Giáo huấn xã hội của Hội Thánh về lao động

Sách Giáo lý nói về Lao Động ở các số 2427-2436.
I. Lịch sử vấn đề
II. Vài nguyên tắc của học thuyết của Giáo hội về lao động
III. Quyền lợi và bổn phận làm việc

Kính thưa quý vị và các bạn,
Trong bài trước, chúng tôi đã điểm qua vài nguyên tắc căn bản của học thuyết xã hội liên quan đến hoạt động kinh tế. Hôm nay chúng ta đi vào một vấn đề then chốt của hoạt động kinh tế, tức là lao động. Sau khi lượt qua lịch sử vấn đề, chúng tôi sẽ xét tới quyền lợi và bổn phận lao động.

I. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Trải qua lịch sử nhân loại, đã có nhiều triết học và tôn giáo bàn đến ý nghĩa và giá trị của lao động (hay sự làm việc). Văn chương bình dân nước ta cũng không thiếu những câu tục ngữ về sự làm việc. Chúng ta nhận thấy không những là có những quan điểm khác nhau về sự làm việc, mà còn có những cách đặt vấn đề khác nhau tùy theo hoàn cảnh xã hội, thí dụ trong xã hội nông nghiệp trước đây người ta cho rằng người lao động đích danh là bác nông phu chân lấm tay bùn; còn trong xã hội kỹ thuật ngày nay, bác nông dân ấy chỉ đóng góp phần rất nhỏ vào kinh tế quốc gia. Sự biến đổi điều kiện xã hội cũng có ảnh hưởng đến quan điểm của học thuyết xã hội của Giáo hội về lao động. Chúng ta hãy lượt qua những văn kiện chính thì rõ.
1. Trong thông điệp Rerum Novarum, đức Lêo XIII nói tới điều kiện của người thợ trong xã hội kỹ nghệ Âu châu cuối thế kỷ 19, phải chịu lắm cảnh bất công. Thông điệp nhấn mạnh rằng không thể coi lao động như một món hàng có thể đánh giá theo luật cung cầu; lao động gắn liền với con người, vì nó bộc lộ tài năng và kiện toàn con người. Lao động cần thiết cho con người cũng như cho gia đình, vì thế lương bổng cần phải để ý tới các yếu tố đó.
2. Bốn mươi năm sau, tình trạng của người công nhân không mấy tiến bộ hơn. Đức Piô XI phải lên tiếng lần nữa để bàn về những tiêu chuẩn xác định lương bổng công bằng. Thông điệp Quaragesimo Anno cũng xét lao động trong tương quan với quyền tư hữu, tư bản, trật tự xã hội.
3. Với thông điệp Mater et Magistra, đức Gioan XXIII tiến thêm một bước khi bàn tới việc các công nhân được tham gia vào việc điều hành xí nghiệp, nhờ đó xí nghiệp ngày càng có tính cách nhân bản hơn vì sẽ biến thành một cộng đoàn với những chức phận khác nhau. Ngài cũng nhấn mạnh rằng giá trị cao quý của con người nằm ở chỗ tài nghệ, làm chủ được nghề nghiệp của mình, chứ không phải ở chỗ tài sản mà mình sở hữu.
4. Công đồng Vaticano II, trong hiến chế “Vui Mừng và Hy vọng” số 33-39 (1965), mở rộng quan điểm lao động đến toàn thể những hoạt động của con người trong thế giới, và như vậy không chỉ giới hạn trong những xí nghiệp kỹ nghệ. Hai năm sau, đức Phaolo VI, trong thông điệp Populorum Progressio (số 27-28), cũng đả động tới lao động hiểu theo nghĩa rộng ấy, và tố cáo nguy cơ là con người có thể trở thành nô lệ cho lao động thay vì làm chủ nó.
5. Sau cùng, với thông điệp Laborem exercens (1981), đức Gioan Phaolo II muốn tổng hợp và đào sâu tất cả giáo huấn của Giáo hội về lao động. Cách riêng, Ngài nhấn mạnh đến một vài nấc thang giá trị cần phải tôn trọng, tỉ như: con người có giá trị hơn là lao động (số 6); nhân vị có giá trị hơn là sự vật, và lao động có giá trị hơn là tư bản (12), mục tiêu phổ quát của tài sản thì đứng trên quyền chiếm hữu chúng (14), phẩm giá con người ở trên của cải (20). Những nguyên tắc ấy dần dần càng ngày càng nổi bật hơn trong học thuyết xã hội của Giáo hội trải qua những biến chuyển hoàn cảnh xã hội. Thông điệp Centesimus Annus số 32 nói rõ điều đó. Trước đây, yếu tố quan trọng của sự sản xuất là đất đai, kế đó là tư bản, nhưng ngày nay yếu tố tất định chính là con người, nhờ tài năng tổ chức của mình... Ngoài ra, trước đây người ta đặt nặng quyền sở hữu tài sản vật chất, nhưng ngày nay còn có thứ tài sản khác quan trọng hơn nhiều, đó là kiến thức khoa học, kỹ thuật nghĩa là chính khả năng của con người chứ không phải là nguồn lợi vật chất. Chính vì thế, cần phải chú trọng đến con người như chủ thể của hoạt động kinh tế.

