Hãy tỉnh thức và sẵn sàng: Chúa Nhật I Mùa Vọng - [B]

Chúa Nhật I Mùa Vọng (B): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa


Thời gian Mùa Vọng là thời gian Giáo Hội đặt chúng ta lại trong thái độ hy vọng, mong chờ và tỉnh thức. Người tỉnh thức là người luôn cố gắng và hăng say, họ thực thi những gì là chân thật, ngay chính và đáng quý chuộng, với tất cả nhiệt huyết, nỗ lực cần cù và không trì hoãn. Đây là thời gian Giáo Hội muốn chúng ta sống hướng về ngày giờ Đức Kitô đến một cách ý thức hơn. Khi chúng ta làm việc mà biết hướng về Đức Kitô thì chắc chắn có một cái gì đó thay đổi trong thái độ và cách thức làm việc của ta. Khi chúng ta đau khổ mà biết hướng về Đức Kitô thì sẽ có cái gì đó thay đổi. Khi chúng ta chiến đấu mà biết hướng về Đức Kitô thì cũng sẽ có cái gì đó thay đổi. Ngay cả khi ta vui chơi, giải trí cũng thế. Và trong mọi sự, mọi hoàn cảnh chúng ta đều có sự bình an.

Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm B

Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
Lời Chúa: Is 63,16b-17.19b; 64,2-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37
-------------

PHÚC ÂM: Mc 13, 33-37

"Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về".


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Điều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!"


1. Hãy tỉnh thức


Năm phụng vụ mới bắt đầu bằng một lời cảnh báo: Hãy tỉnh thức. Chúng ta không còn ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa giáng sinh làm người, dù rằng năm phụng vụ mở đầu với mùa vọng, mùa chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Trái lại chúng ta đang ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa đến hoàn tất công trình cứu độ nơi mỗi người, cũng như nơi toàn thể nhân loại.

Hãy tỉnh thức, đúng thế, người Kitô hữu phải chăng là người luôn sống cái mặc cảm coi thế gian và cuộc sống chỉ là một chuỗi những cạm bẫy sẵn sàng nhận chìm chúng ta trong hư đốn? Không phải là như vậy. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu và của Giáo Hội ngày hôm nay bao gồm một cái nhìn lạc quan về lịch sử nhân loại. Chúa Giêsu đã có đó. Tội lỗi đã bị án diệt vong. Sự chết đã bị đánh bại, còn mầm mống sự sống mới cứ mỗi ngày một lớn mạnh.

Hãy tỉnh thức để nhận ra tất cả những cái mới mẻ ấy để có thể nhập cuộc. Bà con trong thôn ấp được kêu gọi tu sửa đường xá cho việc đi lại được dễ dàng. Các em học sinh tham gia phong trào tiết kiệm để có tiền giúp đỡ các bạn cùng lớp, cùng trường gặp tai ương hoạn nạn. Người đi buôn, không nói thách, không bán đồ giả, không dùng cân thiếu và thước hụt. Phải tỉnh thức và thấm nhuần tinh thần Phúc Âm để có thể nhận ra sự lớn mạnh của trật tự xã hội mới.

Trong Phúc Âm cũng như trọn cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp vô số những con người mê ngủ, nghĩa là tiếp tục suy nghĩ và lý luận về hành động của Thiên Chúa theo lối cũ, theo những định kiến, theo những hệ thống thần học họ tự đặt ra. Các thượng tế, luật sĩ và biệt phái đã ru ngủ mình trong sự tự mãn và sự thông hiểu Kinh Thánh. Cả thành Giêrusalem cũng đã tự ru ngủ mình trong thói quen, trong cái nếp cũ, nên đã sống bên ngoài biến cố Con Thiên Chúa làm người.

