Chúa Nhật 33 Thường Niên (A) : 8 Bài Suy Niệm Và Giảng Lễ

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN, NĂM A
Lời Chúa: Cn 31,10-13.19-20.30-31; 1Tx 5,1-6; Mt 25,14-30
“Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, Ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”


MỤC LỤC
1. Việc nhỏ
2. Tôi tớ trung thành
3. Bạn có sợ Thiên Chúa không?
4. Nén bạc và những cố gắng
5. Thiên Chúa chúng ta chịu trách nhiệm
6. Hãy làm những gì Chúa muốn
7. Nén bạc
8. Nhận nhiều thì bị đòi hỏi nhiều – JKN
--------------------------------------------------------

Booker Washington là một người Mỹ da đen vĩ đại nhất. Ông là một nhà giáo dục, một nhân vật cải cách và một văn sĩ nổi tiếng. Năm 16 tuổi, ông đã phải đi bộ gần 800 cây số để xin học. Thế nhưng, vì các lớp đã đông đủ nên ông bị từ chối. Ông nhận chân quét phòng tại trường. Ông đã làm những việc hèn hạ này một cách hết sức chu đáo, thành thử ông dành được cảm tình của ban giám đốc nhà trường. Người ta dành cho ông một căn phòng nhỏ của sinh viên. Chính tại căn phòng nhỏ này, ông đã chăm chỉ làm việc cho đến khi trở thành một giáo sư nổi tiếng, và sau này trở thành người sáng lập học viện Tuskegee. Từ một kẻ nô lệ, ông đã trở nên người lãnh đạo chủng tộc da đen. Ông qua đời vào năm 1915.
Phải chăng cuộc đời ông là sự thực hiện trọn vẹn lời Chúa phán với chúng ta qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay: Ai trung tín trong việc nhỏ, thì sẽ được trao phó cho những công việc lớn. Nói cách khác, chúng ta hãy làm những công việc nhỏ một cách cẩn thận và chu đáo, rồi thì những dịp thuận lợi hơn, to tát hơn sẽ đến với chúng ta. Kinh nghiệm trên, sự thật trên quả là điều quan trọng trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống thiêng liêng.
Trước hết là trong đời sống thường ngày: Xiết chặt một chiếc đinh ốc nơi bánh xe có thể cứu được nhiều người trên chuyến xe tốc hành. Thu lượm rác là điều cần thiết cho sức khoẻ của một cộng đoàn. Rửa sạch chén đĩa sẽ giết được nhiều vi trùng. Hãy làm những công việc này và hàng trăm công việc nhỏ bé khác nữa của cuộc sống thường ngày một cách tốt đẹp và chúng ta sẽ làm được những việc lớn lao hơn, khi thời cơ mỉm cười với chúng ta.
Tiếp đến, trong lãnh vực thiêng liêng cũng vậy. Chúng ta hãy làm tất cả những gì mình có thể để giúp đỡ gia đình Chúa là Giáo Hội nơi trần gian. Chẳng hạn như là những người thợ, chúng ta có thể dành dụm tiền bạc hay công sức để giúp ích cho giáo xứ trong những công việc chung. Chúng ta có thể trồng những luống bông nhỏ để chưng trên bàn thờ. Chúng ta có thể dâng hiến tài năng và thời giờ, góp phần vào việc giáo dục đạo đức cho các em nhỏ. Chúng ta có thể thăm viếng những người đau yếu bệnh tật để an ủi họ. Chúng ta có thểm tham dự những sinh hoạt của ca đoàn để dâng tiếng hát ca tụng Thiên Chúa, cũng như làm cho bầu khí phụng vụ thêm phần sống động.
Trong tất cả những công việc nhỏ bé và tầm thường ấy, nếu chúng ta thi hành một cách cần cù và trọn vẹn, thì chúng ta cũng sẽ được Chúa ân thưởng như lời Ngài phán: Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, bởi vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, thì Ta sẽ trao phó cho ngươi những công việc lớn. Hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi.
Hơn thế nữa, nếu chúng ta biết chu toàn vì lòng yêu mến Chúa, thì những công việc nhỏ bé và tầm thường ấy sẽ trở thành những sợi chỉ vàng, dệt nên cuộc đời chúng ta và làm cho cuộc đời chúng ta có một giá trị to lớn trước mặt Chúa.

Tất cả chúng ta đều là những người tôi tớ của Thiên Chúa, cùng với những nén bạc Ngài đã trao gửi. Những nén bạc ấy chính là thân xác và linh hồn, thời gian và tài năng. Nói tóm lại, là tất cả những gì chúng ta đang có và đang quản lý.
Đúng thế, tất cả không phải là của riêng chúng ta, nhưng là của Thiên Chúa. Ngài trao gửi và cho chúng ta vay mượn trong một thời gian nào đó, như lời thánh Phaolô đã diễn tả: Những sự anh em có, há chẳng phải là đã nhận lãnh hay sao? Và nếu đã nhận lãnh, thì tại sao anh em lại tự phụ, như không cần nhận lãnh.
Chính vì thế, chúng ta không được toàn quyền sử dụng đã đành, mà còn phải chịu trách nhiệm vễ những nén bạc ấy. Chẳng hạn với thân xác, chúng ta không được ăn uống quá độ, chè chén say sưa có hại cho sức khỏe, cũng như không được hủy hoại thân xác mình, hay tự ý đi tìm cái chết.