II. VÀI NGUYÊN TẮC CỦA HTXH CỦA GH VỀ LAO ĐỘNG
Lao động là gì ? Đã có nhiều triết gia hay luật gia cố gắng tìm cách định nghĩa nó. Có người chỉ coi công việc chân tay nặng nhọc mới là lao động; có người cho rằng chỉ có người đi làm công cho người khác mới là lao động; có người chỉ coi là lao động khi sản xuất được cái gì hữu ích. Các văn kiện xã hội của Giáo hội không tìm cách định nghĩa lao động theo tiêu chuẩn triết lý hay pháp luật, nhưng hiểu lao động theo nghĩa rất rộng bao gồm tất cả các hoạt động của con người: lao động chân tay cũng như lao động trí óc (thí dụ: thảo kế hoạch, điều hành: LE 14), từ những nông dân, thợ mỏ thợ nề cho đến các nhà khoa học, bác sĩ, y tá và không quên các bà nội trợ (LE 9). Nhưng nhất là các văn kiện vạch ra giá trị của lao động cũng như những yêu sách của nó: 1) Lao động kiện toàn con người, vì nhờ lao động mà con người phát triển tài năng của mình (LE 9d;20). - 2) Lao động cấp dưỡng cho gia đình (LE 10 a.b). - 3) Lao động xây dựng xã hội (LE 8;10c; CA 31;32). 4) Lao động chinh phục vũ trụ, ghi dấu bàn tay con người trên vũ trụ (LE 4; CA 31).
Tưởng cũng nên biết là đức Gioan Phaolo II, một vị Giáo hoàng đầu tiên đã có kinh nghiệm trực tiếp với xã hội chủ nghĩa, đã dám đối chiếu quan niệm về lao động của Kitô giáo với quan niệm của Marx. Marx nói tới ba khía cạnh của lao động : a) khía cạnh chủ thể, xét như là hoạt động của con người; b) khía cạnh khách thể, nghĩa là đối thể hoạt động; c) khía cạnh công cụ, nghĩa là phương tiện dùng để hoạt động. Trong thông điệp LE, đức Gioan Phaolo 2 chỉ phân biệt có hai khía cạnh: chủ thể và khách thể; khía cạnh thứ ba của Marx được gộp vào trong khía cạnh khách thể.
Lao động nhìn dưới khía cạnh chủ thể (LE 6) là chính con người, chủ thể của lao động. Chỉ có con người, chủ thể tự do, mới biết làm việc; chứ động vật hay máy móc không biết làm việc. Lao động dưới khía cạnh khách thể là những tài sản, cơ sở, dụng cụ, phương tiện, công cuộc ... dùng vào sự làm việc hoặc là kết quả của nó (LE 5). Trong hệ trật các giá trị, cần phải xếp lao động chủ thể lên trên lao động khách thể (LE 6.7..8.9.10.13.18.24...), tài năng của con người đứng trên công cụ vật chất; con người chế ra công cụ chứ không phải ngược lại.
Ngoài ra cũng cần nên thêm linh đạo về lao động. Lao động là một phương thế cộng tác với Đấng Tạo hóa (LE 25). Vao động là một phương thế họa lại cuộc đời lao công của đức Kitô (LE 26), cách riêng qua việc hy sinh đau khổ để cứu độ (LE 27). Lao động là phương thế cộng tác với Chúa Thánh Thần trong công tác thánh hóa và canh tân vũ trụ (GS 39; LE 27).