Chúa Giêsu có đó như vị cứu tinh họ mong đợi, nhưng họ đã không nhận ra Ngài. Không những không nhận ra Ngài mà còn tìm cách giết hại Ngài. Bởi vì họ không chấp nhận nghe và thấy những lời nói, những việc làm đi ra ngoài những gì họ đã nghe và đã thấy. Họ đã có những phản ứng hoàn toàn không thích hợp với những đòi hỏi của thời đại mới. Họ đích thực là những kẻ mê ngủ. Chính những mục đồng và những kẻ bị liệt vào hàng tội lỗi công khai như người thu thuế và gái điếm, những kẻ bệnh tật và nghèo khổ lại là những người có khả năng nhận ra cái mới mẻ của tiếng hát các thiên thần, của ánh sao, của những dấu lạ để rồi cuối cùng đã nhận ra Đấng Cứu Thế nơi một hình nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, hay nơi một Đức Kitô bị chết treo trên thập giá.

Liệu chúng ta đã thực sự tỉnh thức để nhận ra Chúa nơi những người anh em, và thánh ý Ngài qua các biến cố xảy đến hay không?

2. Tỉnh thức


Chọn bài Phúc Âm này để làm đề tài suy gẫm trong ngày đầu năm phụng vụ, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta một bài học rất hữu ích và cần thiết đó là hãy tỉnh thức và sẵn sàng để đón nhận Chúa vào ngày giáng sinh cũng như ngày Chúa gọi chúng ta đến tính sổ cuộc đời với Ngài.

Nhìn vào đời sống, chúng ta thấy tỉnh thức và sẵn sàng là điều kiện cốt yếu để được sống còn. Ngay như trong thế giới loài vật chúng ta cũng thấy như vậy. Một nông dân Mỹ bị đàn quạ khoang phá hoại ruộng ngô. Ông mang súng ra bắn, nhưng không sao lại gần được vì trên cây thông cao, có một con đậu để canh chừng khi các con khác đang ăn. Len lỏi lâu dưới hố sâu ông mới lại gần được mà con gác không hay biết. Một tràng đạn nổ vang, những con sống sót bay vù lên, nhưng chúng không bay đi xa, chúng xà xuống con canh gác với những tiếng kêu giận dữ. Con chim khốn nạn này bị đồng bọn xử một cách tàn nhẫn và nhanh chóng, không thể ở lại trong bầy, phải rời hàng ngũ mà đi nơi khác.

Câu chuyện trên đây cho thấy việc tỉnh thức và sẵn sàng là điều rất cần thiết, loài vật còn cảm thấy phương chi là con người. Nơi giống vật không chu toàn bổn phận tỉnh thức còn bị trừng phạt nặng nề, phương chi là con người.

Trong cuộc sống, chúng ta thường nói: Mấy ai học được chữ ngờ. Nghĩa là có nhiều biến cố xảy đến ngoài dự kiến của chúng ta. Nhưng có một cái bất ngờ, tuy không do chúng ta dự liệu, nhưng lại tuỳ thuộc chúng ta định đoạt số phận, đó là cái chết.

Đọc báo chí, nghe truyền thanh và xem truyền hình, chúng ta thấy cái chết phảng phất ở mọi nơi, và trong mọi lúc. Nào là thiên tai bão lụt giết chết hàng trăm người. Nào là núi lửa, động đất giết chết hàng ngàn người. Nào là chiến tranh, đói khổ giết chết hàng vạn người. Dẫu vậy có ai nghĩ rằng mình cũng sẽ phải chết, mà mấy ai đã tỉnh thức và sẵn sàng cho cái bất ngờ cuối cùng ấy.

Sống sao thì chết vậy. Muốn được chết tốt lành, muốn cho giờ chết không phải là giờ cay đắng bẽ bàng thì ngay từ lúc này, chúng ta phải lo sống tốt lành. Đối với những người còn hồ nghi về đời sau, họ nên khôn ngoan lý luận như nhà tư tưởng Pascal: Có đời sau hay không, điều ấy thật khó mà chứng minh rõ rệt, tuy nhiên tôi vẫn tin có là hơn, vì dù không có, thì tin như vậy cũng không thiệt hại gì. Còn như trong trường hợp mà có, thì không tin quả là điều nguy hiểm. Cho nên tin vào sống niềm tin ấy, thì khôn ngoan hơn.

