Hiện tình nền giáo dục đại học Việt Nam qua kinh nghiệm thực tiễn và lăng kính cá nhân



 
GS Huỳnh Hữu Tuệ là một “chứng nhân” cho sự thay đổi trong giáo dục đại học trong thời gian gần đây. GS từng du học ở Canada, sau này về Việt Nam tham gia giảng dạy trong đại học, và có thời làm hiệu trưởng Đại học Quốc tế Bắc Hà. Nay đang giảng dạy tại Trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. GS Huỳnh Hữu Tuệ cũng có bài nói chuyện trong Hội thảo Giáo dục Đại học Việt Nam trong thời đại toàn cầu hoá vừa được tổ chức hai tuần trước. Trong bài này, bằng một văn phong thẳng thắn, GS Tuệ đã nói về những trải nghiệm cá nhân của anh trong thời gian trên dưới 20 năm qua.
HIỆN TÌNH NỀN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM QUA KINH NGHIỆM THỰC TIỄN VÀ LĂNG KÍNH CÁ NHÂN
Tóm tắt: Sau 10 năm hoạt động trực tiếp trong ngành giáo dục đại học (tất cả các cấp: đại học và sau đại học) với một số trọng trách từ giảng dạy, nghiên cứu đến quản lý, tác giả trình bày những kinh nghiệm cá nhân của mình và rút ra một số nhận xét chủ quan về tình hình hiện nay của hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam.
I. Giới thiệu bối cảnh
Tôi xuất thân từ Miền Nam, chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền giáo dục cổ điển của Pháp, từ bản lĩnh, đạo lý đến phương pháp lý luận cũng như kiến thức tổng hợp. Đi du học đầu những năm 60 của thế kỷ trước tại Canada; được đào tạo chính qui ngành điện tử viễn thông; và sau đó, tiếp tục nghiên cứu đến mức độ tiến sĩ khoa học (Sc.D.) trong lĩnh vực xử lý thông tin. Trong quá trình học tập và nghiên cứu, tôi chịu ảnh hưởng của hệ thống giáo dục Bắc Mỹ; nhất là trau dồi kiến thức và hoàn thiện phương pháp nghiên cứu thông qua rất nhiều cơ hội gặp gở để trao đổi và học hỏi các nhà khoa học bậc thầy của thế giới tại các seminar và các hội nghị khoa học quốc tế quan trọng. Trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy, tôi lại may mắn có được nhiều đồng nghiệp giúp đở để hoàn thiện mình như một nhà sư phạm và nhà tổ chức nghiên cứu. Do đó, tôi có một giấc mơ là làm thế nào để chuyển tải tất cả những kinh nghiệm mà cá nhân tôi đã tích lũy được cho thế hệ trẽ ở Việt Nam, như tôi đã từng được các bậc thầy trau dồi trong quá khứ.  
Từ suy nghĩ đó, ngay sau ngày Việt Nam thống nhất, tôi đã quyết định thường xuyên về Việt Nam, một mặt để tham gia vào quá trình giảng dạy và cộng tác với các đồng nghiệp thực hiện một số nghiên cứu chung, mặt khác để quan sát những điểm mạnh cũng như những điểm yếu trong hệ thống giáo dục của ta. Để hiểu rõ những đặc điểm của hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam, tôi đã đồng ý giảng dạy tại khá nhiều trường đại học từ Bắc chí Nam ở tất cả các cấp đại học và sau đại học, như Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Lê Quí Đôn Hà Nội, Đại học kinh tế Quốc dân, Đại học Huế, Đại học Bách khoa Sài Gòn.
Thông qua trao đổi và giảng dạy trên một khoảng thời gian khá dài, từ năm 1979 đến nay, tôi là một nhân chứng khách quan những biến động của nền giáo dục đại học tại Việt Nam. Nhưng kinh nghiêm quí báu nhất là lúc tôi chấp nhận lãnh đạo Đại học Quốc tế Bắc Hà từ năm 2007 đến cuối năm 2011. Với vai trò lãnh đạo một đại học ở Việt Nam, tôi mới có dịp thấy hết những bất cập của hệ thống đào tạo ở bậc đại học và số khía cạnh khác của xã hội.

