Biết ơn tổ tiên - Ông Bà

MỒNG HAI TẾT: Kính thưa quý OBACE, tết là ngày xum họp gia đình, là dịp mọi người dù đi làm ăn nơi phương xa thì cũng thu xếp để kịp về nhà vào những ngày tết này để xum họp gia đình.
 Có dịp đi dọc quốc lộ trong những ngày vừa qua thì có thể thấy được sự khao khát trong ánh mắt của anh chị em công nhân chờ đón những chuyến xe cuối năm đề trở về nhà, chính vì khao khát bằng mọi giá phải có mặt ở nhà dịp tết mà nhiểu khi họ chấp nhận bị nhồi nhét trên những chiếc xe chật chội cũ kỹ. Trở về nhà trong dịp đầu năm là dịp về với gia đình, về với mẹ cha dù có nhiều người cha mẹ ông bà đã không còn, nhưng họ vẫn muốn trở về ngôi nhà tổ, nơi ông bà cha mẹ đã từng sinh sống để thắp lên một nén nhang để bày tỏ tấm lòng thành của con cháu biết ơn mẹ cha.
Giáo Hội đã dành ngày mồng hai tết để dạy chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với bậc sinh thành dưỡng dục và nhắc cho mỗi người nhớ đến cội nguồn của mình là bậc tổ tiên, những người đã khuất, và bày tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà cha mẹ là những người còn đang sống. Đã từ lâu do cách sống và giải thích sai của người có đạo, khiến cho nhiều người ngoại đạo nghĩ rằng những người Công giáo là những người bất hiếu, không thờ cúng ông bà tổ tiên. Chúng ta nghĩ thế nào khi người ngoại trách chúng ta như thế ? Và, chúng ta cần phải sửa lại cách sống thế nào để giải thích cho mọi người về giáo lý của đạo chúng ta ?
Người công giáo có được “thờ cúng ông bà tổ tiên” hay không? Tức là, cúng giỗ ông bà có được phép hay không ? Thưa thờ cúng ông bà là một bổn phận thảo hiếu buộc tất cả mọi người có đạo cũng như không có đạo, vì việc thờ cúng ông bà hoàn toàn khác với việc thờ phượng Thiên Chúa, thờ cúng công bà là đòi buộc của đạo làm con, đạo làm người. Vì đạo làm người, đạo hiếu, đạo làm con, là đạo đức căn bản trong đời sống nhân bản của con người, ai mà không chu toàn bổn phận của đạo hiếu, đạo làm người thì không thể chu toàn đạo nào khác được. Vì thế việc thờ cúng ông bà, việc tổ chức cúng giỗ tổ tiên là việc bổn phận phải làm của mọi người, còn cách thức làm như thế nào thì tùy thuộc vào tập tục văn hóa của mỗi vùng, mỗi gia đình.
Đối với người Công Giáo, việc thờ cúng tổ tiên và chu toàn đạo hiếu, đạo làm con, còn là đòi buộc của giới răn thư bốn: Thảo kính cha mẹ. Trong mười giới răn của đạo Chúa, ba giới răn đầu là những đòi buộc những bổn phận đối với Thiên Chúa, còn bảy giới răn sau là những đòi buộc trong tương quan đời sống con người, thì giới răn thứ bốn đứng đầu trong bảy giới răn này. Điều đó cho thấy bổn phận thảo kính cha mẹ là bổn phận đầu tiên của con người đối với nhau. Cũng như các giới răn khác, khi xúc phạm đến giới răn thứ bốn này, thì cũng là một trọng tội trước mặt Thiên Chúa và là xúc phạm trực tiếp đến chính Thiên Chúa.