Tỉnh thức và sẵn sàng ở đây có nghĩa là hãy khử trừ tội lỗi ra khỏi cuộc sống và tích trữ cho một kho tàng quý giá là những hành động bác ái, là những công nghiệp chúng ta lập được khi còn sống ở đời này, để bất kỳ lúc nào Chúa lên tiếng kêu gọi, chúng ta cũng có thể sẵn sàng thưa lên: Lạy Chúa, này con xin đến.


3. Tỉnh thức - Thức tỉnh


(Suy niệm của Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn)

Dụ ngôn nói về người chủ đi xa, giao quyền hành lại cho đầy tớ, mỗi người một việc. Tuy nhiều người nhiều việc, nhưng ông chỉ có căn dặn người canh cửa phải lo tỉnh thức để mở cửa cho ông lúc trở về. Rồi trong phần kết của bài phúc âm, lời nhắn bảo “hãy tỉnh thức” lại được gởi đến cho “hết mọi người.” Phải chăng Đức Giêsu ám chỉ tất cả các Kitô hữu đều là những người canh cửa, và họ hãy mở tung cánh cửa đời mình để đón Ngài.

Hôm nay, Dân Chúa trên khắp thế giới bắt đầu bước vào mùa Vọng với ý nghĩa chấn chỉnh lại thái độ trông ngóng, mong chờ, chuẩn bị đón mừng ngày Chúa lại đến.

Mùa Vọng luôn được nối kết với mùa Giáng Sinh, kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. Nhưng nếu biến cố đó không gợi lên trong tôi một dư âm nào, việc Chúa sinh ra hay hồng ân cứu độ không mang một tầm quan trọng nào trong đời tôi, thì thử hỏi mùa Vọng có nghĩa lý gì, chẳng qua là một mùa lạnh hay mùa đông.

Cho nên thiết tưởng để sống trọn vẹn hơn mùa Vọng năm nay, chúng ta hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi: Đâu là ý nghĩa của cuộc đời? Hạnh phúc của tôi đang ở nơi nào? Những gì tôi đang tìm kiếm, khao khát, mong ước có làm cho tôi thoả mãn thật sự không? Hay là cứ tìm được điều này xong, tôi lại chạy theo điều khác, và rồi cuộc đời cứ mãi kiếm tìm không nguôi?

Thử hỏi Đức Giêsu có phải là đối tượng chính trong sự tìm kiếm của tôi không, hay chỉ là một thứ phụ thuộc, là nơi tôi đến tìm yên ủi, cố vấn những lúc bị thất bại trên đường chạy theo các đối tượng khác.

Nếu không cảm nhận Chúa là lẽ sống, niềm vui, hay nguồn hy vọng của đời mình thì làm sao có thể nhớ thương và mong chờ cho đúng nghĩa được. Có ai trông đợi hay nôn nao được gặp lại một bóng hình mà họ không yêu thương cũng chẳng qúi mến chăng?

Thế cho nên sống mùa Vọng là tái xác định đối tượng chính trong cuộc đời. Khi mà tôi nhận thức Chúa chính là áng mây cho sa mạc tâm hồn, là dòng suối mát cho cánh đồng chờ nước bao năm, thì lúc ấy lời ca “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội” sẽ thấm đến tận nơi sâu thẳm của cõi lòng.

Vậy lời kêu gọi “tỉnh thức” của ngày đầu năm phụng vụ không chỉ nhắc tôi về thái độ chờ đợi và sẵn sàng, nhưng còn ngầm bảo tôi hãy “thức tỉnh”: thức tỉnh lại từ những đam mê, trăn trở, gian nan để xem Chúa có ở trong đó không; thức tỉnh từ những kiếm tìm: tìm job, tìm của, tìm tình, tìm danh dự, tìm địa vị… để xem Chúa ở trong và ở trên tất cả những sự đó không. Vì nơi đâu không có Chúa, nơi đó chỉ là những quảng cáo của thế gian, ma qủi. Tìm mọi sự mà không tìm Chúa thì rồi vẫn cứ mãi thiếu vắng và khát khao. Phải chăng là vì “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Thánh Augustinô).

