Giáo Dân Truyền Giáo

Giáo hội luôn ý thức về căn tính truyền giáo của mình. Ý thức này khởi đi từ lệnh truyền của Đức Giêsu trước và sau khi Người phục sinh. Lịch sử Giáo hội cũng đã chứng kiến nhiều nhà truyền giáo quảng đại dấn thân, ra đi thi hành lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20).

Truyền giáo là một đề tài rộng với nhiều khía cạnh liên quan. Bài viết này chỉ xin nêu lên 3 câu hỏi liên quan trực tiếp đến người giáo dân cũng như cố gắng đưa ra những trả lời trong giới hạn cho phép.
Truyền giáo là truyền cái gì?
Truyền giáo là từ để dịch chữ missio trong tiếng La tinh, từ này xuất phát bởi động từ mittere nghĩa là “gửi đi, sai đi, phái đi”. Như vậy “truyền giáo” có nguồn gốc sâu xa từ việc Chúa Cha sai Chúa Con đến thế gian để trình bày tình yêu của Thiên Chúa. Không những chỉ trình bày mà thôi, Chúa Con còn thực thi chương trình đó để thông ban tình yêu cho con người. Sau đó chính Chúa Con phục sinh lại sai Chúa Thánh Thần đến với Giáo hội cũng như sai Giáo hội đến với thế gian. Như vậy truyền giáo là tiếp tục thực thi công việc của Chúa Con, của Chúa Thánh Thần, của Giáo hội và công việc này xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa Cha.
Công việc truyền giáo được duy trì và tiếp tục từ xưa đến nay với những thay đổi về cách thức, nơi chốn và hoàn cảnh nhưng nội dung của việc truyền giáo thì không đổi thay.
Sứ vụ chính yếu của Đức Giêsu là rao giảng Nước Trời và nước đó đã khai mở với sự hiện diện của Đức Giêsu. Đức Giêsu đến để thực thi tình yêu của Thiên Chúa Cha một cách cụ thể. Khi sai các môn đệ ra đi, Đức Giêsu nhấn mạnh đến việc giảng dạy và làm phép rửa. Chính vì thế, Giáo hội xác nhận việc truyền bá Phúc âm và thiết lập các Giáo hội địa phương là ưu tiên và là mục tiêu số một của việc truyền giáo.
Tuy nhiên sứ vụ này xem ra gặp nhiều khó khăn đối với giáo dân vì họ vẫn phải đối diện với những vấn đề cơm áo, gạo tiền trước mắt. Do đó công việc truyền giáo thiết thực hơn cả với người giáo dân là trình bày, diễn tả và trao ban tình yêu của Thiên Chúa cho tha nhân ngay trong môi trường sống của mình; là trình bày về niềm hy vọng, về ơn cứu độ nơi Đức Kitô; là góp phần thăng tiến con người và xã hội theo tinh thần Tin Mừng. Truyền giáo là làm cho men Tin Mừng thấm nhập vào trong từng ngõ ngách của cuộc sống nhân loại. Đó cũng là điều mà Công đồng Chung Vaticanô II, đề cập đến qua Sắc Lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội rằng: “Hoạt động truyền giáo của Giáo hội không gì khác và không gì hơn là việc bộc lộ hay là việc tỏ hiện dự án của Thiên Chúa, cùng với việc làm hoàn tất dự án này trên thế giới cũng như trong lịch sử” (số 9).
Truyền giáo cho ai?
Câu hỏi này lẽ ra không cần phải nêu lên vì lệnh truyền của Đức Giêsu đã quá rõ ràng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Lc 16,15). Như thế, không gian và đối tượng đã rõ ràng. Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta vẫn cần xác định những đối tượng ưu tiên cho việc truyền giáo. Trong điều kiện và khả năng của người tín hữu, việc truyền giáo thiết thực hơn cả là sống chứng nhân ngay trong gia đình và môi trường làm việc của mình. Chồng làm chứng cho vợ, vợ làm chứng cho chồng, cha mẹ làm chứng cho con cái, gia đình làm chứng cho hàng xóm láng giềng, cho đồng nghiệp, cho những người mà ta tiếp xúc hàng ngày qua công việc. Các tín hữu giáo dân tham gia vào việc truyền giáo qua các lãnh vực khác nhau của xã hội. Đó là điều Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã khuyến khích qua sứ điệp truyền giáo năm 2008.
