“Tu là cõi phúc, tình là dây oan”?

Mỗi khi có dịp về thăm nhà, bà con cô bác thường đến chơi. Lâu ngày mới gặp, tay bắt mặt mừng, cô bác hỏi thăm hết chuyện này đến chuyện kia, từ chuyện học hành, sức khỏe, đến chuyện tu tác, khấn hứa, chức tước… ! Thăm hỏi xong thì sang “tiết mục” khuyên lơn, động viên, khuyến khích. Và một trong những lời khuyên lơn mà trước khi tạm biệt ra về, hầu như cô bác nào cũng ưu ái dành cho thằng cháu đi tu thân yêu của mình, đó là: “Thôi, ráng tu đi con! Bởi vì ‘tu là cõi phúc, tình là dây oan’ mà! Như (Cô, Bác, Chú, Thím) đây ngày xưa cũng muốn đi tu lắm mà đâu có được, hình như Chúa không chọn sao ấy(?), cho nên bây giờ cái số mới lận đận, long đong …biết vậy ngày xưa cố tu cho rồi..v.v..
Tội nghiệp cho thằng cháu, chỉ biết mỉn cười, im lặng lắng nghe cái điệp khúc đó được lập đi lập lại muốn “mòn” cả lỗ tai. Thế nhưng, ngẫm nghĩ lại những lời khuyên có vẻ chất phác, chân quê và hết sức chân thành đó nghe lâu, nghe hoài bắt đầu thấy thấm, bắt đầu suy nghĩ, bắt đầu đặt lại vấn đề; vấn đề của chữ Tu và vấn đề của chữ Tình. Tu như thế nào là tu cõi phúc và tình như thế nào là tình dây oan? Câu thơ mang đậm tính triết lý sống của Nguyễn Du có hoàn toàn đúng không, và đúng là đúng trong mức độ nào, trong hoàn cảnh nào, thời cuộc nào? Không biết đối với người khác thì sao, riêng đối với bản thân mỗi lần nghe hay đọc câu thơ đó, trong lòng cảm thấy có điều gì không ổn.
Không ổn là bởi lẽ, trong thực tế, đi tu đâu phải lúc nào cũng là cõi phúc, và tình đời đâu phải lúc nào cũng là dây oan. Nếu tu là cõi phúc thì sao số người “xung phong” đi tìm cõi phúc ít ỏi thế! Thưa thớt đến thế! Cho đến nay được mấy phần trăm so với dân số thế giới? Và trong số những người “xung phong” đi tìm cõi phúc đó, sao vẫn thấy rải rác đó đây có những người cứ mãi than rằng: “đời tu sao mà khổ quá, chông gai quá, tù túng quá”! Lịch sử còn cho thấy đã có không biết bao nhiêu là ông thầy, bà sơ, ông sư, bà sãi giũ bỏ chiếc áo dòng, áo cà sa để vui vẻ “ tròng cái dây oan” vào người!
Ngược lại, nếu tình là dây oan thì sao số người chạy theo tình đông đến thế, nhiều đến thế, thích thú đến thế! Một điều trớ trêu hơn nữa, nếu tình là dây oan, mà dây oan tức là đau khổ, là bất hạnh, là bẽ bàng, vậy thì phải lo mà tránh né chứ? Đàng này, người ta lại thích sống với dây oan, thích nói về dây oan, thích hát về dây oan, thích kể lể về dây oan. Người ta thường say sưa kể cho nhau nghe về những câu truyện tình lâm ly bi đát, như truyện tình Rômeô và Julliette, truyện Trương Tri Mỵ Nương, truyện Kiều của Nguyễn Du..v.v.. Kể chưa thấy đã, người ta lại còn thích nghe rên rỉ về dây oan, về những bài hát buồn thương tê tái, oai oán ly biệt, như bài: Tôi đưa em sang sông; rồi mười năm tình cũ; những đồi hoa Sim hay chuyện tình Lan và Điệp..v.v.. Và ca sĩ nào hát càng hay, càng diễn tả được nỗi buồn đó, sự oan trái đó, thì người ta lại càng thích nghe, càng muốn nghe, nghe say mê, nghe quên cả lối về. Thực tế cho thấy, có không ít những ca sĩ, những nghệ sĩ đã leo lên tới đỉnh cao của danh vọng, nghệ thuật là nhờ khả năng diễn tả thành công những bài hát nói về sự oan trái của tình đời.