Người ta kể rằng dưới chân lâu đài Mamara của Hoàng đế Maximilian là dòng nước trong vắt của vùng biển Adriatique. Ở chiều sâu mấy chục thước nước phía dưới có một hang động từng làm say mê nhiều thợ lặn. Điều thú vị nhất là thỉnh thoảng mấy người thợ lặn đó đã tìm được những viên ngọc đẹp nhất trong hang động này lại thuộc quyền sở hữu của Quận chúa Reiner. Thế nhưng sau một thời gian dài, người ta khám phá các viên ngọc ấy bị nhạt màu. Nhiều chuyên gia về ngọc được triệu đến. Sau nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm, họ đã nhận định rằng để có được vẻ tươi đẹp nguyên thủy, các viên ngọc ấy phải được ngâm lại dưới đáy biển sâu. Và đúng vậy, sau một thời gian trầm mình dưới giòng nước trong của vùng biển này, dần dần các viên ngọc đã phục hồi được vẻ đẹp long lanh của thuở ban đầu.

Đời sống con người cũng thế! Để tìm lại niềm vui và bình an chân thật, để gột rửa những phấn bụi của dòng đời, chúng ta cũng hãy ngâm mình vào biển tình bao la của Thiên Chúa, ướp đượm hồn ta bằng hồng ân tươi mát của Ngài.

Giáng sinh là thời điểm của ân sủng và mến thương vời vợi. Thức tỉnh để được sống trọn vẹn niềm vui tìm gặp Chúa sẽ là thái độ khôn ngoan nhất của người Kitô hữu trên hành trình bước sang năm phụng vụ mới.

4. Phải tỉnh thức và sẵn sàng


(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)

Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 13,33-37) là phần cuối cùng trong diễn từ cánh chung của sách Tin Mừng theo Thánh Marcô, diễn từ nói về những vấn đề của thời buổi cuối cùng. Điểm nhấn chính yếu là lời mời gọi khẩn thiết phải tỉnh thức và sẵn sàng.

“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức” (c.33a). Đây là lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng trong Mc 13, Chúa Giêsu kêu gọi bốn đồ đệ Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê phải coi chừng (cc.5.9.23.33). Lời mời gọi hãy biết nhận định rõ ràng và chính xác, là lời mời gọi xuyên suốt diễn từ cánh chung của Chúa Giêsu. Các môn đệ cần phải có cái nhìn sáng suốt về những gì xảy đến, để giải thích đúng đắn các thực tại và không bị lừa phỉnh (cc.5-23). Bây giờ, sau khi đã nói tất cả những điều đó và để kết thúc diễn từ cánh chung, Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Phải tính thức”. Chỉ trong một đoạn văn ngắn, có đến bốn lần Chúa nói: “Phải tỉnh thức” (cc.33.34.35.37), điều này cho thấy tính cách quan trọng của lời mời gọi.

Lý do đầu tiên được đưa ra để làm nền cho lời mời gọi quan trọng đó, chính là: “Vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (c.33b). Ngay trước câu này, Chúa đã khẳng định: “Còn về ngày hay giờ đó [cuộc quang lâm] thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (c.32). Áp dụng điều đó vào trường hợp các đồ đệ, Chúa Giêsu cho họ biết rằng họ không biết được khi nào xảy đến cuộc quang lâm (c.33), tức là khi nào Chủ của họ trở về (c.35), và Ngài nối kết sự không biết này vào với lời mời gọi tỉnh thức.

Sau khi nêu lý do, Chúa Giêsu kể cho các đồ đệ nghe một dụ ngôn: câu chuyện ông chủ đi xa. “Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức” (c.34). Người giữ cửa được nhấn mạnh cách đặc biệt vì hơn tất cả những người khác, nhiệm vụ canh thức của anh là rất rõ ràng.

