Đại cách mạng văn hóa giai cấp vô sản (tiếng Hoa giản thể: 无产阶级文化大革命; tiếng Hoa phồn thể: 無產階級文化大革命; thường gọi tắt là Đại cách mạng văn hóa
– 文化大革命) được Mao Trạch Đông khởi xướng và lãnh đạo từ ngày 16 tháng 05
năm 1966, là một giai đoạn hỗn loạn toàn bộ xã hội Trung Hoa diễn ra
trong 10 năm từ năm 1966-1976, gây tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi
mặt của cuộc sống chính trị, văn hóa, xã hội nước này. Ngoài ra, cuộc
cách mạng này đã làm thay đổi quan niệm xã hội, chính trị và đạo đức của
quốc gia này một cách sâu sắc và toàn diện. Tệ hại hơn, trong suốt cuộc
cách mạng này, tất cả những gì liên quan đến các tôn giáo đều bị Hồng
vệ binh tàn phá thẳng tay. Nhiều công trình tôn giáo như chùa chiền, nhà
thờ, tu viện và cả các nghĩa trang đều bị đóng cửa, bị cướp phá hoặc bị
đập bỏ. Điều khủng khiếp nhất của chiến dịch là việc sử dụng bừa bãi
hình thức tra tấn, giết chóc những người vô tội, dẫn đến các vụ tự tử do
nạn nhân không chịu được tra tấn và nhục nhã.
Cách mạng Văn hóa – tội lỗi của ai?
(Trao đổi với giáo sư Mao Vu Thức)
(Trao đổi với giáo sư Mao Vu Thức)
Hidematsu Hiyoshi[1]
Trong
thời đại Mao Trạch Đông, dân chúng không có quyền tự do ngôn luận, tự
do theo đuổi nghề nghiệp, tự do cư trú và tự do đổi nơi cư trú. Điều mà
người dân có thể làm chỉ là sự phục tùng. Bởi vì “kẻ không phục tùng
không có cơm ăn”, ai không phục tùng thì phải “đói mà chết dần”. Tất cả
bi kịch cũng như mọi chuyện hoang đường xuất hiện trong thời Cách mạng
Văn hóa không phải là trách nhiệm và lỗi lầm của nhân dân Trung Quốc
(trong đó có giáo sư Mao Vu Thức[2]). Tạp chí Minh Kính số tháng 8 đăng bài “Kỉ niệm một vị nữ thánh” của Ngô Giá Tường.[3]Trong bài có nhắc đến chuyện kinh tế gia Mao Vu Thức phát biểu trong lễ kỉ niệm tròn 90 năm ngày sinh Vương Bối Anh[4]rằng
“Bi kịch Cách mạng Văn hóa dù do lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông đích
thân đạo diễn, cộng thêm nhóm tứ nhân bang cùng những kẻ tay sai trợ ác
cùng lắm cũng chỉ mấy trăm người. Vậy mà cả nước sáu bảy trăm triệu
người điên cuồng vào cuộc. Có một nửa trách nhiệm ở người dân. Nếu Mao
Trạch Đông và lũ bốn tên sang Hoa Kì làm việc đó thì khẳng định là làm
không nổi”.[5]Giáo
sư Mao có dũng khí phản tỉnh như vậy thực đáng ca ngợi. Vậy mà người
viết bài này quả thật không dám đồng ý với phát biểu cho rằng nhân dân
phải gánh một nửa tránh nhiệm về bi kịch Cách mạng Văn hóa và nếu như là
ở Mĩ thì không thể tiến hành được cuộc cách mạng đó. Chúng tôi cho rằng
quan điểm đó có vấn đề về logic rất đáng được trao đổi thêm.
“Kẻ không phục tùng không có cơm ăn”
Cách
mạng Văn hóa sở dĩ có thể phát động và lôi cuốn dân chúng – việc này
hoàn toàn có quan hệ với thể chế chính trị Trung Quốc. Dưới thời Mao,
dân không chỉ mất quyền tự do ngôn luận. Đến quyền tự do chọn nghề
nghiệp, tự do cư trú và di chuyển cũng chả có. Mỗi một người đều trở
thành “chiếc đinh ốc” trong cỗ máy quốc gia. Còn nhà nước thì trở thành
người chủ nhân công duy nhất, người kinh doanh của tất cả các xí nghiệp.
