TÌM HIỂU - SUY NIỆM VỀ GIÁNG SINH
MỤC LỤC
1. Về ngày Lễ Chúa Giáng Sinh
2. Mạc khải và Mầu nhiệm Siáng Sinh
3. Giáng Sinh và Sứ điệp hòa bình
4. Sự phi thường Giáng Sinh
5. Khoảng cách
6. Đêm thánh
--------------------------------------
VỀ NGÀY LỄ CHÚA GIÁNG SINH
Hằng năm toàn thể Giáo Hội Công giáo mừng ngày sinh nhật Chúa Giêsu, đấng Cứu thế từ trời cao sinh xuống làm người trên trần gian.
Mừng sinh nhật Chúa Giêsu, đấng Cứu thế, Con Thiên Chúa, cũng là vị Thủ lãnh sáng lập Giáo Hội Chúa ở trần gian.
Lễ mừng sinh nhật của Chúa Giêsu, con Thiên Chúa sinh ra làm người, là ngày lễ trọng đại của đức tin đạo Công giáo.
Và ngày lễ trọng đại đó có nguồn gốc trong dòng thời gian lịch sử về khía cạnh văn hóa cũng như chính trị của đời sống xã hội nhân loại.
1. Chúa Giêsu Giáng Sinh trong dòng lịch sử
Martyrologium Romanum ghi chép tên tuổi lịch sử các vị Thánh của Giáo Hội Công giáo toàn cầu đã có bài công bố về niên đại cùng nơi chốn lịch sử Chúa Giêsu giáng sinh làm người :
„ANNO ein creatióne mundi,
quando in principio Deus creávit coelum et terram, quinquies Millesimo Centesimo nonagésimo nono :
Ein diluvio autem, anno bis Millesimo nongentésimo quinquagésimo Septimo :
Ein Nativitate Abrahae, anno bis Millesimo quintodécimo :
Ein Moyse et egréssu populi Israel de Ægypto, anno Millesimo quingentésimo Decimo :
Ab unctióne David in Regem, anno Millesimo trigésimo Secundo ;
Hebdómada Sexagesima quinta, juxta Danielis prophetíam :
Olympiade centésima nonagésima quarta :
Ab urbe Roma condita, anno septingentésimo quinquagésimo Secundo :
Anno Imperii Octaviáni Augusti Quadragesimo Secundo,
toto Orbe in Tempo compósito, sexta mundi Aetate, -
Jesus Christus Aeternus Deus, æterníque Patris Filius,
mundum volens advéntu suo piíssimo consecráre,
de Spiritu Sancto Conceptus, novémque post conceptiónem decúrsis ménsibus,
in Bethlehem Judae nascitur ex María Virgine factus Homo.
Nativitas Domini nostri Jesu Christi secundum carnem. "
Xin tạm dịch :
" Vào 5199 năm từ khi trời đất vũ trụ do Thiên Chúa sáng tạo nên,
Vào 2957 năm xảy ra nạn lụt đại hồng thủy,
Vào 2015 năm Tổ Phụ Abraham chào đời
Vào 1510 năm Tiên Tri Maisen dẫn đưa dân Israel trở về quê hương từ Ai Cập
Vào 1032 năm David được xức dầu phong làm Vua
Vào tuần lễ thứ 65. trong năm sau lời tiên báo của Daniel
Vào lễ Thế vận hội thứ 194.
Vào năm 752 từ khi thành phố Roma được lập nên
Vào năm thứ 42. triều đại chính phủ Oktavianus Augustus,
Vào thời gian năm thứ 6. niên lịch thế giới, nền hòa bình có khắp nơi trên địa cầu
Chúa Giêsu Kito, Đấng là Thiên Chúa hằng có, là Con của Thiên Chúa Cha hằng có, đã muốn thánh hóa thế giới qua việc Ngài đến hứa ban chan chứa đầy tràn ân phúc,
Đấng đã bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, sau chín tháng thụ thai trong cung lòng người mẹ đã sinh ra làm người ở Bethlehem miền Juda bởi Đức Mẹ đồng trinh Maria :
Đức Giêsu Kito Chúa chúng ta đã sinh ra làm người với thân xác xương thịt."
Theo dòng lịch sử văn hóa cùng tập tục sống đức tin, Giáo Hội đã ấn định ngày 25.12. hằng năm theo dương lịch là ngày lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế sinh xuống làm người trên trần gian.
Nhưng tại sao lại chọn ngày 25.12. là ngày sinh nhật Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu thế ?
2. Lễ Chúa Giáng Sinh ngày 25.12 trong lịch sử Giáo Hội.
Trong Kinh thánh phúc âm không ghi ngày tháng Chúa Giêsu sinh ra, và thời Giáo Hội sơ khai lúc ban đầu cũng không có ngày mừng sinh nhật của Chúa Giêsu. Các tín hữu Chúa Kitô lúc đó chỉ nghĩ nhớ đến ngày kỷ niệm qua đời của các vị Thánh Tử đạo, chứ không đến ngày sinh nhật của các Vị.
Trước năm 221 Julius Africanus đã chọn ngày 25. Tháng Ba là ngày nhớ sự thương khó của Chúa Giêsu, và đồng thời cũng là ngày Chúa Giêsu thụ thai trong cung lòng Đức Mẹ Maria. Tình từ ngày này thai nhi Giêsu chín tháng trong cung lòng đức mẹ, thì ngày sinh nhật mở mắt chào đời phải là ngày 25. Tháng Mười Hai.
Bên Giáo Hội Armenien ấn định ngày 5. và 6. tháng Một ( tháng Giêng) là ngày sinh nhật Chúa Giêsu. Đang khi bên Giáo Hội Georgien lấy ngày 25.tháng 12 là ngày mừng sinh nhật Chúa Giêsu.