Với linh hồn, chúng ta phải cương quyết chiến đấu, đừng để cho sự sống ơn sủng mỗi ngày một tàn lụi. Chúng ta phải dứt khoát khử trừ tội lỗi và làm cho linh hồn mình được hoàn thiện, nhờ Lời Chúa, nhờ các bí tích và nhờ những tâm tình cầu nguyện gắn bó mật thiết với Chúa.
Tuy nhiên, điều quan trọng, đó là một ngày kia chúng ta sẽ phải tính sồ cuộc đời trước tôn nhan Chúa. Chúng ta không biết sự việc này sẽ xảy ra vào lúc nào. Có thể vào ngày chúng ta không ngờ, vào giờ chúng ta không biết. Chỉ một cơn gió nhẹ cũng đủ kết thúc cuộc đời, để rồi chúng ta sẽ phải đối diện với lương tâm và với chính Thiên Chúa.
Thế nhưng, đó lại là một sự kện chắc chắn, như một câu danh ngôn đã diễn tả: Sự chết thì chắc chắn, nhưng giờ chết lại bấp bênh vô định. Hay như chúng ta cũng thường nói: Đã là người thì ai cũng phải chết.
Đó là qui luật chung của muôn đời. Và sau cái chết sẽ là cuộc phán xét. Đây là một cuộc phán xét thật công bằng và chính xác. Cuốn sổ cuộc đời chúng ta được mở rộng, trong đó mọi sự đều được ghi chép. Khi vị thẩm phán ngự tòa, thì mọi bí ẩn sẽ bị lộ ra, không tài nào che dấu nổi.
Chính vì thế, chúng ta phải quyết tâm làm phát triển và sinh lời cho những nén bạc Chúa đã trao gửi, bằng cách thực hiện những hành động bác ái yêu thương, bởi vì đó chính là những vị trạng sư âm thầm và không tên, nhưng sẽ bào chữa cho chúng ta trước tòa án tối cao của Thiên Chúa.
Đồng thời, bằng cách trung thành với những công việc bổn phận của mình, tùy theo vai trò, tùy theo đấng bậc, tùy theo chức vụ mình nắm giữ trong cuộc sống.
Và sau cùng, bằng cách sử dụng thời giờ một cách đúng đắn, vì thời giờ của chúng ta đã được cân đo đong đếm. Hãy sử dụng thế nào để đem lại lợi ích cho bản thân và cho người khác. Nếu chúng ta quản lý tốt, chắc chắn chúng ta sẽ không phải run sợ vào giây phút tính sổ cuộc đời. Trong giây phút trọng đại này, giây phút có tính cách ấn định số phận đời đời của chúng ta, mọi bạn hữu, dù thân tình đến đâu chăng nữa, cũng sẽ lìa bỏ chúng ta, chỉ những việc lành phúc đứ mới đi theo chúng ta mà thôi.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể lại rằng: Người kia phải ra trước tòa Thiên Chúa trong ngày sau hết. Anh bạn thứ nhất thấy vậy vội vã bỏ chia tay với người ấy. Anh bạn thứ hai bước theo người ấy, nhưng đã khựng lại khi đứng trước khung cửa hẹp của cái chết. Trong khi đó anh bạn thứ đã cùng đi với người ấy đến trước tôn nhan Chúa, trình bày những lý chứng và cứu thoát người ấy khỏi án phạt đời đời.
Người bạn thứ nhất là tiền bạc vật chất. Người bạn thứ hai là cha mẹ và họ hàng thân thích. Còn người bạn thứ ba, luôn trung thành và bào chữa cho chúng ta, đó chính là những hành động bác ái yêu thương.
Hãy làm cho những nén bạc Chúa đã trao gửi được sinh lời, nhờ đó giây phút chúng ta tính sổ cuộc đời với Chúa sẽ không phải là giây phút bẽ bàng và cay đắng, nhưng sẽ là giây phút mừng vui và hạnh phúc.

Phải sợ Thiên Chúa nếu không phải là Thiên Chúa. Nhưng có sự sợ hãi tốt và có sự sợ hãi không tốt. Dụ ngôn ngày hôm nay là một bài học nói về hai nỗi sự hãi này. Điều cốt yếu nằm ở trong cuộc đối thoại giữa người chủ với người đầy tớ thứ ba, tức người tỏ ra sợ hãi.
- Thưa ông chủ, tôi biết ông chủ và tôi sợ ông. Tôi đã đem đi giấu dưới đất cái mà ông đã giao cho tôi.
- A! Ngươi biết ta sao?
Điều bi đát chính là việc người đầy tớ biết sai về ông chủ của mình. Cho nên một số tín hữu nghĩ rằng Thiên Chúa là vị quan toà tỉ mỉ và khó tính mà nhất thiết người ta đừng gây sự với Ngài. Người đầy tớ xấu nghĩ tốt hơn cả là sinh sự với Ngài càng ít càng tốt và làm hết cách để tránh những phiền toái.
Đó là sự sợ hãi xấu. Nó vô hiệu hoá, nó làm cho mình sống một cách tiêu cực: nếu tôi nói điều này, nếu tôi nói điều kia, điều gì sẽ xẩy đến cho tôi? Chúng ta ẩn mình trong những điều chắc chắn: điều gì có tính cách bó buộc?