Tình cảnh của các đồ đệ cũng tương tự như tình cảnh của những người đầy tớ của ông chủ trong câu chuyện dụ ngôn. Ông chủ đi xa và trao phó công việc cho họ; mỗi người có nhiệm vụ riêng của mình. Và bởi vì họ không biết khi nào ông quay về, nên họ phải luôn hiện hiện trong tư thế sẵn sàng. Cũng tương tự như thế, Chúa Giêsu chính là vị Chủ Nhà. Rời khỏi thế gian, Chúa Giêsu trao phó cơ nghiệp cứu độ của Người cho các đồ đệ. Trong Nhà của Chúa Giêsu, các đồ đệ, nhất là các vị lãnh đạo cộng đoàn Hội Thánh, vừa là gia nhân vừa là người giữ cửa. Mọi người đều phải tỉnh thức và sẵn sàng đón Người trở lại trong cuộc quang lâm của Người.

Sau khi kể câu chuyện dụ ngôn, Chúa Giêsu lặp lại lời kêu gọi tỉnh thức và nêu phần áp dụng của dụ ngôn đó và hoàn cảnh các đồ đệ: “Vậy anh em phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ” (cc.35-36).

Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ, vì đó là điều bất khả về phương diện thể lý. Để hiểu đúng ý mà Chúa Giêsu muốn nói, chúng ta có thể nghĩ đến một lời mời gọi tỉnh thức đặc biệt mà chính Chúa đưa ra cho các môn đệ thân tín của Người trong một hoàn cảnh khác. Trong vườn Ghếtsêmani, vào đêm Chúa Giêsu bị bắt, Người nói với ba đồ đệ thân tín: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (14,38). Trong vườn Ghếtsêmani, lời mời gọi này phải được hiểu trước hết theo nghĩa đen của các từ ngữ. Nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta giải thích rằng sự tỉnh thức, sâu xa ra, chính là một thái độ sống hoàn toàn quy hướng một cách rõ ràng về Thiên Chúa, tức là một thái độ cầu nguyện ở mức độ thâm sâu và thực chất. Áp dụng cách hiểu đó vào lời mời gọi ở 13,35 chúng ta có thể hiểu: sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu nói đến ở đây chính yếu là một cách sống hoàn toàn trong ý thức liên tục quy hướng về ông chủ và nhiệm vụ mà ông trao phó. Người đầy tớ tỉnh thức là người luôn luôn đặt mình trong ý thức về tư cách của mình là người phục vụ ông chủ và thi hành một cách tốt nhất nhiệm vụ mà ông trao phó cho mình. Khi ông chủ đi xa, người đầy tớ dễ bị cám dỗ quên ông và quên nhiệm vụ ông trao phó, từ đó hành xử như thể mình là ông chủ, theo hứng riêng của mình từng lúc. Người đầy tớ tỉnh thực sẽ luôn luôn gắn kết cuộc sống mình với ông củ và luôn luôn sẵn sàng trả lời ông về việc thực hiện nhiệm vụ mà ông đã trao phó cho mình. Khi Chúa Giêsu nói các môn đệ của Người phải tỉnh thức như các đầy tớ trong dụ ngôn phải tỉnh thức, là Người muốn nhấn mạnh đến thái độ sống đó, chứ không phải là một sự canh thức về phương diện thể lý đơn giản.

Điều thứ hai đáng chú ý trong câu 35 là việc Chúa Giêsu gắn sự kiện ông chủ (có thể) trở về vào khung cảnh ban đêm. Người nói: “Vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”. Sự tối tăm vốn là một hình ảnh có thể tượng trưng cho vương quốc của bóng tối, của sự ác, của sự dữ, của sự hư luống, của sự tội lỗi… Ban đêm cũng là hình ảnh thường được sử dụng theo nghĩa là biểu tượng cho tình trạng say sưa, ngoại tình, gian dối, trác táng… Nói cách khác, đem tối là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc sống hiện tại theo nghĩa là cuộc sống đầy những thực tại tiêu cực. Và thực tế, người tín hữu phải luôn chiến đấu “với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này” như cách diễn tả của Thánh Phaolô trong Ep 6,12. Đó là thế gian chống lại Thiên Chúa. Chính khi đang hiện hữu trong cái thế giới của bóng tối đó, người tín hữu đón nhận sự kiện Chúa trở lại.