L.Trotsky nói từ 1937: “Trong những nước mà nhà nước là người thuê nhân
công duy nhất, phản kháng đồng nghĩa với việc “từ từ chết đói”. Nguyên
tắc xưa cũ “kẻ không lao động không được ăn” đã bị thay thế bởi nguyên
tắc mới “kẻ không phục tùng không được ăn”[6](sách
“Đường đến nô dịch”). Trong một xã hội như thế, việc mà dân chúng có
thể làm chỉ có thể là phục tùng và phục tùng. Bởi vì “kẻ không phục tùng
không được ăn”, kẻ không phục tùng thì sẽ đối diện với uy hiếp của việc
phải “từ từ chết đói”.
Ta
hãy xem tình cảnh xã hội Trung Quốc thời Mao. Chính quyền mới được
thành lập sau 1949. Trong thập niên những năm 50 hàng loạt các cuộc vận
động chính trị và trấn áp phản cách mạng do Mao phát động đã tiêu diệt
triệt để giai cấp trí thức thân hào trong xã hội Trung Quốc truyền
thống. Những chức năng có tính truyền thống của xã hội Trung Quốc theo
đó cũng tiêu vong. Trên một cơ sở như thế Mao đã sử dụng năm thủ đoạn
kể sau để khống chế chặt chẽ xã hội dưới tay mình.
Thủ đoạn thứ nhất – Chế độ hộ khẩu
Chế
độ hộ khẩu kiểu Trung Quốc phân tách thành thị và nông thôn. Nông dân
suốt đời bị cầm cố ở nông thôn, các hộ dân quê không có cách nào để dời
lên thành phố. Không có hộ khẩu thành phố thì không có chỗ làm, không có
hộ khẩu thành phố thì không có phân phối lương thực, không có hộ khẩu
thành phố không những không làm được bất cứ việc gì mà chính ra là không
thể sinh tồn. Dân thành phố cũng bị cầm cố tại chính nơi cư trú của
mình. Việc chuyển chỗ ở giữa các thành phố cũng vì chế độ hộ khẩu mà
chịu sự khống chế hoàn toàn. Chế độ hộ khẩu đó dẫn đến vấn đề bất bình
đẳng về mức sống, việc làm, đi học giữa nông thôn và thành phố. Vậy
nhưng chỗ giống nhau về quyền lợi chính trị mà dân nông thôn và dân
thành phố được hưởng đều là “không có gì”. Chế độ hộ khẩu Trung Quốc còn
có một công năng khác, đó là thông qua hộ khẩu cưỡng chế những ai không
phục tùng hay có kiến giải độc lập về nông thôn tiếp thu giáo dục lao
động cải tạo. Sự khác biệt giữa thành phố và nông thôn kiểu như thế hoàn
toàn là do con người tạo nên. Những ai có hiểu biết về thời kì lịch sử
đó đều thấy rõ như thế.
Thủ đoạn thứ hai – Chế độ tem phiếu phân phối
Mao
Trạch Đông dùng chế độ phân phối tem phiếu để nắm chặt trong tay mình
nguồn nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân sinh. Bất cứ một số lượng tiêu
dùng nhu yếu phẩm nào cần thiết cho sinh hoạt đều được phân phối, người
dân không thể tự do có được các nhu yếu phẩm đó. Khi mua lương thực
không những cần có sổ mà còn cần cả tem phiếu, có tiền cũng không mua
được định mức quy định theo tháng. Điều cần phải chỉ rõ là, phiếu lương
thực còn chia thành loại phiếu thông dụng toàn quốc, loại phiếu dùng ở
địa phương các tỉnh và loại phiếu dùng cho các thành phố. Trừ loại phiếu
lương thực thông dụng toàn quốc ra, hai loại sau chỉ có thể dùng trong
phạm vi các tỉnh các thành phố. Người ta không thể xoay trở được nếu như
không có phiếu lương thực. Chỉ riêng với chế độ phiếu lương thực đã có
thể khống chế được quyền tự do hành động của dân chúng. Nhưng chế độ
phân phối của Mao gồm một nội dung hết sức rộng rãi. Tất cả đều được
phân phối theo phiếu – có phiếu dầu ăn, phiếu vải, phiếu trứng, phiếu
đường, phiếu thịt, phiếu máy khâu, phiếu xe đạp,… Đến tết có phiếu hàng
tết. Đủ loại tem phiếu quán xuyến toàn bộ đời sống người dân Trung Quốc.