Nhưng chúng ta đã chẳng nhận lãnh đức tin để sống tối đa hay sao? Sống hết sức tích cực. Chúng ta chẳng có Tin Mừng để thấm nhiễm Tin Mừng vào trong các tư tưởng, các hành vi của chúng ta và biết điều gì làm Thiên Chúa vui lòng hay sao? Chúng ta chẳng có các bí tích để mạnh mẽ đương đầu với cuộc sống hay sao? Tất cả những điều đó đôi khi im lìm như một kho tàng bị che giấu. Chúng ta không dám mạo hiểm, sự thực hiện các sáng kiến, những dấn thân có đôi chút tàn bạo. Nếu tôi mất đức tin vào đó thì sao? Nếu tôi để cho nhà của tôi bị xâm nhập thì sao? Nếu tôi không còn tìm ra thì giờ để cầu nguyện thì sao? Nếu tôi không có trong tay đủ tiền bạc thì sao? Và nếu ông chủ xét đoán tôi thì sao?
Còn biết bao nhiêu chữ nếu nữa... Cẩn trọng là tốt, nhưng không thoải mái. Càng đưa ra những giả thiết như thế, điều mà chúng ta gọi là cẩn trọng chỉ còn là sự sợ hãi mà thôi. Như thế thì cuộc sống Kitô hữu không nói gì về Chúa Kitô cả! Những người Kitô hữu ở trong một toà nhà, đi làm việc, đức tin của họ không lan truyền, không gây ngạc nhiên, không thu hút, thì đức tin đó đóng kén trong sự chờ đợi đầy sợ hãi và tầm thường. Văn hào Soljenitsyne nói “Tất cả chúng ta bị mê hoặc chờ đợi điều gì đó đến riêng rẽ; không, không có gì đén riêng rẽ cả”.
Các thánh không chờ đợi, các ngài nhận biết Thiên Chúa, cá ngài biết yêu thương nhau, và cái nhìn vào Chúa biến các ngài thành những nhà hoạt động và táo bạo. Các thánh cũng sợ, nhưng đó là sự sợ hãi đáng ca ngợi! Sợ được yêu thương đến độ đó và không yêu thương cho đủ. Nỗi sợ của thánh Vincentê Phaolô: “Ngài có thể làm gì hơn nữa? Người ta hỏi Ngài. –Nhiều hơn thế nữa”.
Nhiều hơn thế nữa. Đó là điều mà ông chủ chờ đợi nơi người đầy tớ sợ hãi, chứ không phải là điều tối thiểu! Chúng ta được trao ban một cuộc sống chứ không phải hai để sống Tin Mừng thực sự, để chứng tỏ rằng Thiên Chúa hiện hữu, rằng Ngài muốn chúng ta tin tưởng, hoạt động.
Ông chủ nói: “Khi trở về, tôi muốn thu lại tiền của tôi cùng với số tiền lời”. Vào cuối cuộc đời chúng ta, Thiên Chúa sẽ nhìn xem điều gì đã phát sinh từ sự sáng tạo và tình yêu trong cuộc sống mà Ngài đã giao phó cho chúng ta. Nỗi sợ duy nhất của người Kitô hữu chính là không làm cho vốn liếng năm tháng của chúng ta sinh hoa kết quả cho đủ.

Hẳn rằng chúng ta đã hiểu được ý nghĩa dụ ngôn về những nén bạc: Ông chủ là Thiên Chúa, nén bạc là những tài năng Ngài đã trao ban. Lúc ông chủ trở về và tính sổ là lúc Thiên Chúa phán xét và chúng ta phải trả lẽ về những khả năng đã sử dụng. Trước tôn nhan Chúa, thì giàu sang hay nghèo hèn, già cả hay trẻ thơ, tất cả đều không mấy quan trọng. Điều cần thiết đó chính là sự cộng tác của chúng ta với ơn Chúa, chính là sự cố gắng của chúng ta để sử dụng và sinh lời từ những nén bạc Chúa đã trao gửi. Vậy sự cố gắng sẽ đem lại những hậu quả nào cho chúng ta?
Trước hết, sự cố gắng sẽ đem lại những thành công về phương diện vật chất. Thực vậy, như chúng ta thường nói:
- Kiến tha lâu cũng đầy tổ.
- Năng nhặt thì chặt bị.
- Nước chảy đá mòn.
- Có công mài sắt có ngày nên kim.
Những thành công trên đường đời chỉ dành cho những người biết cố gắng mà thôi. Một con chuột nhắt cứ cắn mãi cắn hòai cũng có ngày làm đứt sợi dây thừng. Từng nhát búa bổ dần cũng có ngày đốn gẫy cây cổ thụ. Từng giọt nước nhỏ dần cũng có ngày chọc thủng phiến đá. Chính vì thế, tương lai được hứa hẹn không phải cho những kẻ thông minh tài trí, nhưng cho những người biết hành động hơn, biết chăm chỉ hơn, biết cố gắng hơn, như tục ngữ đã nói:
Có làm thì mới có ăn,
Không dưng ai dễ mang phần đến cho.
Tiếp đến, sự cố gắng sẽ đem lại những thành công về phương diện tinh thần. Thực vậy, kinh nghiệm cho thấy muốn trở nên một người tài giỏi thì phải chăm chỉ học hành. Khi tìm hiểu về những thiên tài trong lịch sử, người ta đã ghi nhận chỉ có 5% là do khả năng trời ban cho, còn lại 95% là do sức cố gắng. Chính vì thế, người Trung Hoa đã nói: Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý. Viên ngọc mà không dũa không mài thì không thể trở thành đồ trang sức quí giá. Con người cũng vậy, nếu không chịu khó học hành thì không thể nào biết được lý lẽ mà cư xử. Thực vậy:
Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài,
Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi.
