ, không cho họ có dịp phổ biến các ý kiến sai lầm của họ, không để cho họ gây ảnh hưởng xấu trên cộng đoàn và phổ biến kiểu sống gây gương mù gương xấu ấy. Thứ hai, tác giả nhắc cho tín hữu nhớ rằng các anh chị em gây rối loạn trong cộng đoàn như thế sống ngược lại các giáo huấn mà thánh Phaolô đã để lại cho các tín hữu. Và thứ ba, tác giả nêu bật gương sống của thánh Phaolô và khuyến khích tín hữu noi theo kiểu sống đó của thánh nhân và các cộng sự viên truyền giáo của ngài. Trong chương 9 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nói rõ cho tín hữu biết rằng cho dù có quyền đòi hỏi họ phải chu cấp cho các nhu cầu vật chất của mình và các thừa sai, vì đó là thói quen mà dân chúng hồi đó thường làm đối với các vị thầy giảng dậy giáo thuyết cho họ, thánh nhân và các thừa sai cộng sự viên đã không làm như thế. Trái lại các vị đã cố gắng tự lực mưu sinh qua nghề đan lều. Nghĩa là ngoài thời giờ dùng để giảng dậy, khuyên nhủ tín hữu và tổ chức giáo đoàn, các vị đã phải thức khuya dậy sớm, nai lưng làm việc phụ trội, để có tiền trang trải các chi phí thường ngày, kể cả tiền thuê các nơi hội họp để rao giảng Tin Mừng. Và nhất là để không trở thanh gánh nặng tài chánh cho các tín hữu, và không phải nhờ vả ai. Vì rất thường khi sự lệ thuộc tài chánh cũng điều kiện hóa và cản trở các thừa sai không được hoàn toàn tự do loan báo Tin Mừng của Chúa. Kiểu sống đó của thánh Phaolô đã trở thành mẫu gương và là một giáo huấn rất uy tín đối với kitô hữu hồi cuối thế kỷ thứ I. Sự kiện tham chiếu gương sống trong qúa khứ của thánh Phaolô minh chứng cho thấy thế hệ của tác giả thứ thứ II gửi tín hữu Thêxalônica xem ra đã là thế hệ hậu sinh.
Không kể các lý do nhân chủng, tâm lý và thần học trên đây, nguyên tắc mà tác giả đưa ra ở đây có gía trị ở khắp mọi nơi và trong moi lúc: "Ai không làm việc thì cũng đừng ăn". Tiếp đến tác giả trực tiếp kêu gọi những tín hữu lười biếng: "Chúng tôi truyền cho các anh chị em này và tha thiết nài van họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô, hãy ăn cơm bánh mà họ kiếm ra qua việc làm trong an bình". Nghĩa là mỗi người hãy làm việc để mưu sinh, chứ đừng ngồi lê mách lẻo, gây rối loạn trong cộng đoàn và ăn bám kẻ khác.
Trong phần cuối tác giả khuyến khích tín hữu không ngừng làm việc thiện. Ở đây trong bối cảnh của cộng đoàn Thêxalônica có nghĩa là làm việc lành cho tha nhân. Rồi hình như sợ rằng các biện pháp đề nghị trên đây không có kết qủa, ông nói tới một số biện pháp kỷ luật mạnh, cần phải triệt để áp dụng trong nội bộ cộng đoàn, mà không được ngần ngại lùi bước. Dĩ nhiên ở đây không thể nói rằng tác gỉa áp dụng luật ra vạ tuyệt thông cho các tín hữu không thực tâm hoán cải. Nhưng cho dù có cô lập hóa họ, hay có phải đưa ra biện pháp mạnh mẽ quyết liệt thế nào đi nữa, cộng đoàn cũng không được quên rằng họ vẫn là các anh chị em cần được cảnh cáo và sửa bảo với tình yêu thương. 
BTT: Sưu tầm
Lao động như một phần của ơn gọi làm người Lao động như một phần của ơn gọi làm người Reviewed by Admin on 03:35:00 Rating: 5