Bản chất Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội

Thư tịch : CONGREGAZIONE PER L'EDUCAZIONE CATTOLICA, 
Orientamenti per lo studio e l'insegnamento della Dottrina Sociale
della Chiesa nella formazione sacerdotale, Roma 1988.

Trong bài trước, chúng ta đã rảo qua bối cảnh lịch sử của học thuyết xã hội của Giáo hội, khởi điểm từ thông điệp Rerum Novarum năm 1891. Chúng ta có dịp nhận thấy sự tiến triển của học thuyết xã hội do những vấn đề mà hoàn cảnh chính trị xã hội đặt ra trong thế kỷ 20. Ngoài lý do hoàn cảnh bên ngoài, ta cũng có thể nói tới sự tiến triển của học thuyết xã hội do những động lực bên trong, về phương pháp suy tư và trình bày cũng như về chính bản chất của mình. Như chúng tôi đã có dịp nói tới, trong vòng 100 năm qua, học thuyết xã hội của Giáo hội đã nhiều lần thay đổi danh xưng lẫn phương pháp.
Về danh xưng, nó đã mang nhiều tên khác nhau : “Học thuyết hay Đạo lý xã hội” (Doctrine sociale), “Triết học xã hội” (philosophie sociale), “Giáo huấn xã hội” (Enseignement social").
- Về phương pháp, thì lúc đầu nó đi theo đường lối diễn dịch của triết học, áp dụng những nguyên tắc của luật tự nhiên vào những hoàn cảnh cụ thể; nhưng gần đây thì nó đi theo phương pháp kết nạp giữa quy nạp và diễn dịch dựa trên phương thức : xem xét - phán đoán - hành động. Lần này, chúng tôi xin trình bày về bản chất của học thuyết xã hội của Giáo hội theo quan điểm hiện đại, dựa theo văn kiện của bộ Giáo dục Công giáo xuất bản năm 1988 về việc nghiên cứu và giảng dạy học thuyết xã hội trong các chủng viện.(Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo cũng đề cập tới vấn đề này ở các số 2419-2423).Chúng ta có thể tóm lại trong 6 điểm sau đây:
1) Tiên vàn, học thuyết xã hội của Giáo hội không phải là một ý thức hệ cũng không phải là một triết học, nhưng là một ngành của thần học luân lý. Những nguyên lý nền tảng của nó lấy từ mạc khải Kitô giáo về phẩm giá con người cũng như về những mối tương quan giữa con người với xã hội. Xét về điểm này, ta thấy có sự tiến triển lớn trong quan điểm về bản chất của học thuyết xã hội : nó không phải là một ngành của triết học, hoàn toàn dựa trên luật tự nhiên ; nhưng là một ngành của thần học dựa trên quan điểm Kitô giáo về phẩm giá và ơn gọi siêu việt của con người. Có thể nói được là sự chuyển hướng về quan điểm đã bắt đầu với Hiến chế Vui mừng và Hy vọng của công đồng Vatican II.
2) Học thuyết xã hội  nằm trong sứ mạng của Giáo hội phải rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Giáo hội có nhiệm vụ phải công bố sự thực về đức Kitô cũng như sự thực về con người. Giáo hội cần phải loan truyền tin mừng về phẩm giá của con người mà đức Kitô mặc khải. Giáo hội cũng phải theo gương đức Kitô, đấng tuy giàu có nhưng đã trở thành khó nghèo vì chúng ta, để đi sát với người nghèo, tố cáo những cơ chế bất công chèn ép con người. Mặt khác, Giáo hội không phải chỉ giới hạn vai trò của mình vào việc tố cáo những tội lỗi, những bất công; Giáo hội còn muốn đóng góp phần của mình vào việc kiến tạo một xã hội công bằng nhân đạo hơn. Thực vậy, học thuyết xã hội của GH chứa đựng những đạo lý về việc tổ chức xã hội sao cho hợp theo lẽ công bằng và bác ái. (Xem Sollicitudo rei socialis số 41).