Bên Giáo Hội cổ xưa miền Palestina đã có một thời gian mừng ngày sinh nhật Chúa Giêsu vào giữa tháng Năm.
Furius Dionysius Filocalus trong niên giám năm 354 đã ghi lại ngày 25. tháng 12 là ngày lễ gíang sinh Chúa Giêsu. Viết lại ngày 25.12. trên ông đã căn cứ vào nguồn sử liệu Roma năm 336 - một năm trước khi Hoàng đế Contantino qua đời, vị Hoàng đế này vào thời gian đó đã công nhận cho phép đạo Công gíao Chúa Kitô chính thức hoạt động ở Roma và trong đế quốc đế Roma-
Trong bản mục lục của các vị Tổng trấn của đế quốc Roma còn ghi thêm : " Giêsu Kitô trong thời kỳ Tổng trần C. Augustus và L. Aemilianus Paulus vào ngày 25. tháng 12, vào ngày thứ Sáu trong tuần lễ, vào ngày thứ 15. của tháng theo lịch mặt trăng, đã sinh ra đời." .
Ghi chép lại như thế để báo cáo về những sự việc xảy ra gửi về trung ương chính trị Roma, nơi hoàng đế trị vì. Và ngày 25.12. nêu ra dường như chỉ là biến cố lễ mừng tôn giáo nhiều hơn. Nhưng ngày 25. 12. thời gian những năm trước đó có phải là ngày lễ mừng không, điều này không rõ cho lắm.
Ở Roma ngày 25.tháng 12 là ngày sinh nhật Chúa Giêsu trước hết được mừng theo như bài giảng ngày lễ giáng sinh của Thánh Hyronymus ngay nơi phần đầu. Nhưng Afrikanus không căn cứ theo đó để công nhận nguồn gốc ngày 25. 12. Trái lại còn có những gỉa thuyết khác nói về nguồn gốc khởi thủy của ngày này nữa.
Ngày 25.12. là ngày tạ ơn được Giáo hội lập ra, vì sự thắng trận của Hoàng đế Contanstino ở Constantinopel. Ngày lễ này có sau năm 313, có lẽ vào năm 380.
Ngày 24.12. là ngày mừng sinh nhật Thần Mặt Trời – Sol Invictus – do Hòang đế Aurelius lập ra - Lễ nghi kính thờ thần này có vào năm 275 - .
Theo lịch Julius vào ngày 25.12. thời tiết chuyển sang mùa đông. Vào ngày này cũng là ngày mừng sinh nhật của Thần Mithras. Có lẽ vào khoảng năm 300 ngày lễ mừng này được ấn định. Và như thế nếu so sánh với thời gian Chúa Giêsu Kitô và mặt trời cùng sự việc, hiểu được rằng, với lễ mừng lễ sinh nhật ở thành Roma đạt tới cao điểm lễ nghi thờ thần mặt trời.
Tưởng nhớ tới mặt trời công chính "Sol invictus", vị chiến thắng sự chết, cũng liên tuởng đến sự hài hòa trong vũ trụ theo trật tự do Thiên Chúa ấn định : Theo trật tự này lịch theo mặt trời quy định tính ra như sau, vào tiết Thu phân ngày 24.tháng Chín ngày Thánh Gioan tiền hô thụ thai trong cung lòng mẹ, rồi chuyển sang tiết Hạ chí mùa hè ngày 24.tháng sáu là ngày sinh nhật của Ông ; Cũng thế vào tiết Xuân phân Chúa Giêsu thụ thai trong cung lòng đức mẹ Maria và sang tiết Đông chí mùa đông sẽ là ngày sinh nhật của ngài.
Thuyết về ngày lễ mừng Sol invictus có ảnh hưởng rất lớn đến nền văn hóa, đến đời sống Giáo Hội thời đạo Công giáo lúc ban đầu. Và trong dòng thời gian lịch sử đạo Công giáo từ hơn hai ngàn năm nay, việc biến đổi, công nhận hay rửa tội những thói tục của nền văn hóa đạo nghĩa dân gian, mà quen gọi là "bên lương hay không có đạo !", cho trở thành theo ý nghĩa Công giáo, cũng không phải là chuyện gì xa lạ bất thường. Như trong trường hợp cắt nghĩa lại ngày lễ thờ Sol invictus 25. Tháng 12. Vào những ngày cuối tháng 12 trong năm, con người ở vùng bắc bán cầu sống trong khao khát mong mỏi ánh sáng đến xua đuổi sự tối tăm lạnh rét mùa đông trong trời đất, Giáo Hội Công giáo đã công nhận "rửa tội" cho ngày lễ đó thành ngày lễ giáng sinh Chúa Giệsu, Đấng là ánh sáng trần gian, là mặt trời công chính, mang ánh sáng hơi nồng ấm đến trần gian đang sống trong bóng tối tội lỗi, cho thích hợp với giáo lý đạo Công giáo.
Trong dòng thời gian lịch sử Giáo Hội Chúa Giêsu dẫu vậy vẫn có hai ngày khác nhau mừng sinh nhật Chúa Giêsu : Giáo Hội Công Giáo Roma mừng vào ngày 25. tháng 12, nhưng Giáo Hội Chính Thống mừng vào ngày 06. tháng Giêng hằng năm.
Theo Phúc âm thuật ghi chép lại : Chúa Giêsu sinh ra được đặt nằm nằm trong máng của xúc vật ăn thay vì trong một nôi có chăn chiếu ấm êm. Thật thương tâm cám cảnh !
Trong hoàn cảnh thiếu thốn bơ vơ giữa đường, cha mẹ Chúa Giêsu phải làm xử sự như vậy. Nhưng đối với người tín hữu Chúa Kito lại mang một ý nghĩa đạo giáo tinh thần cao đẹp khác hơn.
