Suy niệm Lời Chúa tháng 02/2012
Tải về file document - dùng để in thành tập
01/02/12 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,1-6
HÃY TIN, ĐỪNG CỨNG LÒNG
“Người lấy làm lạ vì họ không tin.” (Mc 6,6)
Suy niệm : Những người đồng hương với Chúa Giêsu “rất đỗi ngạc nhiên” vì lời giảng dạy khôn ngoan và những phép lạ kỳ diệu của Ngài. Vậy mà họ lại không tin ! Thế mới lạ ! ! ! Họ ngạc nhiên rồi không tin vì không chấp nhận được vì sao mà “bác thợ mộc, con bà Maria” làng ta, ba mươi năm sống trong làng như bao người khác, nay trở về sau một thời gian đi vắng lại đổi thay như vậy ; hơn nữa ai còn lạ gì nguồn gốc lai lịch của bác ta : một gia đình thợ thuyền tầm thường, anh em họ hàng vẫn sống rành rành ra đó. Dân làng Nadarét ngạc nhiên và “bị vấp phạm vì Ngài.” Điều đó khiến Chúa Giêsu “ngạc nhiên vì họ không tin.”
Mời Bạn : Thái độ cứng lòng tin vẫn còn là vấn đề của thời đại chúng ta. Lắm khi vì gần quá mà chúng ta không nhận ra giá trị của người khác, lắm khi sự thân cận lại dẫn chúng ta đến chỗ coi thường. Quen quá hoá nhàm, bụt nhà không thiêng là vậy : Trào lưu vật chất, hưởng thụ khiến người ta dửng dưng trước những vấn đề tâm linh ; lối sống đạo chỉ cốt giữ cho “thường thường bậc trung” với những thói quen“xem lễ, đọc kinh” đã trở thành máy móc khiến không ít kitô hữu trở nên “cứng lòng”. Hãy phá bỏ cái vỏ cứng đó bằng việc làm với đức tin và lòng mến.
Sống Lời Chúa : Trước khi làm việc gì, nhất là việc đạo đức, bạn dừng lại vài giây hướng lòng về Chúa để khơi dậy ý thức làm việc với tinh thần đức tin và tâm tình yêu mến.
Cầu nguyện : Chúa ơi, với lòng khiêm tốn con cầu xin Chúa thương giúp con phá vỡ cái vỏ cứng lòng của con để con có thể vượt ra khỏi cái tôi hẹp hòi ích kỷ và dẫn dắt con vươn xa mãi trên hành trình đức tin.
02/02/12 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Đức Mẹ dâng Chúa vào đền thánh
Lc 2,22-40
TRONG MÁI ẤM GIA ĐÌNH
“Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê.” (Lc 2,39)
Suy niệm : Bồng ẵm trẻ Giêsu tiến dâng cho Thiên Chúa trong Đền thánh : một hình ảnh đạo đức thật đẹp ! Hai ông bà Giuse và Maria hiểu rằng Con Trẻ này không thuộc về họ, nhưng thuộc về Thiên Chúa, Chúa muôn loài. Tiếp đến là một hình ảnh đạo đức khác cũng đẹp không kém là bồng ẵm trẻ Giêsu về nhà ! Được tiến dâng cho Chúa trong Đền thờ, nhưng Con Trẻ không ở lại đó mà về sống dưới mái nhà Nadarét. Khung cảnh để trẻ Giêsu lớn lên và đầy ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người lại chính là mái ấm gia đình, một gia đình sống trong lòng kính thờ Thiên Chúa va hoà thuận yêu thương nhau.
Mời Bạn : Những hình ảnh đẹp đẽ trên có làm bạn nghĩ đến bao gia đình kitô hữu vừa lơ là việc thờ phượng Chúa, vừa thiếu sự hoà thuận yêu thương. Số phận bao con trẻ trong các gia đình như thế sẽ đi về đâu ? Đánh giá đúng tầm quan trọng của việc giáo dục đức tin trong gia đình, để rồi bạn quan tâm hơn đến việc thờ phượng Chúa qua các giờ đọc kinh, đọc Lời Chúa tại gia đình mỗi ngày.
Chia sẻ : Tôi sẽ làm gì để thúc đẩy việc sống đức tin trong gia đình mình ?
Sống Lời Chúa : Sắp xếp thời gian để gia đình có thể đọc kinh tối và chia sẻ Lời Chúa chung nếu không được hằng ngày thì ít là vài ngày trong tuần.
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, bầu khí yêu thương tại Nadarét đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách của Chúa. Xin nhìn đến gia đình chúng con, xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt, biết yêu thương tha thứ, biết cầu nguyện và phục vụ. Amen. (Rabbouni)
03/02/12 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. Blasiô, giám mục, tử đạo
Mc 6,14-29
SỐNG THEO SỰ THẬT
Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. (Mc 6,28)
Suy niệm : Đã bao lần các vị hữu trách trong ngành giáo dục nước nhà quyết tâm “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong học tập,” thế nhưng bệnh tình xem chừng không thuyên giảm mà còn có phần nặng nề hơn. Việc “nói thật, sống thật, quý nhất sự trung thực…” lắm khi chỉ còn là câu chuyện đầu môi chót lưỡi, là câu nói ngoại giao… Còn thực tế lại là nói một đàng làm một nẻo, sợ sự thật, bưng bít sự thật,… Tấm gương Tin Mừng soi rọi cung cách của hai mẫu người đứng trước sự thật : Gioan Tẩy Giả làm chứng cho sự thật bằng lời nói và hy sinh cả mạng sống của mình ; đối lại, Hêrôđê dẫu biết sự thật tội lỗi của mình nhưng không dám chấp nhận sự thật để hối cải lại còn sát hại cả Gioan Tẩy Giả là người đã nói sự thật cho mình.
Mời Bạn : Khi không sống theo sự thật chúng ta trở nên nô lệ cho sự giả dối, và thuộc về ma quỷ, bởi vì ma quỷ là “kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8,44). Trái lại, sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32), và sâu xa nhất là giải thoát khỏi tội lỗi để thuộc về Thiên Chúa. Khi bạn chọn sống theo sự thật, dẫu bạn phải trả giá rất đắt nhưng đổi lại bạn đạt được kho tàng vô giá là mãi mãi bạn được thuộc về Chúa.
Sống Lời Chúa : Tập tôn trọng và yêu mến sự thật bắt đầu từ trong lời nói đến một việc làm cụ thể.
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu là Đường là Sự Thật, là Sự Sống, xin cho chúng con biết vượt qua cái yếu đuối của bản thân, biết tôn trọng sự thật, và sống vì sự thật. Amen.
04/02/12 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,30-34
NGHỈ NGƠI ĐÔI CHÚT
Chúa Giê-su bảo các ông : “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. (Mc 6,31)
Suy niệm : Thật thương cho các môn đệ ! Họ làm việc suốt ngày, chẳng phải việc vô bổ hay “vác tù và hàng tổng”, mà là việc chính đáng, việc truyền giáo. Chúa không trách mắng, nhưng thương họ, vì họ làm việc tất bật sớm tối mà không tìm an nghỉ. Chúa nhắc nhở họ quan tâm đến điều họ đang thiếu, đang cần, đó là “tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Nhiệt thành thi hành sứ vụ suốt ngày rồi, họ được mời gọi sống nhân đức phó thác, dám phó trao sứ mạng cho Chúa để nghỉ ngơi để phục hồi năng lực thiêng liêng và nhiệt tình tông đồ trước khi tiếp tục sứ mạng.
Mời Bạn : Bạn làm việc thâu đêm thâu ngày, không còn thì giờ nghỉ dưỡng, chiêm niệm, thờ phượng ư ? Phải chăng bạn nghĩ rằng Chúa không đủ khả năng quán xuyến và làm cho sứ vụ sinh hoa kết trái khi bạn nghỉ ngơi bồi dưỡng nơi Chúa. Thời giờ dành cho việc nghỉ ngơi lấy sức xác hồn cũng quan trọng như giờ làm việc vậy. “Công nghiệp không hệ tại chỗ làm hay cống hiến nhiều, cho bằng đón nhận và yêu thương nhiều” (thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu).
