Giáo huấn của Hội Thánh về quyền tư hữu

I. Sự tiến triển của HTXH về tư hữu.
II. Những chiều kích của tư hữu
Kết Luận
Mục thời sự thần học trong tháng này sẽ còn được tiếp tục với những đề tài của học thuyết xã hội  của Giáo hội. Bài hôm nay được dành cho quyền tư hữu, một vấn đề gai góc của những vấn đề xã hội, nguồn gốc của sự phân chia thế giới thành hai khối ý-thức-hệ tư bản và cộng sản. Vấn đề quyền tư hữu liên can tới rất nhiều vấn đề kinh tế khác tựa như lao động, thị trường, xí nghiệp. Vì thời giờ eo hẹp, chúng tôi chỉ xin trình bày đại cương sự tiến triển của học thuyết xã hội về tư hữu và một vài hệ luận luân lý.

I. Sự tiến triển của HTXH về tư hữu.
Những suy luận về tư hữu đã bắt đầu từ xa xưa: chúng ta đã đây những quan điểm về tư hữu trong Kinh thánh và các giáo phụ, cũng như trong các cổ luật Rôma và Germanic. Thánh Tômmasô đã tổng hợp quan điểm thần học Kitô về tư hữu ở Sách Tổng luận Thần học II-II, q.66, a.2. Theo luật tự nhiên, hết các tài sản được dành cho cả nhân loại; nhưng luật thực tại có thể trao cho tư nhân được quản trị và sử dụng chúng. Thánh Tommaso cho thấy rằng khi tài sản nào được trao cho tư nhân quản trị thì họ coi sóc kỹ lưỡng hơn; mặt khác, sự quản trị tư sản là cơ hội để con người bộc lộ tài năng tự do của mình và cũng là cần thiết cho sự ổn định tương giao xã hội. Tuy những lạm dụng tư hữu thời nào cũng có, và những đòi hỏi phân phát đồng đều tài sản cho mọi người không thiếu trong lịch sử, nhưng những cải cách quan trọng nảy sinh vào từ cuối thế kỷ 19, với cuộc cách mạng kỹ nghệ với hố phân chia hai giai cấp tư bản và vô sản. Như chúng ta đã biết chủ nghĩa cộng sản chủ trương xóa bỏ quyền tư hữu, chuyển quyền sở hữu sang tay tập thể. Chính quan điểm đối lập về quyền tư hữu đã phát sinh hai chủ nghĩa tư bản và cộng sản. Dù sao chúng ta cũng đừng quên rằng trong vòng 100 năm qua cả hai chủ nghĩa đều có sự tiến triển; và học thuyết xã hội của Giáo hội cũng tiến triển. Chúng ta hãy lượt qua những giai đoạn chính.
1. Thông điệp Rerum Novarum (1891) bênh vực quyền tư hữu như là một quyền lợi tự nhiên của con người. Lao động là nguồn gốc của tư hữu trên những tài sản hưởng dụng cũng như trên những tài sản bền vững, nhờ đó con người có phương tiện bảo đảm cho tương lai bản thân cũng như của gia đình. Hậu nhiên, sự truất hữu quyền tư hữu là một điều bất công (RN số 4-9). Cũng nên biết là đức Lêo bênh vực tư hữu như một quyền lợi tự nhiên của con người , chứ không đả động tới chế độ tư bản hay sự phân phối chênh lệch các tài nguyên.
2. Đức Piô XI trong thông điệp Quadragesimo Anno (1931) mở rộng ra đến các chiều kích khác nhau của tư hữu (số 46,48,49). Tất cả các tài sản đã được Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại; do đó cần phải thiết lập một trật tự thế nào để đạt được mục tiêu đó. Mối liên hệ giữa con người với tài sản vừa có chức phận tư nhân vừa có chức phận xã hội. Vai trò của chính quyền là phải dung hợp hai chức phận đó để không rơi vào chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể. Thông điệp mở cửa cho quan điểm “công bằng xã hội” (justitia socialis) cũng như việc quốc hữu hóa vài thứ tài sản.
3. Trong những sứ điệp truyền thanh, đức Piô XII vẫn tiếp tục bảo vệ quyền tư hữu như cái gì thuộc về phẩm giá và tự do của con người cũng như là điều kiện bảo đảm cho gia đình. Tuy nhiên, quyền đó không có tính cách tuyệt đối. Dù sao xem ra đức Piô XII chỉ nhìn thấy quyền tư hữu của các cá nhân, nhưng chưa nhận ra vấn đề tư hữu của các công ty tư bản với khối lợi tức tích lũy kếch sù.
4. Chiều kích mới của vấn đề tư hữu được đức Gioan XXIII vạch ra trong thông điệp Mater et Magistra (số 104-106), mở đường cho Vatican II, thí dụ như chế độ an ninh xã hội được du nhập ở nhiều quốc gia; sự phân biệt giữa những nhà tư bản (cổ phần) và những cơ quan quyết định, hoặc giữa những chủ nhân và các chuyên gia trong các công ty. Nói khác đi, tư sản không chỉ hoàn toàn gắn liền với nhân phẩm mà còn kéo theo nhiều yếu tố khác nữa.
5. Sau công đồng, với thông điệp Populorum Progressio đức Phaolo VI mở rộng nhãn giới hơn nữa trước sự chênh lệch giữa các dân tộc. Tư hữu không phải là cái gì cứng nhắc gắn liền với nhân phẩm, nhưng phải cần được lồng trong mục tiêu phổ quát của các tài sản được dành cho toàn thể nhân loại.
6. Từ khi chế độ cộng sản sụp đổ, nhân loại đứng trước một nguy cơ mới : tất cả dành cho nền kinh tế thị trường. Xem ra giá trị tối cao là tư bản, và con người lẫn lao động đều phải hy sinh cho thị trường. Thông điệp Centesimus Annus đã báo động nguy cơ đó.
Như thế, trải qua những biến chuyển xã hội trong một thế kỷ vừa qua, học thuyết xã hội về tư hữu cũng tiến triển với sự bổ túc của những chiều kích khác nhau của tư hữu. Chúng ta có thể tóm lại như sau.