3) Học thuyết xã hội của Giáo hội là điểm gặp gỡ giữa Phúc âm với đời sống xã hội. Nói cách khác, học thuyết xã hội  một đàng dựa trên ánh sáng Phúc âm, nhưng một đàng khác cũng dựa trên những nguyên tắc lành mạnh của lý trí, triết học, các khoa học nhân văn. Giáo hội sử dụng tất cả những nguồn tri thức vừa kể để có một nhận thức khách quan về thực tại xã hội. Khi trình bày học thuyết xã hội, Giáo hội không đề ra những giải pháp kỹ thuật cụ thể về kinh tế chính trị, nhưng chỉ muốn vạch ra những tiêu chuẩn phán đoán cái gì thích hợp hay trái nghịch với nhân phẩm, với công bằng xã hội. Vì thế, vai trò của học thuyết xã hội  thường mang tính cách phê bình, nghĩa là nhận định xem những khuôn mẫu mà các chuyên gia về kinh tế chính trị xã hội đề ra có thực sự giúp cho con người phát triển hay không.
4) Học thuyết xã hội mang ba chiều kích :
Lý thuyết - lịch sử - thực tiễn.
a/ Lý thuyết, bởi vì đề ra những nguyên tắc luân lý về thực trạng của con người và đời sống xã hội.
b/ Lịch sử, bởi vì nó gồm có những phán đoán về những thực tại và hoàn cảnh biến thiên của lịch sử. Xét vì những hoàn cảnh này biến đổi liên tục tùy nơi và tùy thời, nên những phán đoán về chúng cũng cần được xét đi xét lại để xem những gì là phù hợp hay tương phản với nhân phẩm.
c/ Thực tiễn, bởi vì Giáo hội không phải chỉ đứng ngoài cuộc để phê phán, nhưng qua những phần tử của mình, Giáo hội muốn góp tay vào việc xây dựng một xã hội công bằng nhân đạo hơn khi mang ra áp dụng học thuyết xã hội.
5) Phương pháp. Để có thể nắm vững các vấn đề và nhận thức những nguyên nhân của chúng, học thuyết xã hội áp dụng phương pháp vừa quy nạp vừa diễn dịch, tóm lại trong công thức: nhìn, xét và làm.
a/ Nhìn, có nghĩa là học hỏi thực tại, nhờ những khoa học khác nhau: từ những khoa học nhân văn cho tới các khoa triết lý, và dĩ nhiên là không thể bỏ qua mặc khải Kitô học về con người.
b/ Xét, có nghĩa là cắt nghĩa thực trạng xã hội dưới ánh sáng của đức tin và của thực tại khách quan.
c/ Làm, có nghĩa là lựa chọn đường lối hành động, không những là qua việc thay đổi cơ cấu bên ngoài mà cả qua việc thay đổi tâm thức não trạng (tức là cải hoán theo tinh thần Phúc âm).
6) Giá trị. Từ thông điệp Mater et Magistra, các đức Giáo hoàng dần dần phân biệt trong HTXH những cấp độ giá trị khác nhau trong giáo huấn về các vấn đề xã hội, được Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo lặp lại ở số 2423. Có ba cấp độ chính: a/ nguyên tắc suy luận (principes de réflexion); b/ tiêu chuẩn phán đoán (critères de jugement); c/ chiều hướng hành động (orientations pour l'action).