Chia sẻ : Luật buộc nghỉ việc xác ngày Chúa Nhật và lễ buộc còn được bạn tuân giữ không ?
Sống Lời Chúa : Điều độ giữa thời giờ làm việc và thời giờ thinh lặng thờ phượng Chúa cùng thời giờ ngủ nghỉ.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin cho con biết tin tưởng phó thác cho Chúa mọi sự, để con biết nghỉ ngơi bổ sức, biết phân bổ lịch sinh hoạt cho đẹp lòng Chúa và biết hăng say khi con thức dậy.
05/02/12 CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN – B
Mc 1,29-39
ĐỨC GIÊSU THƯƠNG CẢM
Đức Giêsu chữa nhiều kẻ đau ốm mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai. (Mc 1,34)
Suy niệm : Nhân loại chúng ta thật diễm phúc vì Con Thiên Chúa giáng sinh chia sẻ trọn vẹn kiếp người với chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái vén mở cho ta thấy nơi Đức Kitô một vị Thiên Chúa luôn đồng cảm với thân phận con người. Ngài cảm nếm được thế nào là buồn vui, đau đớn, khổ sở của kiếp nhân sinh : “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Ngài không hề vô cảm trước những con người bệnh hoạn, tật nguyền, bị quỷ ma hành hạ. Hễ nhìn thấy đám đông “lầm than vất vưởng như chiên không người chăn dắt” là Chúa lại “chạnh lòng thương”. Tin Mừng Ngài rao giảng trước hết là cho những người nghèo khó, bị bỏ rơi.
Mời Bạn : Là người môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi có tấm lòng biết cảm thương của Chúa để tiếp tục sứ mạng cứu thế của Ngài. Nếu không biết đồng cảm và chia sẻ những khổ đau của anh chị em mình thì lời loan báo Tin Mừng cũng trở thành giả tạo và vô hiệu. Xin cho chúng ta có được con mắt, trái tim và đôi tay của Chúa Giêsu để chúng ta luôn biết hành động như Chúa Giêsu đối với anh chị em đồng loại của mình.
Chia sẻ : Hoạt động bác ái của người kitô hữu có gì khác với công tác từ thiện xã hội không ?
Sống Lời Chúa : Mời một người trong nhóm cùng với bạn đi thăm viếng, an ủi một người đang gặp đau khổ.
Cầu nguyện : Hát kinh Hoà Bình.
06/02/12 THỨ HAI TUẦN 5 TN
Th. Phaolô Miki và các bạn, tử đạo
Mc 6,53-56
LƯƠNG Y TOÀN HẢO, TOÀN NĂNG
“Bất cứ ai chạm đến Người, thì đều được khỏi.” (Mc 6,56)
Suy niệm : Kỹ thuật y khoa hiện đại đã chữa trị được biết bao chứng bệnh mà trước đây vẫn bị liệt vào những chứng bệnh nan y. Hơn nữa, nhờ sự tận tâm và đôi tay khéo léo của y bác sĩ, nhiều người được cứu sống trong gang tấc. Tuy nhiên cũng có những trường hợp sai sót hay tắc trách khiến nhiều bệnh nhân phải chết oan. Thật ra những sự cố như thế, chẳng y bác sĩ nào muốn để cho xảy ra cả. Nhưng không ai không có những giới hạn của người phàm. Và nhất là không ai vượt qua được giới hạn của cái chết. Đức Giêsu là lương y toàn hảo, toàn năng, mọi bệnh nhân đến với Người đều được lành bệnh, dù chỉ chạm vào tua áo choàng của Người. Được Ngài đụng chạm đến thì mọi bệnh tật và cả cái chết cũng bị đẩy lui.
Mời Bạn : Chúa chữa bệnh cho ai thì Ngài cũng chữa cả tật bệnh phần hồn. Bạn đã để Ngài đụng chạm đến bạn để bạn được chữa lành những bệnh tật linh hồn chưa ? Trung thành với giờ cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể là phương thế để được Ngài đụng chạm đến và thánh hoá xác hồn và cả cuộc sống của bạn.
Chia sẻ : Khi thăm viếng bệnh nhân bạn có “kỹ năng” nào để giúp bệnh nhân sống vui tươi lạc quan và phó thác vào Chúa trong cơn bệnh của họ ?
Sống Lời Chúa : Dành thời giờ đi thăm viếng một bệnh nhân, trước khi đi nhớ dành ít phút hướng về Chúa, cầu nguyện xin Chúa đồng hành với bạn.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, con đến với Chúa mang theo mọi tật nguyền của đời con. Xin Chúa cứu chữa con. Xin làm cho con nên mạnh mẽ tiến bước trên con đường thánh thiện. Amen.
07/02/12 THỨ BA TUẦN 5 TN
Mc 7,1-13
SỐNG THẬT ĐI… !
“Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mc 7,6)
Suy niệm : Vở kịch “Tốt-xấu-giả-thật” của nhà hát kịch 5B Võ Văn Tần “dẫn dắt khán giả đi vào vấn đề cốt lõi của đời sống hôm nay : cái giả nhiều quá, cái xấu nhiều quá ! Làm sao để có cái thật, làm sao để có cái tốt ?” Sứ điệp của tác phẩm là : “Chỉ có sự thật và lòng tốt có trong mỗi người mới làm cho cuộc đời này tốt hơn, thật hơn, con người sống với nhau tử tế hơn” (x. Lê Quí Dương, “Sống Thật Đi, Cuộc Sống Sẽ Đổi Thay”, Tuổi Trẻ 26.12.2011, tr. 13). Không rõ thời Chúa Giêsu hàng dỏm, hàng nhái, bằng giả,… có nhiều không chứ thói đạo đức giả đã thành tệ nạn nơi những người Biệt phái. Chúa Giêsu đả phá thái độ đó vì họ : “tôn kính Chúa bằng môi miệng, còn lòng thì xa Chúa, gạt bỏ điều răn Thiên Chúa, duy trì truyền thống người phàm.”
Mời Bạn : Thiện căn ở tại lòng ta. (Nguyễn Du). Gốc rễ của sự thiện nằm sâu trong tâm hồn bởi thế để sống đạo thật sự trước hết phải bồi dưỡng, thanh tẩy, chỉnh đốn nội tâm của mình. Phải sống thật trước cái nhìn của Chúa chứ không phải chỉ lo tô điểm cái vỏ đạo đức trước mặt người ta.
Chia sẻ : Trong các dịp đại lễ, cùng với việc tổ chức lễ bái, rước xách đẹp đẽ hoành tráng bên ngoài, chúng ta có để ý chuẩn bị phần thiêng liêng như : tĩnh tâm, học hỏi, cầu nguyện không ?
Sống Lời Chúa : Lòng tôi luôn gắn bó với Chúa. Tôi năng tìm gặp Chúa nơi nội tâm của mình.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, Chúa biết rõ con người thật của con. Xin cho con biết nhận ra và khiêm tốn sám hối vì những lỗi lầm thiếu sót của mình. Xin Chúa giúp con sống với Chúa và với anh em với tình yêu chân thành không giả dối.
08/02/12 THỨ TƯ TUẦN 5 TN
Th. Giêrônimô Êmiliani
Mc 7,14-23
SẠCH TỪ TRONG TÂM HỒN
“Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được ; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,15)
Suy niệm : Trên báo chí thường có mục “mẹo vặt” bày cách giữ sạch : nào là làm sạch cơ thể, nào là làm sạch đồ dùng, thức ăn… Những điều “lặt vặt” này xem ra ăn khách vì có lợi ích thực tế cho cuộc sống. Đạo Do Thái có nhiều luật lệ chi li về việc làm sạch, được coi là luật lệ không thể thiếu, nằm trong 613 khoản luật buộc, đó là rửa sạch chén đĩa, đồ dùng, rửa tay trước khi ăn… Nhưng đây tẩy rửa không phải vì lý do vệ sinh mà là những nghi thức tôn giáo, ai không tuân giữ sẽ bị coi là tội lỗi. Chúa Giêsu lên án gắt gao thói nệ luật đó. Chẳng những nó không thể thanh tẩy tâm hồn mà còn làm cho con người ra cứng cỏi và ảo tưởng mình đã là công chính chỉ dựa vào hình thức bề ngoài.