Kinh nghiệm cũng cho thấy: thay đổi được một thói hư, xóa bỏ được một tật xấu là điều rất khó và đòi hỏi nhiều cố gắng.
Một ông bố quyết định từ bỏ rượu chè bằng cách mỗi lần ngồi vào bàn cơm, ông ta đều nhỏ một giọt nến vào chiếc ly uống rượu. Cứ thế, cứ thế cho tới khi chiếc ly đầy nến và ông ta chừa bỏ được tật nghiện rượu của mình.
Đời sống là một cuộc giao tranh khiến chúng ta phải cố gắng và chiến đấu không ngừng. Sống trong cuộc đời, chúng ta như người bơi ngược dòng nước, nếu không cố gắng bơi, thì sẽ bị dòng nước cuốn trôi. Đứng trước những thói hư tật xấu, nếu chúng ta không cố gắng chống trả, thì rồi chúng ta sẽ bị nhận chìm trong tội lỗi lúc nào cũng chẳng hay.
Sau cùng, trong phạm vi thiêng liêng, mặc dù Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta, nhưng không phải là đã xong xuôi, trái lại chúng ta còn phải tiếp tục cộng tác với Ngài và ra sức chiến đấu không ngừng. Vì thế, thánh Augustinô đã nói:
- Khi tạo dựng nên chúng ta, Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta. Tuy nhiên, để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần chúng ta ưng thuận và cộng tác với Ngài, bởi vì chính Ngài cũng không thể cứu chuộc chúng ta, nếu như chúng ta không muốn.
Hãy tự cứu lấy mình, rồi trời sẽ cứu. Lời nói này có nghĩa là trong mọi trường hợp, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải cố gắng và cố gắng không ngừng. Trong ngày sau hết, Thiên Chúa không hỏi chúng ta đã làm được những gì, trái lại Ngài muốn biết chúng ta đã chiến đấu như thế nào, có sinh lời cho Chúa từ những nén bạc Ngài đã trao gửi hay không?

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)
Câu chuyện do Chúa Giêsu đặt ra về việc sử dụng các nén bạc là một dụ ngôn tiêu biểu chứ không phải là một ẩn dụ. Dụ ngôn là một so sánh toàn thể, cụ thể và đầy hình ảnh, cố ý giúp người ta hiểu một điều giảng dạy. Không nên xét quá kỹ về mỗi chi tiết, nhưng phải tìm bài học toát ra từ toàn thể, ẩn dụ là một số hình ảnh (sắp đặt thành một câu chuyện hy có khi không sắp đặt) nối tiếp nhau, mỗi một yếu tố đều tương ứng với các chi tiết của ý tưởng muốn diễn tả. Dụ ngôn các nén bạc đòi hỏi một cách hiểu toàn thể để rút ra một bài học lớn. Không nên cắt nghĩa chi tiết để rút ra các kết luận nhỏ; bài học lớn mà Chúa Giêsu muốn trình bày như sau: người môn đệ phải bày tỏ lòng trung thành tích cực phục vụ Thiên Chúa, ngược với sự thụ động lười biếng đồng nghĩa với bất trung, Người Kitô hữu chân chính sống cả đời trong sự trông đợi tích cực và có trách nhiệm. Việc so sánh ông chủ hà khắc đối với người làm có thể làm cho cảm xúc Kitô giáo của chúng ta thấy khó chịu. Chỉ cần nhớ lại Chúa Giêsu dùng các điều thấy trong lối sống thời Ngài mà so sánh; Ngài không nói nó xấu hay tốt, Ngài chỉ dùng như những sự kiện thấy được để rút ra những bài học. Trong trường hợp này, Ngài đặt ra một câu chuyện có thể tin được theo lối sống và tập tục thời ấy và qua đó Ngài rút ra một giáo huấn. Chúa nhấn mạnh ở điểm nào?
1) Ở sự nhanh nhẹn của các tôi tớ tốt. Họ ra đi ngay làm lợi số vốn được trao phó. Không những số tiền trao cho họ khiến nảy sinh ý thức trách nhiệm, nhưng tức thì gây nên ý muốn hành động. Hơn nữa họ không sợ phiền hà. Người tôi tớ thứ nhất và thứ hai ra đi và làm số vốn lợi gấp đôi. Việc phục vụ Thiên Chúa đòi hỏi người ta không được an thân trong sự bảo đảm của cái đã có. Không có gì là thực sự nắm chắc. Người ta chỉ duy trì được cái đang có bằng cách gia tăng nó lên. Cuộc sống siêu nhiên ở tron thế động. Không ngơi nghỉ, không khép mình ở một mức tưởng đã đạt tới. Vì là một cuộc sống, nó đòi hỏi phải tăng trưởng mà không mất đi những gì nuôi dưỡng nó. Nhanh nhẹn là ở chỗ không mất thì giờ trong những điều khởi sự và không thối chí cố gắng liên tục.
2) Chúa nhấn mạnh về nguy hiểm của sự lười biếng tinh thần. Nó bị kết án thực sự: Người tôi tớ lười biếng không làm mất nén bạc được trao phó, anh ta trả lại cho ông chủ nhưng anh ta phạm lỗi lười biếng không chịu hoạt động. Có một thái độ lười biếng tinh thần cứ nghĩ Thiên Chúa không khó tính và chúng ta ra sao Người sẽ chấp nhận như vậy, miễn là chúng ta làm cho Người một vài điều tối thiểu. Như thế là xét sai vấn đề. Thiên Chúa để cho chúng ta chịu trách nhiệm về những gì cuộc sống chúng ta đã làm hay không làm được. Không tiến bộ trong đức tin- đức mến, trong hoạt động (nếu ơn gọi chúng ta hoạt động) bị xét xử như một tội bất trung. Điều chính không phải làm ra được nhiều. Thiên Chúa ban cho mỗi người tùy theo khả năng khác nhau, Ngài cũng chờ đợi những thành quả khác nhau. Người đã nhận nhiều, sẽ phải trả nhiều hơn kẻ nhận ít. Nhưng cả hai phải tích cực phát triển những ân huệ Chúa đã giao phó.