Thủ đoạn thứ ba – Chế độ hồ sơ lí lịch
Chế
độ hồ sơ lí lịch không xa lạ đối với mỗi người dân Trung Quốc. Cho dù
anh học ở trường, công tác ở các đơn vị cơ quan hay về hưu ở nhà (về hưu
hồ sơ lí lịch được chuyển về khối phố hoặc công xã nơi đương sự sinh
sống). Hồ sơ lí lịch theo liền với từng người cho đến hết đời. Chức năng
của chế độ hồ sơ lí lịch không thua kém gì một sự theo dõi ngầm của cơ
quan công an. Trường học và cơ quan sẽ ghi vào hồ sơ nếu đương sự bị kỉ
luật. Những nhận xét hay giới thiệu mà chính đương sự không được đọc
thấy hay không được chính đương sự xác nhận cũng được phê viết vào hồ sơ
lí lịch. Tính cách tiêu cực hay tích cực của những lời phê đó ảnh hưởng
đến đến cuộc sống giữa xã hội của chủ nhân bộ hồ sơ. Những ai có dũng
cảm phàn nàn, nêu ý kiến hay phát ngôn trái lạ đều bị ghi vào trong hồ
sơ lí lịch. Còn như việc sẽ chịu xử lí như thế nào thì chỉ còn trông chờ
vào may rủi. Chế độ hồ sơ lí lịch phi nhân tính đó trên thực tế đã tước
đi quyền tự do ngôn luận.
Thủ đoạn thứ tư – Chế độ giáo dục lao động cải tạo
Giáo
dục lao động cải tạo được nói là một loại xử phạt hành chính nhưng trên
thực tế rất gống với xử phạt hình sự. Chế độ giáo dục lao động có tính
tùy tiện, nó có thể do một đơn vị cơ quan quyết định. Như thế chế độ
giáo dục lao động khiến cho các cơ quan đơn vị trở nên rất gần với một
cấp tư pháp nhưng tùy tiện và vô pháp luật. Mặc dù nói là xử phạt hành
chính và được gọi là “trị bệnh cứu người” nhưng những người bị bắt đi
lao động không những mất quyền tự do nhân thân đồng thời họ cũng trở
thành “tiện dân” của xã hội và chịu sự kì thị. Nghiêm trọng hơn là khi
mãn hạn lao-giáo rồi người ta vẫn có thể cưỡng chế người bị giáo dục
bằng lao động đó ở làm việc tại chỗ. Trên thực tế đó là một thứ tù không
kì hạn, suốt đời bị giam thân cảnh tù, mất hẳn tự do. Việc có thể tùy ý
thực hiện chế độ lao-giáo đối với dân chúng là biểu hiện của sự khủng
bố chính trị thời Mao.
Thủ đoạn thứ năm – Chế độ cơ quan đơn vị
Dưới
thời Mao, “cơ quan/đơn vị” trên thực tế chính là chỗ để khống chế cá
nhân. Quyền tự do theo đuổi nghề nghiệp bị tước bỏ, tất cả mọi người đều
nhận công tác theo sự sắp xếp của nhà nước. Người ta không có quyền
chọn công việc và cũng không có quyền từ chối công việc được phân công.
Nhà nước không cho phép tùy ý từ chức hay đổi công tác. Mỗi một người
suốt đời làm việc ở những vị trí công tác đã được phân công. Tiền lương
do nhà nước quy định. Tình trạng đi làm cả đời không có tăng lương là
rất nổi bật. Một khi anh rời khỏi đơn vị hoặc bị đơn vị khai trừ đồng
nghĩa với việc hoặc là anh đã ra khỏi cái xã hội mà Mao đang khống chế
hoặc là anh bị cái xã hội đó khai trừ. Anh sẽ lâm cảnh đường cùng, mất
hết nền tảng sinh hoạt. Trong cái chế độ cơ quan-đơn vị đó, để sinh tồn
kiếm sống nuôi gia đình anh chỉ có thể phục tùng và phục tùng. Nhân dân
Trung Quốc không có tội và cũng không có trách nhiệm về Cách mạng Văn
hóa.