Mời Bạn : Chủ trương “sống và hành động theo pháp luật” thật cần thiết đối với sinh hoạt xã hội, nhưng đưa điều đó vào đời sống đạo thì thật là bất cập. Lúc đó người ta chỉ bị coi là có tội khi vi phạm một điều luật cấm có qui định trong bộ luật với khung hình phạt hẳn hoi, và nhất là chỉ khi việc vi phạm đó bị bắt và bị kết tội. Với não trạng đó, nhiều tín hữu giản lược đời sống đạo vào việc tuân giữ một số nghi thức luật lệ tối thiểu mà quên rằng tội lỗi là xấu xa vì xúc phạm đến Đấng Thánh và việc thanh tẩy phải bắt đầu từ trong tâm hồn.
Sống Lời Chúa : Không nói lời có ý phê bình hay chỉ trích người khác.
Cầu nguyện : Xin ban cho con cặp mắt đức tin, để con biết nhìn ra giá trị thật sự giúp con sống xứng đáng là con cái Chúa, con cái của Sự Sáng. Amen.
09/02/12 THỨ NĂM TUẦN 5 TN
Mc 7,24-30
TẤT CẢ VÌ CON
“Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” (Mc 7,27)
Suy niệm : Ai nghe câu nói trên đây của Chúa Giêsu hẳn đều bị sốc nhất là nếu như mình lại là đối tượng mà câu nói đó nhắm đến. Là phụ nữ và hơn nữa là “người Hy Lạp, gốc Phênixi,” là người “dân ngoại,” bà đã bị coi là thấp kém dưới con mắt của người Do Thái. Bà đã không nề hà chuyện đó mà đến “sấp mình dưới chân Chúa Giêsu” để van xin Ngài chữa lành đứa con gái nhỏ của bà đang bị quỷ ám. Vậy mà câu nói của Ngài coi mẹ con bà như “lũ chó con” thể hiện một thái độ cao ngạo đến mức phũ phàng ! Thế nhưng, vì thương con, bà có thể hy sinh đến cả tính mạng, chứ một chút nhục nhã này đối với bà có đáng kể là gì ! Tình thương đã đưa bà lại gần với Chúa Giêsu trở thành niềm tin tưởng và phó thác đích thực.
Mời Bạn : Vì muốn cứu nhân loại, Thiên Chúa sẵn sàng chịu sự nhục nhã : trở nên một con người, chịu người đời khinh khi, nhục mạ, khạc nhổ vào mặt và chết trần trụi trên thánh giá. Nhưng sẽ nhục nhã hơn nếu sự hy sinh của Thiên Chúa không cứu được mỗi người chúng ta -là con của Ngài.
Chia sẻ : Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương, nhưng nhiều người vẫn chưa cảm được tình yêu mà Thiên Chúa đã ưu ái dành cho. Đâu là nguyên nhân của sự phũ phàng này ?
Sống Lời Chúa : Dành ít phút cuối ngày để suy gẫm sự hiện diện của Chúa trong những hành động đời sống ta mà dâng lời ca tụng Thiên Chúa.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin cho con luôn xác tín vào lời mà Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia : dù có người mẹ nào quên ngươi đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi.
10/02/12 THỨ SÁU TUẦN 5 TN
Th. Côláttica, trinh nữ
Mc 7,31-37
ÉPPHATHA, HÃY MỞ RA !
Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói : “Ép-pha-tha, hãy mở ra !” Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. (Mc 7,34-35)
Suy niệm : Đã không nghe lại không nói được, cuộc đời của người câm điếc như bị đóng lại trước một thế giới đang mở ra. Anh giống như người tù biệt giam không thể có mối tương quan nào với tha nhân. Chúa Giêsu không chữa lành cho anh theo kiểu người thợ chữa một cái máy. Thái độ ân cần của Chúa“kéo riêng anh ra khỏi đám đông” và những cử chỉ chăm sóc tận tình, đụng chạm đến tai anh, xức nước miếng vào lưỡi anh, đã giúp anh tái lập mối tương quan với Ngài trước khi mở lại mối quan hệ với người khác. Khi “tai được mở ra và lưỡi hết bị buộc lại” là lúc anh ta cũng được mở ra với thế giới và có khả năng cần thiết để nối kết tương giao với mọi người.
Mời Bạn : Về phương diện thiêng liêng, có lẽ lắm khi chúng ta cũng đã từng bị câm điếc mà không biết. Điếc là đóng tai lòng lại, làm ngơ trước Lời Chúa, và lời giảng dạy của những người có trách nhiệm. Câm là hờ hững, sợ sệt không dám mở miệng loan báo Tin Mừng. Để chữa bệnh câm điếc thiêng liêng, trước tiên mời bạn mỗi ngày hãy mở sách Tin Mừng để đọc và suy niệm Lời Chúa, và xin Chúa mở lòng bạn để tâm hồn bạn được đánh động và biến đổi nhờ Lời Chúa. Lúc đó môi miệng bạn mới sẵn sàng để mở ra và loan báo Tin Mừng.
Sống Lời Chúa : Cầu nguyện mỗi sáng khi thức dậy : “Lạy Chúa Trời xin mở miệng con, để con nói lời của Chúa.”
Cầu nguyện : Lạy Chúa, nhiều lúc tâm hồn con đã bị đóng lại không nghe và không nói Lời Chúa. Xin Chúa nói lời “Ép-pha-tha” với tâm hồn con như xưa Chúa đã nói với người câm điếc.
11/02/12 THỨ BẢY TUẦN 5 TN
Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày Quốc tế Bệnh nhân
Mc 8,1-10
THẾ GIỚI KHÔNG CÓ NGƯỜI ĐÓI
“Thầy chạnh lòng thương đám đông vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn.” (Mc 8,2)
Suy niệm : Đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu đã ba ngày nay để nghe Ngài giảng. Có lẽ thời gian kéo dài vượt quá dự kiến, chút lương khô đi đường cũng đã cạn. Họ đói. Thế là Chúa lại chạnh lòng thương và Ngài ngưng công việc giảng dạy để lo chuyện ăn uống cho họ trước khi giải tán họ về nhà. Chúa không muốn cho ai phải đói ; vì thế “cho kẻ đói ăn” để cho mọi người có điều kiện sống xứng hợp với nhân phẩm, đó là công việc của lương tri và còn là mệnh lệnh của tình bác ái nữa.
Mời Bạn : Mới đây Hội nghị Quốc Tế An Ninh Lương Thực cho biết cứ năm giây có một trẻ em chết đói. Tổ chức Lương Nông Quốc Tế vừa công bố số người đói trên thế giới vừa giảm xuống dưới một tỷ người trong năm 2010 dự kiến sẽ lại tăng lên trong năm 2012 này. Nước ta chưa giàu, vẫn còn đó biết bao người cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, tiền không có để đi học ; thế mà vẫn có những người ăn uống xa xỉ phung phí ; có quan chức “đánh bạc triệu đô,” đánh cờ tướng ăn thua vài tỷ bạc một ván. Sự chông chênh đó có làm bạn nhức nhối ? Chung quanh bạn có ai đang túng thiếu hơn bạn mà bạn chưa tìm cách chia sẻ không ?
Chia sẻ : Làm thế nào để việc bạn cho đi không trở thành việc của kẻ trên bố thí cho kẻ dưới, hoặc cho tay này lấy lại tay kia, nhưng là một sự chia sẻ trong yêu thương, cảm thông và tôn trọng ?
Sống Lời Chúa : Luôn dành một khoản trong số thu nhập của bạn để dành vào việc giúp những ai lầm than cơ nhỡ.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin giúp con biết nhận ra khuôn mặt của Chúa nơi những anh chị em đói nghèo bất hạnh.