Kết thúc diễn từ cánh chung, Chúa Giêsu khẳng định: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải tỉnh thức!” (c.37). Chúa Giêsu không ngần ngại nhắc đến tư cách và vị trí đặc biệt của bốn đồ đệ thân tín đang nghe Người tâm sự đây. Họ là những đồ đệ đầu tiên mà Người đã kêu gọi để biến đổi thành những kẻ lưới người (x. 1,16-20). Nhưng lời kêu gọi tỉnh thức và sẵn sàng không chỉ dành riêng cho họ mà thôi. Chúa nói rõ ý của Người là kêu gọi tất cả mọi người đều phải tỉnh thức như vậy, không trừ một ai. Nói cách khác, ở bên dưới lời khẳng định này là một lệnh truyền được ngỏ với các môn đệ thân tín, sai họ đi thông truyền cho tất cả mọi người điều mà Chúa Giêsu đang nói với họ đây, để mọi người đều tỉnh thức đón chờ Ngài đến hoàn thành công trình cứu độ của Ngài.

Gợi ý suy niệm và chia sẻ:

1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, có đến bốn lần Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta tỉnh thức. Lời kêu gọi này càng tha thiết hơn nữa khi nó được ngỏ với chúng ta trong khung cảnh của ngày Chúa Nhật bắt đầu Mùa Vọng và Năm Phụng Vụ mới. Tỉnh thức, sâu xa ra, chính là một thái độ sống hoàn toàn quy hướng một cách rõ ràng về Thiên Chúa, một thái độ cầu nguyện ở mức độ thâm sâu và thực chất. Người tôi tớ tỉnh thức sẽ không bao giờ hành xử như thể mình là ông chủ có quyền hành động tuyệt đối theo ý riêng mình.

2. “Anh em không biết khi nào chủ nhà đến”. Đó là một sự thật. Và chúng ta được mời gọi ý thức luôn luôn, một cách khiêm hạ, về sự thật đó. Chính từ sự thật đó mà xảy đến lời mời gọi tỉnh thức.

3. «Anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng». Chúng ta đang sống giữa thế giới của bóng tối, trong đó đầy dẫy những bất công, những thử thách, những ngang trái, những cám dỗ, những hư hỏng… Nhưng tiếng nói tối hậu và có tính quyết định sẽ không phải là tiếng nói của bóng tối và sự ác. Tiếng nói tối hậu sẽ là tiếng nói của Ông Chủ. Chúa sẽ quang lâm và trở về với chúng ta trong chính hoàn cảnh của thế giới tối tăm và độc ác này. Nếu chúng ta, bất chấp đêm tối của tội lỗi và sự dữ, vẫn đang hiện hữu trong tư thế đồ đệ luôn quy hướng về Ngài, chúng ta sẽ được chia sẻ vinh quang với Ngài.

4. Mọi môn đệ của Chúa Kitô đều có nhiệm vụ nói cho thế giới biết rằng Chúa chắc chắn sẽ trở lại, nhưng là vào lúc chúng ta không ngờ. Vì vậy, mọi người đều được mời gọi tỉnh thức, luôn luôn hiện hữu trong tư thế của người tôi tớ tốt lành đang tỉnh thức đợi chủ về. Lời của Chúa Giêsu: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải tỉnh thức!” (c.37).


5. Tỉnh thức và cầu nguyện – Lm Vinh Sơn


Tại các giáo đường ở châu Âu trong Mùa vọng, bên cạnh bàn thờ người ta trang hoàng một vòng nguyệt quế được kết từ những cành lá thông mà trung tâm là 4 cây nến: Chúa nhật thứ nhất họ thắp lên cây nến thứ nhất, và mỗi Chúa nhật tiếp theo người ta lại thắp thêm ngọn nến cho đến Chúa nhật thứ tư bốn cây nến được tỏa sáng.