GS Huỳnh Hữu Tuệ
II. Kinh nghiệm cá nhân
Từ 1979 đến 1984, tôi giảng dạy trong lĩnh vực “Xử lý dữ liệu ngẫu nhiên và áp dụng”. Trong giai đoạn đấy, tình hình kinh tế rất khó khăn, nạn thiếu đói khá phổ biến, nhưng sinh viên lại rất ham học. Đi học đúng giờ, ăn mặc giản dị nhưng tươm tất, ăn nói lịch sự và lễ độ. Cũng trong giai đoạn ấy, tôi chưa bao giờ đánh hỏng bất cứ sinh viên nào. Từ 1984 đến đầu những năm 1990, vì giới hạn thời gian, tôi chỉ có dịp trình bày những seminar và chuyên đề về nhưng vấn đề chuyên môn cao và những kết quả nghiên cứu cá nhân của tôi. Đến giữa những năm 1990, tôi lại được mời giảng dạy một số lớp thạc sĩ và mãi đến đầu những năm 2000 tôi mới lại có dịp giảng một số môn học ở cấp đại học. Đồng thới, tôi cũng đã tìm cách đưa một số sinh viên Việt Nam Nam sang làm nghiên cứu sinh ở Canada và Mỹ. Tôi kể ra những chi tiết này để quí vị thấy rõ những điều tôi đề cập sau đây dựa trên quan sát cá nhân những tình huống thực tiển có thực.
- Kể từ giữa những năm 1980, nhất là sau khi Việt Nam mở cửa, tình hình kinh tế càng ngày càng khó khăn. Và kể từ giai đoạn đó, ngay cả sau khi nền kinh tế phát triển mạnh, sinh viên tại Việt Nam càng ngày càng ít quan tâm đến học tập.
- Phần lớn sinh viên ghi danh trong các chương trình thạc sĩ đều không đủ trình độ và ít quan tâm đến học tập.
- Phần lớn các luận văn nghiên cứu khoa học ở cấp cử nhân chỉ là sao chép các tài liệu tải về từ mạng Internet. Các luận văn thạc sĩ cũng ở trong tình trạng như vậy, mà lại còn dịch sai so với tài liệu gốc. Phần lớn các luận án tiến sĩ có nội dung thấp, hoặc sao chép từ các công trình khác; một số luận án có chất lượng lại do giáo sư hướng dẫn viết giúp.
Tuy nhiên, may mắn là vẫn còn một số sinh viên học tập nghiêm túc, vẫn có một số luận án tiến sĩ ngang tầm với các đại học lớn nước ngoài và vẫn có một số công trình nghiên cứu có chất lượng được thực hiện tại Việt Nam.
Tuy không nhiều nhưng đây chính là điểm sáng về sức mạnh trí tuệ Việt Nam, giúp ta hy vọng một ngày nào đó, hệ thống giáo dục đại học sẽ được vực dậy để phát triển nhằm bắt kịp các nước láng giềng và hơn thế nữa là bắt kịp các nước phát triển.
Tình hình này khác hẳn những gì tôi biết được về hệ thống giáo dục đại học của ta trước đây, là một nền giáo dục thật sự có chất lượng, tuy chưa cao nhưng rất nghiêm túc. Ngày hôm nay, nền giáo dục của chúng ta đã đánh mất chất lượng cũng như bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm.
Cái gì đã làm nền giáo dục đại học Việt Nam thay đổi nhanh chóng như vậy? Tôi xin đưa ra một số ý kiến, chưa hẳn là chính xác hoàn toàn, nhưng nếu có điều kiện đề nghiên cứu, tôi thấy chắc cũng không xa thực tế là bao nhiêu.
“Một hệ thống giáo dục là tấm gương phản chiếu thực tế của xã hội đó”.
Như thế, nếu xã hội suy thoái, thì hệ thống giáo dục cũng suy thoái theo; nói cách khác, hệ thống giáo dục là hệ quả của cơ chế tổ chức xã hội và tình hình hiện tại của xã hội đó. Từ hơn 10 năm qua, năm nào chúng ta cũng tổ chức nhiều hội thảo về tình hình giáo dục và nhất là tình hình của hệ thống giáo dục cấp đại học. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một đánh giá thực sự về những nguyên nhân gây ra tình hình không mấy tốt này.