Vậy thì thử hỏi đâu là cõi phúc, đâu là dây oan thực sự của cuộc đời? Xin thưa rằng, dây oan và cõi phúc không phải là định mệnh của một kiếp người. Bởi lẽ, tu cũng có thể là cõi phúc, mà tu cũng có thể là dây oan; tình cũng vậy, tình có thể là dây oan, mà tình cũng có thể là cõi phúc.
Tu sẽ trở thành dây oan, nếu tu đó không phải là tu vì một lý tưởng cao thượng, vì một sự hiến thân trọn vẹn cho tình yêu. Tu không vì một sự hoàn thiện nhân cách và để khám phá ra chân tính của mình. Tu không vì một sự đáp lại lời mời gọi yêu thương của Đấng Tối Cao, mà vì muốn tìm một chốn dung thân cho an nhàn, cho thoải mái. Cái tu đó là một cái tu đau khổ, một cái tu chết chóc, một cuộc sống vong thân và tự buộc dây oan cho chính mình. Những người đi tu kiểu đó, tiến sĩ Phan Văn Chức khuyên rằng: “cần phải ‘thoát khỏi’ sợi dây oan đó càng sớm càng tốt”.
Nhưng tu sẽ trở thành cõi phúc thật sự, nếu tu đó là tu vì chân lý, vì khát khao tìm kiếm sự thật, tìm kiếm Chân -Thiên - Mỹ, chứ không phải vì một sự sợ hãi, một sự chạy trốn trách nhiệm, trách nhiệm đối với bản thân, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Cái tu đó là tu cho ra tu, tu cho xứng đáng là một con người chân tu, tu với đầy đủ với ý thức và tự do của một con người trưởng thành. Tu cho thật lòng chứ đừng tu kiểu “chân trong chân ngoài”, tu thử, tu dùm, tu cho cha cho mẹ, cho dòng tộc, cho cha bố, cho cha xứ… Nhưng là tu với tất cả con người của mình, cống hiến trọn vẹn khả năng của mình cho lý tưởng, cho tình yêu, cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Cái tu đó mới thực sự là cõi phúc, là niềm vui chân thật, là tự do đời mình trong ơn gọi dâng hiến.
Tình cũng vậy, tình sẽ là dây oan, tình sẽ là bất hạnh, nếu tình đó là một thứ tình vụng trộm, thiếu trong sáng, thiếu chân thật, thiếu hiểu biết. Thứ tình chỉ xem người yêu như là một cái gì để chiếm hữu, để lợi dụng, để thỏa mãn những ước muốn cá nhân thấp hèn. Không biết tôn trọng người yêu, không biết nhìn nhận người yêu có một giá trị tuyệt đối, có một thế giới riêng tư bất khả xâm phạm; có một tự do để sống, để làm người, để chọn lựa những gì tốt đẹp. Thứ tình đó chắc chắn sẽ đưa đến đau khổ, đỗ vỡ và bất hạnh.
Còn thứ tình luôn hợp với “lễ giáo gia phong” hợp với “ luân thường đạo lý”. Biết tôn trọng người yêu, biết xem người yêu như là quà tặng cao quý của Thiên Chúa, biết cùng nhau nhìn về một hướng, cùng nhau đi tìm một tình yêu chân thật, biết quên mình để đem hạnh phúc cho người mình yêu, biết lấy “tam cương ngũ thường” lấy “đạo đức trung dung” làm lẽ sống cho hạnh phúc lứa đôi, cho mái ấm gia đình. Thứ tình đó là một thứ tình tuyệt vời, là cõi phúc thật sự, là thiên đàng tại thế vậy! Thế nên, có thể nói được rằng, câu thơ mà Nguyễn Du đặt trên môi miệng Thúy Kiều: “tu là cõi phúc, tình là dây oan” là một câu thơ có tính đặc thù và chủ quan, nó hoàn toàn đúng với tâm trạng và hoàn cảnh của Thúy Kiều lúc bấy giờ.