3. Chiếc máng cỏ
Không có sử sách nào ghi lại rõ hình thù chiếc máng cỏ lúc Chúa Giêsu sinh ra như thế nào ở Bethlehem ngày xưa. Theo tương truyền những mảnh gỗ máng cỏ Chúa Giêsu nằm lúc sinh ra còn lưu giữ ở đền thờ Đức Bà cả S. Maria Maggiore bên Roma. Điều này không có gì chắc chắn đúng trăm phần trăm cả.
Chúa Giêsu sinh ra nằm trong máng cỏ với cái nhìn và nhận xét của con người là việc qúa nghèo nàn cùng tầm thưòng hèn hạ. Nhưng điều này lại mang một hình ảnh tinh thần rất có ý nghĩa : Con người chúng ta được sinh ra trong một nôi chuồng có sự che chở bao bọc của Thiên Chúa.
Máng để cỏ rơm cho thú vật ăn, máng chứa nước cho súc vật uống. Như thế máng cỏ cho súc vật trở thành chén bát, cái thau chứa đựng thực phẩm dinh dưỡng nuôi sống súc vật trong chuồng trong trại.
Chúa Giêsu khi sinh ra nằm trong máng chứa đựng thực phẩm sự sống, rồi sau này Ngài với sứ vụ đem sự sống ơn cứu rỗi cho con người, nói lên hàm chứa ý nghĩa rất tương đồng thích hợp.
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa từ trời sinh xuống làm người đã chấp nhận cảnh sống nghèo nàn cúi mình nằm xuống trong máng cho súc vật ăn, nói lên nếp sống khiêm cung sâu thẳm.
Chúa Giêsu sinh ra được đặt nằm trong máng ăn của súc vật còn nói lên ý nghĩa kính trọng thiên nhiên : những gì Thiên Chúa tạo dựng nên cho con người, cho súc vật để sinh sống, không có gì tầm thường hèn hạ.
Gương sống lòng chan chứa tình yêu thương và lòng khiêm cung, con người chúng ta thấy cụ thể nơi cha mẹ mình. Trong đời sống con người, hầu như cha mẹ nào cũng chấp nhận những hy sinh tận cùng nhất để cho con cái mình, nhất là người con còn nhỏ thơ bé, được có đời sống khoẻ mạnh tươi tốt.
************
Càng ngày lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu ngày 25. tháng 12. như càng nhuốm mầu sắc lễ hội, mầu sắc thương mại, cùng đôi chỗ, đôi lúc có pha lẫn chính trị vào nữa. Đó là tiến trình trong nếp sống văn hóa xã hội thay đổi lên xuống.
Nhưng cốt lõi chính yếu ngày lễ mừng vẫn lễ ánh sáng hòa bình Chúa Giêsu mang xuống cho nhân lọai từ trời cao.
Sứ điệp ngày lễ mừng sinh nhật Đấng Cứu Thế trước sau cũng vẫn luôn là tin mừng tình yêu thương tha thứ làm hòa giữa Trời và đất, giữa Thiên Chúa với con người trần gian.
"Từ hang đá Chúa giáng sinh Bethlehem không phát tỏa ra điều ảo tưởng nào, nhưng là điều chắc chắn bảo đảm : con người không bị giao nộp trong những phiên tòa phân xử lịch sử cũng như sinh vật học. Thiên Chúa và Chúa Giêsu luôn hằng đồng với con người trong mọi hòan cảnh đời sống và luôn gìn giữ che chở họ." như lời Đức giáo hoàng Benedictô 16. ngày 15.12.2011 ngỏ lời với 10.000 sinh viên và giáo sư các đại học thành Roma trong buổi đọc kinh chiều theo truyền thống vào mùa Vọng.
Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh 2011
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
MẠC KHẢI VÀ MẦU NHIỆM GIÁNG SINH
Vào thời điểm Chúa Giêsu giáng thế, có nhiều mục đồng và nhiều nhà chiêm tinh, nhưng chỉ một ít trong số họ lại nhận được mặc khải hồng ân. Liên quan đến những bí nhiệm này, trong Tin Mừng thánh Matthêu, Chúa Giêsu có nói "Con xưng tụng Cha, vì Cha đã dấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mặc khải cho những kẻ bé mọn" (Mt 11,25). Như vậy, khiêm hạ là điều kiện cần để nhận được sự thông tri từ Đấng Tối Cao.
Dạng thức mặc khải
Thiên Chúa là Đấng vượt trội trên hiểu biết và ngôn ngữ loài người. Ngài còn là Thiên Chúa ẩn dấu. Trong Cựu ước Is 45, 15 ghi "Lạy Thiên Chúa của Israel , lạy Đấng Cứu độ, Ngài quả thật là Thiên Chúa ẩn mình". Thiên Chúa là thần trí, con người lại là nhục thể, Thiên Chúa thì tinh tuyền, con người thì tội lỗi. Hai thuộc tính trái ngược đã tạo nên hai bức tường ngăn cách, làm con người quá khó để tiếp cận Thiên Chúa. Nếu không được chỉ dẫn trực tiếp hay gián tiếp của Thiên Chúa, con người rất dễ giải thích sai lầm về Ngài. Các phương thức mà Thiên Chúa sử dụng để biểu lộ quyền năng, tình yêu, ý định, tương lai cho con người được gọi là mặc khải. Mặc khải có thể là ở dạng siêu nhiên hay tự nhiên.
Thiên Chúa sáng tạo ra vũ trụ, con người và trao cho con người được làm chủ nó, qua các công trình này Người đã gián tiếp biểu lộ mình cho con người, đây là mặc khải tự nhiên. Hơn nữa, Ngài còn mong muốn tỏ ra các mầu nhiệm, nhắm hướng dẫn con người hiểu được bản tính sâu xa và những dự định khác của Ngài cho cuộc sống tương lai của con người. Sự biểu lộ này là mặc khải siêu nhiên.