Thời
đại Mao Trạch Đông chính là dùng những thủ đoạn như thế để khống chế
toàn bộ xã hội Trung Quốc. Cộng thêm vào đó là hết cuộc vận động chính
trị trị này đến cuộc vận động chính trị kia. Tất cả khiến cho nhân dân
Trung Quốc thực không có lấy một cơ hội nào để thở lấy hơi nữa. Cách
mạng Văn hóa trong suốt quá trình của nó xem ra rất là hỗn loạn nhưng cả
xã hội vẫn được khống chế chặt trong tay Mao. Mà Cách mạng Văn hóa là
một cuộc vận động chính trị nhằm giải quyết chuyện người thừa kế quyền
lực. Nói cách khác Mao phát động Cách mạng văn hóa là nhằm mục đích biến
giang sơn của một đảng thành giang sơn của một nhà, chuẩn bị cho Giang
Thanh tiếp nối quyền hành[7](Xem
Lưu Thông, “Mục đích của Cách mạng Văn hóa – Xác lập người thừa kế
quyền hành”). Trong Cách mạng Văn hóa, từ trên xuống dưới, từ trong đảng
đến người ngoài đảng tất cả đều bị cuốn vào trong đó. Người bị cuốn vào
không biết nguyên do sự việc nhưng kẻ phát động thì từng bước hướng
cuộc vận động đi đến mục tiêu đã dự định trước. Nhiều lãnh đạo cấp cao
bị cuốn vào mà không sao hiểu được nguyên do, họ lại còn đứng đó hô hào
học tập. Họ cảm thấy chuyện dường như là “cách mạng gặp phải vấn đề
mới”. Nhiều lãnh đạo bị lôi ra phê đấu bắt đầu công việc tự kiểm thảo đi
kiểm thảo lại. Mao Trạch Đông bày đặt mê hồn trận, khiến cho đám đông
những là “đối tượng của cách mạng” từ to đến nhỏ không biết phải như thế
nào cho phải, suốt này hoảng hốt giữa rầm trời tiếng hô khẩu hiệu và
tiếng hô đả đảo. Trong một không khí khủng bố chính trị như thế, quần
chúng dân đen không chút quyền hành sống khác gì chết. Họ đến nói năng
cũng phải giữ mồm, không cẩn thận là bị hàng xóm thậm chí chính vợ
(chồng) con cái mình phản ánh, tố giác. Trong thời buổi Cách Văn hóa, ai
cũng run sợ cho bản thân, ngay cả người thân cũng không được tin. Lúc
bấy giờ, “tin tưởng” đã trở thành từ đồng nghĩa của từ “nguy hiểm”. Bạn
bè tri âm trở thành người cáo giác, người dám nói thẳng chẳng khác gì
đang đào huyệt cho mình. Cả nước từ trên xuống dưới chỉ mỗi Mao là người
hưởng quyền “tự do ngôn luận” ghi trong hiến pháp. Mọi công dân của
cộng hòa quốc này đều đã bị tước bỏ quyền phát ngôn. Mọi hành động đều
chờ chỉ huy của Mao, vạn vật sinh trưởng cũng nhờ sự tưới tắm của “lời
dạy của chủ tịch” (ngữ lục). Trong những năm tháng gọi là “cách mạng”
đó, mở miệng là “muôn năm”, kiểm thảo ngày nào cũng có, tự sát trở thành
ước mơ. Tất cả là để làm gì? Vận động quần chúng là để chặn đánh tâm lí
phản nghịch của quần chúng. Vận động lãnh đạo cao cấp là để chống lại
“lửa bất bình” nơi họ, làm cho họ cụp tai cúi đầu cam nô lệ. Mao gây bao
án oan, bức đồng chí không ngừng tự kiểm thảo. Mao muốn tinh thần “tội
tổ tông” thấm sâu vào thần dân. Chỉ như thế thì mới có thể khiến cho dự
trù chính trị của mình thực hiện thông suốt.
Ham
sống sợ chết là thiên tính của con người. Trong một xã hội mà không khí
khủng bố nhuốm mùi tanh của máu, dân chúng xô dạt theo dòng lớn là
chuyện không khó hiểu cả về tình lẫn về lí. Hẵng xem một người tài năng
tót vời như Quách Mạt Nhược đã phải sống một cuộc sống run rẩy kinh hãi
ra sao là đủ biết quần chúng thường dân vì sao lại phải “ngây cuồng”.