Ta cứ tìm mục giáo dục trong bất cứ tờ báo nào, cũng thấy nhan nhản những cái tựa lố bịch, thể hiện trình độ nhận thức méo mó về giáo dục, nhưng đắng cay thay, chúng cũng chứa đựng thực tế của nền giáo dục Việt Nam. Tôi xin dẫn sau đây một số ví dụ nhỏ để minh họa cho những suy nghĩ của tôi.
Báo Pháp Luật Việt Nam, cơ quan của Bộ Tư pháp, ngày 04/09/2012 đã chạy một cái tít đầy khinh mạn Khi bà lao công quan trọng hơn ông tiến sĩ”. Thật ra bài báo này muốn đã phá tình hình xấu xa của một số cơ quan nghiên cứu, trong đó ông giám đôc lợi dụng khả năng nghiên cứu của các thành viên để kiếm tư lợi cho mình; nếu có ai đó không để ông lợi dụng, thì ông giám đốc cay cú trả đũa ngay:
“Ở cơ quan ông T. có một bà lao công già rất nhiều lời. Cứ thành lệ, bốn giờ chiều là bà xua mọi người đi về để tắt đèn, đóng cửa, vệ sinh hành lang. Nhưng ông T. thường xuyên ở lại quá giờ, có khi là để tìm kiếm thêm tài liệu trên mạng, khi là để dịch nốt mấy trang nghiên cứu còn đang dở. Nhưng bà lao công đã đứng oang oang ở cửa: “Này anh kia, anh điếc hay mù mà không biết mấy giờ rồi? Về mau cho tôi còn đóng cửa, chứ không tí nữa giày anh làm bẩn hành lang tôi mới lau thì chết với tôi”. Nhịn một lần, hai lần nhưng đến lần thứ ba thì ông T. đem câu chuyện này ra trong cuộc họp công đoàn. Nào ngờ lãnh đạo của ông thản nhiên giải thích: “Bà ấy già rồi chấp gì, với lại công việc bà ấy cũng quan trọng ấy chứ, trực tiếp làm ra sản phẩm chứ đâu…nghiên cứu vẩn vơ(!)”.
Sự thực này cho thấy xã hội Việt Nam vẫn chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học. Và xa hơn một mức nữa là trí tuệ chưa được coi trọng đúng mức trong cơ chế hiện nay.
Báo Dân Trí, ngày 14/09/2012 đã chạy một cái tít đầy kịch tính Học sinh bị lưu ban vì không đi học thêm?. Bài báo này kể chuyện tại một làng quê nghèo ở Thanh Hóa, ban giám hiệu một trường tiểu học đã tuyên bố nếu học sinh không đi học thêm vào mùa hè thì phải ở lại lớp.
Sự thực này cho thấy, ngân sách dành cho giáo dục chưa đủ để bảo đảm một cuộc sống tươm tất cho các nhà giáo. Họ đành phải phá bỏ cương thường để tìm ra con đường sống cho mình. Và đây là lý do tại sao đạo đức càng ngày càng bị thui chột trong xã hội ta.
Báo Người Lao Động, ngày 7/09/2012 đã chạy một cái tít rất dễ gây hiểu nhầm Công nghệ cao, nhân lực thấp?”. Bài báo khởi đầu với một cái ý rõ ràng “Hơn 70% là lao động phổ thông khiến nguồn nhân lực Khu Công nghệ Cao TPHCM khó đáp ứng cho sự phát triển”.
Phải hiểu thực tiễn này như thế nào? Lao động phổ thông là lao động không có tay nghề, không được đào tạo chính qui. Như thế loại lao động này chỉ thích hợp với các công nghê đơn giản như dệt may, dày dép, v.v…
Trong lúc đó, các công ty công nghệ cao lúc tuyển nhân viên,về thực chất, họ chỉ đánh giá bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm của nhân viên; nếu đáp ứng được các tiêu chí này thì sẽ được công ty đào tạo cho dây chuyền sản xuất công nghệ cao của công ty. Nếu các công ty công nghệ cao than phiền là thiếu nhân lực, không phải vì người thợ không có tay nghề, mà chính ví người thợ không có bản lĩnh và thiếu tinh thần trách nhiệm. Đây là những yếu tố quan trọng mà một nền giáo dục nghiêm túc phải bảo đảm là rèn luyện sinh viên cho đến nơi đến chốn.