II. NHỮNG CHIỀU KÍCH CỦA TƯ HỮU
Ta có thể nói tới hai chiều kích chính : chiều kích nhân bản và chiều kích xã hội.
A. Xét theo chiều kích nhân bản, tư hữu là một quyền lợi của con người. Chính nhờ quyền tư hữu mà con người phát triển phẩm giá của mình như là chủ thể tự do, chiếm giữ và sử dụng các đồ vật và tài sản (CA 43). Từ đó, ta thấy rằng nhân phẩm của con người bị thương tổn khi thiếu thốn những của cải tối thiểu nhất để sinh sống. Tuy nhiên, nhân phẩm của con người cũng bị thương tổn không kém khi con người chỉ biết chạy theo tài sản, tích lũy chúng, trở thành nô lệ cho chúng (CA 41; PP 19; SRS 28).
B. Chiều kích xã hội của tư hữu. Khi mới ra đời, học thuyết xã hội đã bênh vực quyền tư hữu như là một quyền tự nhiên, bất khả xâm phạm để đối lại với chủ thuyết cộng sản phế bỏ quyền này. Nhưng dần dần, với sự tiến triển của thời gian và của các khoa xã hội học, đạo lý về quyền tư hữu đã được bổ túc với chiều kích xã hội. Thông điệp Quadragesimo Anno (số 46), Mater et Magistra (số 19) đã ghi nhận điểm đó, và được Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” số 69 phát biểu như sau: “Thiên Chúa đã dành trái đất và tất cả các tài nguyên của nó cho hết mọi người và mọi dân sử dụng. Vì thế, các tài nguyên Chúa tạo dựng cần phải đến tay mọi người dưới sự hướng dẫn của công bằng và sự tháp tùng của bác ái. Dù các hình thức tư hữu có thế nào đi chăng nữa tùy theo sự thích ứng của những thể chế hợp pháp của các dân tộc vào những hoàn cảnh thay đổi, nhưng không bao giờ được làm mất đi việc dành các tài sản cho hết mọi người”. Thông điệp Centesimus Annus lặp lại điều đó ở số 31.
Chính vì chiếu theo chiều kích xã hội của tài sản nên học thuyết xã hội cho phép sự truất hữu trong một vài trường hợp, thí dụ như những khu đất đai không cầy cấy trồng trọt hoặc những tài sản làm ngăn trở cho sự thịnh vượng chung (PP 24). Dĩ nhiên sự truất hữu (hay sung công) cũng phải tuân theo những quy tắc luân lý, thí dụ như phải nhằm tới lợi ích quốc gia chứ không phải chỉ để thủ lợi cho một thiểu số nào. Mặt khác nếu trong quá khứ đã có lúc người ta chỉ biết hai giải pháp cực đoan giữa tư sản và sung công, nhưng ngày nay người ta thấy còn có nhiều giải pháp ở giữa hai thái cực ấy, nhất là một khi hai khái niệm Nhà Nước và Xã hội không còn gắn liền với nhau. (Sách GL 2402-2406).