Trong Kinh Thánh, các mặc khải siêu nhiên có thể xuất hiện dưới dạng các thị kiến, các ơn soi sáng, giấc mơ và thỉnh thoảng trong khi suy niệm Kinh Thánh.
• Đức Maria được gặp thiên thần Gariel truyền tin (Lc 1, 26), ông Zacaria trong lúc lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa thì gặp sứ thần cho biết vợ ông sẽ sinh đứa con trai (Lc 2, 11). Thánh Phêrô được Chúa Giêsu khen trong (Mt 16, 17) "Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Thánh Gioan thông qua các lần xuất thần, được sứ thần mặc khải để ghi chép sách Khải Huyền . . . là các mặc khải ở dạng thị kiến, soi sáng.
• Thánh cả Giuse được sứ thần báo mộng (Mt 2, 20), 03 nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giêsu hài nhi, được báo mộng đừng trở về gặp vua Hêrôđê (Mt 2, 12), Daniel trong sách tiên tri (Dn 2, 19) "Bấy giờ ông Daniel được mặc khải điều bí nhiệm ấy trong giấc chiêm bao ban đêm. . . là các mặc khải dạng giấc mơ.
• Tiên tri Daniel còn được mặc khải trong khi cầu nguyện, suy niệm Kinh Thánh (Dn 9, 21) "Tôi còn đang dâng lời cầu nguyện, thì Gaprien, nhân vật tôi thấy trong thị kiến ban đầu, bay sà xuống bên tôi vào lúc dâng hiến lễ ban chiều. Ngài đến ngỏ lời với tôi và nói : Này Daniel, nay ta đi ra để giúp ngươi được am tường".
Biểu lộ khiêm tốn về mặc khải
Mặc khải bắt đầu trong Cựu ước, đạt đến đỉnh cao trong Tân ước, khi Thiên Chúa cho Ngôi Hai xuống thế làm người để Ngôi Lời ở giữa chúng ta. Trong Tân ước, mặc khải của Thiên Chúa lại được biểu lộ qua lời nói và những hành động của chính Chúa Giêsu.
Dù con người đã được Thiên Chúa mặc khải dưới nhiều hình thức, nhiều lần, qua nhiều thế hệ, nhiều trung gian là các ngôn sứ và ngay cả qua Người Con một yêu dấu, các mặc khải vẫn còn nhiều ẩn dấu với những biểu lộ rất khiêm tốn so với một Đấng là chúa tể càn khôn.
Trong mầu nhiệm Giáng sinh, khi cho Ngôi Lời nhập thể làm người, Thiên Chúa lại chọn một không gian hoang vắng, nghèo khó và thời điểm mùa đông băng giá để sinh ra. Ngài chọn người cha nuôi là bác thợ mộc và người Mẹ là cô thôn nữ bình dị. Sống trong thầm lặng 30 năm, 3 năm đi rao giảng. Thậm chí, ngay cả khi chiến thắng cái chết bằng sự Phục sinh, Ngài vẫn biểu lộ vinh quang viên mãn cho một nhóm nhỏ-các môn đệ, chứ không cho cả thế gian.
Thiên Chúa lại dùng hình thức mặc khải siêu nhiên cho các người chăn cừu trong vùng Belem đến chia sẽ niềm vui Ngôi Hai giáng trần và mặc khải tự nhiên qua một vì sao, cho ba nhà chiêm tinh đến bái lạy Hài nhi Giêsu.
Các mục đồng không thể nhìn ngôi sao để biết một vị Vua mới được sinh ra, họ cần một sự bày tỏ rõ ràng từ các thiên thần. Các nhà chiêm tinh, với vốn kiến thức, có thể phát hiện Vua dân Do Thái qua dấu chỉ của một ngôi sao. Nhưng sau đó, các vị được tiếp tục dẫn dắt bởi ngôi sao dẫn đường tới nơi Hài Nhi sinh ra và được báo mộng để chọn lối khác để về nhà- nghĩa là được nhận mặc khải siêu nhiên. Chính mặc khải siêu nhiên giúp họ chuyển từ nhận biết một Vua Do thái đến vị Vua cả Trời Đất.
Lạy Chúa Giêsu Hài đồng, chúng con không thể nhận biết tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng con nếu Ngài không tỏ ra và chúng con không quyết tìm kiếm. Chúng con sẽ không đi đến đúng hang đá nơi Ngài sinh ra để cùng hát bài Alleluia, nếu sau khi dấn thân, Ngài vẫn không cho chúng con một ngôi sao dẫn đường giữa mênh mông các lối đi trên trần thế.
G. Tuấn Anh
GIÁNG SINH VÀ SỨ ĐIỆP HÒA BÌNH
Với người công giáo, Lễ Đêm Giáng Sinh là cao điểm của việc cử hành mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, và ở thời điểm ấy, Hội Thánh công bố Tin Mừng Luca 2,1-14.
Trong trình thuật này, thánh Luca cung cấp những chi tiết lịch sử : "Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn Syria " (2,1-2). Những chi tiết này nhấn mạnh mầu nhiệm Thiên Chúa làm người là một biến cố đã thực sự xảy ra trong lịch sử, chứ không chỉ là sáng tạo của trí tưởng tượng ; nếu không, e rằng sống đức tin chỉ là sống trong thế giới ảo ! Tuy nhiên, xem ra thánh Luca còn muốn công bố sứ điệp lớn lao hơn thế nhiều.
Augustô được xem là người thiết lập đế quốc Rôma và mang lại hòa bình cho thế giới. Chiến thắng vang dội của ông đã chấm dứt những năm dài chiến tranh tàn phá Rôma, kể từ khi Julius Caesar bị ám sát. Vào năm 13-19 trước Công nguyên, người ta đã dựng bàn thờ và đền đài lớn để tôn vinh nền hòa bình ông mang lại (Ara Pacis Augustae). Cũng vào thời kỳ đó, nhiều thành phố Hi Lạp vùng Tiểu Á lấy ngày sinh nhật của ông, ngày 23 tháng 9, làm ngày đầu năm mới. Người ta còn gọi ông là "vị cứu tinh của thế giới".