Ai trong chúng ta nếu đã có lần đọc qua truyện Kiều, thì chắc hẳn còn nhớ: Kiều, một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì chữ Hiếu, chấp nhận một cuộc đời phiêu bạt, mười lăm năm trôi dạt giữa dòng đời, trở thành món hàng bán từ tay người này qua tay người khác; cuộc đời đã chà đạp Kiều đến rách nát thảm thương; cuộc đời không cho Kiều một con đường sống, không cho Kiều được làm một con người cho ra người; cho nên, trong cơn tuyệt vọng, Kiều đã tìm đến con đường chết. Kiều tự tử, nhưng không thành, nhà sư Giác Duyên đã cứu vớt Kiều. Khi vừa hồi tỉnh, Kiều nhìn thấy gương mặt hiền lành, khả ái, đầy phúc hậu của nhà sư, khiến cho Kiều phải thốt lên rằng: “tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Trong hoàn cảnh và tâm thức của Kiều lúc bấy giờ thì quả thật, chỉ có tu mới là cõi phúc, còn tình đời toàn là dây oan, là nghiệt ngã, là bể dâu…
Thế nhưng, điều đó đâu có phải là một chân lý khách quan để trở thành một quan niệm hoàn toàn đúng như ông bà ta nghĩ. Bởi vì, tu cũng có thể là cõi phúc, mà tu cũng có thể là dây oan. Tình cũng vậy, tình có thể là dây oan, nhưng tình cũng có thể là cõi phúc. Cõi phúc và dây oan, điều đó hoàn toàn lệ thuộc vào mỗi người có sống đúng với ơn gọi của mình hay không, có thể hiện đúng sứ mạng và vai trò của mình hay không, có thực sự sống cho ra một con người hay không, con người của chính mình ấy. Đặc biệt là chúng ta, những người mang danh Kitô hữu, những người đang theo chân Chúa Kitô bằng cách này hay cách khác (hôn nhân hoặc thánh hiến), và mong muốn họa lại con người Chúa Kitô nơi chính bản thân mình. Chúng ta có dám sống cho một tình yêu và dám chết cho một niềm tin và chân lý hay không? Bởi vì “nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi thì nó mới sinh được nhiều bông hạt” (Ga 12, 24).
Cha Antoni de Mello nói rằng: hạnh phúc không phải là những gì ở ngoài tầm tay con người. Hạnh phúc cũng không phải là những gì mà người khác mang đến cho mình. Nhưng hạnh phúc ở trong chính mỗi con người, ngay bây giờ và lúc này. Chính Chúa Giê-su đã từng nói với người phụ nữ Samaritanô rằng: “Đã đến lúc người ta không còn thờ phượng Thiên Chúa ở Giêrusalem hay trên núi Agagim này nữa, nhưng là trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4, 21). Mà Thần Khí thì ở trong lòng mỗi người vì “anh em là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần”(1Cr 6,19 ). Vâng, Thiên Chúa ở ngay trong lòng mình, cõi phúc ở ngay trong lòng mình chứ không ở đâu khác. Chỉ cần ý thức được điều đó, xác tín được điều đó, là con người đang dần dần cảm nếm được niềm hạnh phúc chân thật.
Thế nhưng, phần lớn nhân loại lại không nhận ra được điều vĩ đại đó. Con người cứ thích sống bon chen, cứ lao vào vòng xoáy cuộc đời như những con thiêu thân, cứ quay cuồng với danh vọng, địa vị, tiền tài và tìm kiếm hưởng thụ: xì ke, thuốc lắc, tình dục…. Và rồi, trong vòng xoáy đó, con người cứ mải miết kêu gào người khác mang hạnh phúc đến cho mình. Con người đặt hạnh phúc của mình nơi thần tượng này, nơi chức vị nọ, nơi danh dự kia. Con người cứ nghĩ rằng, ông này, bà nọ, cô kia sẽ là hạnh phúc của mình, sẽ làm cho đời mình hạnh phúc. Và ngược lại, nếu không có những người đó, không có chàng, không có nàng, không có nhà lầu xe hơi, không có con khôn vợ đẹp, không có máy tính xách tay, không có di động di điếc như người ta… hay thậm chí không được làm linh mục, giám mục thì đời mình sẽ bất hạnh biết bao, cuộc đời coi như là vất đi, cuộc đời không còn đáng sống nữa…
Không phải thế! Hoàn toàn không phải thế!
Như đã nói, hạnh phúc không phải là những gì đến từ bên ngoài. Hạnh phúc là một trạng thái của nội tại, không dính dáng gì với hoàn cảnh bên ngoài. Điều này cho thấy tại sao có những người vẫn cảm thấy mình hạnh phúc ngay trong hoàn cảnh gian nan và khốn cùng, ngay trong thử thách và gian truân. Ngược lại, có những người rơi vào nỗi bất hạnh, nỗi chán trường, nỗi trống vắng ngay trên đống vinh hoa lạc thú, hay khi đang nắm trong tay quyền cao chức trọng.