Hẵng xem biết bao nhà văn nổi tiếng bỗng chốc tất cả cùng im lặng tập
thể, gác bút tập thể là đủ thấy Mao Trạch Đông đã không chế thành công
xã hội Trung Quốc đến mức nào. Cũng đủ để thấy dân chúng vì sao phải “ba
phải a dua”. Bởi vì họ chỉ mỗi việc phải phục tùng, “ngây cuồng” hay
“ba phải vào hùa” là kết quả của việc phải phục tùng. Không thế thì sẽ
“dần dần chết đói”. Dám chắc giáo sư Mao Vu Thức cũng ở trong đội ngũ
đó. Đó quyết không phải là tội lỗi và trách nhiệm của nhân dân Trung
Quốc (gồm cả giáo sư trong đó). Quả đúng như giáo sư đã nói: “Nếu Mao
Trạch Đông và lũ bốn tên sang Hoa Kì làm Cách mạng Văn hóa thì khẳng
định là làm không nổi”. Sở dĩ những việc tương tự Cách mạng Văn hóa
không thể phát động nổi ở Mĩ là bởi vì chế độ chính trị quốc gia này
không cho phép các nhà chính trị muốn làm gì thì làm. Điều còn quan
trọng là, các nhân vật chính trị ở Mĩ là do dân chúng bỏ phiếu chọn ra.
Tất cả những người đó (bao gồm cả tổng thống) đều phải chịu trách nhiệm
trước dân chúng. Thế nên chính trị gia tại Mĩ không thể hành động khinh
suất hay tùy ý trái phản ý dân. Ai cũng biết chính trị Trung Quốc thời
Mao và chính trị Hoa Kì không giống nhau. Vậy đương nhiên là ngón nghề
của Mao làm sao mà thi hành được ở Hoa Kì! Bản thân Mao cũng biết rõ
điều đó. Sau lúc Liên Xô hạ bệ Stalin, chính Mao từng nói nếu như ở các
nước phương Tây thì đã không có chuyện kiểu Stalin.[8]Thế nhưng Mao hoàn toàn không rút ra bài học gì cả. Sau vụ Watergate, Richard Nixon bị điều trần. Bill
Clinton vì chuyện quan hệ ngoài hôn nhân mà bị quốc hội điều tra và ông
đã buộc phải xin lỗi dân Mĩ. Ngược lại Mao chưa hề có một lời xin lỗi
nào về những việc sai lầm của mình. Bành Đức Hoài[9]dũng cảm vì dân cuối cùng cũng chỉ là “Tôi không uống thuốc của Mao Trạch Đông” “Tôi không ăn cơm của Mao Trạch Đông”.[10]Một
nguyên soái chiến công hiển hách cũng chỉ biết dùng cách đó để phản
kháng thì còn yêu cầu được người dân phải làm thế nào? Một chế độ tốt
đẹp có thể khiến một người xấu không dám làm việc hư, một chế độ bất
lương có thể khiến người tốt làm việc xấu. Đây là lí do vì sao người ta
yêu cầu phải cải cách thể chế. Giả sử, nếu xưa kia các bậc tiên hiền
buổi đầu nước Mĩ kiến quốc không dựng nên chế độ dân chủ, nếu
G.Washington sau 8 năm làm tổng thống không sáng suốt và dứt khoát rút
lui khỏi đời sống chính trị, nếu không có việc những người kế thừa
Washington thể chế hóa hành động của ông, nếu Washington thực hiện triệt
để chế độ chính trị kiểu Mao thì hoàn toàn có thể khẳng định – việc
xuất hiện thảm cảnh Cách mạng Văn hóa hay việc nảy sinh bi kịch tương tự
bi kịch của những Trương Chí Tân[11], Vương Bối Anh là hoàn toàn có thể.
Vì
vậy, tất cả những bi kịch hay những chuyện hoang đường xuất hiện trong
Cách mạng Văn hóa chỉ có thể là trách nhiệm của kẻ phát minh Mao Trạch
Đông. Nếu không sẽ là không công bằng đối với lịch sử và cũng là một
điều sỉ nhục đối với người dân Trung Quốc – những kẻ không có chút quyền
kinh tế và quyền chính trị nào trong tay.
Lê Thời Tân dịch từ nguyên bản tiếng Trung.
_____________
[1]Học giả Nhật gốc Hoa. Bài đăng trên 《明鏡月刊》nhan đề “文革”究竟誰之罪:與茅于軾先生商榷” (xin xem city.mirrorbooks.com).
[2]茅
于軾(Mao Yushi 1929- ), nhà kinh tế học Trung Quốc đương đại. Năm 1958
bị quy “phái hữu” đình chỉ công tác. Trong Cách mạng Văn hóa bị khám nhà
và đấu tố rồi bắt đi lao động. Nhận Giải thưởng kinh tế học Milton
FriedmanLiberty Prize của Mĩ năm 2012.