Thánh Luca đã nhắc đến hoàng đế Augustô để nhấn mạnh rằng chính Chúa Giêsu mới là vị cứu tinh của thế giới, là Đấng Cứu Độ, Đấng đem lại nền hòa bình đích thực cho nhân loại : "Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân : Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít" (2, 10-11). Dấu chứng cho nền hòa bình mà Chúa Kitô mang lại (pax Christi) không phải là bàn thờ và đền đài như đối với Augustô (pax Augusta), nhưng là cả đạo binh thiên thần cất tiếng ngợi khen vinh quang Thiên Chúa và bình an cho loài người Chúa yêu thương : "Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng : Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương" (2,13-14).
Trong bản hợp xướng vĩ đại của đạo binh thiên thần, "bình an dưới thế" gắn liền với "vinh quang Thiên Chúa". Sẽ không có bình an dưới thế nếu vinh quang Thiên Chúa không được trân trọng. Nội dung ấy liên kết chặt chẽ với một chi tiết tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt : máng cỏ.
Xem ra thánh Luca mô tả việc Đức Maria hạ sinh Chúa Giêsu thật đơn giản : "Khi hai người đang ở đó thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai, đứa con đầu lòng" (2,6-7a). Chi tiết "con đầu lòng" cũng chỉ để chuẩn bị cho trình thuật Dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh : "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa" (2,22-40). Đang khi đó, "máng cỏ" lại được chú trọng đặc biệt : "Bà sinh con trai, con đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ" (2,7) ; "Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ" (2,12) ; "Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ" (2,16). Máng cỏ được nhắc đi nhắc lại đến ba lần. Hơn thế nữa, lại còn được coi như một dấu chỉ. Vậy thánh Luca muốn nói điều gì ?
Máng cỏ ở đây nhắc nhớ lời than phiền của Thiên Chúa : "Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu biết gì" (Is 1,3). Theo truyền thống, khi làm hang đá Giáng Sinh, người công giáo qua bao đời vẫn đặt con bò và lừa nằm bên máng cỏ, lại chẳng phải vì muốn diễn tả chân lý này sao ? Các mục đồng được sai đến máng cỏ để gặp Đấng Cứu Độ, Đấng là suối nguồn hạnh phúc và bình an cho Dân Ngài. Nói theo ngôn ngữ của Isaia, Dân Chúa đã biết được "máng cỏ nhà chủ", nhìn nhận Chúa là Chủ của mình, và chỉ khi ấy, họ mới được hưởng bình an.
Như thế, sứ điệp mà thánh Luca muốn trao gửi cho người đọc là : Chỉ có Đức Giêsu Kitô mới là Đấng Cứu Độ, Đấng đem lại nền hòa bình chân chính và vĩnh cửu cho nhân loại. Sứ điệp ấy vẫn cần được lặp lại ngay hôm nay. Nền hòa bình của hoàng đế Augustô và của biết bao vua chúa, lãnh tụ trong lịch sử thế giới... tất cả rồi cũng qua đi chứ không trường tồn, và nhiều khi cái gọi là hòa bình ấy lại được mua bằng giá của hằng triệu sinh linh ngã xuống cách oan uổng và tức tưởi ! Trong nhiều đất nước, dù tiếng súng đã im nhưng không hẳn đã có hòa bình trong tương quan giữa người với người, nhiều khi ngay trong một gia đình. Chỉ có nền hòa bình mà Đấng-Thiên-Chúa-làm-người đem lại mới vĩnh viễn trường tồn, nền hòa bình được khơi nguồn từ trong tâm hồn và thể hiện ra bên ngoài qua từng hành vi nhỏ bé của đời thường.
Nền hòa bình ấy chỉ thành hiện thực với điều kiện : bình an nhân thế gắn liền với vinh quang Thiên Chúa. Nhân loại chỉ hưởng được hòa bình khi biết nhìn nhận "máng cỏ của chủ", máng cỏ trong đó có Hài Nhi Giêsu. Nghĩa là nền hòa bình chân chính chỉ có được khi con người đón nhận Hài Nhi Giêsu, để "mang trong lòng mình những tâm tư của Người" (Phil 2,5), bước đi trong đường lối yêu thương và bỏ mình, hiền lành và khiêm tốn, dấn thân và phục vụ mà chính Người đã đi trước đến độ hiến dâng mạng sống trên thập giá.
Trong sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2012, Đức Bênêđictô XVI mời gọi mọi người xây dựng công lý và hòa bình qua nẻo đường giáo dục, nhất là giáo dục người trẻ. Và ngôi trường đầu tiên cho công trình giáo dục ấy chính là gia đình. Thiên Chúa đã làm người trong một mái ấm gia đình. Dù nghèo vật chất nhưng lại giàu tình thương. Và chính trong mái ấm ấy mà Hài Nhi Giêsu "ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa" (Lc 2,41).
Ước mong khi các thành viên trong gia đình cùng nhau làm hang đá mừng lễ Giáng Sinh, thì cũng cùng nhau xây đắp gia đình mình thành mái ấm của tình thương, ngôi trường giáo dục hòa bình và là khí cụ bình an của Chúa trong đời sống xã hội.
Gm Phêrô Nguyễn Văn Khảm
SỰ PHI THƯỜNG GIÁNG SINH
Tác giả Tiến sĩ JEFFREY MIRUS
Việc sinh sản của Đức Mẹ bảo đảm thiên tính của Chúa Con nhắc nhớ tôi các sự kiện mà các khoa học gia mô tả bằng thuật ngữ "sự phi thường". Vì "sự sinh sản đồng trinh" không thể giải thích bằng bất kỳ cách tự nhiên, người Công giáo gọi đó là mầu nhiệm ; nhưng các khoa học gia, theo sát "nghề" của mình, gọi đó là "sự kỳ quặc".