12/02/12 CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN – B
Mc 1,40-45
NỖI KHAO KHÁT TỘT CÙNG
Có một người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quì xuống van xin rằng : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. (Mc 1,40-42)
Suy niệm : Theo luật Môsê, ai bị bệnh này phải bị loại ra khỏi cộng đoàn, sống cach ly trong hang hốc, mồ mả ! Vậy mà anh này dám “đến với Chúa Giêsu.” Kể ra anh này bạo gan ! Anh quá khổ sở với căn bệnh của mình đến noi không còn biết sợ là gì ! Anh “quỳ xuống.” Thái độ rất tự hạ, nếu có cách nào hạ mình thấp hơn đất chắc anh đã dùng rồi ! Rồi anh xin ngay : “Nếu Ngài muốn !” Giải pháp duy nhất : Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm một cái gì đó cho anh lúc này. Mà Thiên Chúa thì luôn luôn nhân hậu, chắc chắn là Ngài muốn cho ta lành sạch chứ ! Quả đúng như thế, Đức Giê-su muốn, và anh được sạch. Bởi vì Chúa Giê-su là Thiên Chúa.
Mời Bạn : Trong linh hồn ta, tội lỗi làm huỷ hoại tình yêu của ta đối với Chúa và tình Chúa đối với ta, chẳng khác nào bệnh cùi huỷ hoại cơ thể, phải không bạn ? Bạn có phát hiện ra triệu chứng bệnh cùi tâm hồn của mình không ? Vậy ta phải làm gì ? Làm như anh cùi kia đi : chạy đến với Chúa Giê-su, quì xuống, và xin Ngài chữa lành cho bạn. Ngài đang chờ bạn nơi bí tích Hoà Giải để chữa lành cho bạn đấy, bạn ạ !
Chia sẻ : Điều gì khiến bạn khó đến với bí tích Hoà Giải ? Hãy trao đổi với nhau để tìm cách khắc phục khó khăn đó.
Sống Lời Chúa : Mau mắn lãnh nhận bí tích Hoà Giải mỗi khi bạn lỡ lầm xúc phạm đến Chúa và anh em.
Cầu nguyện : Bạn sốt sắng đọc kinh “Ăn năn tội”.
13/02/12 THỨ HAI TUẦN 6 TN
Mc 8,11-13
DẤU LẠ NƠI CHÚA GIÊSU
“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ ?” (Mc 8,12)
Suy niệm : Chuyện kể rằng một vị thánh đang chầu Thánh Thể thì có người vào báo tin ở ngoài đang xảy ra một phép lạ và người ta kéo tới xem đông lắm. Vị thánh đã trả lời ở đây cũng đang diễn ra một phép lạ vĩ đại, đó là chính Chúa Giêsu hiện diện trong nhà chầu, nơi bí tích Thánh Thể và ngài đang chiêm ngắm. Người Do Thái đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ trên trời, nhưng chính Ngài là dấu lạ đang ở trước mặt họ thì họ không nhận biết : Ngài sẽ là Dấu Lạ đích thực cho họ, “dấu lạ Giona,” qua cái chết và cuộc phục sinh của Ngài.
Mời Bạn : Biết bao phép lạ lớn lao Chúa đã thực hiện không phô trương ồn ào, mà kín đáo tế nhị, âm thầm khiêm tốn. Làm cho nước hoá thành rượu tại tiệc cưới Cana, làm cho bánh và cá hoá ra nhiều, Chúa đã làm như một việc bình thường, tự nhiên tới mức không ngờ ! Và giờ đây, ngày ngày, Ngài vẫn hiện diện trong Lời của Ngài, trong bí tích Thánh Thể ; bạn có ý thức sự hiện diện đó chưa ?
Chia sẻ : Chúa Kitô hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể nhưng lại có vẻ thầm lặng và quá tầm thường ; điều đó có làm bạn quên lãng hoặc coi thường “dấu lạ” bí tích này không ?
Sống Lời Chúa : Trong tuần dành thời gian đến chầu Thánh Thể ít là một lần.
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, Chúa vẫn hiện diện và đồng hành với con nhưng nhiều khi con không nhận biết ; và con cứ mãi tìm kiếm một giải pháp theo kiểu thế gian mà quên hành động trong sự kết hiệp với Chúa. Xin cho chúng con nhận ra rằng chỉ có Chúa Giêsu là dấu chỉ đích thực mang lại ơn cứu độ cho con mà thôi. Amen.
14/02/12 THỨ BA TUẦN 6 TN
Th. Syrilô, đan sĩ và th. Mêtôđiô, giám mục
Mc 8,14-21
ANH EM CHƯA HIỂU SAO ?
“Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh ? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao ?” (Mc 8,17)
Suy niệm : Trên thuyền, chỉ còn lại một chiếc bánh nhỏ không đủ cho thầy trò qua bữa. Các môn đệ áy náy và tranh luận xem ai là người chịu trách nhiệm về việc này. Chúa Giê-su đã can thiệp và nhân cơ hội này, Ngài đã dạy dỗ các môn đồ kém tin của Ngài. Vừa hôm nào đây, họ đã chẳng chứng kiến Chúa khiến cho bảy chiếc bánh sau khi nuôi ăn no nê bốn ngàn người vẫn còn dư bảy thúng sao ? Đối với Ngài, thiếu bánh là chuyện nhỏ, chỉ đáng sợ khi thiếu niềm tin. Các môn đệ dường như thiếu cả Chúa, quên rằng Ngài đang ở ngay giữa họ.
Mời Bạn : Những cuộc cãi vã hằng ngày giữa chúng ta, trong các cộng đoàn, đặc biệt trong đời sống gia đình, dường như cũng thường xoay quanh vấn đề “thiếu” này. Thiếu tiền bạc, thiếu cơm áo, thiếu cửa nhà, thiếu tiện nghi… Chúng ta muốn tìm cho ra “thủ phạm” để rồi làm cho nhau đau khổ. Nhưng cái chúng ta thiếu thật sự lại là tình yêu, dẫn đến việc thiếu niềm tin và cuối cùng thiếu Chúa. Chúng ta hành xử như là chúng ta có thể tự mình lo liệu mọi việc. Chúa hoàn toàn đứng bên lề cuộc đời.
Chia sẻ : Có nhiều điều bạn không hiểu tại sao Chúa để xảy ra cho cuộc đời của mình. Mời bạn chia sẻ và tìm ra lời giải đáp của lòng tin và lòng mến.
Sống Lời Chúa : Dành những phút suy niệm hằng ngày để nghiền ngẫm những ơn lành Chúa đã ban cho mình.
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được “nghe” và được “thấy” bằng đức tin, để chúng con luôn hiểu được Chúa yêu thương chúng con dường nào và mong ước chúng con đáp trả bằng một cuộc sống tin yêu và phó thác.
15/02/12 THỨ TƯ TUẦN 6 TN
Mc 8,22-26
ÁNH SÁNG TÌNH YÊU
“Anh có thấy gì không ?” Anh ngước mắt lên và thưa : “Tôi thấy người ta…” ( Mc 8,23b-24)
Suy niệm : Bạn có bao giờ cảm nhận được tâm trạng người mang thân phận mù loà như những vần thơ não nuột dưới đây nói lên chưa ?
“Tôi đây thân phận mù lòa
Ngày dài đêm vắn âm u cũng là
Nghe tiếng cha biết vậy mà
Nghe tiếng mẹ, mẹ ấy à, mẹ ơi !”
Họ không thấy được vẻ huy hoàng của ánh sáng ban ngày, không biết được sự huyền diệu của đêm thanh, không biết thế nào là màu sắc quyến rũ của muôn hoa, cũng không thấy được cả hình ảnh của những người thân. Tin Mừng hôm nay thuật lại viec Chúa chữa lành người mù. Ngay khi đón nhận được ánh sáng, khám phá đầu tiên của anh mù là về con người : “Tôi thấy người ta”. Đó là nhận thức đầu tiên của người mù được sáng mắt. Cũng vậy, ánh sáng đức tin đưa chúng ta đến với thế giới con người và nhận diện ra người chung quanh.