Một câu hỏi cuối. Tại sao Thiên Chúa là Đấng có tình thương cứu độ vô biên và nhưng không lại đòi hỏi con người đáp ứng tích cực? Vì Ngài không muốn cứu con người mà không có phần đóng góp của con người. Ngài đã tạo con người có tự do, Ngài muốn con người có trách nhiệm. Đó chẳng phải là yêu sách tiên quyết của một tương quan yêu thương sao?

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)
Chỉ còn vài giây trong một trận bóng đá, trọng tài đã chạy theo banh vào giữa vùng sân nơi có đội banh cuối cùng sẽ bị loại, họ đã đá một trận ra trò để tới gôn bên kia. Người tiền vệ đã thay đổi lối chơi đá một quả vào vùng cuối sân nhưng bóng bị chận lại, họ đã mất một cơ hội để chiến thắng. Một vị giáo sư trong lớp lịch sử đã buộc học sinh phải làm một bài với một trang giấy không quá năm ngàn từ. Một sinh viên đã quyết định viết một ngàn từ thế là mất điểm và anh ta bị điểm kém.
Điều tốt hơn là làm những gì đúng hơn là làm những gì chúng ta muốn. Từ bài Phúc âm ngày hôm nay chúng ta có thể học được rằng, sẽ muốn làm những gì là công chính trong mắt của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không muốn làm những điều lớn lao vì Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ muốn làm bất cứ điều gì mà Thiên Chúa muốn chúng ta làm. Nếu Thiên Chúa muốn chúng ta sẽ trở thành một người lớn lao trong Giáo hội, được phong thánh trong một thời gian ngắn, sau khi chúng ta chết, được tôn kính bởi toàn thể những người công giáo trên khắp thế giới, đó là giống như người mà Phúc Âm nói đến, người đã được trao cho năm nén bạc.
Mặt khác, có lẽ đời sống chúng ta không có gì đặc biệt. Đó là những dáng vẻ xuất hiện bên ngoài, chúng ta cũng nhỏ bé chẳng khác gì dân chúng sống chung quanh chúng ta, chúng ta làm việc với những người khác, chúng ta cũng xếp hàng tại các siêu thị. Điều quan trọng là chúng ta đã cố gắng sống theo ý muốn của Thiên Chúa, để tôn kính và hoàn tất ơn gọi của chúng ta trong từng chi tiết của đời sống, muốn trung thành sốt sắng trong tôn giáo của mình. Chúng ta giống như những người trong Phúc âm đã được trao cho không phải là năm nén, nhưng chỉ là hai nén.
Một người phụ nữ mà đời sống của bà không có gì đặc biệt, bà giống như nhân vật trong bài đọc I của ngày hôm nay, một người vợ giá trị sẽ không bao giờ được xuất hiện trên TV trong sô diễn “60 phút”. Người đàn ông có thể là một người chồng trung thành, tin tưởng trao phó trái tim của anh cho vợ mình, nhưng sẽ không bao giờ xuất hiện trong tạp chí “Dân chúng”. Có phải điều đó sẽ không thành vấn đề, bao lâu những người này biết họ được Thiên Chúa yêu mến và thân mật với họ? Theo Phúc âm, Thiên Chúa hài lòng với người tôi tớ có hai nén, vì anh ta đã là lợi được hai nén khác giống như người có năm nén đã làm lợi năm nén khác.
Điểm sai lạc là sống giống như một người trong Phúc âm, người nhận được một nén và đã chôn nó vào đất. Anh ta biện minh rằng anh ta sợ chủ của mình. Sợ hãi đã ngăn chặn anh ta làm bất cứ điều gì, hoặc không làm bất cứ điều gì, mặc dù anh ta là một người khó khăn. Chúng ta có thể phỏng đoán ông chủ là một người khoan dung cho những người thất bại, nhưng ông không thể nào kiên nhẫn với sự kiện là người tôi tớ không nỗ lực làm việc.
Người chủ hiển nhiên là không cần những nén bạc. Cuối cùng ông cũng cho họ, những người làm lợi năm nén hay người làm lợi hai nén. Sự thật là Thiên Chúa không cần chúng ta. Ngài có thể thực hiện ý muốn của Ngài trong tích tắc, nếu Ngài muốn điều ấy. Vì Thiên Chúa chọn và muốn cho chúng ta ân sủng của Ngài. Chúng ta phải hiểu rằng mọi thứ là ân sủng đến từ Thiên Chúa: đời sống của chúng ta, gia đình, đức tin, tài năng, ngay cả những khao khát và yêu mến phục vụ Thiên Chúa của chúng ta nữa. Mọi sự là đặc ân, nhưng chúng là một đặc ân được nhìn theo ý muốn của Thiên Chúa, vì vinh quang của Ngài, vì sự lợi ích cho dân của Người.