Chính vì thế ngày mồng hai tết hôm nay các bài đọc nhắc cho chúng ta về những đạo lý và bổn phận căn bản của con người đó là thảo hiếu biết ơn ông bà cha mẹ, những người còn sống và đã qua đời. Bài đọc một sách Huấn Ca đã nhắc rằng: Chúng ta hãy ca tụng các bậc tiền nhân, có những người đã ra đi mà không được con cháu nhớ đến nữa, nhưng có những người vẫn còn lưu danh cho hậu thế vì công phúc của họ đã để lại cho con cháu. Người Việt nam nói rằng: Cha mẹ hiền lành để đức cho con, và nhiều người vẫn tin rằng họ đang được hưởng phúc lộc của ông bà. Như thế, trong chúng ta ngồi đây ai cũng được thừa hưởng phúc lộc từ nơi cha mẹ ông bà của mình, ai cũng đang mang trong mình một món nợ ân tình của mẹ cha.
Kể sao hết được những món nợ ân tình ấy. Trước hết chúng ta đang mang trong mình dòng máu và sự sống của cha mẹ: Thiên Chúa đã cho cha mẹ chúng ta cộng tác với Ngài trong việc sinh ra chúng ta, trao tặng cho chúng ta sự sống. Vì thế món qua sự sống mà mỗi người đang có là từ Thiên Chúa được trao qua mẹ cha, vì vậy ơn sinh thành là ơn trời biển mà phận con cái không sao có thể đáp đền mẹ cha. Kế đến là sự dưỡng dục và tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái. Chính vì tình yêu thương, vì lo cho con cái có cơm ăn áo mặc mà cha mẹ phải lặn lội vất vả sớm hôm: Kể sao hết những nỗi nhọc nhằn người cha phải chịu, đong sao được những giọt mồ hôi vất vả của mẹ cha; kể sao hết những tháng ngày vất vả của người mẹ, chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm và cả một đời yêu thương con. Những lúc con ốm con đau, những khi con đói vì khát sữa, những đêm con quấy vì mọc răng biết lẫy, là những đêm mẹ cha mất ngủ. Để nuôi con khôn lớn nên người bằng anh bằng em thì người mẹ đã phải tần tảo một nắng hai sương thân cò lặn lội sớm hôm, người cha phải còng lưng vất vả lo cho con có cái áo quyển vở đến trường, và bao nhiêu nỗi nhọc nhằn khác nữa.
Vì thế trong thư gửi cho cộng đoàn Ephêso, Thánh Phaolô khuyên nhủ mọi người: Hỡi những bậc làm con hãy vâng phúc cha mẹ trong Chúa, hãy thảo kính cha mẹ, đó là giới răn thứ nhất kèm theo lời hứa: để ngươi được phần phúc và sống lâu trên địa cầu. Điều đó cỏ nghĩa là Thiên Chúa chúc lành và ban ơn cho những ai biết thảo hiếu với cha mẹ ông bà mình. Yêu mến và kính trọng cha mẹ ông bà bằng việc vâng nghe những lời dạy bảo của ông bà cha mẹ, vì cha mẹ là người thương chúng ta nhất và có kinh nghiệm nhiều hơn chúng ta, nên lời dạy bảo của các ngài là những lời dạy bảo khôn ngoan. Yêu mến thảo hiếu ông bà cha mẹ khi các ngài về già, khi sức khỏe và trí khôn của các ngài giảm sút, hãy kính trọng và thông cảm với các ngài và phục vụ chăm sóc cho các ngài, vì khi xưa chúng ta còn bé, cha mẹ cũng đã thông cảm, đã ân cần săn sóc chúng ta từng miếng ăn giấc ngủ như vậy. Khi cha mẹ qua đời hảy nhớ đến cha mẹ bằng việc đọc kinh cầu nguyện dâng lễ cho các ngài, vì khi xưa các ngài cũng đã đêm ngày cầu nguyện và âm thầm hy sinh cho chúng ta. Đừng bao giờ tỏ ra vô lễ bất hiếu với mẹ cha, đừng bao giờ để tuổi già của mẹ cha phải buồn tủi vì những lời nói hay cử chỉ coi thường xúc phạm.