Mời Bạn : Thế giới hôm nay cũng đang sống trong “mù lòa,” không nhận ra đâu là ý Chúa, không nhìn thấy Chúa nơi anh em mình, nên vẫn sống trong tối tăm của tranh chấp, tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, hững hờ. Nhiều khi chúng ta như “ông nhà giàu” không nhận biết “người nghèo Ladarô” sống ngay trong cùng một mái nhà với mình. Chúng ta đã trở nên mù loà trước những nỗi thống khổ của anh chị em.
Sống Lời Chúa : Làm một hành động bác ái với một người vẫn đang sống gần bên bạn mà lâu nay bạn đã không quan tâm hoặc cố tình làm ngơ.
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, xin mở mắt con để con nhìn người khác bằng ánh mắt yêu thương, như chính Chúa nhìn con và nhìn họ. Amen.
16/02/12 THỨ NĂM TUẦN 6 TN
Mc 8,27-33
XÁC THỰC TRONG LỜI LOAN BÁO
“Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đo.” Chúa Giêsu lại hỏi các ông : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (Mc 8,28-29)
Suy niệm : Không phải hễ loan báo bất cứ thông tin nào về Chúa Giêsu cũng là thi hành sứ mạng truyền giáo. Đã từng có những lời loan báo sai lầm, khiến người nghe không thể gặp Chúa Giêsu đích thực. Thời các Tông Đồ, người ta bảo Chúa là Gioan Tẩy Giả, là ngôn sứ Êlia, hay là một ngôn sứ. Những lời này rốt cuộc đưa người nghe đến gặp một ai khác chứ không phải Chúa Giêsu. Thời nay cũng không thiếu những sai lầm như thế. Đức Gioan Phaolô II lưu ý trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu rằng “điều nghịch lý là phần lớn người Á châu có khuynh hướng nhìn Đức Giêsu, sinh ra trong phần đất Á Châu, như là một nhân vật Âu châu hơn là Á châu” (số 20). Theo ngài, sở dĩ Chúa Giêsu bị trình bày như xa lạ với Á châu là do một chuỗi dài lịch sử, các tín hữu đã không chú ý đến hoàn cảnh người nghe, văn hóa châu Á của họ. Trái lại, chỉ dùng văn hóa Tây phương trình bày về Chúa Giêsu. Việc thiếu học biết giáo lý cũng khiến người ta hiểu sai và loan báo sai về Chúa Giêsu.
Mời Bạn : Bạn có trau giồi giáo lý để biết và trình bày Chúa Giêsu cách chính xác không ?
Chia sẻ : Người ta có thể loan báo Chúa Giêsu cách chính xác khi họ không chịu khó học biết giáo lý không ?
Sống Lời Chúa : Ghi danh học một lớp giáo lý hoặc bắt đầu tìm đọc một sách giáo lý của Giáo Hội.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin cho con chuyên cần học hỏi giáo lý, nhờ đó, con trình bày Chúa cách chính xác cho anh em con hiểu và sẵn sàng tin theo Chúa.
17/02/12 THỨ SÁU TUẦN 6 TN
Bảy thánh lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ
Mc 8,34-9,1
ĐIỀU KIỆN LÀM MÔN ĐỆ
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại, Người nói với họ rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mc 8,34)
Suy niệm : Đang khi vị tướng La Mã lừng danh Fabiô Maximô thảo luận với bộ tham mưu về chiến thuật đánh chiếm một vị trí quan trọng, thì một cố vấn đề nghị phương cách chiến thắng với số thương vong ít nhất có thể. Maximô nhìn thẳng vào vị cố vấn ấy và hỏi : “Thế ông có sẵn lòng làm một trong số ít người đó không ?” Chúa Giêsu không phải là một vị tướng ngồi từ xa đùa giỡn với sinh mạng con người như những con tốt thí. Nếu Ngài đòi hỏi người ta phải đương đầu với điều gì, chính Ngài cũng sẵn sàng đối đầu với nó. Nếu Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người chúng ta vác thập giá, bởi vì chính Ngài đã từng vác một cây như vậy.
Mời Bạn : Chúa Giêsu không mời gọi bạn theo Ngài bằng cách hứa hẹn một con đường dễ dãi, nhưng bằng cách thách đố bạn, khơi dậy chí khí đang ngủ trong tâm hồn bạn, cũng như đề nghị với bạn một con đường ngày càng gian khổ hơn, nhưng vươn cao hơn. Ngài không hứa hẹn sẽ làm cho đời bạn được dễ dàng hơn, nhưng sẽ giúp bạn trở thành vĩ đại hơn.
Chia sẻ : Muốn trở thành môn đệ thật sự của Chúa Giêsu, bạn phải luôn luôn trả lời “không” với chính bản thân và đáp “vâng” với Chúa.
Sống Lời Chúa : Tôi xác tín : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin ở với con lúc con gặp thử thách gian truân, để con có đủ sức mạnh và can đảm mà trung thành theo chân Chúa đến cuối hành trình trần gian này. Amen.
18/02/12 THỨ BẢY TUẦN 6 TN
Mc 9,2-13
CẮM LỀU
“Thưa Thầy, chúng con ở đây hay quá ! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái.” (Mc 9,5)
Suy niệm : Ba môn đệ thật bất ngờ và vui sướng ngây ngất khi chứng kiến cảnh Thầy mình dung nhan chói ngời, đàm đạo với hai vĩ nhân của dân tộc là ông Môsê và Êlia. Các ông muốn “cắm lều” ở lại mãi trên chốn bồng lai tiên cảnh này, giã từ sứ vụ loan báo Tin Mừng nhọc nhằn dưới kia. Thế nhưng, tiếng của Chúa Cha từ đám mây kéo các ông trở về với sứ vụ của mình : “Hãy vâng nghe lời Người,” nghĩa là hãy lắng nghe và tiếp tục tiến bước với Thầy Giêsu, Người tôi tớ của Thiên Chúa, trên con đường Khổ Nạn Ngài sắp bước vào, để có thể đạt đến vinh quang vĩnh cửu nhờ sự phục sinh của Ngài.
Mời Bạn : Theo lẽ thường, ai cũng muốn “cắm lều” ở lại trong sự ổn định, sung sướng mình đang tận hưởng. Sự kiện Hiển Dung là điểm dừng chân tạm thời của hành trình lên núi và xuống núi, là trạm tiếp sức cho các môn đệ chuẩn bị bước vào cuộc Khổ Nạn. Tựa như các môn đệ, bạn cũng được mời gọi lắng nghe Đức Giêsu, hiệp thông trong tình thương và sứ vụ của Ngài, để tiếp tục tiến bước trên hành trình dương thế.
Chia sẻ : Những “căn lều” nào trong cuộc sống bạn đang muốn dựng lên hay bám trụ và cần được gỡ bỏ ?
Sống Lời Chúa : Thứ bốn thì gẫm : “Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần” (Mầu nhiệm sự Sáng).
Cầu nguyện : Lạy Chúa, giữa những bận rộn và buồn vui của phận người, xin cho con biết dừng chân tìm đến bên Chúa, lắng nghe Lời Chúa, thấy Chúa hiện diện trong đời và đang tiếp thêm sức mạnh cho con. Amen.
19/02/12 CHÚA NHẬT TUẦN 7 TN – B
Mc 2,1-12
SUY ĐI NGHĨ LẠI VIỆC KỲ DIỆU
Ai nấy sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa… Họ bảo nhau : “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ !” (Mc 2,12)
Suy niệm : Hình ảnh bốn người khiêng bệnh nhân bại liệt, dỡ mái nhà, rồi thả chiếc chõng xuống là một hình ảnh tuyệt đẹp. Có thể bạn sẽ chẳng bao giờ được chứng kiến một hình ảnh đẹp như vậy trong cuộc đời mình. Lòng tin vào quyền năng Chúa Giêsu đã thúc đẩy, gợi hứng cho họ tạo ra hình ảnh đẹp này. Hình ảnh đẹp ấy đạt đến đỉnh điểm khi người bại liệt được Chúa Giêsu tha tội, rồi chữa lành. Trông thấy cảnh tượng kỳ diệu này, dân chúng thán phục bảo nhau : “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ !” Thế nhưng, cũng cảnh tượng ấy, các kinh sư đã không thán phục, lại còn bắt bẻ : “Ông ta nói phạm thượng !” Thế mới biết rằng không phải hễ thấy quyền năng Thiên Chúa tỏ lộ thì người ta tin vào Ngài, dù họ vẫn nhận biết rằng điều kỳ diệu đó chưa thấy bao giờ.
