TẢN MẠN VỀ ƠN GỌI



Tản mạn về Ơn gọi
Tản mạn về Ơn gọi
- Người tín hữu giáo dân, cũng như gia đình ki-tô giáo, phải ý thức Ơn Gọi làm tông đồ của mình : theo nghĩa là được mời gọi loan báo Tin Mừng của Đức Ki-tô.
Ơn Gọi nôm na được hiểu là lời kêu mời dấn thân làm một việc gì đó, đi theo một con người hay một chủ thuyết nào đó. Đây là kiểu nói trong đạo, còn ngoài đời thì chắc ít nơi nào dùng từ ngữ đó. Trong quá khứ - và có khi ngay cả trong hiện tại - ơn gọi thường được hiểu là chỉ dành cho hai giới sau đây : linh mục và tu sĩ. Công đồng Vaticanô II đã đưa ra một cái nhìn khác hẳn về ơn gọi khi nhìn nhận vai trò của người tín hữu giáo dân. Do đó mà trong những thập niên sau này, nghĩa là từ khi các nghị quyết của Công đồng được ban bố, ngoài ơn thiên triệu là ơn gọi linh mục, tu sĩ, ta còn nghe nói đến ơn gọi giáo dân nói chung và, cách riêng, ơn gọi hôn nhân gia đình.