Thực ra không dễ gì phân biệt ba cấp độ đó. Đại khái, với hai cấp độ đầu tiên thì có thể nói như sau : những nguyên tắc thì có tính cách bền vững, còn những phán đoán thì tùy thuộc vào những hoàn cảnh nhất thời. Sự phân biệt này đã được công đồng Vaticano II nói tới ở đầu Hiến chế Vui mừng và Hy vọng. Văn kiện này được chia làm hai phần: phần đầu gồm có những nguyên tắc đạo lý về con người, về thế giới; phần thứ hai thì phát biểu thái độ trước một vài vấn đề khẩn trương của thời đại. Do đó việc giải thích phần thứ hai cần được đối chiếu với những thực trạng của thời buổi đương thời, chứ không mang tính chất bất biến. Dĩ nhiên sự phân biệt này cũng được áp dụng trong toàn thể học thuyết xã hội của Giáo hội. Những nguyên tắc về phẩm giá con người, về trách nhiệm của con người đối với xã hội thì có tính cách bền vững. Còn những phán đoán về những vấn đề cụ thể thì thay đổi tùy theo hoàn cảnh xã hội. Thí dụ trong quá khứ, nhiều Giáo hoàng đã bênh vực quyền tư hữu chống lại những chủ nghĩa cộng sản; nhưng dần dần, trước những bất công của chế độ tư bản, Giáo hội cũng cho thấy những khuyết điểm của quyền tư hữu khi nó không đếm xỉa gì tới tình liên đới, dẫn tới sự bóc lột tha nhân. Từ đó, học thuyết về quyền tư hữu lần lần được bổ túc bởi học thuyết về việc các tài sản được dành cho toàn thể nhân loại hưởng dụng.
Đến cấp độ thứ ba (những chiều hướng hành động) thì lại càng lỏng lẻo hơn nữa, theo nghĩa là có nhiều đường hướng khác nhau để thực thi những nguyên tắc đạo lý. Do đó, các tín hữu công giáo không bắt buộc phải theo một đường hướng nhất định (thí dụ không buộc phải gia nhập một nghiệp đoàn, một đảng phái nào đó) khi tìm cách diễn đạt những nguyên tắc xã hội Kitô giáo vào lãnh vực cụ thể của một chính sách kinh tế, chính trị. Vì thế, một tín hữu công giáo tại Hoa kỳ có thể bỏ phiếu hay gia nhập Đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, tùy theo họ thấy đảng nào có đường lối gần với học thuyết xã hội của Giáo hội hoặc là dễ có phương thế để cải cách xã hội cho hợp với những nguyên tắc của học thuyết xã hội.
Trong bài trước, chúng tôi đã điểm qua vài nguyên tắc suy luận, tựa như : nhân phẩm và nhân quyền, công ích, nguyên tắc liên đới và hỗ trợ, nguyên tắc tham gia vào sinh hoạt xã hội. Trong những bài sắp tới đây, chúng tôi xin điểm qua một vài áp dụng của những nguyên tắc và phán đoán vào lãnh vực kinh tế, chính trị quốc gia và quốc tế. Thực ra, học thuyết xã hội của Giáo hội còn bao gồm những vấn đề về gia đình, văn hóa, khoa học kỹ thuật; nhưng chúng tôi tạm gác qua một bên.
Trước khi kết thúc, thiết tưởng nên thêm một câu hỏi: học thuyết xã hội của Giáo hội dành cho ai ? Dĩ nhiên, tiên vàn học thuyết xã hội dành cho các tín hữu công giáo. Nhưng từ năm 1963, khi viết thông điệp Pacem in terris, đức Gioan XXIII đã muốn ngỏ lời với “hết mọi người thiện chí”. Việc Giáo hội công giáo muốn đối thoại với hết mọi người không phải chỉ vì lý do thực tiễn, tức là Giáo hội cũng sống trong một xã hội với cộng đoàn nhân loại và muốn xây dựng cộng đồng này chứ không phải cộng đồng trên cung trăng; nhưng còn vì một lý do khác nữa, đó là Giáo hội không muốn áp đặt một ý thức hệ hay một chủ thuyết nào trên cộng đồng nhân loại nhưng chỉ muốn cộng tác với mọi người khám phá ra cái gì phù hợp với lý lẽ chân chính, với khát vọng tự nhiên của con người. Giáo hội thâm tín rằng con người, dù theo tín ngưỡng hay ý thức hệ nào đi nữa, cũng đều khát vọng tới những giá trị căn bản tựa như: chân lý, tự do, công bằng, liên đới, hòa bình, yêu thương. Giáo hội muốn đồng hành với nhân loại để nhắm đạt tới những mục tiêu ấy.

Tác giả Phan Tấn Thành, op
Bản chất Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Bản chất Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Reviewed by Admin on 02:05:00 Rating: 5