Thật sự trong một ý nghĩa chúng ta được gọi để làm một điều lớn lao cho Thiên Chúa bởi vì bất cứ khi nào chúng ta làm bất cứ điều gì theo ý muốn của Thiên Chúa thì không có vấn đề nào là nhỏ hoặc là tầm thường, nếu nó xuất hiện trước mặt con người là như thế, nhưng thật ra đó là một điều rất lớn lao.

Báo Văn Học số 196 tháng 8 năm 2002, trong mục Tin Văn của Thế Quân, ca ngợi ông Gene Smith 65 tuổi, “Một người mê sách: kẻ cứu tinh của một nền văn học”. Nhờ mê sách mà ông cứu vớt nền văn học của Tây Tạng. Ký giả Barbara Stewart của báo New York Times đã gọi ông già Smith là người cứu tinh của nền văn học Tây Tạng. Ông Smith đang sở hữu một kho tàng văn chương Tây Tạng mà ông sưu tập được từ 37 năm nay. Theo ước tính, ông hiện có khoảng 12 ngàn tác phẩm văn chương Phật giáo và văn chương chịu ảnh hưởng Phật giáo của Tây Tạng. Những học giả Mỹ đánh giá công trình sưu tập văn chương của ông là công trình to lớn nhất ở phương Tây và có thể lớn nhất thế giới.
Thế nhưng sự nghiệp này đã được bắt đầu rất đơn giản. Lý do đưa ông đến việc nghiên cứu văn chương Tây Tạng là hồi chiến tranh Việt Nam xảy ra, ông xoay sở để được hoãn dịch bằng cách học một trong những ngôn ngữ khó học là tiếng Tây Tạng. Sau đó, ông đã học triết lý và quan điểm về thế giới của Phật giáo Tây Tạng với lạt ma Deshung. Lạt ma Deshung là một người mê sách. Và nỗi đam mê ấy truyền sang Smith khiến ông trở thành một người mê sách luôn. Sau 5 năm học tiếng Tây Tạng, ông du hành qua An Độ để sưu tầm sách.
Mặc dù văn chương Tây Tạng đã có lịch sử cả 1000 năm với một khối lượng đồ sộ những tác phẩm văn chương, nhưng vẫn là một nền văn minh ẩn giấu, không mấy ai biết đến nền văn minh này. Trên thế giới không đâu có tác phẩm của Tây Tạng kể cả những thư viện lớn nhất thế giới. Lý do là vì người Tây Tạng không biết in sách. Sách được hoàn thành bằng cách chép tay hoặc khắc trên những bản gỗ, và lưu giữ trong các tu viện hoặc nhà riêng. Đã thế mỗi một trong 4 tông phái Phật giáo Tây Tạng lại có một nền văn chương riêng biệt. Chẳng ai phân loại hay có một danh sách đầy đủ. Sau khi Trung Quốc xâm lăng, sách bị phân tán khắp nơi, cuốn còn, cuốn mất. Hơn nữa sách được mang ra ngoại quốc thường do những người tỵ nạn Tây Tạng vượt ngọn núi Hy Mã Lạp Sơn mang sang An Độ. Tìm hỏi cho ra người mang sách đã là việc khó, lại còn phải biết sách nào quan trọng trong các tông phái chính đòi hỏi phải có kiến thức và sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
Để khắc phục những khó khăn trên, ông Smith phải dốc toàn tâm lực làm việc liên tục, tra cứu, tham khảo với các vị lạt ma, gửi các chuyên viên đến các nơi xa xăm ở An Độ cũng như Nepal để săn lùng sách. Trong quá trình làm việc như thế kiến thức của ông Smith trở nên phong phú phi thường. Ông trở thành giám đốc lưu động của văn phòng thư viện đặt tại New Delhi, IndonesiaCairo. Hiện nay ông đang dự định chuyển chỗ ở về New York với cơ quan văn hoá “Rubin Cultural Trust” hứa sẽ cung cấp đủ chỗ để chứa thêm một số sách hiện đang tồn trữ và hàng trăm cuốn sách mới khác vừa được tìm thấy gần đây mà người ta tưởng rằng đã bị phá hủy. Nói rằng Gene Smith là người cứu tinh của cả một nền văn học, quả không có gì quá đáng!
Sự tiêu cực và bi quan đã bóp méo hình ảnh của Thiên Chúa trở nên một ông chủ hung ác. Đây là thái độ của người đầy tớ thứ ba.
Một người cha sắp sửa lên đường đi làm ăn xa, trao cho hai người con tiền bạc để xây cho ông hai căn nhà. Người con đầu tiên đã dùng tất cả số tiền được trao phó xây cho cha một ngôi nhà tuyệt đẹp, sang trọng. Còn người con thứ hai nhìn thấy đây là một cơ hội để kiếm tiền riêng cho mình, hắn dùng những vật liệu xây cất rẻ tiền, và xây cho cha một ngôi nhà rất tầm thường. Khi người cha trở về, để làm quà thưởng cho các con, ông nói “Để trả công cho các con, cha cho mỗi con chính căn nhà mà các con đã xây cho cha, hãy đưa gia đình các con vào ở trong căn nhà đó”.
Sự ích kỷ và lười biếng của người đầy tớ thứ ba đã làm cho anh có cái nhìn tiêu cực và bi quan về thiện ý của chủ rồi dẫn tới hành động chôn giấu nén bạc dưới đất.