Dường như hạnh phúc chân thật chẳng có dây mơ rễ má gì với giầu và nghèo; vinh và nhục; mạnh và yếu; thông minh và ngu dốt. Hạnh phúc vượt ra ngoài những thứ rào cản đó. Nó không lệ thuộc vào bất cứ một thứ gì. Nó là của mọi người, không trừ một ai, dù sang hay hèn, dù bần cùng hay quyền quý. Và con người chỉ có thể cảm nghiệm được nó, chiếm hữu được nó, không phải trong quá khứ, cũng chẳng phải từ tương lai, nhưng là trong giây phút hiện tại, và chỉ trong hiện tại mà thôi.
Cho nên, vấn đề “tu là cõi phúc, tình là dây oan”, điều đó chẳng có nghĩa lý gì đối với những ai đang sống trong giây phút hiện tại, và đang ý thực được sự hiện diện của mình trong dòng thời gian, cũng như đang biết được ý nghĩa đích thực của đời mình. Đối với họ, chẳng có gì là cõi phúc, chẳng có gì là dây oan. Cuộc đời vẫn đẹp và tình yêu vẫn đẹp. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời này chính là sự hiện diện của SỰ SỐNG và SỰ THẬT, “sự thật sẽ giải phóng họ” (Ga 8, 32). Sự thật đó, đối với chúng ta, chính là Đức Giêsu Kitô. Ngài “là đường, là sự thật và là sự sống”(Ga 12,6). Ngài đã đến trong thế gian để cho “con người được sống và sống thật dồi dào” (Ga 10,10). Ngài là tình yêu (x.1Ga 4, 8), là hạnh phúc, là phút giây hiện tại, là “Alpha và Omega – khởi điểm và tận cùng” (Kh 1, 8). “không có Ngài thì không có gì được tạo thành” (Ga 1, 3). “Ngài đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 3). Ngài đã chen chân vào đời, sống kiếp con người và chết ô nhục trên thập giá là vì yêu thương chúng ta. Ngài yêu ai là yêu cho đến cùng (x. Ga 13, 1). “Ngài là ánh sáng, ánh sáng thì không bị bóng tối dập tắt, nhưng chiếu soi cho mọi người” (Ga 1, 9). Cõi phúc chính là có sự hiện diện của Ngài, dây oan là từ chối Ngài, là quay lưng lại với Ngài.
Có sự hiện diện của Ngài, và sống trong tình yêu thương của Ngài, thì Tu cũng là cõi phúc, mà Tình cũng là cõi phúc. Bởi vì, Ngài chính là nguyên lý của vạn vật, là hạnh phúc và lẽ sống của con người; “không có Ngài chúng ta không thể làm gì được” (Ga 15, 5). Ngài luôn mời gọi và mong muốn chúng ta kết hợp với Ngài như “ngành nho gắn liên với thân nho” (Ga 15, 5). Và “chính từ nguồn sung mãn của Ngài mà hết thảy chúng ta nhận được từ ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16).
Vâng, thưa các bạn, cõi phúc là có Chúa trong cuộc đời, là chọn Ngài làm gia nghiệp của đời mình, là luôn mở rộng cõi lòng để đón nhận tình thương và ân sủng; có Chúa trong đời thì tu cũng là cõi phúc, mà tình cũng là cõi phúc. Khi đã xác tín mạnh mẽ về điều đó, chúng ta sẽ thấy rằng, Tu hay không Tu, điều đó không quan trọng.Điều quan trọng nhất chính là Thánh Ý Chúa được thực hiện trên cuộc đời của mình. Nếu cuộc đời được coi là một sân khấu, và Chúa chính là người đạo diễn, thì mình cứ diễn vai diễn của mình sao cho thật hoàn hảo, thật xuất sắc và đầy đủ, cho dù đó chỉ là vai diễn của một anh hề hay một bác nhà quê... Chính lúc như thế, là lúc ta đang để cho Thánh Ý Chúa được thực hiện trên cuộc đời của mình rồi; mà Thánh Ý Chúa, nói theo cảm nhận của thánh Inhaxiô, là điều tuyệt vời nhất cho cuộc đời mỗi người chúng ta.

                                                                                                                                        Lê Quốc Dũng

“Tu là cõi phúc, tình là dây oan”? Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Admin