VATICAN. Hôm 10-12-2014, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp của ĐTC nhân ngày Hòa bình thế giới lần thứ 48, sẽ được cử hành ngày 1-1-2015 tới đây về đề tài: ”Không còn là nô lệ nữa, nhưng là anh em”.
Đề tài này là một câu trích từ thư thán Phaolô gửi ông Philomeno (1,15-16). Sứ điệp gồm 2 phần: Phần đầu ĐTC nói về bao nhiêu khía cạnh của nạn nô lệ trong quá khứ và ngày nay, và nhắc đến những nguyên nhân sâu xa của chúng. Trong phần thứ II ngài khuyến khích tìm ra những giải pháp chung để bài trừ nạn nô lệ mà ngài gọi ”hiện tượng đáng kinh tởm”.
Phần thứ I mang tựa đề ”những khuôn mặt và nguyên nhân của nạn nô lệ”, trong đó ĐTC nhận xét rằng mặc dù tệ nạn nô lệ đã được chính thức bãi bỏ trên thế giới, và quyền của mỗi người không bị giữ trong tình trạng nô lệ cũng được công nhận, nhưng ngày nay hằng triệu người vẫn còn phải sống trong những điều kiện giống như nô lệ. ĐTC nhắc đến nhiều ví dụ bi thảm như những người phải làm việc như nô lệ, người di dân bị tước đoạt tự do và của cải, bị lạm dụng thể lý, bị giam cầm vô nhân đạo, bị chủ nhân lợi dụng tình trạng pháp lý bấp bênh, không có giấy tờ hợp pháp, để ép họ làm việc như nô lệ; có những người nô lệ tình dục, đặc biệt là phụ nữ phải hành nghệ mại dâm, nhiều trẻ vị thành niên trở thành nạn nhân những vụ lấy cơ phận để buôn bán, các em cũng bị xung vào quân ngũ, bị em bán ma túy, vv..
Trong số các nguyên do của tệ này nạn, có nạn nghèo đói, không được giáo dục, không tìm được công ăn việc làm, nạn tham những nơi các nhân viên an ninh và công lực..
Phần thứ II của Sứ điệp có tựa đề: Bài trừ nạn nô lệ như một sự dấn thân chung và hoàn cầu hóa tình huynh đệ.
ĐTC nhận xét rằng nạn buôn người, buôn bán người di dân và bao nhiêu hình thức khác của nạn nô lệ diễn ra trong sự dửng dưng của bao nhiêu người, nhưng cũng có nhiều người làm việc âm thầm chống lại tệ nạn này và cứu giúp các nạn nhân, như nhiều dòng tu, nhất là các dòng nữ, đang làm; họ tìm cách phá vỡ xiềng xích vô hình liên kết giữa những kẻ bóc lột và các nạn nhân. Với sự kiên nhẫn, can đảm và kiên trì, các dòng tu đặt mình các nạn nhân bằng cách cứu giúp họ, phục hồi họ về tâm lý và giúp họ tái hội nhập vào xã hội.
ĐTC nhấn mạnh tới 3 nỗ lực cần thực hiện trong lãnh vực này, đó là phòng ngừa các tội ác bắt người làm nô lệ, bảo vệ các nạn nhân và truy tố những kẻ phạm pháp. Để bài trừ nạn nô lệ, cần có một hoạt động chung và hoàn cầu từ phía toàn thể xã hội. Các Nhà Nước cần canh chừng để luật lệ về di trú, lao động, nhận con nuôi, và di chuyển các xí nghiệp được thực thi trong sự tôn trọng phẩm giá con người. Cần có những đạo luật đúng đắn, bảo vệ các quyền cơ bản của con người, và cần có những cơ chế kiểm soát hữu hiệu, không để kẽ hở cho sự tham những và phạm pháp mà không bị luật pháp trừng trị. (SD 10-12-2014)
G. Trần Đức Anh OP: " Vietvatican.net"