Cuối cùng là mỗi người hãy sống thảo hiếu hết lòng, đừng nại vào bất cứ lý do gì để từ chối mẹ cha, từ chối bổn phận phụng dưỡng các ngài để các ngài có thể hưởng một tuổi già hạnh phúc. Mỗi người chỉ có một mẹ một cha mà thôi, đừng để tuổi già của các ngài phải rơi nước mắt vì tủi nhục, vì con cháu bỏ bê đùn đẩy cho nhau. Những người Do Thái ngày xưa họ đưa ra một điều luật vô trách nhiệm đối với cha mẹ và đã bị Chúa Giêsu cảnh cáo. Họ đã bỏ giới răn của Thiên Chúa để tuân giữ những tục lệ của nhau. Trong khi Chúa đòi phải thảo kính cha mẹ, thì những thày luật sĩ lại dạy họ rằng: nếu ai tuyên bố với cha mẹ rằng những của tôi có để giúp cha mẹ đã được dâng cho Thiên Chúa rồi, thì không còn phải giúp cha mẹ nữa. Chúa Giêsu đã không chấp nhận thứ tục lệ ấy, vì nó đi ngược lại với đạo làm người và đi ngược lại giới răn Thiên Chúa, và Thiên Chúa cũng không chấp nhận một của lễ dâng tiến vì bất hiếu như thế.
Thưa quý OBACE, ngày tết là ngày của gia đình, là ngày đoàn tụ, ngày trở về với cội nguồn của gia đình là ông bà cha mẹ, song ngày nay dường như nét đẹp văn hóa này đang bị mai một bởi cuộc sống kinh tế và lối sống thực dụng, nhiều gia đình đã vì đồng tiền tấc đất mà anh em đánh lộn chửi bới nhau mất tình mất nghĩa, không nhìn mặt nhau, cha mẹ và con cái chỉ vì phân chia chút tài sản mà đi đến giận hờn hỗn láo; Có nhiều gia đình ngày tết mà cũng không thể tổ chúc được bữa cơm chúng xum họp ông bà cha mẹ con cháu; Có nhiều những cảnh con cái bất hiếu chửi bới khinh thường cha mẹ đang xảy ra chung quanh mà chúng ta có thể chứng kiến,… tất cả những điều ấy đang làm tổn thương các gia đình và làm đổ vỡ các tổ ấm, và nguy hiểm hơn nữa là nó đang tạo ra những gương xấu cho các thế hệ trẻ sau này.
Các bậc làm cha mẹ hãy cố gắng để vun đắp cho gia đình mình thực sự trở thành một tổ ấm yêu thương là nơi mọi thành viên có thể cảm nhận được sự nâng đỡ và cảm thông chia sẻ, đừng vì mải mê lo tìm kiếm cơm áo gạo tiền mà quên tìm hạnh phúc cho gia đình, đừng biến gia đình mình trở thành một nhà trọ sáng đi tối về, đừng để cho khó khăn cuộc sống cướp đi tiếng cười tiếng nói trong gia đình. Nhất là các bậc làm cha mẹ đừng để cho rượu chè, cờ bạc, số đề, say sưa làm cho gia đình mình tan nát, làm cho con cái hoảng sợ, trái lại hãy dùng tình yêu thương, lòng đạo đức để vun đắp hanh phúc và sự ấm cúng cho gia đình.
Còn các bậc làm con, hãy hết lòng yêu mến, kính trọng cha mẹ mình, đừng để cha mẹ đã khổ sở nhọc nhằn vì cơm áo, lại phải khóc thầm khóc vụng vì ta, hãy góp phần làm cho gia đình thêm hạnh phúc bằng việc siêng năng học tập và làm việc để chia sẻ gánh nặng với cha mẹ, hãy trở thành nhưng người con ngoan và đạo đức để làm yên lòng mẹ cha, để cho tuổi già các ngài được vui trọn vẹn. Amen



Tác giả bài viết: Lm. Đỗ Đức Trí

Biết ơn tổ tiên - Ông Bà Rating: 4.5 Diposkan Oleh: huy dung