Đây là cách mà các nhà vật lý gọi là Big Bang (vụ nổ lớn), vụ nổ nguyên thủy từ hư vô, như chúng ta biết ngày nay, đã tạo nên vũ trụ kỳ diệu. Theo bản chất, Big Bang không thể xảy ra theo một quá trình tự nhiên. Một số khoa học gia, không đi con đường trừu tượng đúng thời gian của họ, cố che giấu sự lầm lẫn trong sự từ chối, tạo nên nhiều câu chuyện ấu trĩ để giải thích hiện tượng Big Bang, như truyện ngụ ngôn về "vũ trụ sung sức". Nhưng đối với nhiều người khác, Big Bang là một trong các lý thuyết khoa học rất sát với bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Dĩ nhiên bất cứ bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa dựa trên lý thuyết khoa học đều thất bại nếu lý thuyết đó bị biến đổi theo cách quan trọng vì nghiên cứu thêm, cũng như bất cứ bằng chứng nào dựa trên lịch sử cũng thất bại nếu các nhân chứng có thể bị chứng minh là sai lầm. Nhưng tính phi thường vẫn có giá trị là phương tiện đánh dấu giới hạn của thiên nhiên và cần cái gì đó vượt ngoài tầm tự nhiên.
Không thể chứng minh việc Đức Mẹ sinh sản mà vẫn đồng trinh, ngay cả bằng chứng của những người có sự tin tưởng tuyệt đối về Đức Maria, không ai có thể theo dõi chính khoảnh khắc đó. Nhưng đó là cách giải thích lôgic đối với các sự kiện sau đó mà nhiều người trực tiếp là nhân chứng – nghĩa là các phép lạ của Người Con của Đức Mẹ, cái chết chắc chắn và thảm khốc của Chúa Giêsu, và sự phục sinh của Ngài ngay sau đó. Vô nhiễm Nguyên tội là một phạm trù khó hiểu hơn, vì điều đó không thể được chứng minh bằng bất cứ số đông nhân chứng nào đã từng ở bên thánh Anna và người con gái lừng lẫy của bà ngay lúc họ hiện hữu. Nhưng điều đó dùng để giải thích – và được giải thích – công việc khác thường của Con Một của Đức Mẹ.
Cách nói Con Thiên Chúa "hóa thành nhục thể" chính xác hơn cách nói "sinh bởi Trinh nữ Maria", không như nguyên ngữ Latin diễn tả. Hóa thành nhục thể là khoảnh khắc thụ thai chứ không là sinh ra. Việc Đức Mẹ sinh sản mà vẫn đồng trinh là hệ quả của việc "hóa thành nhục thể", cũng như Vô nhiễm Nguyên tội là sự chuẩn bị thích hợp cho điều đó. Chính sự kiện "hóa thành nhục thể" giải thích về Người Con của Đức Mẹ. Hóa ra Ngài cũng là Con Thiên Chúa.
Chúa Giêsu Kitô là Đấng phi thường không thể được hiểu là kết quả của bất kỳ quá trình tự nhiên nào trước đó. Hằng hà sa số những sự phi thường nhỏ hơn – các lời tiên tri, các lời giáo huấn, các phép lạ, Giáo hội, các bí tích, các vị tử đạo, các thánh – chỉ là để đưa sự phi thường chủ yếu vào chính sự nổi bật sắc nét hơn. Ở đây chúng ta có trời và đất trong Con Một Yêu Dấu của Thiên Chúa, Chúa của các chúa và Nguyên Nhân Không Được Tạo Ra (Uncaused Cause) – và cũng là cách giải thích về Big Bang.
Điều này thật khó hiểu, nhưng chúng ta có cơ hội khác. Ngài lại đến, Ngài là Đứa Trẻ mà chúng ta không bao giờ có thể cản trở tình yêu của Đứa Trẻ đó.
Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ từ CatholicCulture.org)
KHOẢNG CÁCH
Cuộc sống có nhiều loại khoảng cách và nhiều kiểu khoảng cách. Có thể là thời gian, không gian, giai cấp, địa vị, trình độ, quan niệm,... Có những khoảng cách hữu hình và có những khoảng cách vô hình.
Mùa Vọng chúng ta được kêu gọi san bằng núi đồi, lấp đầy thung lũng, uốn thẳng đường cong để rút ngắn khoảng cách. Giáng sinh là lúc thực sự phải rút ngắn các khoảng cách vì chính Con Thiên Chúa đã thực hiện điều đó.
Trời và đất cách nhau vòi vọi, thăm thẳm. Tư tưởng của Chúa và tư tưởng của loài người còn cách nhau xa hơn, thậm chí tư tưởng của Chúa còn hoàn toàn trái ngược với tư tưởng của loài người. Ngài là Thiên Chúa, còn chúng ta chỉ là bụi cát, là tội đồ khốn nạn và đáng án tử, đáng lẽ chúng ta phải nài xin Ngài trước, thế nhưng Ngài đã tự hạ mình trước, Ngài mặc lấy xác phàm nên giống chúng ta hoàn toàn (trừ tội lỗi), bị hất hủi, bị xua đuổi. Một Thiên Vương mà phải sinh ra trong một đêm tối tăm ở nơi hôi tanh như vậy, chắc hẳn không còn nơi nào tồi tệ hơn hang chiên lừa nơi cánh đồng vắng.
