Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội về lĩnh vực kinh tế

I. Kinh tế học và trật tự luân lý
II. Những nguyên tắc căn bản của HTXH về hoạt động kinh tế.
              - Về Sản Xuất
Sau phần nhập môn tổng quát về sự tiến triển cũng như về bản chất của học thuyết xã hội  của Giáo hội, từ bài hôm nay chúng tôi sẽ đi vào một vài vấn đề cụ thể, bắt đầu với lãnh vực kinh tế.
Dĩ nhiên chúng ta không thể đồng hóa học thuyết xã hội của Giáo hội với kinh-tế-học. Giáo hội không đề xướng một lý thuyết kinh-tế-học cũng không bênh vực một chủ nghĩa kinh-tế nào hết. Qua học thuyết xã hội, Giáo hội muốn nhắc nhở tất cả những người có trách nhiệm với nền kinh tế quốc gia và quốc tế về vài yêu sách luân lý của hoạt động kinh tế.
I. Kinh tế học và trật tự luân lý
Trứơc đây Max Weber, một nhà xã-hội-học người Đức (1881-1961), chủ trương rằng kinh tế học là một khoa học thực nghiệm, phát biểu các định luật dựa trên sự quan sát các hiện tượng, do đó phải được trung lập khỏi mọi giá trị luân lý, đối tượng của các khoa học quy chuẩn. Nhưng ngày nay người ta biết rằng kinh tế học không phải là một môn học trung lập nữa. Trên bình diện quốc gia hay quốc tế, chúng ta biết là các chính sách kinh tế bị chi phối bởi những đường lối chính trị của các chính phủ; kinh tế chỉ là một phương tiện để thực hiện một mục tiêu nào đó. Thêm vào đó, kinh tế không thể nào tách lìa khỏi luân lý, xét vì nói cho cùng mục tiêu của kinh tế nhằm để phục vụ hạnh phúc cho con người, xét như từng cá nhân cũng như xét như tập đoàn. Dĩ nhiên, quan niệm về hạnh phúc giả thiết một quan niệm về luân lý. Vì thế chủ trương của Max Weber muốn một nền kinh tế thoát ly khỏi mọi giá trị luân lý không thể chấp nhận được. Chúng ta thử lấy một thí dụ cỏn con thì rõ. Một xí nghiệp nào đó nhận thấy rằng việc chế tạo đồ giả mang lại một mối lợi khổng lồ. Điều đó có lẽ sẽ xảy ra nhưng chỉ ngắn hạn; nhưng về lâu về dài, khách hàng sẽ tẩy chay đồ giả, và điều nguy hiểm hơn nữa là xí nghiệp bị tan vỡ do chính các nhân viên không còn tin tưởng nhau nữa khi họ e ngại rằng những mối quan hệ nội bộ cũng giả tạo giống như mặt hàng mà xí nghiệp sản xuất.
Giáo hội nhìn nhận rằng khoa kinh tế học có một phương pháp riêng của nó, với những định luật riêng của nó, thí dụ như định luật về nguyên nhân và hậu quả của nạn lạm phát. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng những định luật của kinh tế học không có tính chất cứng nhắc như định luật toán học nhưng tùy thuộc không nhỏ vào tâm lý và phong tục của con người. Một biện pháp ngăn ngừa lạm phát có thể là hữu hiệu ở một nước kỹ nghệ nhưng lại không thể áp dụng ở một nước nông nghiệp. Hơn thế nữa, những biện pháp ấy không thể trái ngược với công bằng nếu không muốn gây ra xáo trộn trật tự xã hội, thí dụ biện pháp ngăn ngừa lạm phát không thể chỉ giới hạn vào việc cắt giảm những chương trình trợ cấp xã hội cho người nghèo hay người già, đang khi tiếp tục những thứ công phí có tính cách phô trương. HTXH của Giáo hội không vạch ra một chương trình hoạt động kinh tế nhưng muốn nói lên những yêu sách của trật tự luân lý mà các chuyên gia kinh tế phải để ý khi thảo ra kế hoạch. Sách Giáo Lý Hội thánh công giáo nói tới điều này ở các số 2426-2436.