Thông thường ta hay gán việc truyền giáo cho các linh mục, nam nữ tu sĩ hay các nhà thừa sai và đối tượng của việc truyền giáo là dân ngoại. Tuy nhiên, giống như đức ái, việc truyền giáo cũng có một trật tự riêng của nó. Như đã xác định ở trên, truyền giáo là nói lên và trao ban tình yêu của Thiên Chúa cho con người, cho nên trước hết ta cần truyền giáo cho những người ta thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc. Chính vì thế mà Đức Giêsu đã khuyên các môn đệ hãy đến với những con chiên lạc nhà Israel trước đã rồi sau đó mới đến với muôn dân. Trước khi về trời, Đức Giêsu cũng dặn các môn đệ hãy làm chứng cho Người từ Giêrusalem, đến miền Giuđa, Samari rồi mới đến tận cùng thế giới (x. Cv 1,8). Chính vì thế đối tượng ưu tiên của việc truyền giáo phải là gia đình, làng xóm, đoàn thể, giáo xứ rồi mới đến xã hội hay các biên cương xa hơn. Vậy vấn đề đặt ra là với các đối tượng này chúng ta phải truyền giáo như thế nào?
Truyền giáo như thế nào?
Việc truyền giáo phải được thực hiện trước hết bằng chứng tá đời sống. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã khẳng định rằng con người ngày nay tin tưởng vào các chứng nhân hơn là vào các thầy dạy, vào cảm nghiệm hơn là vào giảng thuyết. Vậy thể thức đầu tiên của việc làm chứng là chính đời sống của nhà truyền giáo, của gia đình Kitô hữu và của cộng đồng Giáo hội.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng xác định trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân rằng: Các tín hữu giáo dân nhờ gương sáng và hoạt động của mình có thể cải thiện được những mối tương giao với các tín đồ thuộc các tôn giáo bạn cũng như đối với người dân bản xứ một cách thích nghi với hoàn cảnh sống riêng biệt. (x. số 35). Như vậy, dù sống ở đâu, người giáo dân đều phải lấy gương mẫu đời sống để biểu dương con người mới mà mình đã mặc lấy nhờ phép Rửa để những người khác nhìn thấy những việc lành của họ mà ngợi khen Thiên Chúa.
Đời sống chứng nhân phải khởi đi từ trong gia đình bằng cách mỗi người chu toàn tốt vai trò của mình. Nói đến chứng nhân thường ta hay nghĩ đó phải là gương sáng của các thánh, của các nhà truyền giáo vĩ đại, của các vị linh mục, tu sĩ... Hiếm khi mỗi người trong chúng ta tự nghĩ và quyết tâm trở nên chứng nhân cho người khác. Tại sao chúng ta lại thụ động như vậy? Đó là vì chúng ta không tự tin, chúng ta thiếu xác tín vào ơn Chúa. Quả thật, ơn Chúa ban đủ cho chúng ta, chỉ cần cố gắng chúng ta có thể trở nên chứng nhân cho người khác. Khi người chồng hết lòng yêu thương vợ, sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm, thiếu xót của vợ, hy sinh bản thân để chăm sóc cho gia đình và con cái, khi đó người chồng đã trở nên chứng nhân, không những cho vợ con mà thôi nhưng còn cho cả bà con lối xóm. Với một cách sống tương tự, mỗi người đều có thể trở nên một chứng nhân sống, một nhà truyền giáo ngay trong gia đình, giáo xứ của mình.
Người Kitô hữu còn sống chứng tá bằng đời sống bác ái, dấn thân cho người nghèo, người cô thế cô thân, người cô đơn thất vọng, những người đang cần một sự nâng đỡ ủi an. Bác ái không chỉ là cho họ của cải vật chất nhưng trên hết là sự quan tâm với tất cả tình người. Trong gia đình, trong làng xóm, trong giáo xứ luôn có những con người như thế.
Đặc biệt là đoàn viên của Huynh đoàn giáo dân Đa Minh, chúng ta được mời gọi tham gia vào sứ vụ chung của Dòng, đó là giảng thuyết hầu có thể cứu độ các linh hồn. Sau chứng tá bằng đời sống và đức ái, chúng ta cần nói về Tin Mừng, về đạo lý cho họ. Tin Mừng cần phải được trình bày, tình thương của Chúa cần phải được biểu hiện. Lời Chúa cần được trình bày một cách sống động, gây hứng thú cho người nghe. Tuy nhiên chúng ta cũng cần khiêm tốn vì lời của chúng ta chỉ là những gợi ý giúp họ mở cửa tâm hồn. Qua đó, chính Thiên Chúa sẽ thâm nhập và biến đổi trái tim họ. Quả vậy, công việc truyền giáo trước hết là công việc của Thiên Chúa. Chúng ta gieo Lời nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng làm cho Lời đó lớn lên.

Nguồn tin: http://daminhvn.net

Giáo Dân Truyền Giáo Rating: 4.5 Diposkan Oleh: huy dung