III. NHỮNG KHÍA CẠNH MỚI CỦA TƯ HỮU
Trong những xã hội cổ truyền, vấn đề tư hữu chỉ giới hạn tới mảnh vừơn, cái nhà, cái cày cái cuốc với cặp trâu bò. Nhưng trong những xã hội tân tiến kỹ nghệ hiện nay, quan niệm về tư hữu được nới rộng rất nhiều.
1. Sở hữu chủ của tài sản không nhất thiết là một cá nhân. Trong các nền kinh tế tư bản hiện nay, chủ nhân của những công ty xí nghiệp lớn là có thể là những nhóm tài phiệt nhưng cũng có thể là những nhóm cổ phần trong đó kể cả các công nhân cũng đóng góp.
2. Vấn đề giàu nghèo càng ngày càng mang tính chất quốc tế, đến nỗi thế giới chia thành hai khối Bắc (giàu) và Nam (nghèo), với những nhịp độ sản xuất khác nhau. Các nước nghèo sản xuất không đủ để trả tiền lãi chứ chưa nói chi tới việc hoàn lại vốn.
3. Bên cạnh khối tài sản vật chất, ngày nay người ta nói tới tư sản tinh thần (thí dụ chất xám): chính những đầu óc chuyên gia nhờ kiến thức hiểu biết và tài quán xuyến của họ, với những dự án và kế hoạch của họ, có thể ảnh hưởng đến cả chính sách kinh tế và phát triển của một quốc gia hay của toàn thể nhân loại.
4. Từ đó, các kế hoạch kinh tế không phải chỉ nhằm tăng gia những tài sản và dịch vụ vật chất, nhưng còn phải nhắm tới việc khuếch trương những tài sản tinh thần, tóm lại trong tiếng “văn hóa”.
5. Vấn đề phân phối đồng đều các tài nguyên trên thế giới cũng áp dụng vào các tài sản tinh thần. Vì vậy nó cũng bao gồm việc tạo điều kiện để các dân tộc nghèo cũng được chia sẻ vào những kho tàng kiến thức và kỹ thuật của nhân loại. Mặt khác, không thiếu những nước tuy nghèo về vật chất nhưng có một gia sản văn hóa tinh thần rất phong phú và họ cần phải giữ gìn và phát triển. Chính nhờ sự phát triển những giá trị tinh thần ấy họ sẽ không bị tha hóa khi chạy theo những tài sản vật chất và trở thành nô lệ của chúng.
KẾT LUẬN
Bên cạnh những nguyên tắc luân lý về tư hữu với những áp dụng vào trường hợp khác nhau, học thuyết xã hội của Giáo hội không quên nhắc nhở sự cần thiết phải hoán cải nội tâm như là điều kiện để thực hiện công bằng. Thêm vào danh sách của các nhân đức cổ truyền, Sách GL (số 1939-1942) đã thêm một nhân đức mới: nhân đức liên đới (vertu de solidarité), lấy từ thông điệp Sollicitudo rei socialis (số 40).

Tác giả Phan Tấn Thành, op
Giáo huấn của Hội Thánh về quyền tư hữu Giáo huấn của Hội Thánh về quyền tư hữu Reviewed by Admin on 02:07:00 Rating: 5