DẤU VẾT CỦA TỘI ÁC PHÁ THAI


 

Một khi đã phạm vào tội ác giết con của mình, tuy rằng, không bị hệ thống pháp luật vô thần trừng trị nhưng rồi đây, chính tòa án lương tâm sẽ ngày đêm day dứt tâm hồn những ai đã nhúng tay vào tội ác, điều đó sẽ còn khủng khiếp hơn cho tội nhân...

Có một nghịch lý mà ai quan tâm đến nạo phá thai cũng nhận thấy. Khi chương trình kế hoạch hóa dân số của Nhà Nước luôn khuyến khích thúc đẩy người ta phá thai càng nhiều càng tốt để giảm tỷ lệ sinh, những tư vấn viên luôn tìm mọi cách dụ dỗ người khác phá thai, họ đều trưng ra những lý do mà theo họ là hết sức chính đáng.

Như vậy, lẽ ra những bà mẹ chấp nhận phá thai phải hớn hở khi đến các phòng thủ thuật, lẽ ra họ phải hãnh diện lắm chứ vì hành động của mình được công nhận là “hợp pháp”, và thậm chí còn làm cho xã hội thăng tiến kia mà. Nhưng trái lại, trên những hàng ghế chờ 

đợi, đại đa số các bà mẹ lại mang một tâm trạng lo âu, dằn vặt, hoang mang, thậm chí nhiều người còn lấm lét, rất sợ người quen biết nhận ra mình nên thường cúi gằm mặt xuống. Ngay đến tên tuổi, địa chỉ cũng giả mạo chứ chẳng dám cho ai biết cội nguồn thân thế, quê quán, gia đình. 

Nghịch lý ấy cho chúng ta thấy ngay một tiền đề: 
lương tâm vẫn còn thức tỉnh trước một tội ác. Nhưng tại sao những bà mẹ ấy vẫn tiếp tục buông trôi theo tội ác dã man này ?

Trước khi bước vào phòng thủ thuật. Ai trong số họ cũng mang một hy vọng rằng, khi cái thai đã bị phá, cuộc đời họ sau đó sẽ như trút được gánh nặng, vì không phải tốn tiền nuôi dưỡng, vì không phải mang tiếng chưa chồng mà chửa, vì không phải mất đường thăng tiến trong cơ quan Nhà Nước, vì che dấu được một hành vi tội lỗi, vì sẽ tránh được bao nhiêu là trách nhiệm rắc rối phức tạp… và vì biết bao lý do mà họ ngỡ rằng sẽ đạt được bằng việc đổi chác chính mạng sống của con mình.

Sự thật có phải như thế không ? Ai trong chúng ta lại từng quên đi những vết sẹo trên thân thể mình. Ồ ! Cái sẹo này cả chục năm trước mình bị té trên cầu thang ở trường học đây mà, còn cái này thì do con chó Milu cắn khi qua hàng xóm chơi v.v... Những vết sẹo ấy đôi khi như những kỷ niệm của một thời đã qua, vậy mà đã mấy ai quên được những dấu ấn đã khắc ghi trên thân thể mình.

Vậy 
khi từ phòng thủ thuật phá thai bước ra, một dấu vết của tội ác phá thai, vết sẹo lớn đã ghi không những trên thân thể mà còn ghi sâu trong tinh thần và lương tri nữa, liệu có mấy ai quên được ?!? Dấu vết ấy không phải đơn thuần như những vết sẹo kỷ niệm ngày xưa vì đây là một tội ác, tội ác giết chính đứa con của mình. Vậy làm sao người ta có thể nguôi ngoai những dằn vặt đau xót và ân hận được trong cuộc đời mình ?

Có một cha kể tôi nghe câu chuyện. Một chị nọ khi phá thai xong, mang xác con đến chôn trong một nghĩa trang, sau đó chị chuyển nhà đến một thành phố khác sống để tránh tai tiếng, hy vọng làm lại cuộc đời. Vài tháng sau đó, không thể chịu nổi, chị phải đến xưng tội với cha xứ vì hàng đêm chị vẫn thấy thai nhi con chị nói với chị rằng: “Sao mẹ bỏ đi, để con lại một mình ? Sao mẹ không mang con theo với ? Cuối cùng, chị phải trở về lại nghĩa trang xưa, bốc mộ mang con đi cùng với chị. Thế đấy, dù cố quên đi nhưng nào có được...

Chẳng phải chỉ Đức Tin của người có đạo, rất nhiều những trường hợp của những người vô thần, những người không tin vào Thượng Đế sau phá thai cũng bị trầm cảm, bị lương tâm cắn rứt, những hậu quả khủng khiếp như vô sinh, viêm nhiễm hay nhiều những trường hợp đáng tiếc đến nỗi phải trả giá bằng mạng sống người mẹ ngay trên bàn thủ thuật phá thai. Rất nhiều cụ bà đã 70 – 80 tuổi, gần đất xa trời nhưng cuối cùng cũng phải thú nhận việc phá thai khi còn trẻ, thật đáng buồn khi cả cuộc đời đã phải sống khổ sở với một dấu vết tội ác khắc sâu trên thân thể và tâm thần của mình.

