"Tuần chầu lượt như là ‘gia sản’ của Giáo phận Vinh và là nét đặc thù kết hợp được một cách hài hòa giữa văn hóa và đức tin. Phải biết giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp của tuần chầu lượt".
ĐGM Phaolô: "Hãy giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp của Tuần Chầu lượt"
19.10.2011
"Tuần chầu lượt như là ‘gia sản’ của Giáo phận Vinh và là nét đặc thù kết hợp được một cách hài hòa giữa văn hóa và đức tin. Phải biết giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp của tuần chầu lượt".
Theo linh mục Cao Vĩnh Phan viết trong cuốn Tìm hiểu và thực hành chầu lượt thì nguồn gốc của hình thức chầu lượt đã có từ lâu đời trong Phụng vụ Hội Thánh và quen gọi là Chầu bốn mươi giờ. Đầu tiên xuất phát từ giáo phận Milanô bên nước Ý và được áp dụng trong phạm vi nhỏ hẹp nơi các dòng tu từ năm 1534 đến năm 1537. Về sau nhận thấy giá trị và ích lợi lớn lao về phần thiêng liêng cho các linh hồn, nên Hội Thánh mới cho phép áp dụng rộng rãi trong các giáo xứ khắp cả hoàn cầu. Năm 1900, dưới thời Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI, Thánh Bộ Lễ Nghi đã ban bố Sắc lệnh chấp thuận hình thức chầu lượt này. Nội dung chính của Sắc lệnh này dạy phải long trọng đặt Mình Thánh Chúa ra bên ngoài để giáo dân kính viếng trong 40 giờ liên tiếp. Từ lợi ích to lớn của việc chầu Mình Thánh Chúa, Giáo Hội thể chế hóa thành Luật trong khoản 942 Bộ Giáo luật 1983: “… Hằng năm vào thời gian thuận tiện, nên tổ chức ngày chầu trọng thể Bí tích cực Thánh Chúa, dù không phải là chầu lượt, để cộng đoàn địa phương có thể suy niệm và tôn thờ Mầu Nhiệm Thánh Thể cách chuyên chú hơn”. Ở đây kiểu nói: “Dù không phải là chầu lượt” đã mặc nhiên nói đến sự cần thiết của tuần chầu đền tạ Thánh Thể Chúa Giêsu.
Ở Việt Nam, truyền thống Chầu lượt cũng đã có từ gần 100 năm nay với những tên gọi khác nhau như: Chầu phước chuyến (cách gọi của các giáo phận thuộc miền cao nguyên trung phần), Chầu Mình Chúa (cách gọi của các giáo phận từ Đà Nẵng trở vào).
Riêng giáo phận Vinh, việc tổ chức Tuần chầu lượt có quy củ và long trọng hơn, được ví như cuộc tổ chức “Đại hội Thánh Thể miền”, “ngày Tết của giáo xứ”: Các linh mục trong hạt buộc phải tập trung về giáo xứ có phiên thứ Tuần chầu, chia sẻ và ngồi tòa giải tội giúp giáo dân có dịp thuận tiện đến tòa cáo giải làm hòa với Chúa và chuẩn bị xứng đáng cho Tuần chầu; khách từ các giáo xứ bạn cũng tới hiệp thông cầu nguyện và chia sẻ niềm vui với giáo xứ thực hiện phiên thứ Tuần chầu. Có giáo xứ vì đông giáo dân, chia làm nhiều giáo họ nên Tuần chầu được chia phiên thứ từ ngày thứ hai đầu tuần. Theo truyền thống thì bắt đầu sáng thứ sáu khai mạc tuần chầu và bế mạc vào ngày Chúa Nhật. Tuần chầu lượt ở giáo phận Vinh có từ năm 1918, dưới thời Đức Cha Anrê Lêông Giuse Bắc, tuần chầu được chính thức quy định trong Thư chung đề ngày 19/06/1918.
Trong lời khai lễ ngày cao điểm tuần chầu lượt của giáo xứ Quý Hòa, Chúa Nhật 29 TN ngày 16 tháng 10, Đức cha Phaolô đã đề cập đến ý nghĩa và tầm quan trọng của tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể, vì “Thánh Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội”: “Chúa Nhật 29 thường niên năm nay, giáo xứ Quý Hòa được phân công thay cho toàn thể giáo phận tổ chức tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể. Tuần chầu lượt được ví như là ‘gia sản’ quý báu của giáo phận Vinh và là nét đặc thù kết hợp được một cách hài hòa giữa văn hóa và đức tin. Chúng ta phải biết giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp của tuần chầu lượt. Tuần chầu lượt đã trở nên ấn tượng sâu đậm trong tâm khảm của mỗi người con giáo phận Vinh nói chung và của hơn 4.000 giáo dân giáo xứ Quý Hòa. Những ngày này, những người con xa quê hương đang hướng lòng về đất mẹ, với tất cả tâm tình yêu mến, sống lại bao kỷ niệm đẹp, đượm vẻ thánh thiện, linh thiêng. Chúng ta cùng cầu cho những người con của giáo xứ Quý Hòa, vì lý do mưu sinh… đang phải sống tha hương, được bình an. Chúng ta cũng cầu cho những người đang hiện diện trong ngôi thánh đường này được dư tràn hồng ân của Chúa Giêsu Thánh Thể để trong cuộc sống luôn được bình an, hạnh phúc và gặp nhiều thuận lợi trong công việc làm ăn nơi mảnh đất nắng lắm mưa nhiều này”.
Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay mời gọi người Công Giáo chúng ta ý thức vai trò công dân của mình. Người Công giáo vừa là công dân của Nước Trời vừa là công dân của nhà nước trần thế. Trong mối tương quan đó đòi hỏi chúng ta đồng thời phải chu toàn trách nhiệm, với tư cách công dân, cả hai thực tại ấy. Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phaolô đã nhắc lại Thư chung hậu Đại hội dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đồng dân Chúa Việt Nam: “Là công dân trong một đất nước, người Công Giáo Việt Nam có bổn phận yêu mến và xây dựng quê hương. Đồng thời, chúng ta thi hành bổn phận này với tinh thần Phúc Âm, khi thể hiện chức năng tiên tri bằng tiếng nói chân thành và có trách nhiệm, ‘thực thi yêu thương trong chân lý và thực thi chân lý trong yêu thương’. Theo ý nghĩa đó, Đức Bênêđictô XVI cũng đã nhắn nhủ các tín hữu Việt Nam: ‘Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng là người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt’”. Đức cha Phaolô cũng nói lên vai trò và sứ mệnh của người Công giáo trong xã hội trần thế theo Giáo huấn của Giáo Hội: “Nhiệm vụ của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu là phải sống và loan báo Tin Mừng trong mọi nền văn hóa, môi trường kinh tế, xã hội, chính trị… Tuy nhiên, do sứ vụ của mình, Giáo Hội không thể đồng hóa với bất cứ một chế độ chính trị, một hệ thống kinh tế hay một nền văn hóa nào. Bản văn của công đồng Vatican II cho thấy rõ mối tương quan vừa phong phú, vừa phức tạp giữa Giáo Hội với thực tại xã hội, chính trị: ‘Do sứ vụ và thẩm quyền của mình, Giáo hội không thể đồng hóa với cộng đồng chính trị và cũng chẳng có thể cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào (…). Trong lãnh vực riêng của mình, cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập và tự trị với nhau. Tuy nhiên, mặc dầu dưới danh nghĩa khác nhau, cả hai cùng phục vụ con người, trong sứ mệnh cá nhân và xã hội. Hơn thế nữa, tùy theo hoàn cảnh thời gian và không gian, nếu cả hai càng cố gắng phát triển sự cộng tác lành mạnh, thì cả hai càng phục vụ lợi ích của mọi người hữu hiệu hơn’ (GS 76)”. “Nhà cầm quyền trong chức năng và nhiệm vụ của mình có trách nhiệm mưu cầu thiện ích chung cho mọi người, và người công dân có nghĩa vụ tôn trọng và phục tùng nhà cầm quyền: ‘vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập’ (Rm 13, 1). Nhưng không phải là tất cả, lĩnh vực tâm linh không thuộc thẩm quyền cai trị của chính quyền trần thế: ‘Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa’ (Mc 12,17). Khi đưa ra sự phân biệt độc đáo này, Đức Giêsu cũng đồng thời công nhận sự hiện hữu và tính độc lập tương đối của thực tại trần thế. Nhà nước có vai trò, có giá trị và ý nghĩa đặc biệt trong lãnh vực riêng biệt của mình. Nhân danh công ích, Nhà nước có quyền ban hành luật pháp, thu thuế và đòi hỏi công dân nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ. Khi phân biệt vâng phục Thiên Chúa với tuân phục Nhà nước, Đức Giêsu thiết lập một số giới hạn cần thiết cho quyền bính chính trị. Bên trên Nhà nước vẫn còn một thẩm quyền khác. Nhà nước không được tiếm quyền hay đòi hỏi người công dân những gì mà họ chỉ phải trả lại cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Nhà nước cũng không thể chống lại quyền lợi của Thiên Chúa, cấm đoán việc thờ phượng Người hoặc đi ngược lại chương trình của Người”.
Đáp lại lời cảm ơn của cha quản xứ Phêrô Phan Văn Đồng, Đức cha Phaolô cầu chúc cho giáo dân giáo xứ Quý Hòa sống đúng với tên gọi quý hòa mà các bậc tiền nhân đã đặt lên: luôn biết quý trọng và sống hòa thuận thương yêu nhau để xây dựng một giáo xứ tốt về phần đạo và đẹp về phần đời.
10 giờ 30 cùng ngày, Đức cha Phaolô đã chủ sự thánh lễ cung hiến bàn thờ giáo họ Đồng Nại (Quý Hòa). Đồng Nại nằm cách Quý Hòa khoảng 1km, hiện có 600 giáo dân, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản và làm muối. Đức cha Phaolô đã ân cần nhắc nhở cộng đoàn giáo họ Đồng Nại: “Nếu hành vi xúc phạm ngôi thánh đường bằng gỗ đá này là một trọng tội thì việc xúc phạm đến thân xác mình, xúc phạm đến danh dự nhân phẩm, thân xác của người khác… lại mang một tính chất đặc biệt nghiêm trọng hơn, vì như Đức Giêsu đã nói: ‘Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em’ (1Cr 3, 16-17). Vì thế, cần phải chú trọng xây dựng ngôi đền thờ sống động là con người chúng ta, đặc biệt là giới trẻ…”.
Tác giả bài viết: Đăng Trình
Nguồn tin: giaophanvinh.net
Nguồn tin: giaophanvinh.net