Mỗi Chúa Nhật thắp lên một cây nến nhắc nhở người tín hữu tỉnh thức cầm đèn sáng trong tay cầu nguyện chờ đợi như Thánh Thi ca tụng:

Và giờ đây xin thương tình lạy Chúa,

Lấy lửa thiêng đốt cháy cả tâm can

Để chúng con luôn tỉnh thức sẵn sàng

Cầm đèn sáng trong tay chờ Ngài đến.

Tư thế canh thức đó chuẩn bị đón mừng lễ Chúa Giêsu Giáng sinh và tỉnh thức cầu nguyện, sẵn sàng cho ngày cánh chung, ngày đó ngôn sứ Isaia đã nói: “Hỡi người canh thức, đêm còn mấy chốc nữa?” (Is 21,11), Thánh Phaolô đã nói đến Chúa ngự đến khi diễn tả ánh bình minh của ngày mới: “Đêm sắp tàn, ngày gấn đến” (Rm 13,12), ngày đó “Con Người” sẽ quay lại để phán xét mà Tin Mừng Mc 13,33-37, Chúa Giêsu nói đến hình ảnh: “chủ nhà trở về…” vì chúng ta không biết giờ nào… nên Đức Kitô kêu mời: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào”.



Trước hết tỉnh thức giữa đêm khuya cuộc đời, theo Kinh Thánh, đêm khuya là thời gian của bóng tối của “quyền lực tối tăm” (x.Lc 22,23; Mc 14,49; Ep 6,12). Do đó đêm tối cũng chính là thời gian của cám dỗ, thời gian của thử thách, do đó chúng ta phải mang tâm tình thức tỉnh.

"Nửa đêm" trong vườn Giếtsêmani, Chúa Giêsu bị thử thách, các Tông đồ bị cám dỗ ngủ mê và thiếu tỉnh thức. Trước sự mê ngủ của các môn đệ Chúa Giêsu đã mời gọi các ông tỉnh thức, ba lần "Người thấy họ ngủ”. Người nói: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (x. Mt 26, 36-46; Mc 14, 32-42; Lc 22, 39-46).

Đêm tối, Chúa bị bắt, Phêrô theo bước chân Thầy đến Dinh Thượng Tế, bị chất vấn, ông đã yếu đuối, mất cảnh giác và đã chối thầy. Ông thức tỉnh nhận ra tình trạng “chối thầy” của mình lúc bắt đầu bình minh vào "Lúc gà gáy”.

Tin Mừng còn nhắc đến một thái độ thức tỉnh là phải “coi chừng” để nghe lời Chúa (x. Mc 4,12), nếu không ta chỉ đứng bên lề mà để cho lời Chúa vượt qua. Cần phải có thái độ “coi chừng”, để chúng ta giữ mình khỏi “men Pharisêu”, men giả hình, kiêu căng để khỏi bị thấm nhiễm (x. Mt 8, 6; Mc 8,15). Cần phải chú ý “coi chừng”, để không tin những kẻ bắt mao danh Đức Kitô nói trước tương lai (Mt 24, 4 -13; Mc 13,5-13; Lc 21, 8-19) đó là các tiên tri giả hình.

Khi nói về thái độ tỉnh thức, Thánh Phaolô đòi hỏi phải có hành động “thức dậy ngay” (Rm 13,11). Ngài còn sử dụng đến hình ảnh về chiến tranh với những “vũ khí” trang bị cho thái độ tỉnh thức (x.Rm 13,12; Ep 6,10; 1 Tx 5,6-8). Có nghĩa là người thức tỉnh luôn chủ động:

- Tỉnh thức là luôn sẵn sằng, sẵn sàng ngay cả lúc ngủ: dụ ngôn Mười cô trinh nữ, năm cô trinh nữ khôn ngoan cũng ngủ như năm cô khờ dại (Mt 25,1-13). Sự khác biệt giữa họ là sẵn sàng đèn dầu. Nửa đêm, khi chàng rể đến, các cô khôn ngoan ra đón với đèn sáng trong tay, vì các cô có mang theo dầu dự trữ. Còn của các cô khờ dại đèn đã tắt do thiếu dầu. Lúc đó các cô mới chạy đi mua, nên không kịp hẹn hội Hoa đăng. Vậy tỉnh thức là ở trong tư thế sẵn sàng đón Chúa bất cứ lúc nào, sẵn sàng cả trong khi ngủ, ngủ trong an bình như các cô trinh nữ khôn ngoan, cho nên Thánh Phanxicô de Sales nói rằng: “Sự chờ đợi đích thực có nghĩa là chờ đợi mà không lo lắng gì cả”.