Mọi thời, mọi nơi và mọi lúc, khoảng cách giàu – nghèo là khoảng cách vừa vô hình vừa hữu hình, rất rõ nét. Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận sự nghèo khó và hèn hạ như vậy hoàn toàn chỉ vì chúng ta, để cứu độ chúng ta. Chúng ta đang là những tử tội mà được trắng án, hóa thành con cái của Ngài. Mọi khoảng cách giữa Ngài và chúng ta không chỉ được rút ngắn tối đa mà còn được xóa bỏ.
Chúng ta biết rõ mười mươi như vậy nhưng có thể chúng ta "biết để mà biết, nghe để mà nghe, đọc để mà đọc", vì chuyện áp dụng và thực hành thì có lẽ còn xa vời lắm !
Trong mấy ngày qua, khi chúng ta chuẩn bị đón Đệ nhất Hàn vương Giêsu, tin tức quốc nội và quốc ngoại đưa nhiều tin "nóng bỏng" liên quan khoảng cách giàu – nghèo.
Nhà lãnh đạo "thân yêu" Kim Jong-il của Triều Tiên qua đời. Người ta muốn ướp xác ông bằng loại thuốc đặc biệt nhất để hậu thế còn được chiêm ngưỡng dung nhan ông. Cha ông là chủ tịch Kim Nhật Thành cũng đã được ướp xác. Thế nhưng, dù khoa học tiến bộ, người ta vẫn chưa có loại thuốc ướp xác "độc đáo" như người Hy Lạp cổ đại. Xác ướp của các Pharaon trong kim tự tháp đã 4.000 năm qua mà vẫn còn nguyên, không cần ai "chăm sóc". Ở nước này hay nức nọ, ngay cả Việt Nam , chúng ta cũng đã biết có những xác ướp cả ngàn năm mà vẫn nguyên vẹn hình hài.
Tần Thủy Hoàng của Trung quốc đã tuyển mỗi ngày 70 ngàn công nhân để xây dựng lăng tẩm cho riêng mình trong suốt 30 năm. Không biết ông ra lệnh hay trả công, nếu tính công thì số ngân khoản quá lớn, và dù không trả công thì chi phí xây dựng lăng tẩm cũng rất lớn. Đó là cái ngông của những con người ác tâm. Ngày nay cũng vẫn có, nhưng thời @ nên người ta tinh vi hơn với kiểu ác tâm tân kỳ hơn !
Ngày nay, người ta muốn ướp xác thì hàng năm phải có người "chăm sóc", chi phí mỗi năm lên tới cả triệu USD. Mà chỉ có các "ông kia, bà nọ" mới muốn làm và có thể có "quyền" làm điều đó. Người nghèo có mơ cũng không thấy. Một chi phí không nhỏ so với ngân sách quốc gia. Nhưng xét cho cùng, ướp xác để làm gì ? Càng giàu hoặc có địa vị thì người ta càng sợ chết, vì sợ nên người ta muốn trấn át nỗi sợ bằng cách "tưởng tượng" ra cảnh hậu thế "tôn sùng" mình khi mình đã xuôi tay nhắm mắt – gọi là "an nghỉ ngàn thu". Xác an nghỉ mà tâm hồn có an nghỉ hay không ?
Còn EVN (Điện lực Việt Nam ), lương tháng của một nhân viên văn phòng là 30 triệu VNĐ. Các ngành nghề khác chỉ vài triệu, khổ nhất vẫn là giới lao động nghèo và các công nhân, họ phải đầu tắt mặt tối, "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ", thế mà cuộc sống của họ vẫn chật vật, thiếu trước hụt sau. Mỗi dịp lễ, tết, họ càng "đau đầu" khi phải làm bài toán chia mãi mà không có dư số.
Mới đây, tôi dạo qua mấy nhà sách Công giáo và ngạc nhiên khi "tò mò" ngó thử một số hàng thấy giá tiền quá cao. Một chiếc Chén Lễ giá 10 triệu VNĐ, còn một chiếc Mặt Nhật giá tới 44 triệu VNĐ. Những câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi. Anh bạn cùng đi với tôi có vẻ trầm ngâm và hỏi vu vơ : "Có cần phải mắc tiền vậy không ? Chúa có cần như vậy không ?". Tôi cười... trừ ! Thực sự tôi chỉ biết làm toán trừ chứ không biết làm các phép tính khác...
Các nhà thờ, các tu viện, và nhiều gia đình, đâu đâu cũng thấy làm hang đá. Nhiều nơi làm hang đá "sang trọng" quá, mang tính trang trí và nặng hình thức, mất ý nghĩa đích thực. Nếu cứ theo "tinh thần thời đại", chúng ta có thể cho Chúa sinh ra ở khách sạn 5 sao mới phù hợp, bên cạnh không là chiếc đèn dầu lù mù mà là những bóng cao áp sáng chói, không còn chiên lừa mà là lò sưởi hoặc máy điều hòa không khí, không có các mục đồng vây quanh mà là các đại gia sang trọng,...
Thật vậy, nhiều nơi làm hang đá không làm nổi bật Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse, mà chỉ thấy nổi bật những cái phụ. Tôi chợt tự vấn : "Còn hang-đá-tâm-hồn của tôi thì sao ? Có làm nổi bật Chúa Hài Đồng hay làm nổi bật chính mình và những phụ kiện khác ?"