[3]吳
稼祥(Wu Jiaxiang 1955 - ), nhà nghiên cứu kinh tế học, từng thỉnh giảng
tại Đại học Harvard. Sau sự kiện mùa xuân Thiên An Môn bị bắt giam. Mãn
hạn tù năm 1992. Ngô là một trong những học giả đề xuất sớm nhất ý hướng
cải cách xí nghiệp quốc doanh và thực hiện chế độ cổ phần ở Trung Quốc.
[4]王
佩英(Wang Peiying 1915-1970), nguyên là một nữ nhân viên ngành đường
sắt, do phản đối Mao Trạch Đông mà bị bắt vào viện chữa bệnh tâm thần.
Trong Cách mạng Văn hóa bị gán tội phản cách mạng, nhét gạch vụn vào mồm
và giong phố đấu tố. Sau đó bị phán quyết “lập tức tử hình”. Cuộc xử
bắn ngày 27/1/1970 được truyền hình làm gương. Năm 1980 sửa án sai, kết
luận bị bệnh nhân tâm thần không nên kết án hình sự. Năm 2011 kết luận
lại Vương vô tội và rút lại lời kết luận Vương mắc bệnh tâm thần.
[5]Xem Ngô Giá Tường, 《雖億萬人,吾往矣- 紀念一位聖女》đăng trên《明镜月刊》số tháng 8/2010 (kì 6), tr.78.
[6]Xem Vương Minh Nghị dịch, 《通向奴役之路》, Trung Quốc Xã hội Khoa học Xuất bản xã, 1997, tr.116 (The Road to Serfdom của Friedrich August von Hayek có bản dịch tiếng Việt Đường về nô lệ của Phạm Nguyên Trường, Hà Nội, Nxb Tri thức –ND).
[7]Xem劉松,《文化大革命的目的-確立繼承人》introng日本大學大學院國際關係研究科《大學院論集》, kì 11, 2001, tr.61~85. Hoặc xem 關心dịch,《毛澤東最後的革命》, Thinker Publishing (HK) Limitedxuất bản, 2009, tr.328 (tức cuốn Mao’s Last Revolution
của Mac Farquhar và Roderick –
ND)
[8]Xem《鄧小平文選》, quyển 2, tr.333
[9]Bành
Đức Hoài (1898-1974), nguyên soái, từng là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng. Chống lại chính sách Đại nhảy vọt của Mao từ Hội nghị Lư
Sơn (1959). Bị quy tội phản đảng cách chức và kỉ luật. Trong Cách mạng
Văn hóa bị đấu tố đánh đập rồi quy tội gián điệp. Bị thầm vấn hàng trăn
lần. Mắc bệnh không được chạy chữa, chết ngày 29/11/1974. Trước lúc chết
xin được gặp vợ đã li hôn đang lao động cải tạo ngoại ô Bắc Kinh nhưng
bị vợ từ chối. Bình đựng tro cốt ghi thành họ tên khác. Được khôi phục
danh dự năm 1978. Ghi chép trong tù xuất bản thành sách nhan đề “Bành
Đức Hoài tự thuật” (ND).
[10]Xem 馬輅,佩璞,馬秦泉,《彭德懷廬山起禍》(Bành Đức Hoài – Tội khởi từ Hội nghị Lư Sơn), Nhã Lâm xuất bản xã, 1990, tr.36.
[11]Trương
Chí Tân (1930-1975), đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc. Bị bắt tù từ
1969 cho đến 1975 vì dám phê phán sùng bái cá nhân và bệnh tả khuynh.
Khác biệt giữa hai người phụ nữ Trương Chí Tân và Vương Bối Anh ở chỗ
Trương trước sau không phủ nhận tư cách đảng viên của mình, trong lúc
Vương sớm xin ra khỏi đảng. Trương trước lúc đem ra tử hình đã bị tra
tấn đến phát điên nhưng vẫn bị cho là giả vờ trong lúc Vương khi đưa ra
bắn bị xem là điên. Vương bị siết cổ khi đem ra pháp trường còn Trương
bị cắt yết hầu trước khi xử tử. Năm 1978 Trương được khôi phục danh dự,
năm 1979 công nhận liệt sĩ (ND).
(Nguồn: vanhoanghean.vn)