Mời Bạn : Có thể vài hoặc nhiều lần trong đời, bạn đã may mắn thoát nạn hay được những ơn lành một cách kỳ diệu. Lúc ấy bạn xác tín mạnh mẽ và tôn vinh Thiên Chúa. Rồi ký ức ấy phai dần theo thời gian, bạn đâm ra nguội lạnh với Chúa. Để nuôi dưỡng niềm tin, một mẫu gương ban có thể bắt chước là Mẹ Maria, đấng đã suy đi nghĩ lại những biến cố lạ lùng trong đời Mẹ mà ca tụng Chúa.
Sống Lời Chúa : Nhớ lại những lần Chúa đã cứu thoát bạn cách kỳ diệu mà tạ ơn Người !
Cầu nguyện : Lạy Chúa ! Thế giới kỳ diệu có biết bao nhiêu điều lạ lùng, chúng con chứng kiến rồi trầm trồ như chưa từng thấy bao giờ, và rồi chỉ dừng lại đó. Xin cho chúng con khi chứng kiến những điều kỳ diệu trong cuộc sống, biết tán dương Ngài. Amen.
20/02/12 THỨ HAI TUẦN 7 TN
Mc 9,14-29
SỨC MẠNH CỦA CẦU NGUYỆN
“Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy ?” Người đáp : “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.” (Mc 9,28-29)
Suy niệm : Cha Henry M. Nouwen xác tín : “Cầu nguyện là sống với Chúa ở đây và lúc này.” Quả thế, cầu nguyện là lúc chúng ta ở với Chúa, Chúa ở bên ta để dạy dỗ, giúp đỡ, trợ lực và làm cho ta nên giống Ngài hơn. Cho nên, thiếu cầu nguyện là thiếu vắng Chúa. Thiếu cầu nguyện là thiếu niềm tin cũng như chưa có đủ lòng trông cậy vào sức mạnh của Ngài. Thiếu cầu nguyện là thiếu hẳn quyền năng của Chúa. Tóm lại, thiếu cầu nguyện là thiếu Đức Kitô, mà thiếu Đức Kitô, chúng ta không thể làm gì được. Hôm ấy nếu cầu nguyện sốt sắng như Thầy đã dạy, chắc chắn các môn đệ đã trừ được tên quỷ dữ ấy.
Mời Bạn : Thiên Chúa là Đấng toàn năng và hay thương xót. Người biết rõ chúng ta dễ gắn bó với những thực tại trần gian mà bỏ quên Ngài. Ngài muốn chúng ta đến với Ngài, nương tựa vào Ngài để Ngài ban cho ta quyền năng của Ngài, quyền năng mà chính bản thân ta chẳng bao giờ có nếu không qua cầu nguyện. Bạn hãy cầu nguyện với Chúa luôn để cảm nhận được Ngài yêu thương. Cầu nguyện để Chúa trừ tên quỷ tội lỗi trong bạn, đồng thời nâng đỡ bạn cộng tác với Ngài trong việc diệt trừ sự dữ trong môi trường bạn sống.
Chia sẻ những ơn bạn nhận được khi cầu nguyện.
Sống Lời Chúa : Cảm tạ Chúa, đồng thời xin Ngài ban sức mạnh của Ngài mỗi lần cầu nguyện.
Cầu nguyện : “Lạy Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn lũy chở che, con tin tưởng vào Ngài.”( Tv 91,2) “Xin chỉ dạy con đường lối phải theo, vì con nâng tâm hồn lên cùng Chúa.” (Tv 143,8)
21/02/12 THỨ BA TUẦN 7 TN
Th. Phêrô Đamianô, giám mục, tiến sĩ HT
Mc 9,30-37
CÁCH NÀO ĐẾN VỚI CHÚA CHA ?
“Ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Mc 9,37)
Suy niệm : Chúa Giêsu có lần ví mình như là cửa chuồng chiên, ai qua cửa mà vào, người ấy là kẻ chăn chiên đích thực. Mượn cách diễn tả tượng hình ấy, hôm nay chúng ta có thể ví Ngài như là “cổng” dẫn tới Chúa Cha. Ngày nay người ta nói nhiều đến “cổng thông tin,” là những cổng ta vào để tìm kiếm, truy cập dữ kiện trên mạng. Mỗi cổng thông tin cung cấp những dữ liệu chuyên biệt. Muốn từ cổng này qua cổng kia, chúng ta phải kết nối. Cũng thế, muốn hiệp thông với Chúa Cha, con người phải liên kết với Chúa Giêsu vì Ngài là hiện thân của Chúa Cha. Ngài biết phương cách giúp ta gặp được Cha của Ngài. Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu gọi Ngài là “Đấng Cứu Độ Duy Nhất” nhưng Ngài lại “kết nối” cổng trời với những kẻ yêu mến trẻ nhỏ. Vì vậy, yêu mến trẻ thơ, đón tiếp người bé nhỏ (theo nghĩa cả thể lý lẫn tinh thần), sẽ có cơ hội gặp gỡ và hiệp thông với Chúa Cha.
Mời Bạn : Không mấy ai thích “tiếp đón” trẻ nhỏ vì chúng còn nhỏ và chỉ quấy rầy ta mà thôi. Quan niệm ấy cần được xem lại, vì Chúa Giêsu “ôm” trẻ nhỏ vào lòng, dùng trẻ nhỏ minh hoạ cho cẩm nang dẫn đến Chúa Cha.
Sống Lời Chúa : Đừng để con em mình thiếu tình gia đình khi cả tuần chỉ biết gởi gắm nơi nhà trẻ để cha mẹ rảnh tay !
Cầu nguyện : Lạy Chúa, trước khi có thể đón tiếp trẻ nhỏ, đối tượng Chúa dùng để ví như đón tiếp chính Chúa, xin cho chúng con – nhất là bậc làm cha mẹ – biết quí trọng sự sống của chính con cái chúng con, và giúp người khác bảo vệ sự sống của những trẻ thơ đang bị đe doạ. Amen.
22/02/12 THỨ TƯ LỄ TRO
Mt 6,1-6.16-18
SỐNG MÙA CHAY
“Khi anh làm việc lành phúc đức… cầu nguyện… ăn chay…Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo.” (Mt 6,1.5.16)
Suy niệm :Hôm nay, Giáo Hội khai mạc Mùa Chay thánh, là nhịp mạnh của đời sống đạo. Đây là thời gian Chúa tuôn đổ ân sủng và lòng từ bi chan chứa trên con người tội lỗi. Trong mùa này, người Kitô hữu được mời gọi cùng Chúa Kitô bước vào cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại ma quỷ, thế gian, xác thịt (ba thù) bằng các phương thế siêu nhiên là cầu nguyện, chay tịnh và bác ái. Như Chúa Kitô ở trong sa mạc bốn mươi ngày, người Kitô hữu cũng vào “sa mạc” của lòng mình, để âm thầm, kín đáo duyệt lại và làm mới các mối tương quan : (1) với Chúa : gắn bó hơn bằng việc cầu nguyện có phẩm và lượng ; (2) với mình : kềm hãm các đam mê, khát vọng bằng chay tịnh, khổ chế ; (3) với tha nhân : yêu thương hơn qua việc chia sẻ vật chất và tinh thần.
Mời Bạn :Mỗi năm, bạn có mùa Chay để canh tân các mối tương quan trên. Bạn hãy tận dụng thời cơ :“Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.” Ước gì bạn đừng để mỗi ngày mùa Chay qua đi mà không tiến thêm một bước trên đường thiêng liêng.
Chia sẻ : Nhóm, gia đình, đoàn thể tôi sẽ làm gì để sống mùa Chay thánh này ?