II. Những nguyên tắc căn bản của HTXH về hoạt động kinh tế.
Có thể tóm lại vào hai nguyên tắc sau.
1. Nguyên tắc căn bản điều khiển tất cả các hoạt động kinh tế là phẩm giá của con người. Như chúng ta đã biết, dựa theo mặc khải Kitô giáo, phẩm giá cao quý nhất của con người hệ tại việc được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được kêu gọi chia sẻ hạnh phúc với Ngài. Niềm thâm tín này đưa tới việc tôn trọng các quyền lợi của con người, đặc biệt là quyền được hành động có trách nhiệm và tự do. Như chúng tôi đã có lần nói đến, tuy người ngoài Kitô giáo hay người vô tín ngưỡng không đồng ý với người Kitô hữu về ơn gọi và định mạng siêu việt của con người, nhưng chắc rằng họ sẽ đồng ý về việc nhìn nhận phẩm giá của con người ở chỗ hành động có trách nhiệm và tự do. Áp dụng vào lãnh vực hoạt động kinh tế, sự tự do được diễn tả qua quyền được có sáng kiến hoạt động để tìm cách phát triển bản thân, gia đình, xã hội (Sách GL số 2429).
- Một hậu quả khác nữa là quyền tư hữu. Dĩ nhiên quyền tự do sáng kiến phải tôn trọng công ích và quyền lợi của tha nhân. Do đó, sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào hoạt động kinh tế không những gây tổn hại cho chính hiệu năng sản xuất nhưng còn làm thiệt hại cho tự do và sự phát triển của nhân vị. Trong lãnh vực này, học thuyết xã hội đề ranguyên tắc hỗ trợ (subsidiarité) phát biểu như sau: “Nhà Nước và xã hội ở cấp bậc cao không được xen vào nội bộ của một xã hội ở cấp dưới bằng việc thay thế sáng kiến và trách nhiệm của nó; nhưng là hỗ trợ nó trong trường hợp cần thiết và giúp đỡ nó để phối hợp hoạt động của mình với các thành phần khác trong xã hội nhằm đạt tới ích chung” (X. GLCG số 1883)
2) Bên cạnh nguyên tắc về phẩm giá con người, một nguyên tắc khác không kém phần quan trọng là chiều kích xã hội của con người. Không những con người cần tới xã hội để sinh sống (nhờ có xã hội con người mới có thể sinh tồn), nhưng nhất là con người phát triển nhân vị của mình nhờ những mối tương quan với tha nhân. Nói khác đi, con người cần đến xã hội không phải chỉ vì cần đến cơm ăn áo mặc, nhưng con người trở thành người hơn nhờ việc sống thắm thiết những liên hệ với cộng đồng xã hội. Từ đó, con người có bổn phận phải đóng góp vào ích chung của xã hội, cách riêng qua việc phát triển nhân đức liên đới (solidarité), được Sách GL quảng diễn ở các số 1939-1942. Trong chiều hướng đó, quyền tư hữu cần được hòa hợp với ý định của Thiên Chúa muốn ban các tài nguyên dành cho hết mọi người. (Sách GL 2402-2406)
Hai nguyên tắc căn bản vừa nói mang theo rất nhiều hậu quả luân lý cho những hoạt động kinh tế. Trong bài hôm nay chúng ta hãy lấy một tỉ dụ ở vấn đề sản xuất. Trong bài tới chúng ta sẽ thấy một áp dụng khác trong vấn đề lao động.
Sản xuất.