Thiên Chúa chúng ta tờ phượng là một Thiên Chúa của sự sống, đầy yêu thương. Nói đến sự sống là nói đến sự sinh trưởng, phát sinh hoa trái. Vì chính Ngài là Đấng Tạo Hoá đã dựng nên vũ trụ và phán: “Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái tuỳ theo loại:, Ngài cũng phán ngay với con người rằng: “Hãy sinh sôi nẩy nở…” Do đó không tăng trưởng là dấu hiệu của sự hủy diệt, sự chết. Không phát sinh hoa trái là đi ngược lại thánh ý của Thiên Chúa và gây tai hại cho chính bản thân mình.
Chú giải về đoạn Tin Mừng hôm nay, William Barclay đã viết: “Thiên Chúa không muốn những con người phi thường làm những việc phi thường, nhưng Ngài rất muốn những con người bình thường làm những việc bình thường một cách phi thường”.
Chúa Giêsu sẽ trở lại để hỏi chúng ta về những nén bạc, tài năng, ơn lành đã được Thiên Chúa trao ban. Chúng ta sẽ bị xếp vào loại người đầy tớ nào?

(JKN)
Câu hỏi gợi ý:
1. Trên đời, kẻ được Thiên Chúa ban cho rất nhiều thuận lợi, kẻ lại bị Ngài cho gặp rất nhiều nghịch cảnh. Vậy Ngài có phải là một Thiên Chúa bất công không? Nếu không bất công thì phải giải thích sự bất bình đẳng này ra sao?
2. Người được nhiều thuận lợi có trách nhiệm gì về những thuận lợi của mình không? Trách nhiệm thế nào?
3. Thiên Chúa phán xét con người dựa trên những thành quả, mức độ hoàn hảo mà con người đạt được, hay dựa trên mức độ nỗ lực mà con người đã làm để trở nên hoàn hảo hơn?
Suy tư gợi ý:
1. Trên đời, sự phân phối những điều tốt đẹp không đồng đều
Không ai có thể chối cãi điều này: trên đời, người ta khác nhau về đủ mọi phương diện: tính tình, khuynh hướng, khả năng, quan niệm, tư tưởng, đạo đức, sức khỏe, v.v... Đúng như cổ nhân nói: “Bá nhân bá tánh”, “chín người mười ý”... Và ngay trong từng phương diện, người ta cũng khác nhau về mức độ, chẳng ai tuyệt đối bằng ai, y hệt như: “Bàn tay ngón thấp ngón cao”. Điều đó tạo nên sự phong phú đa dạng trong thế giới con người. Trong những lãnh vực khác của thiên nhiên vạn vật cũng có sự đa dạng y như thế. Như vậy, phải chăng Thiên Chúa bất công? Phải chăng những người có tài đức hơn người, có nhiều điều kiện phát triển hơn người, giàu có hơn người… thì được lợi hơn những người khác?
2. Ai nhận được nhiều thì bị đòi hỏi nhiều
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: Thiên Chúa cho ai nhiều, thì Ngài đòi hỏi người ấy nhiều. Ngược lại Ngài cho ai ít, thì lại đòi hỏi người ấy ít. Đức Giê-su đã từng nói: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48). Người được Thiên Chúa ban nhiều ân huệ mà không làm những ân huệ sinh lợi cho Thiên Chúa, cho bản thân, cho tha nhân, thì ân huệ ấy trở thành án phạt cho mình. Cho nên ân huệ nhiều thì trách nhiệm cũng nhiều. Vậy ai nhận được nhiều thì cũng nên lo lắng về trách nhiệm của mình. Còn ai được ít thì cũng nên tự an ủi vì trách nhiệm của mình ít. Như vậy kẻ được nhiều không hẳn đã hay, và kẻ được ít không hẳn đã dở. Mới nghĩ thì thấy Thiên Chúa không công bằng, nhưng nghĩ cho kỹ thì thấy Ngài tuy chủ trương đa dạng nhưng lại rất công bằng.
Những ân huệ ta nhận được cũng như món tiền ta vay của ngân hàng, phải trả tiền lời theo định kỳ, mỗi tháng hoặc mỗi năm. Do đó, vay càng nhiều tiền thì càng phải sinh lợi ra nhiều để có thể trả số lời tương ứng với số tiền mình vay. Giả như lãi suất là 10% một năm (tức 0,83% một tháng), thì trong 10 năm, tiền lời sẽ lên cao bằng tiền vay ban đầu. Nếu vay trong 20 năm, tiền lời thành gấp đôi tiền vay ban đầu. Nếu vay nhiều mà không đủ khả năng sinh lợi ra nhiều, thì sẽ không có tiền để trả lãi, và vay càng lâu thì tiền lời càng cao, nếu không sinh lợi thì càng nguy hiểm. Vì tới kỳ hạn cuối cùng, phải thanh toán cả vốn lẫn lời, nếu không có khả năng trả hết thì có nguy hiểm phải ngồi tù. Do đó, nếu không có khả năng làm ăn sinh lợi, thì vay được nhiều không phải là điều tốt đẹp mà trái lại có thể là nguyên nhân gây ra tai họa. Vay càng nhiều, họa càng lớn. Tương tự, được Thiên Chúa ban nhiều thuận lợi chớ vội mừng hay tự hào, vì nếu không làm cho chúng sinh lợi thì rất có thể những thuận lợi ấy lại trở thành tai họa.