Tôi xin kể một câu chuyện vừa buồn cười, vừa cay đắng: lúc tôi đang làm Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Bắc Hà. Bộ phận hành chính của trường yêu cầu một công ty đến lắp đặt một hệ thống theo dõi các chuyển động trong văn phòng của tôi. Một buổi sáng nọ, có hai thanh niên xin vào phòng làm việc của tôi để lắp đặt hệ thống. Thật ra không có gì phức tạp, chỉ là một camera hồng ngoại. Chỉ cần cắm nó vào cái đế đã được gắn chặt vào vách tường trước đó. Điều này có nghĩa là bất cứ ai cũng có thể cắm camera vào cái đế này. Bỗng dưng tôi nhìn ra một người là sinh viên cũ của tôi tại một đại học có tiếng ở Hà Nội. Tôi hết sức ngạc nhiên hỏi cậu ta “Anh là kỹ sư sao công ty lại giao cho anh làm cái việc cỏn con này?”. “Việc này không phải một mình em làm đâu. Theo lệnh của lãnh đạo công ty, em cùng đến đây với một anh bạn, là cựu sinh viên của một đại học tiếng tăm khác ở Hà Nội; hai anh em được giao trách nhiệm lắp đặt này”.
Một công ty giao trách nhiệm cho 2 kỹ sư tốt nghiệp các đại học hàng đầu của Việt Nam, đi gắng một cái camera hồng ngoại vào một cái chân đế! Câu chuyện này xảy ra năm 2008. Điều này cho thấy tình thình thực tiễn của nền công nghiệp Việt Nam và các công ty công nghệ đang thật sự có trình độ như thế nào.
Trên trang Vietnamnet, ngày 3 tháng 7 năm 2012, có một bài báo mang tựa đề Hơn 9000 giáo sư sao không có bằng sáng chế?”; nội dung bài báo muốn đề cập đến vấn đề nghiên cứu khoa học ở Việt Nam; các tác giả dựa trên các dữ liệu thống kê để kết luận tính yếu kém trong nghiên cứu khoa học. Các tác giả đã nêu rõ ý kiến sau: “Cũng cần nói thêm rằng ViệtNam chưa có một cơ chế để hỗ trợ và phụ trách đăng kí sáng chế. Theo chúng tôi biết, Việt Nam còn thiếu những luật sư có kinh nghiệm trong việc đăng kí bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ. Nhà khoa học thì chưa chắc có khả năng tài chính để tự đăng kí, mà dù cho có khả năng tài chính thì không có luật sư cũng khó làm được. Trong khi đó, các đại học còn chưa quan tâm đến nghiên cứu khoa học, thì họ đâu có thì giờ quan tâm đến việc đăng kí bằng sáng chế”.
III. Một số nhận xét
Từ kinh nghiệm cá nhân và với những ví đơn giản vừa được nêu ra, ta thấy rõ một số đặc trưng của nền giáo dục đại học hiện nay ở nước ta.
Tiền nào của ấy: đây không những là ý kiến của bà Nguyễn Thị Kim Tiến (hiện nay là Bộ trưởng Bộ Y tế) tại Hội nghị toàn quốc về chất lượng giáo dục ĐH tổ chức ngày 5/1/2008 tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, khi nói về mối quan hệ giữa đầu tư và chất lượng hiện nay, mà còn là ý kiến của đông đảo quan sát viên trong và ngoài nước. Đặc biệt là đối với các đại học nghiên cứu, chất lượng đào tạo và nghiên cứu phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề ngân sách. Chỉ cần xem ví dụ 2 và 4 là ta thấy rõ mối quan hệ này. Mặt khác, ngân sách giáo dục của Việt Nam đã vượt 20% ngân sách quốc gia. Như thế, ngân sách dành cho giáo dục khó có thể nâng cao vượt bậc trong vài năm tới như mong muốn, mà phải cần thời gian và một chiến lược thích hợp để thay đổi tình hình suy thoái hiện nay.