Là một người trong cuộc mà đưa ra những nhận định tích cực về ơn gọi của mình, e rằng không thuyết phục được ai. Nhưng trong tinh thần Năm Thánh và hướng về Đại Hội Dân Chúa sắp đến, người viết xin mạo muội nói lên một vài suy nghĩ của mình, dựa trên những giáo huấn của Hội Thánh.
Trước hết, chúng ta hãy lược khảo những gì đã được Thánh Công Đồng Vaticanô II công bố về vai trò vị trí của người giáo dân trong Giáo Hội.
Có hai văn kiện của Công đồng đặc biệt liên quan đến người tín hữu giáo dân đó là "Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân (TĐGD), được ban hành ngày 18.11.1965 và "Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội"(HĐTG), được ban hành ngày 07.12.1965. Nếu sắc lệnh sau bàn về một hoạt động đã có từ ngàn đời trong giáo hội, vì truyền giáo chính là bản tính của giáo hội Chúa Ki-tô (HĐTG, số 6), thì sắc lệnh trước lại bàn đến một hoạt động rất mới mẻ, trước công động Vaticanô II chưa hề được nói đến, như ta được biết qua lời giới thiệu : " Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Công Đồng Chung đã quan tâm đặc biệt tới vấn đề tông đồ của giáo dân(Lời giới thiệu về TĐGD :Tính cách độc đáo).
Khi phân biệt chức linh mục thừa tác dành cho các mục tử - giám mục, linh mục, và chức linh mục cộng đồng, dành cho giáo dân, sắc lệnhvề TĐGD nói rõ rằng, nếu với chức linh mục thừa tác, các mục tử tham dự vào các sứ vụ tiên tri, tư tế và vương đế của Đức Ki-tô, thì với chức linh mục cộng đồng hay phổ quát, người giáo dân cũng được chia sẻ những sứ vụ đó theo cách riêng của mình.(Lời giới thiệu về TĐGD : Những nét chính)
Như vậy hoạt động tông đồ và truyền giáo không chỉ dành riêng cho linh mục tu sĩ, mà đó còn là phần của người tín hữu giáo dân, theo như Công Đồng dạy :
- Người giáo dân sống trong thế giới và giữa những thực tại trần gian, cho nên ơn gọi của họ là thánh hóa những gì trần tục (Lời giới thiệu TĐGD : Chiều hướng nền tảng).
- Vì bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời, nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần ki-tô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột (TĐGD, số 2).
- Vì vậy, hết mọi tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận Phúc âm cứu độ của Chúa (TĐGD, số 3).
- (Người giáo dân phải biết tôn trọng) những đức tính liên quan đến đời sống xã hội : sự liêm khiết, tinh thần công bình, lòng thành thực, lòng nhân hậu, lòng quả cảm; không có những đức tính đó không thể có đời sống ki-tô hữu đích thực (TĐGD, số 4).
- Mọi ki-tô hữu dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và chứng tá lời nói để biểu dương con người mới mà họ đã mặc lấy nhờ phép rửa, và biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà họ đã được củng cố nhờ phép thêm sức…(HĐTG, số 11).
 -Phúc âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc, nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân… Nhiệm vụ chính của người giáo dân, nam cũng như nữ, là làm chứng về Chúa Ki-tô, làm chứng bằng đời sống và lời nói, trong gia đình, trong các đoàn thể xã hội cũng như trong từng nghề nghiệp (HDTG, số 21).
- Chính khi nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa và bác ái đối với tha nhân , họ …làm cho Giáo hội xuất hiện như một dấu chỉ nổi lên giữa các dân là ánh sáng thếgianvà là muối đất(HĐTG, số 36).
Đối với gia đình ki-tô giáo, sắc lệnh TĐGD có lời dạy :
Gia đình ki-tô giáo vẫn là chứng nhân quí giá nhất của Chúa Ki-tô đối với thế gian, bằng tất cả đời sống gắn liền với Phúc Âm và tỏ ra là gia đình ki-tô giáo gương mẫu (số 11). 
Về phần mình, qua Tông huấn về gia đình (được ban hành ngày 22.11.1981), Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã dạy :
Gia đình ki-tô hữu, nhất là ngày nay, được mời gọi làm chứng cho giao ước Phục sinh của Đức Ki-tô, nhờ việc kiên trì tỏa sáng niềm vui của tình yêu và sự chắc chắn của lòng trông cậy…(số 52). Cũng trong số này, Đức Gioan-Phaolô II nhắc lại lời dạy của Đức Phao-lô VI : " Cũng như Hội Thánh, gia đình có nghĩa vụ tạo môi trường cho Tin Mừng được truyền đạt tới và từ đó được loan tỏa ra …một gia đình như thế sẽ có sức tin-mừng-hóa nhiều gia đình khác và cả môi trường chung quanh."
Được soi sáng bởi những lời dạy rất thiết thực trên đây của Hội Thánh, chúng ta có thể đi đến những kết luận sau đây :
- Người tín hữu giáo dân, cũng như gia đình ki-tô giáo, phải ý thức Ơn Gọi làm tông đồ của mình : theo nghĩa là được mời gọi loan báo Tin Mừng của Đức Ki-tô.
- Nhưng công việc tông đồ dành cho người tín hữu giáo dân và cho gia đình ki-tô hữu phải được ưu tiên thực hiện bằng chứng tá đời sống - bằng cách" Nhiệt thành phụng sự Chúa và bác ái đối với tha nhân" ngay trong đời sống thường ngày của chính mình, của chính gia đình mình.
Kết luận như thế để thấy rằng, nếu người tín hữu giáo dân và gia đình ki-tô giáo hiểu sai ơn gọi của mình, thực hành ơn gọi đó không đúng cách,  do đó tích cực dấn thân vào những hoạt động - bề ngoài xem ra rất chính đáng - nhưng lại tiềm tàng mầm mống phản chứng, thì nhất định chúng ta không phải là những ki-tô hữu đích thực.... Cha An-tôn Nguyễn Ngọc Sơn có lần đã chia sẻ thao thức của ngài về tình trạng không thay đổi của tỷ lệ người công giáo Việt-nam. Ngài đã viết : "…tại sao từ 120 năm nay , GHVN vẫn chưa gia tăng được 1% dân số công giáo so với số dân trong nước [nghĩa là vẫn ở mức 6-7%],dù có hàng chục ngàn linh mục tu sĩ và hàng trăm ngàn đoàn viên của các hiệp hội Công Giáo Tiến Hành…" (Nguyệt san CG&DT, số 176, tháng 8.2009, tr.21-22). Theo thiển ý, sở dĩ có tình trạng đó, phải chăng là do người tín hữu Việt-nam đã làm cho tôn giáo của mình mất đi phẩm chất ban đầu của nó, là "đạo yêu thương" - yêu thương nhau và yêu thương tha nhân, tha nhân đây là người hàng xóm,  người đồng nghiệp …của chúng ta. Cha An-tôn Nguyễn Ngọc Sơn còn viết, cũng trên Ns CG&DT (số 174, tháng 6.2009, tr.28) : " Tại sao GHVN, với bao nhiêu dòng tu, bao nhiêu hoạt động tích cực trong xã hội, bao nhiêu lễ nghi rất hoành tráng (thí dụ như Đại hội Đức Mẹ La-vang với khoảng 500.000-600.000 người tham dự) mà vẫn không cuốn hút người ta theo đạo ? Nếu tình trạng chỉ xảy ra trong 1, 2 năm thì chúng ta còn cho là ngẫu nhiên, nhưng kéo dài đến 50 năm [từ khi Hàng GPVN được thiết lập, năm 1960 - NV] thì đó là vấn đề đáng ta tìm hiểu và phân tích."
                   Từ gần hai ngàn năm về trước, khi viết đoạn thư bất hủ thường được gọi là "Bài ca đức mến" trong thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Cô-rinh-tô (1Cr 13),  chắc thánh Phao-lô đã nhìn thấy tính chất phản chứng trong các hoạt động tông đồ không được thực hiện "vì lòng nhiệt thành phụng sự Chúa và bác ái đối với tha nhân" đích thực của chúng ta. Thật khó chịu, và khó hiểu, khi nghe ngài nói : " Giả như tôi đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi." (câu 3). Thật may là ngài đã giải thích : "Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù… " "(câu 4-5).  Có một câu trong sách Công Vụ Tông đồ (Cv 2, 47)rất đáng cho chúng ta suy nghĩ : "…họ được toàn dân thương mến". Phải chăng chúng ta đã "mất cảm tình" với đồng bào của chúng ta, khi những giáo huấn của Hội Thánh được trích dẫn trên đây vẫn còn hay đã trở nên xa lạ đối với chúng ta ?

TẢN MẠN VỀ ƠN GỌI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: huy dung