Sống Lời Chúa : Hôm nay tôi sẽ giữ chay cách nghiêm túc, để chứng tỏ lòng tôi khao khát Chúa, muốn tiết chế dục vọng xác thịt để tinh than vươn cao.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, hàng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay tịnh, để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ này để học biết Đức Kitô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ. Amen. (Lời nguyện Chúa Nhật I mùa Chay)
23/02/12 THỨ NĂM SAU LỄ TRO
Th. Pôlicáp, giám mục, tử đạo
Lc 9,22-25
TÔI VÁC THÁNH GIÁ
Đức Giêsu nói với mọi người : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)
Suy niệm : Sau lời tiên báo thương khó, Đức Giêsu đề cập ngay đến điều kiện các môn đệ phải có để theo Ngài. Chúa không chỉ nói với nhóm Mười Hai, mà còn với tất cả những ai đang đi sau Ngài. Điều kiện ấy là vác thập giá của mình hằng ngày. Thánh giá của mỗi người đều có dấu riêng, kết liên với kinh nghiệm và cuộc đời. Đức Hồng Y Martini nói : cũng như có hàng ngàn kiểu cầu nguyện, cũng có hàng ngàn cách tiếp cận với thánh giá và sống với thánh giá. Mỗi người có cách của mình để đảm đương thánh giá trên vai. Đó là đảm đương những bổn phận hằng ngày cách kiên trì, dù lắm khi rất nhàm chán. Dĩ nhiên, không có thánh giá nào mà không có sức nặng ; chẳng có thánh giá nào mà không đòi nỗ lực, gắng sức. Chỉ có điểm chung cho mọi người môn đệ là không để thánh giá đè bẹp hay bỏ cuộc. Tất cả được kêu gọi tiến bước theo Chúa, mang cuộc đời mình theo Ngài.
Mời Bạn : Bên cạnh Đức Giêsu có hai tên trộm cướp vác thập giá và đang đi, có khi theo Đức Giêsu, lại có khi đi trước Ngài. Xét bề ngoài, họ đáp ứng đủ những đòi hỏi của Đức Giêsu. Tiếc thay lòng họ chưa muốn đi theo Ngài ! Còn bạn thì sao ?
Chia sẻ : Sự đều đặn của việc bổn phận có dễ làm bạn chán nản không ?
Sống Lời Chúa : Bạn làm những công việc bổn phận mà không than vãn, trách móc. Bạn dâng hy sinh đó cho Chúa khi dự Thánh Lễ.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin cho con trung thành vác thánh giá theo Chúa, dù lắm khi con tưởng chừng không thể đứng lên tiếp tục tiến bước. Xin nâng đỡ con, lạy Chúa, xin nâng đỡ con.
24/02/12 THỨ SÁU SAU LỄ TRO
Mt 9,14-15
CHO NIỀM VUI RẠNG RỠ
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ ?” (Mt 9,15)
Suy niệm : Thường tình khi dự tiệc cưới, ai cũng ăn mặc tươm tất để bày tỏ niềm vui với cô dâu chú rể ; không ai đến đến dự tiệc với bộ mặt “đưa đám,” trong y phục nhếch nhác. Niềm vui trong tiệc Thánh Thể còn đòi hỏi người tín hữu thể hiện gấp bội và sâu đậm hơn thế nữa. Bởi trong thánh lễ, Thiên Chúa mời nhân loại đến dự đại yến tiệc Ngài dọn, một tiệc cưới đã chuẩn bị từ ban đầu và suốt chiều dài lịch sử nhân loại, một tiệc cưới mà cao lương mỹ vị là chính Mình và Máu Ngài, và niềm vui cho người dự tiệc không chỉ là được thứ tha tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa, mà còn được phục hồi sự sống và sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Vì thế, niềm vui rạng rỡ trên gương mặt và cách trang phục của người tín hữu diễn tả đức tin vững chãi và cảm nghiệm sâu xa hạnh phúc được tham dự thánh lễ. Một linh hồn được cứu rỗi luôn tràn trề niềm vui. Lo âu, buồn rầu, bi quan rõ ràng tương phản với niềm vui trong Tiệc Thánh.
Mời Bạn : Bạn có sống niềm vui của Hội Thánh khi tham dự yến tiệc Thiên Chúa dọn cho nhân loại trong thánh lễ không ? Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chuẩn bị xứng đáng cả bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn mỗi khi dự tiệc Lời Chúa và Thánh Thể.
Sống Lời Chúa : Nếu bạn sống đời thánh hiến vì Nước Trời, mời bạn bày tỏ niềm vui tận hiến khi dự thánh lễ ; nếu bạn sống ơn gọi gia đình, mời bạn tham dự thánh lễ và dâng hiến gia đình của bạn cho Chúa.
Cầu nguyện : Xin Chúa biến đổi những chum nước lã của cuộc đời con thành rượu ngon khi con đến dự Tiệc Thánh.
25/02/12 THỨ BẢY SAU LỄ TRO
Lc 5,27-32
NIỀM VUI TỪ BỎ MỌI SỰ
Đức Giêsu bảo ông Lêvi : “Anh hãy theo tôi !” Ông bỏ tất cả, đứng dậy theo Người. (Lc 5,27-28)
Suy niệm : “Niềm vui lớn nhất cuộc đời là làm những gì người ta bảo là bạn không thể làm được” (W. Gagebot). Không ai dám nghĩ ông Lêvi, kẻ bị coi là tội lỗi công khai, vào một ngày đẹp trời sẽ bỏ đống tiền lại ở bàn thu thuế và hoán cải đổi đời ! Thế nhưng, chỉ cần ánh mắt và tiếng gọi của Đức Giêsu, ông đã làm được điều không tưởng : bỏ cái nghề bất chính hái ra tiền để đi theo Ngài. Kỳ lạ một điều là bỏ nhưng vui ! Vui đến độ sau đó ông mở tiệc lớn đãi Đức Giêsu và cũng để mừng sự kiện ông dám bỏ mọi sự đi theo Ngài. Qua bữa tiệc này, ông cũng muốn giới thiệu các đồng nghiệp bất chính của mình với Đức Giêsu, để họ sẽ nhận được niềm vui đổi đời từ cuộc gặp gỡ này như mình.
Mời Bạn : Mùa Chay là thời gian thanh luyện tâm hồn bằng cách từ bỏ tất cả những gì đang kéo ghì, dán chặt bạn vào vòng xoay của một cuộc đời đi ngược với quỹ đạo yêu thương của Chúa. Chẳng hạn : lối sống đua đòi theo bạn bè xấu, cuộc sống tiêu cực cầu an hoặc hưởng thụ ích kỷ, thói quen nhậu nhẹt sau giờ làm việc đến nỗi chểnh mảng bổn phận với gia đình… Bạn thấy mình phải từ bỏ điều gì trong mùa Chay này ?
Sống Lời Chúa : Tôi sẽ dành vài phút xét xem : lâu nay mình đang bị cuốn hút vào vòng xoáy hay “lỗ đen” của thói hư tật xấu nào, rồi hứa với Chúa sẽ cố gắng từ bỏ trong mùa Chay này.
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, ánh mắt nhân lành và tiếng gọi lôi cuốn của Chúa đã giúp Lêvi từ bỏ cái nghề tội lỗi để bước theo Chúa. Xin cho chúng con, trong mùa Chay này, cũng nhạy bén nhận ra ánh mắt và lời mời gọi của Chúa và quảng đại đáp lại. Amen.
26/02/12 CHÚA NHẬT TUẦN 1 MC – B
Mc 1,12-15
VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN !
“Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ.” (Mc 1,13)
Suy niệm : Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều tường thuật việc Chúa Giêsu bị Satan cám dỗ trong hoang địa lúc khởi đầu rao giảng để đối chiếu với việc ông bà nguyên tổ bị cám dỗ trong vườn địa đàng thuởhoang sơ. Khác một điều, bà Evà đã thất bại, còn Chúa Giêsu thì đã chiến thắng. “Vạn sự khởi đầu nan” với thất bại của ông bà nguyên tổ. Khi Chúa Giêsu đến để thiết lập một khởi đầu mới, tình hình còn tồi tệ hơn vì “sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Thế nhưng, trong thân phận con người Chúa Giêsu đã chiến thắng “tên cám dỗ”. Đó là tấm gương để chúng ta soi mà sống trọn mùa chay với lòng tin tưởng và với quyết tâm chiến thắng toi lỗi.