Phương pháp giảng dạy : hiện nay, trong hầu hết các lớp học ở tất cả các cấp, người thầy lên lớp chép bài lên bảng; học sinh sinh viên chép lại bài của thầy giáo vào vở của mình. Hầu như giữa thầy và trò không có mối liên hệ về trí tuệ, không trao đổi, không thảo luận; tất cả đều thụ động cả thầy lẫn trò. Tôi từng là nhân chứng một sự kiện thật khó quên; người thầy mở máy casette phát bài cho sinh viên chép tại một lớp học kỹ sư. Thật không thể tin nổi! Lớp học không có sinh khí, làm cho người ta dễ chán nản đối với một môi trường đào tạo như thế. Tình hình này làm thui chột tư duy và trí tuệ của con người.
Phương pháp học tập : sinh viên vào lớp nghe giảng một cách thụ động; không động não để có thể tổng hợp nhanh chóng các kiến thức mới. Sinh viên không dám trao đổi thảo luận với thầy giáo để làm rõ những vấn đề vẫn còn khúc mắc. Sinh viên học chỉ nhằm làm thế nào để thi đổ thành công môn học, mà không thèm để ý đến những hiệu quả, hậu quả của cách học của mình. Do đó, vấn đề sao chép tài liệu, sao chép bài của nhau được xem là bình thường, dẫn đến tình trạng thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tự trọng và thiếu cả tinh thần tôn trọng luật pháp.
Tất cả những gì tôi quan sát được dẫn đến những mô tả về đặc trưng của nền giáo dục của ta hiện nay thật ra không có gì mới. Tuy nhiên, ta thấy ngay những điều cần điều chỉnh để có thể có một nền giáo dục tốt hơn. Tôi xin trích lại đây ba nhiệm vụ chính của một đại học theo quan điểm của Marcus Storch, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Nobel: Là ký ức của xã hội, Là mũi nhọn của xã hội, và Là tấm gương phê phán của xã hội. Cả ba trách nhiệm này đòi hỏi trí tuệ phải là yếu tố hàng đầu
Muốn đạt được các mục tiêu đó, môi trường đào tạo đại học phải được xây dựng thế nào để sinh viên được phát triển tối đa tư duy tự do và tư duy phản biện.
Có tư duy tự do mới có khả năng đóng vai trò ký ức của xã hội; có tư duy phản biện mới có thể là tấm gương phê phán của x ãhội. Có tư duy tự do và tư duy phản biện mới có cơ hội để phát triển tư duy sáng tạo nhằm làm mũi nhọn của xã hội.
Trong xã hội ta vẫn còn một số sinh viên học tập nghiêm túc, vẫn có một số luận án tiến sĩ ngang tầm với các đại học lớn nước ngoài và vẫn có một số công trình nghiên cứu có chất lượng được thực hiện tại Việt Nam. Tuy không nhiều nhưng đây chính là điểm sáng khẳng định rõ ràng tiềm năng trí tuệ của xã hội chúng ta.  
Như thế, để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, điều kiện tiên quyết quan trọng nhất chúng ta đã có sẵn; đấy là tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam. Để thật sự phát huy tiềm năng này, những điều cần thực hiện ngay là:
Bảo đảm cơ sở vật chất đầy đủ để hoạt động giảng dạy và nghiên cứu thật sự có hiệu quả; bảo đảm điều kiện tài chánh thích hợp để giảng viên và nghiên cứu viên có cơ hội tập trung làm việc, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.  
Xây dựng một môi trường đào tạo thế nào để sinh viên có đủ điều kiện phát huy tư duy tự do và tư duy phản biện, giúp sinh viên xây dựng bản lĩnh làm người và tinh thần trách nhiêm đối với xã hội; xây dựng lòng tự tin của cá nhân trước những vấn đề phức tạp cần giải quyết.
Trong tình hình hiện nay, thực hiện các điểm đề ra là một vấn đề tuy không nan giải nhưng đầy dẫy khó khăn. Vì thế, ta thấy 10 năm trước mắt, khó có thể nâng cao chất lượng của hệ thống một cách rộng rãi. Về đường trường, nếu ta có một chiến lược quyết liệt và thích hợp, mà nếu toàn bộ hệ thống thực hiện nghiêm túc nhằm đạt mục tiêu chung, chúng ta có quyền hy vọng một tương lai tốt đẹp cho nền giáo dục của nước nhà./.
 Huỳnh Hữu Tuệ 
Theo nguyenvantuan.net/

Hiện tình nền giáo dục đại học Việt Nam qua kinh nghiệm thực tiễn và lăng kính cá nhân Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Admin