Hoạt động kinh tế nhằm tới việc cung cấp những sản phẩm và dịch vụ đáp lại những nhu cầu của đời sống con người (Sách GL 2426). Tuy nhiên, ta không thể giới hạn các nhu cầu ấy hoàn toàn vào lãnh vực vật chất. Con người có những nhu cầu vật chất nhưng cũng có những nhu cầu văn hóa và tinh thần nữa (GS 64). Từ thông điệp Populorum Progressio của đức Phaolo VI, học thuyết xã hội của Giáo hội càng ngày càng nhấn mạnh tới sự phát triển toàn diện con người. Điều này chi phối chính sách phát triển của toàn thể một dân tộc mà các nhà lãnh đạo quốc gia và quốc tế phải quan tâm đến trong việc thảo kế hoạch cũng như trong việc giáo dục nhân dân. Con người có những nhu cầu ăn mặc, nhà ở, sức khoẻ, an sinh nhất là khi đau yếu tuổi tác. Những nhu cầu ấy trở thành quyền lợi căn bản của con người. Ngoài ra con người còn có những quyền tự do trong lãnh vực văn hóa tinh thần: cần phải tổ chức những dịch vụ và cơ cấu để thỏa mãn những nhu cầu ấy nữa. Chính sách sản xuất phải nhằm phục vụ con người chứ không phải chỉ để trục lợi hay củng cố quyền hành. Một thí dụ đã được thông điệp Populorum Progressio tố cáo (số 53) là tại các quốc gia đang thiếu nhà thương và nhà trường, người ta đã dành ngân sách khổng lồ vào binh bị hoặc những công trình tuyên truyền cho chế độ.
Ngày nay, vào thời đại khoa học kỹ thuật công việc sản xuất mang kích thước quốc tế. Hơn một lần, học thuyết xã hội của Giáo hội đã lên tiếng báo động vì những nước giàu đang muốn áp đặt một khuôn mẫu tiêu thụ của họ sang các nước nghèo. Ngoài việc khai thác rẻ tiền nhân công ở các nước nghèo, những nước giàu còn muốn xuất cảng một lối sống nặng về hưởng thụ vật chất. Họ tạo ra những nhu cầu giả tạo nơi các dân tộc nghèo để cũng đua đòi như các nước giàu để tiêu thụ những hàng hóa đắt tiền mà nước giàu sản xuất. Những nhu cầu vật chất giả tạo ấy không những làm kiệt quệ nền kinh tế còn yếu kém của nước nghèo mà còn làm dân chúng tại đây bị tha hóa do sự đảo lộn nấc thang các giá trị.
Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng trong lãnh vực sản xuất, dù trong bình diện quốc gia hay quốc tế, học thuyết xã hội đòi hỏi những người hữu trách phải lưu ý tới một trật tự luân lý nhằm phát triển toàn diện con người. Mặt khác, Giáo hội không phải chỉ giới hạn vào việc kêu gào trách móc. Qua những phần tử của mình, cách riêng là các giáo dân tham gia vào hoạt động kinh tế, Giáo hội tin tưởng rằng những nguyên tắc nói trên sẽ có cơ hội ứng dụng. Ngoài ra, như thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng Cứu độ) số 58-59 đã nhấn mạnh, Giáo hội cộng tác vào công cuộc phát triển con người một cách độc đáo qua việc huấn luyện các lương tâm. Kể cả tại những nước kỹ nghệ tiền tiến, sự đào tạo lương tâm lại càng cần thiết khi mà thực tại cho thấy rằng mức sống vật chất dồi dào không nhất thiết đem lại hạnh phúc cho con người. Sự giáo dục lương tâm không những nhằm tạo ra một ý thức đứng đắn về nấc thang các giá trị và nhu cầu, nhưng đồng thời cũng kêu gọi cải hoán, thay thế một não trạng khai thác bóc lột tha nhân để làm giàu bằng não trạng liên đới chia sẻ với tha nhân những tài sản mà mình có, những tài sản vật chất lẫn tài sản tinh thần.
Trong những bài tới, chúng tôi sẽ bàn tới hai vấn đề gai góc trong lãnh vực kinh tế, tức là: lao động và quyền tư hữu.

Tác giả Phan Tấn Thành, op
Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội về lĩnh vực kinh tế Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội về lĩnh vực kinh tế Reviewed by Admin on 02:06:00 Rating: 5