Mời Bạn : Khi chúng ta ăn chay, hãm mình, cầu nguyện… thì ma quỉ cũng gia tăng cám dỗ chúng ta đi ngược lại bằng những lời hứa hẹn đường mật nhưng thực chất đều là những cái bánh vẽ không hơn không kém. Bạn hãy nhớ lại những kinh nghiệm bại trận vì nghe theo lời dụ dỗ của ma quỉ xem nó đem lại gì cho cuộc sống của bạn. Trống rỗng ? Day dứt ? Hụt hẫng ? Hối hận ?...
Chia sẻ : Đâu là những “chiến thuật” ma quỷ dùng để cám dỗ Chúa ? Và đối với bạn, ma quỷ dùng chiến thuật nào ?
Sống Lời Chúa : Hãy tâm niệm lời này khi gặp cám dỗ : “Con chớ thử thách Chúa là Thiên Chúa của con !”
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin giúp con chiến đấu chống lại những khuynh hướng xấu trong con nhân mùa chay này. Và trong Chúa con tin tưởng mình cũng sẽ chiến thắng, như Chúa đã thành công vì Chúa luôn làm theo ý của Chúa Cha.
27/02/12 THỨ HAI TUẦN 1 MC
Mt 25,31-46
ĐIỀU GÌ QUAN TRỌNG NHẤT ?
“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40)
Suy niệm : “Đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”(1Cr 13,13). Thật vậy, ngày phán xét Chúa không hỏi bạn đã giữ chức vị gì, đã làm những việc to lớn nào, mà hỏi bạn đã làm gì cho những người bé nhỏ nghèo hèn xung quanh bạn, bởi vì đó là bạn “đã làm cho chính Chúa.” Họ chính là những chi thể trong Hội Thánh là Thân Thể Người, là hình ảnh sống động của Chúa. Mẹ Têrêxa đã nhìn ra hình ảnh của Chúa nơi họ, dù họ có dáng vẻ kinh tởm đến đâu và Mẹ đã phục vụ họ với cả tình yêu mến.
Mời Bạn : Qua những người nghèo, bạn có cơ hội để dâng lên Chúa lời tạ ơn Ngài vì đã ban cho bạn nhiều ơn lành hơn họ ; đồng thời qua họ, Chúa mời gọi bạn không ngừng thực thi những việc lành phúc đức. Và ngay cả khi bạn là người nghèo, bạn cũng có một cái gì đó để chia sẻ với những người nhỏ bé khác ở chung quanh bạn. Đừng để lòng mình trở nên ơ hờ chai đá trước những lời cầu xin để rồi hối hận vì đã không làm khi có dịp người ta cần đến bạn.
Chia sẻ : niềm vui và hạnh phúc của bạn khi có dịp chia sẻ với anh chị em.
Sống Lời Chúa : Mùa Chay mời gọi bạn ăn chay, cầu nguyện và làm việc lành phúc đức. Mời bạn cắt những chi tiêu không cần thiết (ăn chay), chia sẻ cho người nghèo (làm việc phúc đức) và dâng những việc đó lên Chúa khi cầu nguyện.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin giúp con trở về với lòng mình, nhìn nhận những điều thiếu sót vì đã không quảng đại chia sẻ hay đã không sẵn lòng trợ giúp một trong những anh em bé nhỏ xung quanh con khi họ gặp cơn túng quẫn.
28/02/12 THỨ BA TUẦN 1 MC
Mc 6,7-15
TRONG TÂM TÌNH CHA-CON
“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời.” (Mt 6,7)
Suy niệm : Những ngày đầu xuân, người người nườm nượp trẩy hội đến các đền đài, chùa chiền để cầu Trời khấn Phật xin cho được một năm phát lộc phát tài. Có lẽ thói quen cầu xin như thế phổ biến nơi các dân tộc cũng như nơi người Do Thái nên Chúa Giêsu đã cảnh giác các môn đệ : khi cầu nguyện không cần “lải nhải nhiều lời.” Lý do Chúa đưa ra là vì Thiên Chúa đã thấu biết “anh em cần gì” và hơn nữa vì Ngài còn là Cha của chúng ta. Để việc cầu nguyện được đích thực và đáng được Chúa nhận lời thì phải cầu nguyện trong tâm tình Cha-con với Thiên Chúa. Chính vì thế mà Con Thiên Chúa đã sinh ra làm con loài người để cho phép chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, và dạy chúng ta kinh Lạy Cha nhờ đó chúng ta biết phải cầu xin điều gì và cầu xin như thế nào với Thiên Chúa là Cha.
Mời Bạn : Giáo lý dạy “cầu nguyện là dâng những lời cầu lên Thiên Chúa để xin những ơn hợp với thánh ý Ngài” (Toát Yếu GLHTCG số 534). Nhìn lại việc cầu nguyện của chúng ta, lắm khi thay vì cầu xin những điều Chúa mong muốn nơi con người, chúng ta lại cầu xin những điều con người muốn nơi Thiên Chúa. Đừng để thói quen ‘lải nhải’ làm mờ nhạt giá trị của lời cầu nguyện mà chúng ta được dạy trong kinh Lạy Cha.
Chia sẻ : Đâu là ý Chúa muốn chúng ta làm khi cho chúng ta được sống và sống dồi dào như hôm nay ?
Sống Lời Chúa : Dâng lên Chúa lời cầu tha thiết để xin ơn mà bạn thấy cần thiết nhất cho bạn ngày hôm nay.
Cầu nguyện : Đọc kinh Lạy Cha chậm rãi, và với tâm tình người con thảo.
29/02/12 THỨ TƯ TUẦN 1 MC
Lc 11,29-32
DẤU LẠ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
“Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna.” (Lc 11,29)
Suy niệm : Sau người Do Thái mấy ngàn năm, chúng ta vẫn còn khó thoát ra khỏi cơn cám dỗ khoanh tay chờ Chúa làm phép lạ. Mỗi khi gặp cảnh khó khăn, chúng ta thường ao ước Chúa ra tay quyền phép can thiệp cách đặc biệt để giải cứu ; hoặc khi chịu cảnh bất công, chúng ta thường ước chi Chúa lấy “lửa từ trời” trừng trị nhãn tiền những kẻ áp bức. Có như thế những kẻ làm ác mới khiếp sợ và chúng ta mới cảm thấy hả hê. Nhưng Chúa không ban cho chúng ta “dấu lạ” để trình diễn cũng không làm phép lạ như một hình thức báo thù. Dấu lạ Giôna trước hết là dấu lạ của lòng Chúa thương xót : Ông ở trong bụng cá ba ngày và được cứu thoát là để loan báo lòng thương xót của Chúa, để rao giảng sự sám hối để được cứu độ. Dấu lạ Giôna được tiếp nối bởi dấu lạ Ninivê, dấu lạ của lòng sám hối : đó là lời đáp trả của con người trước lòng thương xót của Thiên Chúa.
Mời Bạn : nhìn lại cách bạn lãnh nhận bí tích hoà giải : Bạn đi xưng tội theo kiểu hưởng ứng phong trào hay như một thủ tục phải có trước những ngày lễ lớn ? Có bao giờ bạn cảm nhận lòng thương xót của Chúa đánh động bạn khiến bạn cảm thấy thúc bách phải thống hối trở về với Ngài không ?
Chia sẻ : Trong công thức xá giải, linh mục đọc : “Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh để ban cho con ơn tha thứ và bình an.” Bạn có cảm nghĩ gì về “ơn tha thứ và bình an” mà bạn nhận được trong bí tích giải tội ?
Sống Lời Chúa : Lãnh nhận bí tích hoà giải thường xuyên, đừng đợi đến các dịp lễ lớn.
Cầu nguyện : Đọc kinh Ăn Năn Tội.