III. QUYẾN LỢI VÀ BỔN PHẬN LÀM VIỆC
A- Quyền làm việc. Ngày nay hầu hết các bản Hiến pháp và Tuyên ngôn quốc tế đều nhìn nhận quyền làm việc. Đây là một quyền lợi mới được nhìn nhận trong thế kỷ XX khi nạn thất nghiệp bành trướng trong các nước kỹ nghệ. Các văn kiện của Giáo hội đòi hỏi quyền này kể từ năm 1941 (sứ điệp của đức Piô XII kỷ niệm 50 năm thông điệp RN; tiếp đến là PT 18, OA 14). Tuy nhiên, trên thực tế, trong các nền pháp chế hiện hành có ba lối giải thích quyền làm việc.
1/ Theo hiến pháp Liên sô 1977 dưới chế độ Lênin, quyền làm việc có nghĩa là quyền được Quốc gia bảm đảm cho một chỗ làm việc; do đó người công nhân không thể bị sa thải dù từng cá nhân hay là cả tập thể. Ngày nay ít ai hiểu quyền làm việc theo nghĩa này, bởi vì nó sẽ tiêu diệt sáng kiến cá nhân cũng như khiến các cơ cấu kinh tế trở thành cứng nhắc.
2/ Một số nước Tây phương hiểu quyền làm việc là quyền được hưởng một mức lương tối thiểu để sinh sống nhờ công việc làm. Nhà nước sẽ đứng ra bảo đảm cho các công nhân mức lương ấy.
3/ Trước nạn thất nghiệp càng ngày càng lan rộng, nhiều quốc gia nhấn mạnh đến phương tiện sinh sống. Theo đó, dù người công nhân kiếm được việc làm hay không, họ cũng cần có tiền để sống. Nhà nước phải liệu cấp dưỡng món tiền tối thiểu ấy.
Dù cắt nghĩa thế nào về quyền làm việc dưới khía cạnh pháp lý đi nữa, quyền làm việc còn mang theo một chuỗi những quyền lợi khác được thông điệp LE quảng diễn ở các số 16-23: quyền được đồng lương tương xứng (GS 67; LE 19), quyền được làm việc trong điều kiện xứng với nhân phẩm (LE 15; CA 35;39;41; thí dụ: ngoài việc bảo đảm khung cảnh vệ sinh, cần làm sao để con người cảm thấy làm việc có ý thức chứ không như cái máy); Quyền được tham gia vào việc quản trị xí nghiệp (MM 91; GS 68; LE 14); quyền lập nghiệp đoàn (LE 20; CA 15), quyền di cư. Ngoài ra quyền làm việc cũng cần phải nhìn nhận cho các bà nội trợ, các người tàn tật. Tại những nước Âu châu, vấn đề nghiệp đoàn cũng kéo theo vấn đề đình công, sự tham gia của các người Kitô giáo vào những nghiệp đoàn với những màu sắc chính trị khác nhau. Quyền làm việc thường cũng đi đôi với quyền nghỉ ngơi, quyền cấp dưỡng an ninh xã hội, hưu bổng vv.
B - Bổn phận làm việc là một điều được các văn kiện xã hội nói tới ngay từ đầu (LE 16b), dựa theo Kinh thánh (x.1 Tx 4,10-11; Ep 4,27-28) và truyền thống Giáo hội. Sự làm việc là một phương tiện để kiếm ăn nuôi sống cho mình và cho gia đình, phát triển các tài năng của mình, tránh cảnh nhàn cư, đóng góp vào việc kiến thiết xã hội. Tuy nhiên, khi diễn đạt ra pháp lý, người ta thấy luật pháp của các quốc gia lúng túng khi muốn chế tài nghĩa vụ làm việc. Chỉ có các nước độc tài mới dám đề ra sự lao động cưỡng bách.
Nên biết là nghĩa vụ làm việc thì khác với nghĩa vụ của công nhân. Nghĩa vụ của công nhân phát sinh từ hợp đồng mà người thợ đã ký kết với cá nhân hay xí nghiệp. Từ hợp đồng đó nảy ra những quyền lợi và nghĩa vụ luân lý và pháp lý mà đôi bên phải thi hành theo như đã cam kết.

Tác giả Phan Tấn Thành, op
Giáo huấn xã hội của Hội Thánh về lao động Giáo huấn xã hội của Hội Thánh về lao động Reviewed by Admin on 02:07:00 Rating: 5