Đức Hồng Y William Levada, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 6 tháng 7 vừa qua, lên tiếng giải thích rõ tại sao Đức Bênêđíctô XVI vẫn cứ theo đuổi cùng một sáng kiến ấy trong bối cảnh tranh cãi như vậy. Ngài cho rằng: “Đây không phải là vấn đề che dấu đức tin vì sự hợp nhất nông cạn, bề ngoài, nhưng tuyên xưng rằng Chúa Kitô là nền hòa bình của ta, và chính vì thế, con đường hòa bình cũng là con đường của Giáo Hội, như Đức Gioan Phaolô II và Thượng Phụ Đại Kết từng tuyên xưng .
Trong tuyên bố của mình, Đức Hồng Y Levada cho rằng ngài dựa vào các suy tư của Đức Hồng Y Ratzinger trước đây cũng như của Công Đồng Vatican II để giải thích ý hướng của biến cố Assisi. Theo ngài, “Vì ‘mọi người đều được mời gọi kết hợp với Chúa Kitô’ (Lumen Gentium, 3), nên Giáo Hội phải là men của sự kết hợp dành cho cả nhân loại này: không phải chỉ bằng cách công bố Lời Chúa, mà còn qua chứng tá sống của một đời kết hợp với Thiên Chúa nữa. Đó mới chính là con đường đích thực của hòa bình”.
Đàng khác, Đức Hồng Y Levada nói thêm: “Chủ đề ‘Người Hành Hương Chân Lý, Người Hành Hương Hòa Bình’, được chọn cho Ngày Assisi sắp tới, còn cho ta một động lực thứ hai: muốn hy vọng một cách thực tế cùng nhau xây dựng được hòa bình, điều cần là phải đặt chân lý thành tiêu chuẩn. Mối liên kết nguyên thủy giữa ethos và logos, nghĩa là giữa tôn giáo và lý trí, cuối cùng nằm ở chính trong Chúa Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa: chính vì thế, Kitô Giáo có khả năng phục hồi được mối liên kết này cho thế giới”. Ngài kết luận “Hòa bình mà không có chân lý là điều không thể có”. Ngược lại cũng thế “thái độ đối với hòa bình xác định ra tiêu chuẩn đích thực cho chân lý”
Vũ Văn An (Nguồn: vietcatholic.org - 7/11/2011)