- Tỉnh thức là dấn thân chu toàn bổn phận như Người quản gia được giao trách nhiệm phân phát lương thực cho các gia nhân (x. Mt 24,45-51; Lc 12, 42-46). Nếu chủ về mà gặp thấy anh vẫn thức tỉnh đang siêng năng làm công việc được giao nên dược chủ cất nhắc. Ngược lại anh mê ngủ, hay anh lạm dụng quyền hành và chè chén say sưa (x. Mt 24,49), anh bỏ bê trách nhiệm sẽ bị luận phạt.

- Tỉnh thức là luôn chủ động làm cho những nén vàng, nén bạc Chúa trao được sinh lợi (x. Mt 25,31-46). Mỗi người được trao khác nhau, dù ít dù nhiều đều có bổn phận phải sinh lợi cho mình và Thiên Chúa. Người đào lỗ chôn giấu nén bạc được giao là thụ động không dám đầu tư vì sợ mất vốn. Người tỉnh thức hăng say làm việc để sinh lợi là người thức tỉnh với “số mệnh” được giao, anh được chủ khen là đã trung tín với ơn Chúa ban.

- Tỉnh thức để nhận ra Chúa nơi người anh em bé mọn, khốn khổ, bất ngờ đến với mình và nài xin mình trợ giúp. Thật thế, Đức Kitô đến với chúng ta qua hiện thân người đói khát, rách rưới, một người yếu đau, lỡ đường, thậm chí một phạm nhân trong nhà giam như chính Ngài đã khẳng định (x. Mt 25,31-46). Ai tỉnh thức đón nhận những người bé mọn này là đón nhận Ngài, được Ngài đưa vào dự tiệc dành sẵn đời đời. Vâng, Người thức tỉnh biết nhận ra Chúa nơi anh em, Ngày Chúa đến, họ hân hoan như Thánh Phaolô diễn tả: Một ngày kia chúng ta sẽ gặp gỡ Chúa, mặt đối mặt với Người, chúng ta sẽ thực sự nhận biết Chúa, như Chúa biết chúng ta (x. 1Cr 13,12).

Mang tâm tình Tỉnh thức, chúng ta luôn có thái độ sẵn sàng như Cha Charles de Foucault khuyên nhủ: “Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay”. Nhưng thái độ chủ động trong thức tỉnh chưa đủ, tâm tình tỉnh thức còn dẫn đến cầu nguyện. Thật thế, tỉnh thức phải luôn đi đôi với cầu nguyện như Chúa Giêsu đã kêu gọi: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cơn cám dỗ”(Mc 14,38). Cuộc sống thường ngày chúng ta thường bị cám dỗ ngủ quên trong những thành công, trong những tiện nghi dễ dãi làm ta say mê những thực tại trần thế mà quên đi ngày Chúa đến.

Bước vào mùa vọng, người Kitô hữu mang tâm tình thức tỉnh và cầu nguyện như Chúa Giêsu kêu gọi để chờ, để đợi. Chờ đợi ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang, ngày đó Ngài đến thật bất ngờ, không ai biết được ngày giờ. Cho nên anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra Ngài đến bất thần, bắt gặp anh em đang mê ngủ (x. Mc 13,33-37).

Trong thức tỉnh chúng ta cầm đèn sáng trong tay với lời cầu:

“Maranatha, Lạy Chúa, xin hãy đến!” (Kh 22,20).

“Xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con,

và ban ơn cứu rỗi cho chúng con” (Tv 84, 8)

Nguồn" Giaophanvinh.net"

Hãy tỉnh thức và sẵn sàng: Chúa Nhật I Mùa Vọng - [B] Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Admin