3. Hãy ý thức trách nhiệm về những thuận lợi mình đang hưởng
Vậy chúng ta hãy tự xét xem chúng ta được Thiên Chúa ban cho những thuận lợi nào: khỏe mạnh, thông minh, được giáo dục tử tế, có văn hóa, nhà giàu có, nhiều tài năng, v.v... Chúng ta thường hãnh diện, tự hào với mọi người về những thuận lợi đó, mà rất ít khi nghĩ đến trách nhiệm vì được những thuận lợi hơn người đó. Thiết tưởng, khi được những thuận lợi hơn người, người Ki-tô hữu phải nghĩ đến trách nhiệm hơn là tự hào về chúng.
Những thuận lợi đó phải được đem ra làm ích lợi cho Thiên Chúa, cho bản thân, và cho tha nhân. Nếu thuận lợi ta được quá nhiều, mà ích lợi ta làm ra được từ những thuận lợi đó lại quá ít, ắt nhiên ta không thể tránh được hình phạt của Thiên Chúa. Được quá nhiều thuận lợi mà không sinh lợi cho ai, điều ấy chứng tỏ ta không có tình yêu, và như thế là ta không có Thiên Chúa trong chúng ta: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được” (1Ga 3,17). Thật vậy, nếu về mặt vật chất mà Thiên Chúa còn đòi buộc chúng ta “ai có hai áo, hãy chia cho người không có; ai có gì ăn, cũng hãy làm như vậy” (Lc 3,11), thì về mặt tinh thần, Ngài còn đòi hỏi chúng ta phải chia sẻ hơn vậy rất nhiều. Vì sự chia sẻ vật chất thì rất giới hạn, còn chia sẻ tinh thần thì ít bị giới hạn hơn rất nhiều.
4. Đừng vội tự hào hay kiêu hãnh về những thuận lợi của mình
Vậy khi xét xử, Thiên Chúa không xét theo mức độ đạo đức, những thành quả tâm linh mà chúng ta đang có hay đã đạt được, mà xét theo mức độ cố gắng của chúng ta để nên hoàn thiện hơn. Nếu Thiên Chúa ban cho ta 5 yến bạc, mà ta chẳng làm lợi ra được yến nào, nghĩa là ta không phát huy được những thuận lợi của ta, không dùng những thuận lợi ấy để làm ích cho ai, thì ta sẽ không được Ngài kể là công chính bằng một người chỉ được Ngài ban một yến, nhưng đã làm lợi ra được gấp 3, thành 3 yến. Tuy người ấy chỉ có 3 yến, nghĩa là kém ta tới 2 yến, nhưng người ấy được Thiên Chúa coi là công chính hơn ta rất nhiều. Có như thế, Ngài mới là một Thiên Chúa công bằng thật sự.
Vì thế, đừng tưởng ta đạo đức hơn người, làm được nhiều việc tốt lành hơn người mà nghĩ rằng ta công chính hơn người. Coi chừng kẻo lầm to: “ai tưởng mình đang đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12). Vì không thể so sánh thấy kết quả của mình hơn người khác mà kết luận mình công chính hơn họ. Phải so sánh những thành quả mình làm được với những thuận lợi ban đầu Thiên Chúa ban cho, xem đã tương xứng chưa: “Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình (...) chứ đừng so sánh với người khác” (Gl 6,4).
Đi vào cụ thể, ta thử so sánh hai người sau đây: Một người sinh ra từ một cha mẹ trộm cướp hay đĩ điếm, không được giáo dục đầy đủ, nhưng anh đã cố gắng hết sức mình ra vượt ra khỏi vòng tội lỗi do cha mẹ mình để lại. Anh nỗ lực vươn lên sự thiện suốt cả cuộc đời, và anh đã trở thành một người khá lương thiện. Còn người kia được sinh ra từ một cha mẹ đức hạnh, được giáo dục đầy đủ, vì thế, dù anh chẳng cố gắng hay nỗ lực nhiều, anh vẫn được mọi người coi là rất tốt, và nhờ đó có một địa vị khá cao trong xã hội hay Giáo Hội. Như vậy, trước mặt người đời, người thứ hai chắc chắn được đánh giá là công chính hơn người thứ nhất. Nhưng rất có thể trước mặt Thiên Chúa, Ngài thấy nỗ lực vươn lên của người thứ nhất lớn hơn gấp nhiều lần nỗ lực của người thứ hai. Như thế chắc chắn phần thưởng Thiên Chúa dành cho người thứ nhất sẽ phải lớn hơn phần thưởng cho người thứ hai.
Quả thật cách phán xét của Thiên Chúa khác hẳn với cách phán đoán của người đời. Ngài đã từng nói với các các thượng tế và kỳ mục trong dân, là những người được dân chúng tôn trọng và cho là đạo đức: “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31). Tại sao? Có thể vì những người tội lỗi ấy đã cố gắng vươn lên sự thiện nhiều hơn cả những bậc được coi là đạo đức kia! Nên khi Gio-an Tẩy giả và Đức Giê-su đến, những người bị coi là tội lỗi ấy đã sám hối và tin theo ngay!
Cầu nguyện
Lạy Cha, nhiều khi con vui mừng vì được Cha ban cho rất nhiều thuận lợi trong đời sống. Và con đã hãnh diện và tự hào với những người kém may mắn hơn con. Qua bài Tin Mừng này, con thấy mình thật dại dột, vì nếu con không dùng những thuận lợi ấy để bù đắp lại cho những người kém may mắn hơn con, thì vào ngày Cha phán xét, chính những thuận lợi ấy lại trở thành những gì gây bất lợi cho con. Xin cho con ý thức được trách nhiệm của con đối với họ.
Sưu tầm

Chúa Nhật 33 Thường Niên (A) : 8 Bài Suy Niệm Và Giảng Lễ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Admin