Lại một câu chuyện khác. Có một cô gái trẻ đã phá thai, sau đó lấy chồng, cô qua mặt được cả vị hôn phu về chuyện trinh tiết, cô thở phào nhẹ nhõm. Rồi cô cũng sinh con, nhưng từ giờ phút trọng đại ấy, từ giờ phút cô ẵm hài nhi trên tay mình, lương tâm cô bất chợt trỗi dậy, dấu vết tội ác ngày xưa ùa về, để từ đó cô sống trong đau khổ vì đã lừa dối người chồng mà cô yêu quý, đau đớn vì cảm giác bất xứng với chính đứa con mà cô đã giết, bất xứng với cả em bé cô vừa sinh ra. Trách nhiệm của người mẹ khiến cô luôn cảm thấy vừa hạnh phúc, vừa xót xa. Càng được chăm sóc yêu thương, cô càng dằn vặt, cuối cùng cô đã làm tan vỡ cả mái ấm gia đình bằng hành động hủy hoại chính bản thân mình.

Cổ nhân xưa có câu: “Cây kim để trong bọc rồi cũng có ngày lòi ra” 
Một khi đã phạm vào tội ác giết con của mình, tuy rằng, không bị hệ thống pháp luật vô thần trừng trị nhưng rồi đây, chính tòa án lương tâm sẽ ngày đêm day dứt tâm hồn những ai đã nhúng tay vào tội ác, điều đó sẽ còn khủng khiếp hơn cho tội nhân. Dấu vết tội ác sẽ không bao giờ ngừng lớn mãi, không bao giờ còn giấc ngủ bình yên. Nó liên tục hành hạ cho đến khi công lý được thực thi.

Nếu trên bình diện xã hội, chúng ta càng thấy dấu vết của tội ác phá thai hiện nay như một đợt sóng ngầm loang nhanh trong cộng đồng. Cho dù nó chẳng công khai lộ liễu là mấy, vì chẳng mấy ai lại rêu rao cho người khác biết rằng tôi vừa phá thai, nhưng tác động của nó thật khủng khiếp, càng câm nín nó càng hiện hữu trong gia đình và làm rữa mục những mối tương quan khiến cho gia đình tan nát. Dấu vết tội ác này chẳng những giết đi tâm hồn chính người đã thực hiện tội ác mà còn làm cho những thành viên khác trong gia đình mất cả niềm tin vào chính bản thân họ, vào xã hội và vào những người thân yêu.

Tôi đã từng chứng kiến cảnh một gia đình xưa kia đầm ấm và hạnh phúc biết bao, nhưng từ khi bà ngoại rồi lại đến ông ngoại quyết tâm giết đi hai cháu bé của mình, một vì trước hôn nhân, một vì cho là dị tật. Từ đó đến nay, chưa được bao năm mà gia đình ấy ngày nay tan tác. Bà đã mất, ông theo một cuộc sống hôn nhân khác cũng chẳng vui gì, con cháu trong nhà xẻ đàn tan nghé, chẳng còn ai bảo được ai, chẳng còn yêu thương quấn quýt như mới thủa nào.

Một cha khác cũng kể tôi nghe câu chuyện chị kia đã phá thai rồi đi xưng tội, cha hỏi lại, nếu sau này lỡ “vỡ kế hoạch” một lần nữa nữa thì chị sẽ làm sao ? Chị ấy trả lời: Có lẽ con sẽ phá thai tiếp nữa thôi cha ơi !” Cha phải thốt lên: “Trời ơi, sao chị lại xem Bí Tích Hòa Giải như một cái máy giặt như thế ? Chị làm như cứ giặt cho chị chiếc áo được sạch, rồi mặc vào lại bẩn, rồi lại bả vào máy giặt nữa vậy. Có lẽ, chị chưa hiểu rằng: dấu vết tội ác phá thai chẳng khi nào gột sạch được. Có đến bao nhiêu ký bột giặt siêu tẩy đi nữa cũng chẳng thể phai nhòa phi tang được dấu vết kinh hoàng này trong tâm hồn...”

Lẽ tất nhiên, cách tốt nhất là tránh xa tội ác phá thai. Nhưng 
đã lỡ phạm vào rồi, thì lạy Chúa, chúng con tín thác rằng: Dấu vết tội ác này chỉ duy nhất được gột sạch bởi chính Máu của Đức Giêsu đã đổ ra. Chỉ có Máu cực Thánh của Người mới có thể gột sạch vết nhơ này cho nhân loại. Nhưng dòng Máu cực Thánh ấy luôn mời gọi, đòi hỏi chúng ta biết sám hối, biết ăn năn và biết dốc lòng chừa cho tới chết những cám dỗ, những phù phiếm kiêu căng đã làm cho chúng ta phải mang dấu vết tội ác phá thai.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy gột rửa tâm hồn chúng con trong tình yêu của Ngài, để chúng con biết mãi muôn đời tôn trọng Sự Sống, là quà tặng của tình yêu tuyệt đối của Ngài đã dành loài người chúng con. Amen.

DẤU VẾT CỦA TỘI ÁC PHÁ THAI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: huy dung