MẸ LÀ QUÊ HƯƠNG (Tâm tình của người con xa quê )

Có câu hát rằng: Quê hương nếu ai không nhớ, Sẽ không lớn nỗi thành người. Dù ở đầu Nam cuối Bắc, hay trời Tây xa xăm, chúng ta vẫn có thể nhớ về quê hương.
Quê hương có dòng Mai Giang, nơi tôi tắm và mò cua bắt hến mỗi trưa hè. Quê hương, nơi có rừng cây và đồng cỏ cho tôi chăn trâu suốt tuổi thơ; nơi in hằn vết chân trần kỷ niệm, gánh củi trên vai. Quê hương, nơi có ba mẹ, anh chị và đàn em thơ vất vả lưng còng trên đồng vắng. Quê hương như thế làm sao tôi có thể quên được! Mỗi người con khi xa quê đều mang trong mình hình ảnh quê hương và muốn làm một cái gì tốt đẹp cho quê mình.
Sống đẹp, sống tốt giữa đất khách, giữa một thế giới đầy cạm bẫy là một cách chúng ta nhớ về quê hương. Vì khi đó, chúng ta giới thiệu cho mọi người biết nét đẹp của truyền thống “quê choa”. Bất cứ ai cũng có thể đóng góp cái gì đó để xây dựng quê hương. Là ông thầy bà xơ, chúng con sẽ dâng lên Chúa những hy sinh, những giờ kinh nguyện để cầu mong cho quê hương được an bình ấm no.
Là sinh viên học sinh, chúng con sẽ chăm chỉ học tập, trau dồi kiến thức để sau này phục vụ quê hương. Còn nếu là người công nhân, chúng con sẽ “nhớ về quê hương” bằng những đóng góp cụ thể để mong quê nhà bớt đói nghèo vất vả. Một hai ngàn chẳng là gì nếu đó chỉ là cá nhân đơn lẻ, nhưng nếu nhiều người cùng góp thì sẽ “thành bão”, có thể mua được cân gạo, tấm chăn che ấm cho em nhỏ mỗi khi đông về. Nhưng bên cạnh đó, chúng con cũng nhớ câu: Của cho không bằng cách cho. Con người khác con vật ở chỗ đó. Con vật khi đói thì nó vồ lấy mà nhai ngấu nghiến thức ăn, bất chấp mọi sự; còn con người thì khác, trong cơn đói cồn cào, chúng ta vẫn có thể “nói không” trước những bát gạo, tấm áo nếu như nó làm tổn thương lòng tự trọng của chúng ta: “chết cũng không ăn”, thà chết chứ không chịu hy sinh lòng tự trọng. Điều này nhắc nhở chúng con mỗi khi làm phúc cho ai thì phải làm với tâm tình nào.
Vậy, “cho” thế nào là đúng? Thưa, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta rồi, Người dạy: khi làm phúc bố thí thì đừng khua chiêng đánh trống (x. Mt 6,2), đừng cho tay trái biết việc tay phải làm (x. Mt 6,3), nhất là đừng chờ người ta trả công (x. Lc 14,12), chính Thiên Chúa sẽ trả công bội hậu cho ta (x. Mt 6,4). Sở dĩ việc bác ái của chúng ta phải quảng đại như vậy vì điều chúng ta có là đến từ Chúa. Điều này xem ra mơ hồ nhưng không khó hiểu, vì kể cả đồng tiền bát gạo chúng ta kiếm được nhờ mồ hôi và lao công vất vả riêng ta, nhưng thử hỏi ai cho ta sức khỏe, đôi tay, khối óc để làm ra của cải? Đi cho đến cùng, thì ai cho ta hiện hữu cách khỏe mạnh trên đời để lao động? Chưa nói đến những của cải chúng ta có được là nhờ ơn Chúa ban qua trung gian ai đó, vị ân nhân nào đó. Vì thế Chúa mới nói “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Còn về “cách cho” thì thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy cho với lòng vui tươi tự nguyện, vì ai cho như thế thì được Thiên Chúa yêu thương (x. 2Cr 9,7). Và điều mà Chúa cho lại chúng ta thì gấp ngàn lần điều chúng ta làm phúc cho tha nhân (x. Lc 6,38). Tất nhiên những câu lời Chúa này chỉ đúng cho ai có đức tin, còn với kẻ vô thần thì hoàn toàn vô dụng.
Nhớ về quê hương cũng đồng nghĩa với “Đẹp khoe, xấu che”. Tôi biết quê hương tôi như chiếc áo còn có những chỗ chưa tốt, nhưng chúng tôi luôn biết “khoe” cho người ta những gì tốt đẹp về quê hương mình, còn phần “rách xấu, bạc màu” chúng tôi “che”. Che không phải để giấu nhưng để “vá” lại và khắc phục từ từ theo tinh thần “đóng cửa dạy nhau”. Vì sống ở đời, ai cũng có điểm hạn chế.
Đó là mặt trái của cuộc sống, như thân ta có mặt trước và mặt sau, nhưng Ông Bà chúng ta khuyên “đừng vạch áo cho người xem lưng”, “lưng” là mặt hạn chế của mỗi người vậy. Quê hương, sao mà thân thương thế, Để trong giấc ngủ ta mơ gọi người ơi!!!
(Thầy Phêrô Sỹ gửi cho BBT Yên Hòa Quê Tôi)

MẸ LÀ QUÊ HƯƠNG (Tâm tình của người con xa quê ) Rating: 4.5 Diposkan Oleh: rgfr