Lạy Chúa Hài Nhi, Ngài là Ngôi Lời, Ngài đến và Ngài không chỉ nói mà còn làm hơn những điều Ngài nói. Ngài chịu nghèo để chúng con giàu sang, Ngài đau khổ để chúng con hạnh phúc, Ngài chịu hèn hạ để nhân vị chúng con được tôn trọng, Ngài đến để phục hồi nhân phẩm cho chúng con,... Ngài đã làm những gì khiêm nhường nhất để nêu gương cho chúng con. Xin giúp chúng con biết dám "ngược đời" như Ngài, biết chia sẻ yêu thương để tỏa ánh sáng đức tin, ánh sáng hy vọng, ánh sáng cứu độ đến mọi người, nhất là những người nhỏ bé nhất trong xã hội. Xin Hài Nhi Giêsu đến ngự trong hang-đá-tâm-hồn-nghèo của mỗi chúng con, bây giờ và mãi mãi, và xin giúp chúng con rút ngắn mọi khoảng cách. Chúng con cầu xin nhân Danh "Đệ nhất Hàn vương" Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
Trầm Thiên Thu
Đôi khi điều kỳ diệu và phép lạ Giáng sinh đến với chúng ta rất bất ngờ. Nhiều năm trước, khi chồng tôi là Larry và tôi mới kết hôn, chúng tôi dành hai năm đi Á châu. Chúng tôi rời xa gia đình, bạn bè và công việc để làm từ thiện ở Hong Kong .
Hai tháng sau khi chúng tôi chuyển đến căn nhà mới vào mùa Giáng sinh. Nhưng ở Hong Kong không có màn che cửa sổ hoặc tuần lộc kéo xe trên tuyết. Tôi chưa bao giờ đón mừng lễ Giáng sinh xa nhà thế này, tôi thấy rất nhớ nhà và cách mừng lễ truyền thống với bạn bè vào đêm vọng Giáng sinh, hát nhạc Giáng sinh bên đàn dương cầm, nhiều người đi lại, và cây Giáng sinh lớn treo đầy quà.
Chúng tôi sống tại một căn hộ nhỏ trên tầng ba. Chúng tôi cố gắng trang trí phòng. Cây Giáng sinh của chúng tôi nhìn rất tệ mà chúng tôi được thừa kế: bằng plastic màu xanh lá, cao chưa đầy 1m với các món quà nhỏ màu trắng được gắn keo dính trên cành. Chúng tôi không có 2 xu mà cọ xát vào nhau để có điều gì đó tốt hơn, cho nên chúng tôi treo những dây bắp nổ và xoắn chúng lại với nhau. Dưới cây có vài món quà nhỏ.
Khi lễ Giáng sinh đến gần, tôi cảm thấy sẵn sàng với tư tưởng này về việc làm từ thiện. Chúng tôi đã dành hai năm để làm thay đổi thế giới nhưng không gì hiệu quả.
Rồi một gia đình người Anh mời chúng tôi đến nhà họ, tôi nghĩ chúng tôi đã có phần chung góp. Nhưng niềm phấn khởi của chúng tôi mau biến mất khi Larry đề nghị chúng tôi từ chối lời mời. Anh nói: "Chúng ta gặp rất nhiều người ở đây không có nơi mừng lễ Giáng sinh. Tôi nghĩ chúng ta cần nấu gà tây và mở rộng cửa tiếp đón những ai muốn đến". Chúng tôi đồng ý và mời tất cả những người bạn mới: "Chúng tôi đang nấu gà tây. Nếu bạn cần một nơi để mừng lễ Giáng sinh, hãy đến với chúng tôi".
Dĩ nhiên, bây giờ chúng tôi biết rõ các quy luật giải trí lễ Giáng sinh. Nếu bạn có khách đến nhà, cây Giáng sinh nên được trang trí đẹp, bàn nên cắm nến và dùng đồ sứ, nên có ánh lửa bập bùng trong lò sưởi và có vòng hoa lớn trước cửa. Nhưng lúc đó, chúng tôi chẳng biết gì hơn. Chúng tôi không biết rằng các đĩa bằng giấy là chưa đủ, một cây Giáng sinh bằng plastic không đủ tạo sự chú ý, và phòng khách nhỏ không đủ chỗ cho nhiều khách đến nhà chơi.
Trong những ngày trước lễ Giáng sinh, số khách tăng dần. Ngay buổi sáng lễ Giáng sinh, chuông điện thoại reo vài lần – những người mới, những người chúng tôi đã gặp ngang đường – "Tôi nghe nói hôm nay bạn đang ăn bữa tối lễ Giáng sinh. Còn chỗ cho vài người nữa không?".
Khi họ đến, họ tự giới thiệu với chúng tôi và với nhau, sắp đồ ăn đầy ra đĩa của mình và tìm chỗ ngồi trên nền nhà. Căn phòng ồn ào khi 20 người chia sẻ các câu chuyện của họ – một vài người đi khắp châu Á, một vài người là tình nguyện viên ở Trung Quốc hoặc Hong Kong , một vài người sống một mình và không có người để tâm sự.
Khi bữa ăn kết thúc, chúng tôi ngồi ở phòng khách cùng trò chuyện. Trong một khoảng im lặng, ai đó bắt đầu hát: "Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời, xe chữ đồng...". Và mọi người cùng hòa chung tiếng hát. Bài hát kết thúc, tất cả đều im lặng. Và rồi có ai đó lại bắt đầu cất tiếng hát: "Đêm thanh nghe tiếng hát của thiên thần chung nhau đàn ca thánh thót hỉ hoan...".
Và kìa như có Mẹ Maria, Thánh Giuse và Hài nhi Giêsu, tất cả chúng tôi cùng đứng dậy. Cũng như họ, chúng tôi là những người tứ cố vô thân từ xa trở về nhà mình. Mọi người được yêu cầu làm điều gì đó quan trọng để thay đổi thế giới. Chúng tôi cùng cố gắng góp phần nhỏ của mình để làm thay đổi thế giới. Trong phòng khách bé nhỏ trên lầu ba ở một thành phố tại Hong Kong , chúng tôi có một lễ Giáng sinh mà không ai có thể dự đoán trước. Đơn giản đó là món quá đối với chúng tôi. Mọi người quây quần xung quanh một cây Giáng sinh nhỏ, đó là một Đêm Thánh.
Trầm Thiên Thu
(Chuyển ngữ từ Chicken Soup for the Soul: Christmas Magic)